VCCI góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 36/NĐ-CP về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra

Thứ Hai 16:40 11-08-2014
Vui lòng theo dõi chi tiết dự thảo trong link: http://vibonline.com.vn/Duthao/1544/Thong-tu-huong-dan-Nghi-dinh-Ca-tra.aspx

Kính gửi: Tổng cục Thủy sản – Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn

Trả lời Công văn số 1975/BNN-TCTS ngày 18/06/2014 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NNPTNT) về việc góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 36/NĐ-CP về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra (sau gây gọi là Dự thảo), trên cơ sở nghiên cứu của chuyên gia và tham vấn ý kiến một số doanh nghiệp và hiệp hội có liên quan, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến đối với Dự thảo như sau:

1.      Về các nội dung Thông tư liên quan tới một số vấn đề còn vướng mắc của Nghị định 36/2014/NĐ-CP

Dự thảo này hướng dẫn Nghị định 36/2014/NĐ-CP có hiệu lực từ 20/6/2014 (sau đây gọi tắt là Nghị định 36). Tuy nhiên, bản thân Nghị định 36 hiện đang có nhiều vấn đề bất cập (trong đó có những vấn đề đã được VCCI nêu trong Công văn góp ý Dự thảo Nghị định số 2534/PTM-BPC ngày 02/10/2013 nhưng không được tiếp thu và một số quy định mới không có trong Dự thảo Nghị định gửi lấy ý kiến VCCI).

Mới đây, Bộ Tư pháp có Công văn số 2742/BTP-VĐCXDPL ngày 19/06/2014 đề nghị VCCI có ý kiến về các vấn đề bất cập của Nghị định 36 mà báo chí đưa tin và đề xuất phương án xử lý. VCCI đã có Công văn trả lời Bộ Tư pháp (xin gửi 01 bản sao kèm theo đây) nêu ý kiến về 04 vấn đề của Nghị định 36 (bao gồm: (i) chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản (ii) tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan tới tỷ lệ mạ băng và hàm ẩm; (iii) đăng ký hợp đồng xuất khẩu; (iv) quy hoạch ao nuôi hay hạn ngạch sản lượng nuôi). Công văn của VCCI cũng nêu các đề xuất giải pháp, trong đó có những giải pháp liên quan đến Dự thảo Thông tư này, bao gồm:

-          Thông tư cần có hướng dẫn cụ thể đối với Điều 4.5 Nghị định 36 liên quan tới “chứng chỉ quốc tế” (Điều 4.5 Nghị định 36 “Đến ngày 31/12/2015 các cơ sở nuôi cá Tra thương phẩm phải áp dụng và được chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản tốt theo VietGAP hoặc chứng chỉ quốc tế phù hợp quy định của pháp luật Việt Nam”).

Hướng dẫn này cần đi theo hướng công nhận các chứng chỉ quốc tế thông dụng hiện nay như GlobalGAP, BAP, ASC

-          Tạm dừng việc soạn thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định, ít nhất là về các quy định hướng dẫn chi tiết 02 vấn đề còn bất cập của Nghị định (bao gồm (i) kiểm soát việc tuân thủ quy định tỷ lệ mạ băng và hàm ẩm; (ii) đăng ký hợp đồng xuất khẩu) chờ Nghị định được sửa rồi mới tiếp tục soạn thảo Thông tư);

Trường hợp vẫn cần thiết phải soạn thảo Thông tư để hướng dẫn chi tiết các nội dung khác đã có hiệu lực từ 20/6/2014 của Nghị định thì đề nghị đưa các nội dung hướng dẫn các vấn đề nói trên ra khỏi Dự thảo Thông tư. Sau khi Nghi định sửa về các vấn đề này thì sẽ dự thảo một Thông tư khác chỉ hướng dẫn về các vấn đề này.

Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc điều chỉnh Dự thảo theo các đề xuất nói trên (về các lập luận cho đề xuất, xin xem tại bản sao Công văn gửi Bộ Tư pháp gửi kèm theo đây)

Ngoài ra, một vấn đề bất cập khác của Nghị định 36 nhưng chưa được nêu trong Công văn của VCCI gửi Bộ Tư pháp (do không liên quan tới các bất cập báo chí nêu mà Bộ Tư pháp lấy ý kiến) nhưng đã được đề cập trong Công văn góp ý Dự thảo Nghị định trước đây của VCCI và VCCI tiếp tục ý kiến này đối với Dự thảo Thông tư: vấn đề giá sàn thu mua nguyên liệu.

Theo ý kiến của VCCI đối với Dự thảo Nghị định trước đây, việc áp dụng giá sàn xuất khẩu có thể là một công cụ tốt giúp giải quyết hiện tượng doanh nghiệp ký hợp đồng xuất khẩu với giá quá thấp rồi sau đó ép giá nông dân nuôi cá. VCCI cũng đã phân tích rõ biện pháp giá sàn xuất khẩu không vi phạm cam kết quốc tế, pháp luật các nước cũng như Việt Nam (do giá sàn xuất khẩu không thuộc phạm vi điều chỉnh của các loại pháp luật này). Tiếc rằng Ban soạn thảo Nghị định 36 đã không tiếp thu ý kiến này, thay vào đó lại quy định về giá sàn thu mua nguyên liệu.

Thu mua nguyên liệu là hoạt động thương mại diễn ra trong nội địa, thuộc phạm vi áp dụng của pháp luật Việt Nam (không quan trọng cá nguyên liệu được thu mua để chế biến phục vụ mục đích tiêu thụ nội địa hay xuất khẩu). Quy định về giá sàn thu mua nguyên liệu là vi phạm pháp luật về Giá (cá tra không phải mặt hàng thuộc diện được phép định giá, thậm chí không phải mặt hàng thuộc diện đăng ký giá hay bình ổn giá; hơn nữa trường hợp mặt hàng thuộc diện Nhà nước định giá thì quyền định giá thuộc về Bộ trưởng Bộ quản lý ngành tương ứng, chứ không phải là bất kỳ cơ quan Nhà nước nào, càng không phải là một Hiệp hội). Quy định giá sàn thu mua nguyên liệu cũng vi phạm pháp luật Cạnh tranh (theo đó các nhóm doanh nghiệp/hiệp hội không được phép thỏa thuận ấn định một mức giá nhất định). Do đó, ở điểm này, Nghị định 36 đang trái với các văn bản pháp luật cấp cao hơn (Luật Giá và Luật Cạnh tranh).

Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo Thông tư không hướng dẫn quy định về giá sàn thu mua nguyên liệu, chờ sửa đổi Nghị định 36 (sửa theo hướng bỏ quy định về giá sàn thu mua nguyên liệu).

2.      Về đăng ký nuôi cá Tra thương phẩm và cấp mã số nhận diện ao nuôi

(i)                Về căn cứ cho phép đăng ký

Theo quy định tại Nghị định 36 thì việc đăng ký nuôi cá Tra thương phẩm và cấp mã số nhận diện phải căn cứ vào “quy hoạch cá tra”. Như vậy, về mặt nguyên tắc, quy hoạch cá tra sẽ là căn cứ chính cho việc cho phép hay không cho phép đăng ký nuôi cá và cấp mã số nhận diện ao nuôi. Vì vậy, nội dung và căn cứ xây dựng quy hoạch cá tra là quy định rất quan trọng.

Điều 3.2.d của Nghị định 36 chỉ quy định rất chung chung về các nhóm nội dung phải có trong Quy hoạch như “Xác định diện tích, sản lượng của vùng nuôi cá Tra thương phẩm; công suất của các cơ sở chế biến cá Tra”

Dự thảo Thông tư lại không quy định bất kỳ nội dung nào hướng dẫn cho quy hoạch này và do đó vấn đề “quy hoạch” vẫn bị để ngỏ hoàn toàn.

Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định hướng dẫn chi tiết, cụ thể về vấn đề quy hoạch này, bao gồm ít nhất các vấn đề sau:

-          Căn cứ để xây dựng quy hoạch: các căn cứ nào phải giúp đảm bảo rằng quy hoạch này phản ánh đúng nhu cầu thị trường, không quy hoạch diện tích nuôi và lượng cá không quá nhiều/quá ít so với nhu cầu;

-          Quy trình xây dựng quy hoạch: quy trình này phải giúp đảm bảo quy hoạch được xây dựng khách quan, khoa học, tính đến quan điểm của các bên và không bị ảnh hưởng bởi các nhóm lợi ích – đặc biệt trong quy hoạch giữa các tỉnh, các vùng nuôi cá;

-          Hiệu lực của quy hoạch: Dự thảo cần xử lý vấn đề nếu tổng diện tích, sản lượng mà các cơ sở nuôi cá trong vùng nuôi đã đăng ký đã tới hạn tối đa về diện tích và sản lượng trong quy hoạch thì các Đơn đề nghị đăng ký tới sau thì sẽ phải xử lý thế nào?

+ Nếu vẫn tiếp tục cho đăng ký thì quy hoạch là không có ý nghĩa.

+ Nếu không cho đăng ký (vì lý do đã hết quy hoạch) thì quy hoạch cá tra thực chất là quota (hạn ngạch) về diện tích, sản lượng nuôi cá. Mà đã là hạn ngạch thì phải tính tới câu chuyện về phân bổ hạn ngạch nuôi cá.

Không thể phân bổ hạn ngạch theo nguyên tắc đơn giản là ai tới trước cho đăng ký trước cho đến khi kín hạn ngạch (first come, fisrt served) bởi sẽ xuất hiện tình trạng các cơ sở đăng ký đầu tiên sẽ cố gắng đăng ký thật nhiều về diện tích và sản lượng (mà có thể họ sẽ không sử dụng hết). Điều này khiến những người đăng ký sau sẽ không được phép nuôi, mặc dù có thể họ rất có nhu cầu nuôi cá. Thậm chí, có thể dẫn đến hiện tượng mua bán Giấy đăng ký ao nuôi, gây hiện tượng bất bình đẳng giữa người nuôi cá với nhau.

Vấn đề phân bổ hạn ngạch diện tích ao nuôi và sản lượng nuôi là vấn đề hết sức nhạy cảm (bởi có ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích của người nuôi cá), và do đó cần được xử lý cẩn trọng để tránh tình trạng lợi dụng, gây bức xúc. Bài học từ việc phân bổ hạn ngạch trong các sản phẩm khác (điển hình là hạn ngạch dệt may) cho thấy nếu không được quy định cụ thể, với cơ chế đảm bảo minh bạch và công bằng tối đa thì sẽ rất dễ tạo ra dư địa cho tham nhũng, hối lộ mà người chịu thiệt là những nông dân yếu thế.

Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu nguyên tắc đấu thầu hạn ngạch, theo đó ai muốn đăng ký diện tích ao nuôi và sản lượng) phải đấu giá, trả tiền cho hạn ngạch đó – chỉ như vậy mới đảm bảo công bằng và người đăng ký là người thực sự có nhu cầu (xem thêm phân tích liên quan tại Công văn của VCCI gửi Bộ Tư pháp).

Và nếu đã đi theo hướng này thì tất cả các quy định liên quan đến việc đăng ký ao nuôi và sản lượng nuôi sẽ phải được thiết kế lại tương ứng với thủ tục đấu thầu mua hạn ngạch (quy hoạch).

(ii)             Về thời điểm đăng ký

Dự thảo quy định thời điểm này là “chậm nhất trước thời điểm thả giống 20 ngày”.

Nếu đơn thuần việc đăng ký chỉ là thông báo thì khoảng thời gian 20 ngày này là quá dài: Việc xử lý đơn đăng ký của cơ quan nhà nước chỉ trong 3 ngày, vậy nếu Đơn đăng ký được chấp thuận thì cớ gì cơ sở nuôi  cá đợi tới 15 ngày mới được tiến hành nuôi?

Nếu việc đăng ký không đơn thuần là việc thông báo (trong trường hợp này quy hoạch thực chất là hạn ngạch diện tích ao nuôi và sản lượng nuôi) thì không cần tới thời hạn này – bởi thời điểm “đăng ký” thực chất sẽ là thời điểm mà cơ quan quản lý Nhà nước mở đấu thầu mua hạn ngạch nuôi cá (theo đề xuất ở trên).

(iii)           Về thủ tục đăng ký

-          Đề nghị bổ sung quy định : “Nếu sau 3 ngày làm việc mà cơ quan quản lý thủy sản không trả lời hồ sơ (kể cả về tính hợp lệ của hồ sơ hay việc xác nhận cho nuôi) thì coi như đã xác nhận hồ sơ đăng ký và chủ cơ sở được phép thả nuôi”

-          Chú ý là nếu áp dụng cơ chế đấu thầu hạn ngạch diện tích ao nuôi và sản lượng nuôi thì toàn bộ quy trình đăng ký này sẽ phải thiết kế lại (bởi khi trúng thầu thì đương nhiên là có quyền rồi, việc đăng ký sẽ chỉ là hình thức thông báo mà thôi).

(iv)            Về mã số ao nuôi

Điều 4.4b Dự thảo quy định “khi thay đổi diện tích thì phải thay đổi lại mã số ao nuôi”. Đây là điều không cần thiết bởi việc tăng giảm diện tích thả nuôi không làm dịch chuyển ao nuôi đi nơi khác, nếu thay đổi mã số sẽ khiến việc quản lý phức tạp (phải ghi nhận các mã ao khác nhau cho cùng một khu vực nuôi) và cũng khiến doanh nghiệp khó khăn (ví dụ khi chủ ao đã ký hợp đồng dài hạn cung cấp nguyên liệu cho doanh nghiệp nào đó trong đó có ghi mã số ao).

Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo sửa quy định này theo hướng ao nuôi thay đổi diện tích thì vẫn giữ mã số ao nuôi đó, nhưng dữ liệu quản lý thay đổi để ghi nhận thay đổi về diện tích ao.

3.      Về kiểm tra an toàn thực phẩm và chất lượng sản phẩm cá tra

Nghị định 36 đặt ra một số yêu cầu mới về an toàn thực phẩm và chất lượng của sản phẩm cá tra (yêu cầu về mặt nội dung). Tuy nhiên, vấn đề an toàn thực phẩm và chất lượng sản phẩm thủy sản nói chung thì không phải vấn đề mới, và trên thực tế đã có một hệ thống sẵn có quy định về kiểm tra, kiểm soát đối với việc đảm bảo tuân thủ các yêu cầu về an toàn thực phẩm và chất lượng sản phẩm thủy sản cũng như lực lượng thực thi công tác này.

Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh các quy định tại Điều 6, 7 Dự thảo theo hướng:

-          Không đặt ra các cơ chế kiểm soát mới mà sử dụng hoàn toàn các cơ chế kiểm soát sẵn có về an toàn thực phẩm và chất lượng sản phẩm thủy sản (cả về cơ quan có thẩm quyền lẫn cách thức, trình tự, phương pháp kiểm tra);

-          Chỉ bổ sung thêm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm và chất lượng sản phẩm cá tra (mới) vào nội dung kiểm tra của các cơ quan này;

-          Liên quan tới việc kiểm tra việc thực hiện các quy định khác không phải an toàn thực phẩm – chất lượng sản phẩm:

+ Về kiểm tra việc thực hiện các quy định về ghi nhãn: Đề nghị quy định về cách thức kiểm tra theo quy định chung về kiểm tra đối với việc ghi nhãn (theo pháp luật về ghi nhãn sản phẩm nói chung)

+ Về kiểm tra xuất xứ cá tra (xem có phải cá tại ao nuôi đã được đăng ký đúng quy hoạch không): Có thể yêu cầu doanh nghiệp buộc phải xuất trình giấy tờ chứng minh cá nguyên liệu sử dụng là được mua từ/nuôi tại ao có đăng ký (ví dụ hợp đồng mua bán nguyên liệu với cơ sở có đăng ký….) tại Cơ quan hải quan (khi xuất khẩu), cách này vừa tiết kiệm thời gian, bộ máy, vừa thuận lợi hơn nhiều cho doanh nghiệp.

Chú ý là như đã nêu tại Mục 1, VCCI cho rằng cần rà soát và điều chỉnh lại các quy định liên quan tới tiêu chuẩn về tỷ lệ mạ băng và hàm ẩm. Góp ý trên đây không ảnh hưởng tới đề xuất sửa đổi này của VCCI.

4.      Đăng ký hợp đồng xuất khẩu

Thủ tục đăng ký hợp đồng xuất khẩu cá tra thực chất là một dạng giấy phép xuất khẩu mới mà doanh nghiệp bắt buộc phải có khi xuất khẩu hàng hóa (Điều 7.2 Nghị định 36 quy định: “Cơ quan hải quan chỉ chấp nhận thông quan đối với những lô hàng của hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá Tra đã được Hiệp hội cá Tra Việt Nam xác nhận.”). Trong khi đó hoạt động xuất khẩu là hoạt động được khuyến khích và cần tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể.

Do đó việc quy định và thực hiện đăng ký hợp đồng xuất khẩu phải được thực hiện một cách cẩn trọng, đảm bảo thủ tục đạt mục tiêu mong muốn và hạn chế tối đa cản trở gây ra đối với doanh nghiệp.

-          Về mục tiêu:

VCCI cho rằng thủ tục đăng ký hợp đồng xuất khẩu không phải là công cụ có thể giúp kiểm soát được nguồn cung cá tra (không quá thiếu hoặc không quá thừa) hay tạo ổn định về giá thu mua cá tra nguyên liệu (do người nuôi cá không đợi tới khi có hợp đồng mua cá mới thả nuôi) (xem thêm phân tích tại Công văn của VCCI gửi Bộ Tư pháp).

Thủ tục đăng ký hợp đồng xuất khẩu cũng không phải công cụ duy nhất và hiệu quả cho việc kiểm soát việc thực hiện các quy định về quy hoạch ao nuôi, sản lượng nuôi, về chất lượng, an toàn thực phẩm… (Như đã đề cập ở Mục 3 Công văn này, các việc kiểm soát này hoàn toàn có thể thực hiện được bởi các cơ chế sẵn có mà không cần bổ sung cơ chế mới, cơ quan có thẩm quyền mới).

Do đó, quy định về thủ tục đăng ký hợp đồng xuất khẩu tại Nghị định 36 là không cần thiết và VCCI đã đề xuất sửa đổi Nghị định 36 để bỏ thủ tục này.

Đề nghị Ban soạn thảo bỏ nội dung về đăng ký hợp đồng xuất khẩu trong Dự thảo Thông tư (chờ Nghị định 36 sửa để bỏ thủ tục này).

-          Về quy trình, thủ tục:

Ngay cả khi Nghị định 36 sửa đổi vẫn tiếp tục giữ thủ tục đăng ký hợp đồng xuất khẩu tại Hiệp hội cá tra thì Thông tư hướng dẫn chi tiết thủ tục này cần chú ý làm rõ các nội dung cơ bản để đảm bảo thủ tục minh bạch và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính, ít nhất là về:

+ Điều kiện cấp đăng ký hoặc từ chối đăng ký:

+ Biện pháp xử lý trường hợp cán bộ của Hiệp hội có hành vi sách nhiễu doanh nghiệp (tương tự như xử lý cán bộ công chức được giao thực hiện nhiệm vụ nhà nước chứ không phải chỉ đơn giản là xử lý nội bộ trong Hiệp hội – ngoài ra cần có quy định riêng đối với trường hợp thành viên lãnh đạo Hiệp hội có lợi ích liên quan tới việc đăng ký hợp đồng xuất khẩu, bởi khác với cơ quan Nhà nước, lãnh đạo Hiệp hội có thể có quyền lợi ích liên quan trực tiếp tới thủ tục này). Cần quy định cho phép doanh nghiệp có quyền khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm của Hiệp hội, cán bộ Hiệp hội tương tự như đối với cơ quan quản lý Nhà nước.

+ Về nội dung trong giấy đăng ký hợp đồng xuất khẩu (phụ lục 4): Ý nghĩa của thông tin tại cột “Thời gian thực hiện hợp đồng” là gì? Cơ quan Hải quan có thể từ chối thông quan hàng hóa nếu thời gian thông quan thực tế không phù hợp với thời gian ghi trên Giấy Đăng ký hợp đồng không?

Trên thực tế, trong quan hệ thương mại, việc thay đổi thời gian thực hiện hợp đồng là chuyện thường xảy ra. Đề nghị quy định đây chỉ là thời gian dự kiến thực hiện hợp đồng, hoặc bỏ luôn nội dung này trong mẫu giấy tờ (bởi thông tin về vấn đề này không có ý nghĩa trong việc kiểm soát hợp đồng nói chung).

5.      Các loại chứng chỉ quốc tế tương tự VietGAP

Như đã đề cập ở Mục 1 Công văn này và phân tích/lập luận tại Công văn của VCCI gửi Bộ Tư pháp, đề nghị Ban soạn thảo có hướng dẫn cụ thể quy định “chứng chỉ quốc tế” tại Điều 4.5 Nghị định theo hướng hướng công nhận các chứng chỉ quốc tế thông dụng hiện nay như GlobalGAP, BAP, ASC… để tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu và vẫn đảm bảo mục tiêu quản lý chất lượng như mong muốn.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 36/NĐ-CP về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra. Rất mong Quý Cơ quan cân nhắc, nghiên cứu để hoàn thiện Dự thảo.

Trân trọng cảm ơn.

Các văn bản liên quan