VCCI góp ý Dự thảo Nghị định về phát triển công nghiệp môi trường

Thứ Tư 10:01 30-12-2015

Kính gửi: Cục Kỹ
thuật an toàn và Môi trường Công nghiệp

        Bộ
Công Thương

Nhận được
Công văn số 9696/BCT-ATMT của Bộ Công Thương ngày 18/09/2015 về việc lấy ý kiến
dự thảo Nghị định quy định về phát triển công nghiệp môi trường (sau đây gọi tắt
là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đăng tải trên
website http://vibonline.com.vn
(website chuyên đăng tải các dự thảo văn bản pháp luật về kinh doanh) và gửi
công văn lấy ý kiến đến các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp có liên quan.
Sau khi nhận được ý kiến phản hồi, VCCI có một số góp ý ban đầu đối với Dự thảo
như sau:

1.      Về căn cứ pháp lý ban hành Nghị định

Tờ trình
kèm theo Dự thảo Nghị định đã liệt kê các căn cứ pháp lý của việc ban hành Nghị
định này, bao gồm: (1) Điều 141.3 của Luật Bảo vệ môi trường 2014; (2) Điều
19.2 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015; và (3) Quyết định số
1292/QĐ-TTg ngày 01/08/2014 của Thủ tướng Chính phủ, Công văn số 5584/VPCP-KGVX ngày 09/07/2013, và Công văn số
8893/VPCP-KGVX ngày 07/11/2014 của Văn phòng Chính phủ.

Tuy nhiên, Điều 141.3 của Luật Bảo vệ môi trường
năm 2014 quy định: “Bộ trưởng Bộ Công
Thương chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng,
Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phát triển
ngành công nghiệp môi trường
. Như vậy, Luật chỉ giao các cơ quan trên
thực hiện việc phát triển ngành công nghiệp môi trường dựa trên các quy định
pháp luật đã có chứ không giao thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật,
việc ban hành một Nghị định mới như vậy cần được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ
Quốc hội. Do đó, để bảo đảm căn cứ pháp lý đầy
đủ, tính chặt chẽ cho việc xây dựng Nghị định này, đề nghị cơ quan soạn thảo xin
ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội
trước khi ban hành văn bản này.

2.      Về sự cần thiết ban hành

Hiện
nay, việc ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường đã được quy định tại Chương
VII, Nghị định 19/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường, nội dung này kế
thừa Nghị định 04/2009/NĐ-CP về ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường. Về
đối tượng được ưu đãi trong Dự thảo Nghị định này và Nghị định 19 có nhiều
điểm trùng lặp
như các dự án sản xuất và sản phẩm là các máy móc, thiết
bị phục vụ việc vận chuyển, xử lý chất thải. Trong khi đó, về biện pháp và mức
độ ưu đãi giữa hai Nghị định lại có sự khác biệt.

            Tờ trình hiện nay đã thể hiện sự cần thiết của việc ban
hành Nghị định dựa trên nhu cầu bảo vệ môi trường trên thực tế. Tuy nhiên, do
đây không phải là vấn đề pháp lý mới nên theo chúng tôi cần thiết phải đánh giá
cả thực tiễn thi hành các quy định pháp luật hiện có, đặc biệt là Nghị định 19
và Nghị định 04. Cụ thể như sau:


Về đối
tượng được ưu đãi, hỗ trợ
: các đối tượng được ưu đãi, hỗ trợ theo Nghị định
19 đã hợp lý chưa? Vì sao cần có Nghị định này để mở rộng đối tượng?


Về hình
thức, biện pháp ưu đãi, hỗ trợ
: các hình thức ưu đãi, hỗ trợ
của Nghị định 19 có gì bất cập?


Về thực
tiễn thi hành
: Việc thi hành Nghị định 19 và Nghị định 04 có
đạt được hiệu quả trên thực tế không? Nếu không thì vướng mắc ở đâu? Bài học
kinh nghiệm rút ra là gì?

Do đó, đề
nghị cơ quan soạn thảo
đánh giá thêm những điểm thành công và thất bại của
chính sách ưu đãi, hỗ trợ tại Nghị định 19 và Nghị định 04
để làm rõ
hơn tính cần thiết phải ban hành Nghị định này.

3.      Giải pháp thay thế

Theo kết
quả các nghiên cứu về môi trường kinh doanh của VCCI trong nhiều năm qua, chúng
tôi thấy rằng việc được ưu đãi miễn giảm các nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước
(thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất…) cũng rất quan trọng, nhưng không phải là mối
quan tâm quá cao của các doanh nghiệp khi quyết định đầu tư. Các vấn đề khác về
điều kiện thị trường, rủi ro kinh doanh, lao động, tiếp cận đất đai, giao
thông… mới thực sự là những động lực tốt để thu hút đầu tư.

Công
nghiệp môi trường là ngành sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho nhiều chủ thể
khác để thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường. Các chủ thể  này thực hiện việc bảo vệ môi trường chủ yếu
xuất phát từ động cơ tránh bị xử phạt vi phạm từ phía các cơ quan nhà nước. Do
đó, có thể nói, nguồn cầu đối với công nghiệp môi trường lớn hay nhỏ phụ thuộc
nhiều vào việc thực thi các quy định bảo vệ môi trường của nhà nước, cụ thể:


Xử phạt nghiêm minh các trường hợp không thực
hiện nghĩa vụ bảo vệ môi trường.


Tuyên truyền rộng rãi, dán nhãn xanh để khuyến
khích nhu cầu của người dân sử dụng các hàng hóa, dịch vụ it tác động đến môi
trường, từ đó kích thích các doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn cho bảo vệ môi trường.


Tăng cường kết nối giữa các đơn vị có nhu cầu sử
dụng hàng hóa, dịch vụ của công nghiệp môi trường và các nhà cung cấp loại hàng
hóa, dịch vụ này.

Do đó,
VCCI đề nghị Nhà nước nên tập trung nhiều hơn vào các biện
pháp thực thi
như một số ví dụ trên nhằm tạo nhu cầu cao hơn cho công
nghiệp môi trường, trước khi tính tới các biện pháp ưu đãi về thuế, phí.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp
Việt Nam góp ý Dự thảo Nghị định quy định về phát triển công nghiệp
môi trường. Kính mong Quý Cơ quan xem
xét, cân nhắc.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan.