VCCI góp ý Dự thảo Thông tư quy định về định danh nguồn nước khoáng và phân cấp trữ lượng khai thác nước khoáng

Thứ Năm 10:59 10-04-2014

Kính gửi:       Văn phòng Hội đồng Đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia

            Bộ Tài nguyên và Môi trường

Trả lời Công văn số 4074/BTNMT-VPTLKS của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc góp ý Dự thảo Thông tư quy định về định danh nguồn nước khoáng và phân cấp trữ lượng khai thác nước khoáng (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở góp ý của các doanh nghiệp, hiệp hội, nghiên cứu của chuyên gia, có một số ý kiến như sau:

Việc định danh và phân cấp trữ lượng nước khoáng là cần thiết cho việc thẩm định đề án thăm dò và phê duyệt trữ lượng khai thác khoáng sản là nước khoáng. Trước nay hoạt động này cũng đã được thực hiện nhưng phương pháp định danh và phân cấp trữ lượng chưa được công khai, minh bạch, vì vậy việc ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về vấn đê này sẽ giúp doanh nghiệp hoạt động khoáng sản và cơ quan quản lý Nhà nước có căn cứ rõ ràng và đầy đủ trong việc việc xin cấp phép và cấp phép thăm dò và khai thác nước khoáng.

Nước khoáng là một loại khoáng sản, nhưng khác với các loại khoáng sản khác là nếu nước khoáng tự nhiên không được sử dụng thì chúng cũng sẽ mất đi (khi bị hòa tan vào các nguồn nước khác). Nhưng nếu sử dụng khai thác quá mức, vượt quá khả năng tái tạo của nguồn nước thì cũng sẽ gây các hậu quả xấu. Vì thế, quản lý nước khoáng nên áp dụng theo cơ chế tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp khai thác, sử dụng nguồn nước khoáng, nhưng không được vượt quá ngưỡng tái tạo[Trang1] .

Về cơ bản các quy định tại Dự thảo là rõ ràng, hợp lý, tuy nhiên để hoàn thiện đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét một số quy định sau:

1.      Tên gọi của văn bản

Căn cứ cơ bản để ban hành của Thông tư này là khoản 2 Điều 2 Luật Khoáng sản. Điều luật này quy định: “Nước khoáng là nước thiên nhiên dưới đất, có nơi lộ trên mặt đất, có thành phần, tính chất và một số hợp chất có hoạt tính sinh học đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam hoặc tiêu chuẩn nước ngoài được phép áp dụng tại Việt Nam.”. Như vậy, nếu Dự thảo này hướng dẫn chi tiết cho khoản 2 Điều 2 Luật Khoáng sản thì tên văn bản phải là “Tiêu chuẩn kỹ thuật Việt Nam về nước khoáng”.

Hơn nữa, không rõ “định danh nguồn nước khoáng và phân cấp trữ lượng khai thác nước khoáng” có được xem là tiêu chuẩn kỹ thuật Việt Nam về nước khoáng hay không?

Nếu là tiêu chuẩn kỹ thuật thì đề nghị nêu rõ như vậy.

Nếu không phải là tiêu chuẩn kỹ thuật thì về mặt logic Thông tư này không có quy định thực chất (bởi Dự thảo hiện chỉ nêu các định nghĩa, khái niệm phân cấp mà không có quy định đi kèm – ví dụ quy định về quy tắc áp dụng cho đề án thăm dò và phê duyệt trữ lượng khai thác đối với từng loại nguồn nước khoáng, mỏ nước khoáng, hay từng cấp trữ lượng nước khoáng).

Do vậy, để đảm bảo tính thống nhất pháp lý cũng như rõ ràng trong áp dụng, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc lại mục tiêu của Dự thảo (quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật hay quy định về cơ chế quản lý đối với từng loại nguồn nước khoáng) và điều chỉnh tên gọi, nội dung của Thông tư tương ứng với mục tiêu.

2.      Về phân cấp trữ lượng khai thác nước khoáng (Điều 6, 7-10 Dư thảo)

(i)                Về thẩm quyền cấp phép khai thác nước khoáng theo trữ lượng (Điều 6.3)

Trong khi tất cả các quy định của Dự thảo đều mang tính định nghĩa (định danh, phân loại) thì duy nhất có Khoản 3 Điều 6 Dự thảo có quy định thực chất (về cơ chế áp dụng). Không rõ quy định này có ý nghĩa gì (bởi trong khi tất cả các điều khoản khác không có quy định về cơ chế liên quan)?

Hơn nữa, quy định này không phù hợp với Luật Khoáng sản, theo đó những điều kiện để cấp phép khai thác khoáng sản đều đã được quy định tại Luật Khoáng sản

Ngoài ra, về mặt nội dung, quy định này không rõ ràng, ít nhất ở các điểm sau:

-         “từ cấp B trở lên” được hiểu như thế nào? (không rõ cách tính cấp ở đây theo chiều nào: cấp A cao hơn cấp B, hay cấp C cao hơn cấp B??? – chú ý là về mặt logic thì việc phân cấp theo alphabet không tự động cho phép xác định được cấp nào là cao hơn, cấp nào thấp hơn)

-         “Cơ quan có thẩm quyền cấp phép khai thác nước khoáng trên cơ sở trữ lượng từ cấp B trở lên”: Vậy “dưới cấp B” thì ai cho phép? hay là có thể tự động khai thác mà không cần xin phép?

Hơn nữa, quy định “khai thác nguồn nước khoáng trên cơ sở trữ lượng cấp B” có đồng nghĩa với “khai thác nguồn nước khoáng trữ lượng cấp B”? nếu không thì “nguồn nước khoáng trên cơ sở trữ lượng cấp B” có nghĩa là gì?

Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo nếu vẫn giữ quy định tại Khoản 3 Điều 6 thì cần:

-         Làm rõ các điểm nêu trên của khoản 3 Điều 6

-         Làm rõ sự phù hợp với Luật Khoáng sản 2010

-         Bổ sung các quy định có ý nghĩa tương tự (quy định về cơ chế áp dụng, trừ điều kiện cấp phép) cho tất cả các trường hợp còn loại (loại nguồn nước khoáng, mỏ nước khoáng) của Dự thảo.

(ii)             Về phân cấp trữ lượng khai thác nước khoáng (Điều 6.1 Dự thảo)

Dự thảo hiện quy định 03 cơ sở để phân cấp trữ lượng khai thác nước khoáng (khoản 1 Điều 6). Tuy nhiên Dự thảo lại thiếu các quy định chi tiết thế nào là “trữ lượng cấp A/B/C”. Nói cách khác, mặc dù Dự thảo đã đưa ra các yếu tố phải xem xét để xác định cấp trữ lượng nhưng Dự thảo chưa quy định tiêu chí cụ thể để xác định một nguồn nước khoảng X nào đó có trữ lượng khai thác cấp A,B hay C (ví dụ dung tích nhiều tới đâu, ổn định tới đâu, nghiên cứu phải đáng tin cậy tới đâu thì được là cấp A…).

Chú ý là các quy định tại các Điều từ 7 đến 10 Dự thảo bao gồm các tiêu chí chi tiết để xác định mức độ chi tiết và mức độ tin cậy của nghiên cứu về trữ lượng, chứ không phải tiêu chí để xác định một nguồn nước khoáng có trữ lượng thuộc cấp nào.

Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định tại Khoản 1 Điều 6 theo hướng làm rõ các tiêu chí cụ thể để xác định một nguồn nước khoáng là ở cấp A, B, C1 hay C2.

3.      Về phân cấp mức độ nghiên cứu trữ lượng khai thác

(i)                Về yêu cầu về mức độ nghiên cứu trữ lượng cấp A/B/C (Điều 7,8,9,10 Dự thảo)

Nếu với mục tiêu là xác định độ sâu, độ tin cậy của nghiên cứu (các mức độ nghiên cứu khác nhau) đối với nguồn nước khoáng thì quy định tại Điều 7,8,9,10 có thể là phù hợp.

Tuy nhiên, nếu theo mục tiêu này thì về mặt logic, mức độ tin cậy của nghiên cứu đối với nguồn nước không đồng nghĩa với trữ lượng khai thác của nguồn nước (ví dụ: sau khi thực hiện nghiên cứu rất chi tiết, rất tỉ mỉ, người ta phát hiện ra rằng nguồn nước được nghiên cứu chỉ có trữ lượng khai thác ở mức thấp – C chẳng hạn).

Trên thực tế, việc xác định cấp trữ lượng khai thác cần dựa một phần vào tiêu chí mức độ tin cậy của nghiên cứu, và vì vậy độ tin cậy là cần được phân cấp (nghiên cứu tỉ mỉ hay không tỉ mỉ…). Nhưng việc phân cấp về mức độ tin cậy của nghiên cứu đó chỉ là một tiêu chí trong nhiều tiêu chí để xác định một nguồn nước khoáng có trữ lượng khai thác thuộc cấp nào mà thôi (Nói cách khác, không phải là cứ nguồn nước khoáng được nghiên cứu tỉ mỉ, đáng tin cậy như quy định tại Điều 7 Dự thảo thì nguồn nước đó chắc chắn sẽ có “trữ lượng khai thác cấp A” được).

Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc lại cách tiếp cận ở các quy định từ Điều 7 tới Điều 10 theo hướng:

- Không gắn mức độ nghiên cứu với phân cấp trữ lượng khai thác nước khoáng;

- Các quy định tại các Điều này là các tiêu chí phân cấp mức độ tin cậy của nghiên cứu về trữ lượng khai thác mà không phải là phân cấp trữ lượng khai thác (tức là không gắn trữ lượng khai cấp A/B/C1/C2 với mức độ tin cậy của nghiên cứu).

(ii)             Về chất lượng nước khoáng của trữ lượng cấp A

Khoản 2 Điều 7 Dự thảo quy định: “Chất lượng nước khoáng được nghiên cứu một cách chính xác và toàn diện theo tất cả các tiêu chí yêu cầu sử dụng nước khoáng, chứng minh được chất lượng nước khoáng sẽ nằm trong giới hạn cho phép, trong thời gian dự kiến khai thác; thành phần ion-muối, khí và nhiệt độ nước khoáng không thay đổi trong thời gian khai thác.” Một số chuyên gia cho rằng, quy định này là chưa hợp lý, bởi vì trên thực tế, không có nguồn nước khoáng nào đáp ứng được điều kiện này, do các thành phần, thông số trong nước khoáng không thể là bất biến. Các thông số này chỉ được coi là ổn định trong giới hạn cho phép, với giới hạn càng nhỏ thì tính ổn định càng cao. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định trên theo hướng thay cụm từ “không thay đổi” thành “ổn định trong giới hạn cho phép”, và quy định rõ giới hạn này.

(iii)           Một số góp ý khác

-         Yêu cầu về điều kiện khai thác (khoản 3 Điều 7): Dự thảo quy định yêu cầu về điều kiện khai thác cấp A là: “Điều kiện khai thác mỏ được xác định một cách chắc chắn”; “Đã lập dự án đầu tư khai thác nước khoáng hợp lý nhất”. Quy định này là chưa rõ ràng, mang tính định tính và có thể tạo cách hiểu chưa thống nhất giữa các đối tượng áp dụng: không rõ như thế nào được cho là “một cách chắc chắn”, “hợp lý nhất”? Đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định này theo hướng có thể định lượng được để tạo cách hiểu thống nhất giữa các đối tượng áp dụng.

-         Kỹ thuật soạn thảo văn bản: Đề nghị Ban soạn thảo thay đổi cụm từ “định danh” thành “xác định” để đảm bảo sự rõ ràng, dễ hiểu, hơn nữa “định danh” là từ Hán Việt, thường không được sử dụng trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Thông tư Quy định về định danh nguồn nước khoáng và phân cấp trữ lượng khai thác nước khoáng. Rất mong Quý Cơ quan cân nhắc trong quá trình sửa đổi nội dung Dự thảo.

Trân trọng cảm ơn.


 [Trang1]Đoạn này chỉ thích hợp nếu Văn bản này có quy định cụ thể về ngưỡng/cách thức khai thác

Các văn bản liên quan