VCCI góp ý Dự thảo Nghị định về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp
VCCI góp ý Dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn định giá kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ sử dụng ngân sách nhà nước
Kính gửi: Cục Quản lý Giá – Bộ Tài chính
Trả lời Công văn số 7797/BTC-QLG của Bộ Tài chính ngày 12/06/2014 về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn định giá kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ sử dụng ngân sách nhà nước (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, có một số ý kiến như sau:
Dự thảo được soạn thảo và ban hành để quy định chi tiết khoản 3 Điều 42 Nghị định 08/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Khoa học và Công nghệ, vì vậy các quy định cần phải rõ ràng, chi tiết, cụ thể, đảm bảo có thể thi hành được ngay khi phát sinh hiệu lực.
Ngoài ra, các nội dung của Dự thảo cũng liên quan đồng thời tới các quy định về định giá và pháp luật về giá, vì vậy cần đảm bảo tính thống nhất và hợp lý giữa các quy định tại Dự thảo và các văn bản này.
Rà soát toàn bộ Dự thảo còn một số điểm chưa đáp ứng được yêu cầu trên, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét để hoàn thiện:
1. Về mối quan hệ giữa Dự thảo và các văn bản pháp luật khác
Rà soát các văn bản pháp luật liên quan tới định giá các sản phẩm nói chung và các sản phẩm (tài sản) hình thành từ ngân sách Nhà nước nói riêng cho thấy có những văn bản sau có liên quan tới Dự thảo:
- Luật Giá năm 2012
- Thông tư số 25/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ
- Thông tư 06/2014/TT-BTC ngày 07/01/2014 ban hành Tiêu chuẩn thẩm định giá số 13
So sánh các nội dung cơ bản của Dự thảo với các văn bản này thì dường như Dự thảo có cách tiếp cận gần tương tự, ví dụ: Quy trình định giá trong Dự thảo hầu như không có điểm khác biệt với quy trình thẩm định giá quy định tại Thông tư 06/2014/TT-BTC ngày 07/01/2014 ban hành Tiêu chuẩn thẩm định giá số 13 (trừ một số nhỏ các quy định đặc thù tại khoản 3 Điều 6 Dự thảo);
Sự tương đồng trong các quy định này có thể xuất phát từ thực tế (i) xét về bản chất thì định giá và thẩm định giá là giống nhau, cùng được thực hiện với mục tiêu xác định giá trị của một tài sản (việc tài sản hình thành từ nguồn vốn nào, thuộc sở hữu của ai không ảnh hưởng tới giá trị của nó); (ii) tài sản trí tuệ hay kết quả nghiên cứu khoa học –công nghệ thực chất cũng là hàng hóa/dịch vụ, và vì vậy hoàn toàn có thể sử dụng chung phương pháp định giá của hàng hóa/dịch vụ nói chung (bản thân quy định tại Thông tư 25 cũng không loại trừ việc áp dụng đối với tài sản trí tuệ hay kết quả nghiên cứu khoa học).
Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc lại sự cần thiết của các quy định tại Dự thảo và điều chỉnh theo hướng:
- Nếu thống nhất rằng hoạt động định giá tài sản trí tuệ, kết quả nghiên cứu khoa học – công nghệ từ ngân sách Nhà nước thực chất cũng tương tự như định giá các tài sản nói chung thì Dự thảo (với tính chất là văn bản hướng dẫn, bắt buộc phải có theo quy định của Nghị định 08/2014) chỉ cần dẫn chiếu tới các văn bản liên quan là đủ;
- Nếu giải trình được rằng việc định giá các tài sản này có những đặc điểm riêng, khác biệt và không thể sử dụng quy trình định giá chung đã có thì cần thiết kế các quy định riêng, tương ứng với các đặc điểm riêng của hoạt động định giá các tài sản này, đối với các vấn đề chung liên quan dẫn chiếu tới văn bản có quy định.
2. Hình thức định giá
Theo quy định tại Điều 4 Dự thảo thì chủ thể có thẩm quyền định giá có thể lựa chọn một trong ba hình thức định giá, trong đó có “tự định giá” (bên cạnh hình thức định giá bởi Hội đồng tư vấn giao quyền và định giá của tổ chức dịch vụ chuyên nghiệp).
