VCCI góp ý Dự thảo Nghị định về vật liệu nổ công nghiệp
Kính gửi: Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Bộ Công Thương
Trả lời Công văn số 1155/BCT-ATMT của Bộ Công Thương về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định về vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, có một số ý kiến như sau:
- Về hồ sơ đề nghị huấn luyện, kiểm tra cấp Giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp (Điều 9)
Khoản 1 Điều 7 Dự thảo quy định, cơ quan có thẩm quyền sẽ huấn luyện cho “người quản lý” của doanh nghiệp và doanh nghiệp sẽ huấn luyện những đối tượng còn lại quy định từ khoản 2-7 Điều 6 Dự thảo.
Theo quy định tại Điều 9 Dự thảo thì tổ chức sản xuất, kinh doanh, bảo quản, vận chuyển và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phải gửi hồ sơ đề nghị huấn luyện, kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận huấn luyện, trong đó có “tài liệu huấn luyện chi tiết phù hợp cho từng đối tượng theo nội dung quy định tại Điều 8 của Nghị định này” (điểm d khoản 4), tức là có cả tài liệu huấn luyện cho “người quản lý”. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ xem xét và thông báo kế hoạch huấn luyện và kiểm tra cho tổ chức đề nghị (điểm b khoản 5).
Việc cung cấp tài liệu huấn luyện cho các đối tượng thuộc trách nhiệm huấn luyện của doanh nghiệp là cần thiết, tuy nhiên việc yêu cầu doanh nghiệp phải chuẩn bị tài liệu huấn luyện cho cả đối tượng do cơ quan nhà nước huấn luyện (người quản lý) là chưa phù hợp. Hơn nữa, doanh nghiệp cũng không đủ trình độ chuyên môn để soạn các nội dung huấn luyện cho nhóm đối tượng này phù hợp.
Do đó, để đảm bảo tính phù hợp, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng:
- Đối với hồ sơ đề nghị kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận huấn luyện cho các đối tượng thuộc trách nhiệm huấn luyện của doanh nghiệp: các tài liệu quy định tại khoản 4 Điều 9;
- Đối với hồ sơ đề nghị huấn luyện, kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận huấn luyện cho “người quản lý”: đề nghị trong hồ sơ bỏ “tài liệu huấn luyện chi tiết phù hợp cho từng đối tượng” – Cơ quan nhà nước có thẩm quyền huấn luyện và cấp Giấy chứng nhận có trách nhiệm soạn tài liệu huấn luyện chi tiết cho đối tượng theo đề nghị của tổ chức gửi hồ sơ.
- Về cấp lại, cấp đổi giấy chứng nhận huấn luyện (khoản 7 Điều 9)
- Thủ tục cấp đổi đối với trường hợp điều kiện thay đổi: Điểm a khoản 7 Điều 9 Dự thảo quy định các trường hợp thay đổi điều kiện hoạt động, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục đề nghị kiểm tra, cấp đổi giấy chứng nhận huấn luyện cho các đối tượng đã được huấn luyện bổ sung. Tuy nhiên, Dự thảo lại không có quy định về thủ tục cho trường hợp cấp đổi này: tương tự như cấp lần đầu quy định tại khoản 4 Điều 9 hay là một dạng thủ tục mới? Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về thủ tục này để đảm bảo thuận lợi trong quá trình thực hiện;
- Thủ tục cấp lại đối với trường hợp giấy chứng nhận bị hư hỏng, bị mất: Điểm b khoản 7 Điều 9 Dự thảo quy định trường hợp Giấy chứng nhận huấn luyện bị hư hỏng, mất thì doanh nghiệp sẽ thực hiện thủ tục để đề nghị cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận. Dự thảo không quy định về trình tự, thủ tục hành chính này. Điều này có thể gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về thủ tục này, theo hướng đơn giản về hồ sơ (chỉ cần giấy đề nghị nêu rõ lý do), thời gian giải quyết thủ tục (ngắn, khoảng 03 ngày làm việc) bởi trong trường hợp này doanh nghiệp không có thay đổi gì về bản chất, chỉ đơn giản là giấy chứng nhận bị mất hoặc hư hỏng, vì vậy không cần nhiều thời gian để thẩm định hồ sơ.
Góp ý tương tự đối với thủ tục cấp lại, cấp đổi giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn tiền chất thuốc nổ quy định tại khoản 6 Điều 14 Dự thảo.
- Về quản lý, bảo quản vật liệu nổ công nghiệp (Điều 10)
Khoản 1 Điều 10 Dự thảo quy định “vật liệu nổ công nghiệp khi chưa sử dụng phải được bảo quản tại kho chứa đã được các tổ chức có thẩm quyền nhất trí về vị trí đặt đảm bảo các yêu cầu về an ninh, khoảng cách an toàn, các yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy và chất lượng công trình xây dựng theo quy định”.
Quy định trên cần được xem xét ở các vấn đề sau:
- Về tính thống nhất: khoản 2 Điều 9 Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (2017) quy định về điều kiện của kho được sử dụng để bảo quản vật liệu nổ, trong đó có điều kiện “có nội quy, phương án bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy, kế hoạch hoặc biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất và phương tiện bảo đảm an toàn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”. Theo quy định này thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ xem xét và phê duyệt về “nội quy, phương án bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy, kế hoạch hoặc biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất và phương tiện bảo đảm an toàn” mà không phải là vị trí của kho chứa. Do vậy, quy định yêu cầu kho chứa phải được “tổ chức có thẩm quyền nhất trí về vị trí đặt” dường như chưa phù hợp với quy định của Luật;
- Về tính minh bạch: Yêu cầu kho chứa được tổ chức có thẩm quyền nhất trí về vị trí đặt thực chất là một dạng của thủ tục hành chính (cơ quan Nhà nước phê duyệt đồng ý hoặc không đồng ý, sau đó doanh nghiệp mới được phép làm). Tuy nhiên, Dự thảo lại không quy định rõ về trình tự, thủ tục để có được sự nhất trí này hoặc dẫn chiếu tới văn bản có quy định.
Từ các phân tích trên, để đảm bảo tính thống nhất, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định trên theo hướng yêu cầu kho chứa đảm bảo các yêu cầu về an ninh, khoảng cách an toàn, các yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy và chất lượng công trình xây dựng theo quy định.
- Trình tự, thủ tục kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật án toàn tiền chất thuốc nổ
- Khoản 4 Điều 14 Dự thảo quy định về trình tự, thủ tục kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận huấn luyện, trong đó có quy định về khoảng thời gian cơ quan nhà nước sẽ thông báo kế hoạch huấn luyện, kiểm tra cho tổ chức đề nghị khi hồ sơ đầy đủ, hợp lệ hoặc thông báo cho tổ chức đề nghị huấn luyện, kiểm tra hoàn chỉnh hồ sơ khi hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ. Quy định này cần được xem xét ở các vấn đề:
- Theo quy định tại Điều 12 Dự thảo thì cơ quan nhà nước cấp phép hoạt động tiền chất thuốc nổ sẽ chỉ “kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn cho các đối tượng thuộc thẩm quyền cấp phép”. Như vậy, cơ quan này không trực tiếp huấn luyện các đối tượng này. Do đó, Dự thảo quy định, sau khi nhận hồ sơ, cơ quan nhà nước “thông báo kế hoạch huấn luyện” là chưa phù hợp. Đề nghị Ban soạn thảo bỏ cụm từ “huấn luyện” tại điểm b khoản 4 Điều 14 Dự thảo.
- Thời gian xem xét tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ 10 ngày làm việc (gần 14 ngày thường) là quá dài. Đề nghị Ban soạn thảo rút ngắn thời gian xem xét tính hợp lệ của hồ sơ xuống, khoảng 05 ngày làm việc.
Góp ý tương tự đối với thủ tục kiểm tra cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp quy định tại điểm b khoản 5 Điều 9 Dự thảo.
- Không rõ kể từ khi thông báo đến thời điểm tổ chức kiểm tra là bao lâu. Việc Dự thảo không ấn định thời gian cứng để thực hiện thời gian kiểm tra có thể khiến cho thủ tục hành chính bị kéo dài. Đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể, trong khoảng thời gian bao nhiêu ngày tính từ ngày thông báo kế hoạch kiểm tra, cơ quan nhà nước phải tổ chức kiểm tra cấp giấy chứng nhận.
Góp ý tương tự đối với thủ tục kiểm tra cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp quy định tại khoản 5 Điều 9 Dự thảo.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định về vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.