VCCI góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn nội dung về thuế thu nhập doanh nghiệp tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP của Chính phủ và sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 78/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính

Thứ Ba 17:09 19-05-2015

Kính gửi: Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính

Trả lời Công văn số 81/GM-TCT của Tổng cục Thuế ngày 21/04/2015 về việc góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn nội dung về thuế thu nhập doanh nghiệp tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP của Chính phủ và sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 78/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến như sau:

1.      Về danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển được ưu đãi thuế

Điều 1.5 của Luật 71/2014/QH13 quy định “Chính phủ quy định Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển quy định tại điểm này”. Hiện nay, dự thảo Nghị định này đang được Bộ Công Thương xây dựng và trình Chính phủ ban hành. Tuy nhiên, do Luật 71/2014/QH13 và Nghị định 12 có hiệu lực từ 01/01/2015 nên sẽ có một khoảng thời gian mà Luật đã có hiệu lực nhưng Danh mục chưa được ban hành. Nhằm lấp khoảng trống này, Bộ Công Thương đề xuất sử dụng Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đã được ban hành tại Quyết định số 1483/QĐ-TTg ngày 26/08/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Như vậy, vấn đề này có hai phương án xử lý:

-         Thứ nhất, chấp nhận một khoảng thời gian thiếu quy định khi Nghị định chưa kịp ban hành. Sau khi Nghị định ban hành thì sẽ tính lại khoản tiền thuế được ưu đãi của các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

-         Thứ hai, sử dụng tạm Quyết định 1483 trong khoảng thời gian trống. Sau khi Nghị định ban hành thì sẽ áp dụng theo Nghị định.

Trong thời gian qua, hiện tượng văn bản hướng dẫn chậm ban hành dẫn đến việc chậm thực hiện các chính sách thuế xảy ra tương đối nhiều. Phương pháp xử lý hiện nay thường là: đối với các văn bản có lợi cho người dân và doanh nghiệp thì áp dụng từ thời điểm có hiệu lực của văn bản cấp trên, còn đối với những văn bản bất lợi cho người dân và doanh nghiệp thì áp dụng từ thời điểm có hiệu lực của văn bản ban hành sau. Hiện tại, Nghị định quy định Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cũng đang được xây dựng nên khoảng thời gian trống không dài và hoàn toàn có thể áp dụng các biện pháp hoàn thuế hoặc truy thu sau đó.

Chúng tôi cho rằng việc áp dụng Quyết định 1483 sẽ đặt ra rất nhiều vấn đề phức tạp. Thứ nhất, việc áp dụng Quyết định 1483 chưa đảm bảo tính hợp pháp, bởi đây là Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trong khi Luật đã giao cho Chính phủ quy định vấn đề này. Thứ hai, Quyết định 1483 cũng có ban hành Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ nhưng nhằm mục tiêu chính sách khác, không phải mục tiêu ưu đãi thuế. Mặc dù tên gọi của hai Danh mục có thể giống nhau nhưng việc áp dụng chéo như vậy có thể không phù hợp. Thứ ba, trường hợp áp dụng nếu có sự khác biệt về nội dung hai Danh mục (tại Quyết định 1483 và tại Nghị định sắp ban hành) sẽ gây ra những hệ quả rất khó giải quyết bởi sẽ có những doanh nghiệp được đưa vào rồi lại đưa ra khỏi diện được ưu đãi. Những hệ quả đó vượt xa so với việc lựa chọn phương án thứ nhất.

Do đó, trong vấn đề này, chúng tôi đề nghị Cơ quan soạn thảo sử dụng phương án thứ nhất, tức là chấp nhận một khoảng thời gian thiếu pháp luật và sau đó sẽ bổ sung bằng phương pháp cho ưu đãi từ thời điểm 01/01/2015 và hoàn thuế/truy thu thuế xuất phát từ sự chậm chễ ban hành Nghị định.

2.      Xác định thu nhập của dự án đầu tư trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ nằm trong địa bàn được ưu đãi thuế

Quy định không cho hưởng ưu đãi thuế đối với khoản thu nhập của dự án đầu tư trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có đăng ký trong địa bàn được ưu đãi thuế nhưng lại tiến hành kinh doanh ngoài địa bàn là phù hợp, nhằm tránh tình trạng các doanh nghiệp chỉ đăng ký đầu tư tại khu vực khó khăn nhằm hưởng ưu đãi nhưng lại không có đóng góp ý gì cho sự phát triển kinh tế xã hội của khu vực đó. Tuy nhiên, việc xác định phần doanh thu nào thuộc địa bàn được ưu đãi, phần doanh thu nào nằm ngoài địa bàn là tương đối khó khăn.

Về mục đích, chính sách ưu đãi đầu tư theo địa bàn nhằm thu hút các nguồn vốn đầu tư vào các địa bàn khó khăn từ đó tạo hiệu ứng kinh tế, xã hội thúc đẩy sự phát triển của khu vực đó. Như vậy, nếu dự án đầu tư trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ có tác động giúp địa bàn phát triển thì cần phải được ưu đãi thuế. Xuất phát từ quan điểm đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo quy định cụ thể như sau: Thu nhập của dự án đầu tư trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ nằm trong địa bàn ưu đãi đầu tư sẽ được hưởng ưu đãi nếu thuộc một trong những trường hợp sau: (1) Hoạt động thương mại có thu mua nguyên liệu hoặc bán hàng hóa tại địa bàn được ưu đãi; (2) Hoạt động dịch vụ có trên 50% số người lao động thường xuyên làm việc tại địa bàn được ưu đãi; (3) Hoạt động vận tải có điểm đầu, điểm cuối hoặc điểm trung chuyển qua địa bàn được ưu đãi; (4) Hoạt động xây dựng có nơi xây dựng thuộc địa bàn được ưu đãi.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư hướng dẫn nội dung về thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ và sửa đổi, bổ sung một số điều theo quy định tại Thông tư số 78/2014/TT-BTC. VCCI gửi kèm hai văn bản góp ý cho Dự thảo Thông tư của các chuyên gia và doanh nghiệp. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

Các văn bản liên quan