Tuy nhiên, định giá kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ là công việc đòi hỏi chuyên môn trong lĩnh vực định giá (trong khi các tổ chức làm nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ của Nhà nước hầu hết không có chuyên môn trong định giá tài sản, do vậy, để các đơn vị này “tự định giá” sẽ có thể dẫn tới hiện tượng kết quả định giá không chính xác (tài sản được định giá không đúng với giá trị thực của nó), vừa gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước (nếu định giá thấp hơn giá trị thực) vừa gây lãng phí về thời gian và chi phí (phải định giá lại) vừa không đảm bảo khách quan.
Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo bỏ hình thức “tự định giá” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 4.
3. Phương pháp định giá
Chú ý: Góp ý dưới đây được thực hiện với hiện trạng quy định tại Dự thảo, không làm ảnh hưởng tới ý kiến tại Mục 1 nói trên và chỉ áp dụng trong trường hợp Ban soạn thảo vẫn tiếp tục giữ các quy định này.
Dự thảo đang tiếp cận việc định giá tương tự như hoạt động thẩm định giá quy định tại Thông tư 06/2014/TT-BTC ban hành Tiêu chuẩn thẩm định giá số 13. Cách tiếp cận này dường như là chưa hợp lý, bởi vì:
- Theo quy định tại Luật Giá thì định giá và thẩm định giá là hai hoạt động khác nhau (mặc dù các định nghĩa tại khoản 3 và 15 Điều 4 không làm rõ được khác nhau như thế nào). Nếu hai hoạt động khác nhau mà sử dụng chung một phương pháp thì có hợp lý không?
- Nếu Dự thảo này là cơ sở pháp luật duy nhất về định giá tài sản trí tuệ, kết quả nghiên cứu khoa học thì các quy định trong Dự thảo là chưa đủ, bởi thiếu các quy định về:
+ các phương pháp sẽ được sử dụng để định giá kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ (chú ý là “căn cứ định giá”, “cách tiếp cận khi định giá” trong Dự thảo chỉ là các khía cạnh phải xem xét khi định giá, không phải là phương pháp định giá)?
+ Trường hợp nào thì sử dụng loại phương pháp nào?
- Các căn cứ định giá quy định tại Điều 6 Dự thảo chưa phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật Giá năm 2010. Cụ thể, Dự thảo có bao gồm một vài yếu tố mà Luật Giá không coi là căn cứ để định giá như: Mục đích định giá; Tình trạng pháp lý của kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ; ….
- Một số căn cứ để định giá quy định tại Điều 6 Dự thảo là chưa hợp lý và thiếu rõ ràng, ví dụ:
“Ý kiến của chuyên gia thuộc lĩnh vực của kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ cần được định giá” (điểm h khoản 1 Điều 6) được xem là một trong những căn cứ để định giá, tuy nhiên Dự thảo lại không quy định về việc xác định mức độ tin cậy của ý kiến này, điều này vô hình trung khiến cho việc định giá trở nên thiếu khách quan, phụ thuộc khá nhiều vào ý chí chủ quan của cá nhân.
Tóm lại, từ các phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo:
- Quy định định giá kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ theo hướng Định giá quy định tại Luật Giá mà không phải là Thẩm định giá
- Quy định cụ thể hơn phương pháp định giá và điều chỉnh lại các căn cứ định giá chưa hợp lý.
4. Dịch vụ định giá (Điều 12)
Theo quy định tại Dự thảo thì có hai phương án cho trường hợp thuê dịch vụ định giá, đó là:
- Phương án 1: là dịch vụ định giá của các doanh nghiệp thẩm định giá theo quy định của pháp luật về giá
- Phương án 2: Dịch vụ định giá của các doanh nghiệp thẩm định giá, đơn vị sự nghiệp khoa học và công nghệ công lập cung cấp dịch vụ định giá vì mục đích phi lợi nhuận hoặc tổ chức dịch vụ định giá đáp ứng các điều kiện sau:
+ Điều kiện quy định tại Thông tư quy định điều kiện thành lập, hoạt động của tổ chức trung gian trong thị trường khoa học công nghệ do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành
+ Có ít nhất 01 người có thể thẩm định viên về giá do Bộ Tài chính cấp
VCCI cho rằng Phương án 1 là hợp lý (mọi doanh nghiệp thẩm định giá đều có thể thực hiện hoạt động định giá các tài sản này, và chỉ cần sử dụng lực lượng này là đủ), bởi các lý do sau:
- Về bản chất thì việc định giá tài sản trí tuệ, kết quả nghiên cứu KH-CN có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước cũng tương tự như định giá các tài sản khác (nếu có khác biệt thì khác biệt ở phương pháp định giá). Việc chủ thể định giá là ai không ảnh hưởng tới hoạt động này (miễn là chủ thể đó có chuyên môn trong thẩm định/định giá và tuân thủ các phương pháp định giá quy định cho loại tài sản này);
- Hiện chưa có văn bản nào (kể cả Dự thảo này) quy định về “dịch vụ định giá”, do đó cũng không rõ các tổ chức “cung cấp dịch vụ định giá” tại Phương án 2 là các tổ chức nào, thực hiện dịch vụ cụ thể gì;
- Không rõ các điều kiện nêu tại Phương án 2 là điều kiện chỉ áp dụng cho “tổ chức dịch vụ định giá” hay áp dụng cho tất cả các chủ thể được liệt kê ở Phương án này?
Trong cả hai trường hợp thì việc Dự thảo Thông tư quy định về các điều kiện kinh doanh của tổ chức thực hiện việc định giá tài sản này là vi phạm Điều 7.5 Luật Doanh nghiệp năm 2005, theo đó cơ quan cấp Bộ không được quy định về điều kiện kinh doanh.
5. Một số nội dung khác
- Liên quan tới phạm vi áp dụng của Dự thảo (Điều 1.5):
Điều 1.5 Dự thảo quy định “các tổ chức, cá nhân có quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ được áp dụng quy định tại Thông tư này để tự đánh giá kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghê, tài sản trí tuệ”
Quy định này là không cần thiết và gây nhầm lẫn bởi:
+ Nếu tài sản được định giá ở đây là tài sản không từ ngân sách Nhà nước thì đương nhiên không cần phải quy định (về nguyên tắc thì tư nhân thích cơ chế định giá nào cho tài sản của mình thì sử dụng cơ chế định giá đó, chứ không cần phải chờ Dự thảo này cho phép họ sử dụng Thông tư này thì họ mới được sử dụng – Dự thảo chỉ cần quy định về các đối tượng/chủ thể bắt buộc phải sử dụng quy trình trong Dự thảo là đủ);
+ Nếu tài sản được định giá ở đây là tài sản sử dụng Ngân sách Nhà nước (bởi việc “tổ chức, cá nhân có quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ” không đồng nghĩa với việc tài sản trí tuệ đó không sử dụng ngân sách Nhà nước - tổ chức đó có thể là tổ chức của Nhà nước, hoặc dự án tạo ra tài sản đó là dự án có một phần hoặc toàn bộ tài trợ của Nhà nước) thì phải áp dụng Dự thảo này (chứ không phải là “được áp dụng”); và trường hợp này thì đã quy định tại Điều 1.4c Dự thảo rồi.
Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bỏ khoản 5 Điều 1 Dự thảo.
- Liên quan tới dịch vụ định giá (Điều 12 Dự thảo)
Hiện Dự thảo đang nhầm lẫn giữa chủ thể thực hiện dịch vụ định giá với dịch vụ định giá. Ví dụ, Dự thảo nêu “dịch vụ định giá là các doanh nghiệp….” trong khi chính xác phải là “dịch vụ định giá phải do các doanh nghiệp…. cung cấp” hoặc “Tổ chức cung cấp dịch vụ định giá theo Khoản 3 Điều 4 là các doanh nghiệp…”.
Tương tự trong Điều 1.4d Dự thảo cũng dùng từ “Dịch vụ định giá” để chỉ chủ thể phải áp dụng Thông tư này (trong khi chính xác phải là “Tổ chức cung cấp dịch vụ định giá”).
Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo sửa lại cho chính xác hơn
- Liên quan tới các căn cứ định giá (Điều 6) và các bước định giá (Điều 5)
Không rõ các căn cứ định giá nêu tại Điều 6 phải được sử dụng trong bước nào cụ thể của các bước định giá theo quy định tại Điều 5? Đề nghị Ban soạn thảo làm rõ điều này.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn định giá kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ sử dụng ngân sách nhà nước. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Ngoài ra gửi kèm theo phụ lục một số góp ý cụ thể về Dự thảo mà một số doanh nghiệp gửi cho Phòng Thương mại và Công nghiệp để Quý Cơ quan tham khảo.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.