VCCI góp ý Dự thảo Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý sử dụng phí thẩm định và lệ phí cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá

Thứ Năm 16:35 14-08-2014

Kính gửi: Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính

Trả lời Công văn số 9488/BTC-CST của Bộ Tài chính ngày 14/07/2014 về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý sử dụng phí thẩm định và lệ phí cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, có một số ý kiến về như sau:

1.     Mức thu phí

Điều 3 Dự thảo quy định:

-         Mức thu phí thẩm định hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá là 4.000.000 đồng/hồ sơ

-         Mức thu lệ phí cấp, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá là 200.000 đồng/Giấy chứng nhận

Liên quan đến mức thu phí, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét một số vấn đề sau:

-         Về việc gộp chung mức phí thẩm định cho thủ tục cấp lần đầu Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá (Giấy chứng nhận) và phí thẩm định cho thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận này:

Dự thảo quy định chung một mức phí cho thẩm định của hai loại thủ tục này là chưa hợp lý, bởi vì: Đối với thủ tục cấp lại (trong trường hợp Giấy chứng nhận bị mất, bị rách, bị cháy hoặc bị hủy) thì doanh nghiệp chỉ cần gửi Đơn đề nghị, Giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân hoặc cơ quan công an cấp xã nơi Giấy chứng nhận bị mất hoặc bị hủy hoại (khoản 2 Điều 14 Nghị định 89/2013/NĐ-CP về thẩm định giá). Việc thẩm định hồ sơ này rất đơn giản: chỉ cần xem xét đủ tài liệu theo yêu cầu còn việc xác nhận tính chính xác của vụ việc (bị mất, cháy, tiêu hủy) đã có cơ quan có thẩm quyền khác xác nhận rồi. Trong khi đó, Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận lần đầu gồm nhiều tài liệu hơn và mức độ phức tạp hơn (Ban sao hợp đồng lao động; tài liệu chứng minh về mức vốn góp của thành viên là tổ chức theo quy định; …).

Do đó, quy định mức phí cho hoạt động thẩm định hồ sơ để cấp lại Giấy chứng nhận bằng mức phí cho cấp Giấy chứng nhận lần đầu là không tương xứng với mức độ công sức của cán bộ thực hiện thủ tục cũng như tính chất phức tạp giữa hai thủ tục.

Để đảm bảo tính hợp lý, đề nghị Ban soạn thảo quy định mức phí thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận riêng với mức phí thẩm định cấp lại Giấy chứng nhận, trong đó với thủ tục cấp lại thì mức phí thấp hơn.

-         Về mức phí thẩm định: Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 thì mức phí thẩm định Hồ sơ cấp, cấp lại Giấy chứng nhận là 4.000.000 đồng/hồ sơ.

Mức phí này không phù hợp (trái) với quy định về mức thu phí thẩm định kinh doanh hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực thương mại quy định tại Thông tư 77[1] (là 1.200.000 đồng/lần thẩm định).

Mặc dù dịch vụ thẩm định giá không được liệt kê tại Danh mục Hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện quy định Phụ lục III của Nghị định 59[2] nhưng về nguyên tắc dịch vụ này vẫn thuộc phạm vi áp dụng của Nghị định 59 (và Thông tư 77) bởi:

+Xét về bản chất thì kinh doanh dịch vụ thẩm định giá cũng là một loại dịch vụ phải đáng ứng điều kiện kinh doanh, phải được cấp phép tương đương với hình thức quản lý quy định tại Phục lục II Nghị định 59

+ Nghị định 59 ban hành năm 2006 với mục tiêu là tập hợp các hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện tại thời điểm 2006 và các Danh sách này phải liên tục cập nhật để đảm bảo yếu tố minh bạch, công khai các loại hàng hóa, dịch vụ với các hình thức quản lý tương ứng. Việc dịch vụ này (cùng với nhiều dịch vụ, hàng hóa khác) được quy định sau năm 2006 chưa được đưa vào Danh mục là do các cơ quan có trách nhiệm chưa thực hiện đúng nghĩa vụ quy định tại Nghị định 59. Tuy nhiên không thể vì thiếu sót này mà tính chất cũng như phạm vi áp dụng của Nghị định 59 và các văn bản liên quan bị thay đổi. Do đó, dịch vụ thẩm định giá cần và phải được xem là loại dịch vụ kinh doanh có điều kiện và tuân thủ các quy định chung liên quan tới nhóm này của Nghị định 59 và các văn bản liên quan, trong đó có Thông tư 77.

Như vậy, Dự thảo đang quy định mức phí thẩm định hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thẩm định giá cao hơn gấp 3 lần phí thẩm định kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có điều kiện theo quy định của Thông tư 77.

Ngoài ra, ngay cả khi dịch vụ thẩm định giá không nằm trong nhóm dịch vụ kinh doanh có điều kiện thì cũng khó lý giải tại sao mức phí thẩm định đối với trường hợp dịch vụ thẩm định giá lại cao gấp 3 lần so với mức phí thẩm định cấp phép tối đa áp dụng đối với các hoạt động tương tự trong các lĩnh vực dịch vụ khác.

Do đó, đề nghị Ban soạn thảo xem xét hạ mức phí thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá xuống bằng với mức thu phí quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư 77.

2.     Quản lý sử dụng

Khoản 1 Điều 4 Dự thảo quy định, “đối với phí thẩm định điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, cơ quan thu phí được để lại 80% số phí thu được để trang trải chi phí cho công tác tổ chức thu phí (trừ các khoản đã được ngân sách nhà nước thanh toán). Số tiền phí còn lại 20% cơ quan thu phí phải nộp vào ngân sách nhà nước theo Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành”.

Quy định này là chưa hợp lý, chưa thống nhất với các văn bản pháp luật liên quan ở các khía cạnh sau:

Khoản 2 Điều 3 Thông tư 77 quy định: Phí thẩm định kinh doanh hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực thương mại là khoản thu thuộc ngân sách nhà nước theo đó:

-         Trường hợp cơ quan thu phí đã được ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí cho hoạt động thu phí theo dự toán hàng năm thì cơ quan thu phí phải nộp toàn bộ số tiền phí thu được vào Ngân sách Nhà nước.

-         Trường hợp cơ quan thu phí không được Ngân sách Nhà nước bảo đảm kinh phí cho hoạt động thu phí hoặc được ủy quyền thu phí ngoài chức năng, nhiệm vụ thường xuyên thì cơ quan thu phí được để lại 50% tổng số tiền thu phí để trang trải cho việc thu phí, phần còn lại phải nộp vào Ngân sách Nhà nước.

Như vậy theo quy định này thì mức giữ lại của cơ quan thu phí trong mọi trường hợp không được vượt quá 50%.

Hơn nữa, theo quy định tại điểm c khoản 10 Điều 2 Quyết định số 789/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính ngày 17/04/2014 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý giá thì Cục Quản lý giá có nhiệm vụ “cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá”. Như vậy, có thể thấy cấp Giấy chứng nhận là hoạt động thường xuyên, thuộc chức năng nhiệm vụ của Cục (và do đó có thể không thuộc trường hợp được phép để lại một phần số tiền thu phí).

Vì vậy đề nghị Ban soạn thảo xem xét điều chỉnh lại quy định này để đảm bảo tương thích với các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý sử dụng phí thẩm định và lệ phí cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Ngoài ra gửi kèm theo phụ lục một số góp ý cụ thể về Dự thảo mà một số doanh nghiệp gửi cho Phòng Thương mại và Công nghiệp để Quý Cơ quan tham khảo.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.



[1] Thông tư 77/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh phí thẩm định kinh doanh hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực thương mại; lệ phí cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; lệ phí cấp Giấy phép kinh doanh thuộc lĩnh vực thương mại và lệ phí cấp Giấy phép thành lập sở giao dịch hàng hóa

[2] Nghị định 59/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện

Các văn bản liên quan