VCCI Góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn về công nhận chương trình đào tạo và xác nhận kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp

Thứ Ba 10:39 08-05-2018

Kính gửi: Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng – Bộ Công Thương

Trả lời Công văn số 2543/BCT-CT của Bộ Công Thương về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn về công nhận chương trình đào tạo và xác nhận kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, có một số ý kiến như sau:

Dự thảo này quy định chi tiết thi hành Nghị định 40/2018/NĐ-CP[1] vì vậy các quy định cần phải đủ thống nhất, cụ thể, rõ ràng, đảm bảo để có thể thi hành được ngay khi ban hành.

Rà soát Dự thảo cho thấy hiện còn có một số quy định chưa đáp ứng được yêu cầu này, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét:

  1. Đơn vị tổ chức kiểm tra kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp (Điều 5)
  • Về tính pháp lý của quy định

Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 và khoản 1 Điều 5 Dự thảo thì việc thực hiện kiểm tra kiến thức pháp luật về bán hành đa cấp cơ bản sẽ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng) thực hiện. Chỉ trong trường hợp “có nhu cầu thực tiễn” (suy đoán là nhu cầu cao, Cục không đảm đương được) thì cơ quan này mới chỉ định một/các đơn vị khác thực hiện việc này.

Cách tiếp cận này dường như cần xem xét lại, ít nhất ở 02 khía cạnh sau:

  • Thứ nhất, về việc cơ quan Nhà nước trực tiếp thực hiện việc kiểm tra

Về mặt pháp lý, các nhân viên bán hàng đa cấp thực hiện các công việc liên quan đến bán hàng đa cấp hoạt động với tư cách nhân viên của doanh nghiệp, không phải với tư cách cá nhân. Do đó, trong các mối quan hệ bán hàng đa cấp, doanh nghiệp sẽ là chủ thể chịu trách nhiệm chứ không phải là cá nhân nhân viên bán hàng đa cấp. Như vậy, về mặt nguyên tắc thì điều mà Nhà nước cần kiểm soát là việc doanh nghiệp bán hàng đa cấp có thực hiện đào tạo kiến thức đầy đủ, chính xác cho nhân viên của mình không chứ không phải việc Nhà nước (hoặc đơn vị được chỉ định) trực tiếp kiểm soát kiến thức pháp luật của người tham gia bán hàng đa cấp.

Tuy nhiên, do Nghị định 16 quy định về việc cơ quan Nhà nước xác nhận kiến thức này, Thông tư không được quy định trái, nhưng các quy định tại Thông tư nên thiết kế theo hướng đơn giản, thuận lợi, theo đúng hướng là “xác nhận” chứ không phải trực tiếp kiểm tra. Ví dụ, doanh nghiệp tự đào tạo và kiểm tra kiến thức cho người tham gia bán hàng đa cấp và trên cơ sở kết quả kiểm tra của doanh nghiệp thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ cấp giấy xác nhận.

  • Thứ hai, về thủ tục chỉ định đơn vị kiểm tra

Điều 5 Dự thảo quy định về các tiêu chí để cơ quan nhà nước chỉ định, kèm theo đó là trình tự, thủ tục chỉ định. Có thể thấy quy trình này được thiết kế tương tự như một quy trình cấp phép kinh doanh (doanh nghiệp muốn được chỉ định, tức là muốn thực hiện dịch vụ này, phải nộp hồ sơ, đáp ứng đủ các tiêu chí, cơ quan nhà nước sẽ xem xét hồ sơ và ban hành quyết định chỉ định; khi có quyết định chỉ định thì doanh nghiệp mới được thực hiện tổ chức kiểm tra).

Theo quy định tại Điều 7 Luật đầu tư 2014 thì văn bản cấp Bộ không được quy định về điều kiện kinh doanh. Hơn nữa, việc tổ chức kiểm tra kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp cũng không thuộc ngành, nghề kinh doanh có điều kiện (trong Phụ lục ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư).

Vì vậy, quy định tại Điều 5 Dự thảo là chưa phù hợp về tính pháp lý. Từ các phân tích nêu trên, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc điều chỉnh lại thủ tục này theo hướng: doanh nghiệp có quyền tự tổ chức đào tạo, kiểm tra kiến thực pháp luật về bán hàng đa cấp của nhân viên mình, Cơ quan Nhà nước chỉ cấp xác nhận trên cơ sở kết quả đào tạo, kiểm tra của doanh nghiệp.

  • Về tính minh bạch

Chú ý: ý kiến này chỉ phân tích dưới góc độ rõ ràng, cụ thể của quy định, không ảnh hưởng tới bình luận về tính pháp lý nêu ở trên

  • Các tiêu chí để được chỉ định

Khoản 1 Điều 5 Dự thảo quy định về tiêu chí để cơ quan nhà nước chỉ định đơn vị tổ chức kiểm tra, tuy nhiên các tiêu chí này rất chung chung, ví dụ:

  • Có chức năng, kinh nghiệm phù hợp
  • Có phương án, quy chế phù hợp để thực hiện các đợt kiểm tra
  • Có ngân hàng câu hỏi phù hợp

Không rõ như thế nào được cho là phù hợp? Việc thiếu rõ ràng trong các tiêu chí xem xét có thể tạo ra sự tùy tiện hoặc trao quá nhiều quyền cho cơ quan nhà nước trong việc lựa chọn đơn vị chỉ định tổ chức kiểm tra.

  • Về hồ sơ đăng ký tổ chức kiểm tra:

Điểm a khoản 2 Điều 5 Dự thảo quy định trong hồ sơ đăng ký kiểm tra, doanh nghiệp phải nộp “Bản sao được chứng thực Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thể hiện cơ sở có chức năng phù hợp”. Quy định này là chưa phù hợp với Luật doanh nghiệp 2014 vì Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hiện không còn ghi ngành, nghề đăng ký kinh doanh.

  • Giám sát hoạt động của các đơn vị tổ chức kiểm tra

Điểm a khoản 4 Điều 5 Dự thảo quy định “trường hợp cần thiết, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng tiến hành kiểm tra hoạt động của đơn vị tổ chức kiểm tra”. “Trường hợp cần thiết” là quy định chưa rõ ràng, có thể tạo ra sự tùy nghi trong quyết định kiểm tra của cơ quan nhà nước, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

  1. Về quy trình tổ chức kiểm tra, cấp xác nhận kiến thức pháp luật bán hàng đa cấp (Điều 4)

Chú ý: Các bình luận dưới đây không ảnh hưởng tới bình luận về tính pháp lý của quy định như nêu tại Mục 1(i) Công văn này.

Điều 4 Dự thảo quy định về quy trình tổ chức kiểm tra, cấp xác nhận kiến thức bán hàng đa cấp, tuy nhiên quy trình này có một số điểm chưa hợp lý và rõ ràng, cụ thể:

  • Chủ thể tổ chức kiểm tra:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Dự thảo thì Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng hoặc đơn vị tổ chức đợt kiểm tra được Cục chỉ định là các chủ thể thực hiện kiểm tra kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp. Như vậy sẽ có nhóm hai chủ thể có thể thực hiện kiểm tra kiến thức.Tuy nhiên, Dự thảo lại không rõ các nội dung liên quan, ví dụ:

  • Các trường hợp chỉ định: Khoản 1 Điều 5 chỉ nêu Cục chỉ định “căn cứ vào nhu cầu thực tiễn”, tức là giao toàn bộ quyền quyết định có chỉ định hay không cho Cục. Vậy có thể xảy ra tình trạng Cục muốn độc quyền thực hiện công việc này mà không chỉ định đơn vị bên ngoài nào khác không?
  • Phạm vi thẩm quyền của đơn vị được chỉ định: Dự thảo cần làm rõ trong trường hợp chỉ định thì đơn vị được chỉ định có thẩm quyền tổ chức kiểm tra, cấp xác nhận cho những trường hợp nào (có giới hạn về địa lý, về nội dung hay không? Có trường hợp nào mà chỉ Cục mới được tiến hành kiểm tra không?
  • Quyền lựa chọn chủ thể kiểm tra của doanh nghiệp: Doanh nghiệp bán hàng đa cấp có quyền lựa chọn chủ thể tổ chức kiểm tra không.?
  • Công khai thông tin về đơn vị được chỉ định: Làm thế nào doanh nghiệp bán hàng đa cấp biết được các đơn vị nào được chỉ định?

Để đảm bảo tính minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ những vấn đề trên.

  • Tổ chức kiểm tra

Đoạn 2 khoản 1 Điều 4 Dự thảo quy định “đơn vị tổ chức kiểm tra căn cứ trên nhu cầu thực tế để xây dựng kế hoạch và thông báo tới các doanh nghiệp về các đợt kiểm tra xác nhận kiến thức pháp luật bán hàng đa cấp trước ngày kiểm tra dự kiến ít nhất 30 ngày”. Như vậy, đơn vị tổ chức kiểm tra sẽ chủ động thông báo kế hoạch kiểm tra và các doanh nghiệp bán hàng đa cấp sẽ dựa vào thông tin này để đăng ký kiểm tra.

Quy định này sẽ tạo ra sự chủ động từ phía đơn vị tổ chức kiểm tra, tuy nhiên về phía doanh nghiệp bán hàng đa cấp lại khá thụ động. Điều này sẽ rơi vào trường hợp, khi doanh nghiệp bán hàng đa cấp có nhu cầu nhưng lại không có thời gian thi phù hợp, đồng nghĩa với việc họ phải chờ và thiếu nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động kinh doanh của mình.

Do đó, để đảm bảo tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp bán hàng đa cấp, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh quy định theo hướng, doanh nghiệp bán hàng đa cấp khi có nhu cầu có thể đề nghị tổ chức kiểm tra tổ chức kiểm tra cấp xác nhận kiến thức pháp luật bán hàng đa cấp.

  • Quy trình kiểm tra

Khoản 3 Điều 4 Dự thảo quy định “Đơn vị tổ chức kiểm tra thông báo danh sách người đăng ký kiểm tra hợp lệ, tiến hành tổ chức kiểm tra, báo cáo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng kết quả kiểm tra”. Quy định này được hiểu là chỉ áp dụng cho trường hợp đơn vị tổ chức kiểm tra là đơn vị được chỉ định (không phải Cục).

Quy định này không thống nhất với quy định tại Điều 5.3 Dự thảo theo đó đơn vị tổ chức kiểm tra chỉ có trách nhiệm báo cáo kết quả kiểm tra cho Cục mà không có yêu cầu về báo cáo/thông báo về danh sách. Ngoài ra, xét về tính chất thì việc thông báo cho Cục về danh sách đăng ký kiểm tra không có ý nghĩa gì lớn trong kiểm soát.

Do đó, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh quy định tại khoản 3 Điều 4 theo hướng:

  • Chỉ quy định về nghĩa vụ báo cáo Cục và thời hạn báo cáo (kết quả kiểm tra và gửi hồ sơ cá nhân đạt) tính từ ngày thực hiện việc kiểm tra cấp Quy định cụ thể về các thời hạn (từ lúc lập danh sách đến lúc kiểm tra, cấp phép…);
  • Bổ sung quy định về thời hạn Cục phải cấp xác nhận tính từ thời điểm nhận được báo cáo kết quả và hồ sơ cá nhân đạt

Chú ý là hiện Dự thảo chưa có quy định nào cụ thể về quy trình và các thời hạn mà Cục phải tuân thủ nếu Cục trực thực hiện việc kiểm tra. Điều này là rất rủi ro cho doanh nghiệp bán hàng đa cấp bởi khác với các đơn vị được chỉ định (đơn vị làm dịch vụ, suy đoán sẽ chịu cạnh tranh và phải làm nhanh nhất có thể), khi Cục thực hiện hoạt động này với tính chất là một dịch vụ công (đặc biệt trong trường hợp Cục không chỉ định đơn vị nào khác tổ chức), rất có thể xảy ra tình trạng thủ tục kéo dài, dư địa nhũng nhiều. Vì vậy, đối với trường hợp này, cần thiết phải quy định cụ thể về các thời hạn giữa các bước trong quy trình kiểm tra, xác nhận của Cục.

  1. Cấp lại xác nhận kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp

Chú ý: Các bình luận dưới đây không ảnh hưởng tới bình luận về tính pháp lý của quy định như nêu tại Mục 1(i) Công văn này.

Theo quy định tại Điều 9 Dự thảo quy định, khi giấy xác nhận kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp bị mất, bị rách nát hoặc bị tiêu hủy sẽ được cấp lại. Và “thủ tục cấp lại xác nhận kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp thực hiện như thủ tục cấp mới”.

Điều này là chưa hợp lý bởi trường hợp cấp lại, cơ quan nhà nước không phải mất quá nhiều thời gian để thẩm định hồ sơ như cấp lần đầu, chỉ cần đối chiếu dữ liệu để cấp lại giấy chứng nhận. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng quy định thủ tục cấp lại đơn giản, nhanh chóng (về đơn đề nghị, thời gian giải quyết).

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư hướng dẫn về công nhận chương trình đào tạo và xác nhận kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

[1] Nghị định 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp