VCCI góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn biểu mẫu thực hiện thủ tục đầu tư và báo cáo hoạt động đầu tư tại Việt Nam
VCCI góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế bảo vệ công trình cảng biển và luồng hàng hải ban hành kèm theo Nghị định số 109/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ
VCCI góp ý Dự thảo Thông tư quy định hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Y tế
Kính gửi: Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế
Trả lời Công văn số 4840/BYT-ATTP ngày 07/7/2015 của Bộ Y tế về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư quy định hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Y tế (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có một số ý kiến như sau:
1. Nội dung kiểm tra (Điều 5)
a. Tính thống nhất giữa nội dung kiểm tra với các Biên bản kiểm tra
Khoản 2 Điều 5 Dự thảo quy định khá cụ thể về các nội dung mà đoàn kiểm tra sẽ kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Tuy nhiên những nội dung này lại chưa được thể hiện đầy đủ trong Biên bản kiểm tra an toàn thực phẩm tại cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm (Phụ lục III) và Biên bản kiểm tra an toàn thực phẩm tại cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố (Phụ lục IV) chẳng hạn như: kiểm tra nội dung ghi nhãn sản phẩm (nhãn chính, nhãn phụ) (điểm d khoản 2); kiểm tra thực hiện quy định về quảng cáo thực phẩm (điểm đ khoản 2); kiểm tra hồ sơ liên quan đến thực hiện kiểm tra nhà nước đối với thực phẩm nhập khẩu (đối với cơ sở nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm nhập khẩu) (điểm e khoản 2).
Điều này sẽ khiến cho việc kiểm tra an toàn thực phẩm tại cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thiếu rõ ràng ở điểm:
- Những nội dung kiểm tra quy định tại khoản 2 Điều 5 trên sẽ được ghi nhận về việc đã kiểm tra những nội dung này trong loại giấy tờ nào khi Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra?
- Đoàn kiểm tra sẽ kiểm tra những nội dung cụ thể nào để đánh giá được hoạt động của cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các nội dung quy định tại điểm d, đ, e khoản 2 Điều 5.
Để đảm bảo tính thống nhất và minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung những nội dung kiểm tra quy định tại điểm d, đ, e khoản 2 Điều 5 tại các Biên bản trong Phụ lục III, IV Dự thảo.
b. Trường hợp lấy mẫu kiểm nghiệm
Điểm g khoản 2 Điều 5 Dự thảo quy định một trong những nội dung kiểm tra sẽ là “lấy mẫu kiểm nghiệm trong trường hợp cần thiết”. “Trường hợp cần thiết” là khái niệm mang tính định tính, trao nhiều quyền suy đoán cho cán bộ thực thi, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng, sẽ tiến hành lấy mẫu kiểm nghiệm nếu có sự cảnh báo vi phạm, có dấu hiệu vi phạm hoặc theo phản ánh của tổ chức, cá nhân có liên quan đến an toàn thực phẩm.
2. Về trình tự, thủ tục kiểm tra và xử lý kết quả kiểm tra (Điều 7)
Khoản 2 Điều 7 Dự thảo quy định về trình tự thực hiện kiểm tra của đoàn kiểm tra, tuy nhiên các bước được sắp xếp dường như là chưa hợp lý ở điểm: bước “xử lý kết quả kiểm tra” (điểm d) lại xếp trước “tổng hợp báo cáo cơ quan ra quyết định kiểm tra” (điểm đ).
“Xử lý kết quả kiểm tra” được hiểu là cách hành xử của cơ quan nhà nước sau khi có kết quả kiểm tra: nếu cơ sở không vi phạm thì sẽ ghi nhận là không vi phạm; nếu có vi phạm sẽ xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Để đến được bước này thì đoàn kiểm tra phải có bản tổng hợp báo cáo tới cơ quan có thẩm quyền về kết quả kiểm tra qua đó xác định hoạt động tiếp theo. Vì vậy, bước “tổng hợp báo cáo cơ quan ra quyết định kiểm tra” nên được xếp trước “xử lý kết quả kiểm tra”.
Đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại trình tự thực hiện kiểm tra trên.
3. Các Biên bản kiểm tra tại Phụ lục III, IV
a. Nội dung và kết quả kiểm tra:
Các nội dung kiểm tra sẽ được đánh giá kết quả theo hai cột là: “Đạt/Có” hoặc “Không đạt/Không có”. Nội dung này không rõ ở điểm, khi đánh dấu vào mỗi cột thì kết quả đó được hiểu là “Đạt” hay “Có”; “Không đạt” hay “Không có”? Bởi, ý nghĩa của các khái niệm này là khác nhau và có nhiều trường hợp, cơ sở có những cơ sở vật chất nhưng lại không đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định, như vậy thì đánh dấu vào cột này được hiểu như thế nào?
Đề nghị Ban soạn thảo tách riêng các nội dung đánh giá này thành các cột khác nhau như sau:
Kết quả |
||||
Có |
Không có |
Đạt |
Không đạt |
|
Đạt |
Không đạt |
|||
b. Biên bản kiểm tra an toàn thực phẩm tại cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố (Phụ lục IV)
Theo quy định tại Thông tư 30/2012/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố (Thông tư 30) thì cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được chia thành:
- Cơ sở chế biến suất ăn sẵn
- Căng tin kinh doanh ăn uống; bếp ăn tập thể; bếp ăn, nhà hàng ăn của khách sạn, khu nghỉ dưỡng; nhà hàng ăn uống
- Cửa hàng ăn uống
- Cửa hàng, quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chin
- Kinh doanh thức ăn đường phố
Ở mỗi loại cơ sở kinh doanh thì có những điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm phải đáp ứng, vì vậy gộp chung các nội dung kiểm tra của các cơ sở kinh doanh vào một Biên bản là chưa hợp lý, sẽ có trường hợp hợp cơ sở kinh doanh bị đánh giá là “Không có” trong mục kết quả, có thể dẫn tới cách hiểu là “không đạt”, gây bất lợi cho doanh nghiệp bị kiểm tra.
Do vậy, để đảm bảo kiểm soát được an toàn thực phẩm và phù hợp với mỗi đặc điểm của cơ sở kinh doanh, đề nghị Ban soạn thảo tách Biên bản kiểm tra an toàn thực phẩm quy định tại Phụ lục IV thành các Biên bản kiểm tra an toàn thực phẩm tại cơ sở kinh doanh dịch vụ tương ứng với mỗi loại hình trên và kinh doanh thức ăn đường phố.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư quy định hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Y tế. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan.