VCCI góp ý Dự thảo Thông tư liên tịch sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN quy định về quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu
Kính gửi: Vụ Khoa học và Công nghệ - Bộ Công Thương
Trả lời Công văn số 5264/BCT-KHCN của Bộ Công Thương về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư liên tịch sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN quy định về quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở góp ý của doanh nghiệp, có một số ý kiến như sau:
1. Về xác nhận năng lực sản xuất thép
(i) Về căn cứ pháp lý của thủ tục này
Điều 6 Thông tư 44 (sửa đổi tại điểm 5 Dự thảo) và Phụ lục II Thông tư 44 quy định về thủ tục xác nhận năng lực sản xuất, nhu cầu và mục tiêu sản xuất thép áp dụng riêng đối với loại thép được nêu trong Danh mục (bao gồm thép hợp kim chứa Bo, Cr theo hàm lượng quy định, thép sản xuất que hàn).
Theo các quy định này thì ngoài thủ tục kiểm tra chất lượng thép thông thường, đối với các loại thép nằm trong Danh mục nói trên doanh nghiệp phải nộp Bản đăng ký mục tiêu, năng lực sản xuất có xác nhận của Bộ Công thương và Hợp đồng mua bán/ủy quyền nhập khẩu với người sử dụng đã được Bộ Công thương xác nhận năng lực sản xuất (nếu người nhập khẩu không phải người sử dụng).
Quy định này được hiểu là trong khi đối với tất cả các loại thép khác, sản phẩm thép cứ đáp ứng chất lượng theo quy định và tuân thủ quy trình kiểm tra chất lượng thép là được nhập khẩu, thì riêng đối với 03 loại thép này bên cạnh việc đáp ứng yêu cầu về chất lượng còn phải đáp ứng thêm điều kiện về năng lực sản xuất (phải có năng lực sản xuất được xác nhận mới được phép nhập khẩu các loại thép này).
Quy định này (bao gồm cả quy định gốc trong Thông tư 44 và quy định bổ sung trong Dự thảo) có lẽ là chưa hợp lý bởi:
- Năng lực sản xuất không liên quan gì tới chất lượng của thép nhập khẩu; vì vậy nếu muốn quản lý về năng lực sản xuất thì quy định này phải đặt ở một Thông tư khác chứ không phải Thông tư về kiểm tra và quản lý chất lượng thép nhập khẩu này;
- Quy định này về bản chất là hạn chế quyền tự do kinh doanh (quyền tự do nhập khẩu) của doanh nghiệp và thương nhân đối với một loại sản phẩm thông thường (thép), trong khi lại thiếu một căn cứ pháp lý vững chắc.
Về mặt pháp lý, thép hiện được xếp vào diện hàng hóa thông thường, không gây ra rủi ro nào đáng kể về an ninh quốc phòng hay ảnh hưởng tới lợi ích công cộng (khác với xăng dầu, mìn, thuốc nổ, rượu…), và vì vậy về nguyên tắc là không phải chịu bất kỳ hạn chế nào trong sản xuất, mua bán và sử dụng.
Dự thảo không có bản thuyết trình về lý do của việc kiểm soát năng lực sản xuất đối với riêng các loại thép được liệt kê này, tuy nhiên, ngay cả khi việc kiểm soát này được chứng minh là cần thiết (ví dụ để hạn chế tình trạng gian lận thương mại, lợi dụng mức thuế ưu đãi đang áp dụng cho các loại thép này để nhập khẩu các loại thép khác) thì việc quy định về điều kiện này cũng được xem như là một hạn chế đáng kể đối với quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.
Do đó, ngay cả khi có lý do xác đáng để hạn chế việc nhập khẩu 03 loại thép cụ thể (chỉ được phép nhập khẩu với khối lượng tương ứng với năng lực sản xuất) thì quy định hạn chế quyền tự do kinh doanh cầnphải nằm trong một văn bản cấp cao hơn (ít nhất là Nghị định), chứ không thể là cấp Thông tư.
Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc đưa quy định này ra khỏi Thông tư 44 (bởi ít nhất 02 lý do: Việc hạn chế quyền tự do kinh doanh không nên quy định ở văn bản cấp thấp như Thông tư, và Thông tư 44 chỉ kiểm soát về chất lượng thép nhập khẩu, không có mục tiêu kiểm soát năng lực hay nhu cầu thị trường).
Nếu cần thiết phải kiểm soát năng lực sản xuất trong các trường hợp này thì đề nghị Ban soạn thảo:
- Giải trình rõ về mục tiêu quản lý nhà nước đối với quy định phải kiểm soát năng lực sản xuất, nhu cầu và mục tiêu sử dụng thép của các doanh nghiệp nhập khẩu và/hoặc sản xuất thép; và
- Đưa cơ chế kiểm soát này vào một văn bản cấp Nghị định.
(ii) Về quy trình thực hiện thủ tục
Chú ý: góp ý dưới đây về quy trình không làm ảnh hưởng tới ý kiến nói trên về căn cứ pháp lý cho thủ tục xác nhận năng lực sản xuất.
Ngay cả khi thủ tục có tính hạn chế việc nhập khẩu 03 loại thép này được giải trình là cần thiết, xác đáng và không hạn chế bất hợp lý quyền tự do kinh doanh thì quy định về quy trình cũng phải đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng và thuận lợi.
Tuy nhiên, quy định hiện tại dường như chưa đáp ứng được các yêu cầu này. Cụ thể, theo quy định thì để được Bộ Công thương xác nhận năng lực sản xuất, doanh nghiệp sẽ phải nộp 01 bộ hồ sơ gồm các giấy tờ sau đến Bộ Công Thương:
- Giấy đề nghị xác nhận nhu cầu sử dụng thép làm nguyên liệu để sản xuất
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
- Thuyết minh cơ sở vật chất (diện tích nhà xưởng, kho bãi, dây chuyền công nghệ), năng lực sản xuất của doanh nghiệp, chủ loại sản phẩm và nhu cầu thép làm nguyên liệu sản xuất của doanh nghiệp (tấn/năm)
Dựa trên các tài liệu trong hồ sơ trên, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ thẩm định và “xác nhận nhu cầu, mục đích sử dụng thép hàng năm của doanh nghiệp”.
Tuy nhiên, trong quy trình này tại Phụ lục lại không có quy định để làm rõ:
- Cơ quan có thẩm quyền sẽ dựa vào tiêu chí nào để xác nhận năng lực, nhu cầu và mục tiêu sử dụng thép của doanh nghiệp?
Chú ý là việc Nhà nước kiểm soát lượng nhập khẩu dựa trên đánh giá về nhu cầu, mục tiêu sử dụng thép của doanh nghiệp là rất khó khả thi và không hiện thực bởi bản thân năng lực sản xuất hay số lượng nguyên liệu cần nhập khẩu phục vụ sản xuất là phụ thuộc vào suy đoán về nhu cầu của thị trường trong tương lai (mà điều này thì không chỉ Nhà nước mà bản thân doanh nghiệp cũng khó có thể suy đoán trước một cách chắc chắn và chính xác) – ví dụ, nếu dự báo giá nguyên liệu sẽ tăng cao, doanh nghiệp có thể nhập khẩu nhiều hơn năng lực sản xuất để tranh thủ giá nguyên liệu vào thời điểm nhập khẩu đang thấp – vậy khi đó Nhà nước có lý do gì để cản trở doanh nghiệp thực hiện tính toán kinh doanh của mình (đặc biệt khi tính toán đó không làm phương hại đến lợi ích công cộng nào).
- Giá trị pháp lý của văn bản xác nhận năng lực sản xuất quy định tại Phụ lục II: doanh nghiệp chỉ được phép nhập khẩu số lượng thép như đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền? Văn bản này không có thời hạn về hiệu lực, được hiểu là sử dụng cho mỗi lần nhập khẩu hay là cho cả quá trình hoạt động? Nếu có sự thay đổi về năng lực sản xuât thì doanh nghiệp có phải thực hiện lại thủ tục xác nhận năng lực sản xuất không?
Từ các phân tích trên, nếu giải trình được sự cần thiết của cơ chế kiểm soát năng lực sản xuất này và đưa vào văn bản cấp Nghị định, đề nghị Ban soạn thảo lưu ý:
- Quy định rõ về tiêu chí để cơ quan nhà nước xem xét hồ sơ;
- Quy định rõ ý nghĩa pháp lý của văn bản xác nhận năng lực sản xuất này.
2. Về kiểm soát chất lượng đối với thép nhập khẩu “loại 2”
Theo phản ánh thì có khá nhiều doanh nghiệp hiện kinh doanh nhập khẩu “Thép loại 2” (trong ngành thép không có khái niệm thép “loại 2”, nhưng thuật ngữ này đang được các doanh nghiệp sử dụng để gọi các loại thép không đáp ứng được quy trình về kiểm soát chất lượng theo quy định tại Thông tư 44 cũng như quy định tại Dự thảo), gặp khó khăn (thậm chí là không thể) nhập khẩu loại thép này bởi các lý do:
- Quy định tại Thông tư 44 về việc bắt buộc kiểm tra chất lượng của mỗi loại thép nhập khẩu theo tiêu chuẩn kỹ thuật mà doanh nghiệp công bố là không khả thi đối với “thép loại 2”.
Đặc thù của các lô hàng thép loại 2 là trong mỗi lô hàng nhập khẩu có rất nhiều loại thép khác nhau, tương ứng với rất nhiều tiêu chuẩn khác nhau và không được phân loại tiêu chuẩn tại nguồn. Vì vậy, doanh nghiệp nhập khẩu thép loại 2 hầu như không có thể đáp ứng được quy trình kiểm soát chất lượng tại Thông tư 44 (phải phân loại cụ thể các loại thép trong lô hàng nhập và kiểm soát chất lượng từng loại một). Mà thép không đáp ứng quy trình kiểm tra chất lượng thì không được nhập khẩu. Do đó, điều này đồng nghĩa với việc các loại thép loại 2 sẽ không được nhập khẩu.
- Nếu xếp thép loại 2 là thép phế liệu và kiểm soát việc nhập khẩu theo hình thức nhập khẩu phế liệu thì các doanh nghiệp đang kinh doanh loại thép này không đáp ứng điều kiện về mặt chủ thể được nhập khẩu phế liệu theo quy định tại Thông tư liên tịch 34/2012/TTLT-BCT-BTNMT.
Xét từ góc độ logic, việc kiểm soát chất lượng thép nhập khẩu cũng như thép sản xuất trong nước là cần thiết, nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của người tiêu dùng/ngành sản xuất sử dụng các hàng hóa này. Đồng thời, đây cũng là cách thức để bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính khỏi các doanh nghiệp cố ý nhập khẩu sản xuất chất lượng thấp, không đảm bảo, cạnh tranh không lành mạnh.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng về bản chất, các “thép loại 2” có chất lượng tương đương hàng chính phẩm, bởi vì là hàng chính phẩm tồn kho, hàng sản xuất dư thừa, hàng bị hủy hợp đồng, hàng sai quy cách hoặc không đúng khổ thông dụng, hàng còn lại sau khi gia công cơ khí … Vì vậy, nếu các loại thép này được kiểm tra đạt chất lượng thì nên được cho phép nhập khẩu, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp kinh doanh loại hàng hóa này.
Do đó, quy trình kiểm tra chất lượng đối với loại thép này cần được thiết kế để vừa đảm bảo quản lý của Nhà nước về chất lượng thép nhập khẩu, vừa phù hợp với tính chất của loại thép liên quan (không thể phân loại) và không tạo ra rào cản dẫn tới việc “cấm nhập khẩu” trên thực tế loại thép này (trong khi chúng không vi phạm các yêu cầu về chất lượng).
Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét quy định về cơ chế kiểm soát chất lượng đối với thép loại 2 nhập khẩu theo hướng:
- Thay vì kiểm tra tất cả các loại thép trong lô hàng thì chỉ lấy mẫu kiểm tra xác suất đối với mỗi lô hàng “thép loại 2” nhập khẩu (có thể lấy số lượng mẫu nhiều hơn mẫu đối với lô hàng thép một chủng loại, ví dụ 3-5 mẫu/lô hàng thay vì 1 mẫu duy nhất);
- Sau khi lấy mẫu, doanh nghiệp nhập khẩu phải phân loại mẫu thép được lấy (xác định loại thép cụ thể) và cơ quan có thẩm quyền sẽ kiểm tra chất lượng số mẫu đó dựa trên phân loại thép của doanh nghiệp nhập khẩu.
3. Một số góp ý khác
- Về sản phẩm thép không thuộc phạm vi điều chỉnh của Dự thảo (khoản 1 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 1 Thông tư 44):
Dự thảo bổ sung quy định về các sản phẩm thép không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư trong đó có “các sản phẩm thép phục vụ mục đích cụ thể đã quy định tại các Thông tư khác”. Quy định này không rõ các Thông tư hiện tại nào đang quy định về các sản phẩm thép để xác định lại trừ đối tượng không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này.
Vì vậy, để đảm bảo tính rõ ràng, minh bạch đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ tên các Thông tư hiện tại quy định về các sản phẩm thép sẽ không thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư này.
- Về kiểm tra chất lượng thép nhập khẩu tại nước xuất khẩu (tại nguồn) (sửa đổi khoản 3 Điều 6 Thông tư 44)
Theo quy định tại Dự thảo thì đơn vị nhập khẩu sẽ lựa chọn tổ chức đánh giá sự phù hợp để nộp Hồ sơ đăng ký kiểm tra tại nguồn. Tổ chức đánh giá sự phù hợp sẽ đánh giá chất lượng thép tại nguồn và lập Hồ sơ báo cáo kết quả đánh giá sự phù hợp gửi Bộ Công Thương. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ xem xét Hồ sơ và báo cáo kết quả giám sát việc đánh giá của từng thành viên của Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ (đi cùng với Tổ chức đánh giá sự phù hợp tới nước xuất khẩu) để ra thông báo chấp thuận hay không chấp thuận kết quả.
Quy trình này còn một số điểm chưa rõ/chưa thật hợp lý:
- Tại sao cần có cán bộ của 02 Bộ giám sát việc đánh giá của Tổ chức đánh giá (trong khi nguyên tắc hoạt động và trách nhiệm chuyên môn của các Tổ chức này là đã được đảm bảo theo pháp luật - ở bất kỳ nước nào cũng như vậy, đặc biệt trong trường hợp này các tổ chức đánh giá sự phù hợp đã được xem xét và chỉ định bởi Bộ Khoa học Công nghệ)? Số lượng thành viên của 02 Bộ đi sang nước nhập khẩu là bao nhiêu người (chú ý là số lượng này nhiều hay ít sẽ ảnh hưởng lớn tới chi phí của doanh nghiệp)? Liệu 02 Bộ có đủ cán bộ để đi cùng không (nếu không đủ cán bộ để đáp ứng yên cầu của doanh nghiệp thì có thể ảnh hưởng tới kế hoạch kinh doanh (thời điểm nhập khẩu của doanh nghiệp)? Việc giám sát của các cán bộ này của 02 Bộ dựa trên tiêu chí nào, giám sát về những vấn đề gì, trường hợp có ý kiến khác ý kiến của tổ chức đánh giá sự phù hợp thì xử lý thế nào?
- Thời hạn mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải có ý kiến đối với kết quả đánh giá là bao lâu? Chú ý là thời hạn này sẽ ảnh hưởng đến thời điểm Tổ chức đánh giá sự phù hợp ra chứng thư/giấy chứng nhận.
- Việc cho ý kiến (chấp nhận hay không chấp nhận) của Cơ quan có thẩm quyền là dựa trên tiêu chí nào? (chú ý là về mặt nguyên tắc thì tổ chức đánh giá sự phù hợp mới là đơn vị có chuyên môn để đánh giá và họ chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá của mình – Cơ quan Nhà nước không thể đơn giản là bác bỏ các kết quả này).
Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc:
- Cân nhắc dỡ bỏ quy định bắt buộc phải có cán bộ 02 Bộ đi giám sát quá trình đánh giá;
- Quy định cụ thể thời hạn cơ quan thẩm quyền có ý kiến đối với kết quả đánh giá, cũng như các tiêu chí để cơ quan này “có ý kiến”.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư liên tịch sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN quy định về quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan.