VCCI góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 90/2011/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Thứ Hai 13:58 09-11-2015

Kính gửi: Vụ Tài
chính Ngân hàng – Bộ Tài chính

Trả lời công văn số 12150/BTC/TCNH ngày 01/09/2015 của
Bộ Tài chính về việc đề xuất sửa đổi bổ sung Nghị định số 90/2011/NĐ-CP về phát
hành trái phiếu doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
đã triển khai việc lấy ý kiến như sau:


Gửi công văn cho
các doanh nghiệp có liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp như các tổ chức tín dụng,
tổ chức tài chính, doanh nghiệp đã từng phát hành trái phiếu và các hiệp hội
doanh nghiệp.


Đăng tải trên
website VIBonline của VCCI chuyên về lấy ý kiến dự thảo văn bản pháp luật.

Sau khi triển khai, VCCI có một số ý kiến ban đầu đối
với Bản đề xuất sửa đổi Nghị định 90/2011/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh
nghiệp như sau:

1.
Quan điểm tiếp cận

VCCI cho rằng việc phát triển thị trường trái phiếu
doanh nghiệp là rất cần thiết cho nền kinh tế bởi đây là một kênh huy động vốn tương
đối hiệu quả đối với nhiều doanh nghiệp. Khi mà cả hai kênh huy động vốn thường
thấy là cổ phiếu và ngân hàng đều đang có những vấn đề riêng thì thị trường
trái phiếu được kỳ vọng sẽ giúp bổ sung nguồn vốn cho các doanh nghiệp Việt Nam
trong giai đoạn này. Do đó, việc Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi những quy định
còn đang vướng mắc tại Nghị định 90/2011/NĐ-CP là rất cần thiết.

2.
Góp ý cụ thể

a.      Khuyến khích doanh nghiệp phát hành sử dụng dịch vụ
xếp hạng tín nhiệm

Bản đề xuất của Bộ Tài chính đưa ra chủ trương “khuyến khích doanh nghiệp phát hành sử dụng
dịch vụ xếp hạng tín nhiệm”
là rất hợp lý. Trong bối cảnh hiện nay, khi mà
khung pháp lý về xếp hạng tín nhiệm mới được ban hành thì cũng chưa thể coi đây
là một điều kiện bắt buộc để doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Do đó, quy định
dừng lại ở mức khuyến khích
phù hợp. Tuy nhiên, bản đề xuất lại chưa nêu rõ các hình thức khuyến khích cụ
thể như thế nào. Đây là nội dung được nhiều doanh nghiệp quan tâm vì nó có thể
giúp làm đơn giản hóa các điều kiện, thủ tục, là động lực cho các doanh nghiệp
phát hành (DNPH). Do đó, đề nghị cơ quan
soạn thảo
thể hiện rõ các hình thức khuyến khích cụ thể khi sửa đổi Nghị
định 90
.

b.      Bỏ điều kiện có lãi đối với doanh nghiêp mới thành lập
và doanh nghiệp trong quá trình tái cơ cấu

Quy định này rất phù hợp với nhu cầu thực tiễn của
các doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều ý kiến góp ý cho rằng khái niệm “tái cơ cấu
hoạt động sản xuất kinh doanh” là chưa rõ ràng, làm giảm tính minh bạch của
pháp luật. Hơn nữa, thủ tục phát hành trái phiếu vốn là doanh nghiệp tự làm tự
chịu trách nhiệm mà không có sự đồng ý của cơ quan nhà nước. Do đó, nếu quy định
không rõ ràng sẽ khiến các DNPH luôn ở trong tình trạng không chắc chắn và có
thể bị xử phạt hành chính do doanh nghiệp và cơ quan thanh tra, kiểm tra hiểu
khác nhau về cùng một quy định.

Điều 3 của Nghị định 90 quy định 3 mục đích phát
hành trái phiếu gồm: (1) thực hiện các chương trình, dự án đầu tư của doanh
nghiệp; (2) tăng quy mô vốn hoạt động của doanh nghiệp; và (3) cơ cấu lại các
khoản nợ của doanh nghiệp”. Nếu giải thích rộng khái niệm “tái cơ cấu” thì cả 3
trường hợp trên đều có thể được coi là “tái cơ cấu”.

Theo nhận định của một số chuyên gia, việc giải
thích khái niệm “tái cơ cấu” của các doanh nghiệp nhà nước có thể tương đối dễ
dàng, do các doanh nghiệp này thường có Đề án tái cơ cấu và được cơ quan nhà nước
có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, điều này không thể có ở các doanh nghiệp tư
nhân. Từ đó nảy sinh câu hỏi: Liệu quy định trên có phải nhắm tới riêng các
doanh nghiệp nhà nước hay không?

Với những phân tích đó, VCCI đề xuất cơ quan soạn thảo
lựa chọn một trong hai phương án sau:


Phương án 1:
Giải thích rõ khái niệm “tái cơ cấu hoạt động sản xuất kinh doanh”, xác định
các trường hợp cụ thể được coi là tái cơ cấu.


Phương án 2:
bỏ điều kiện của DNPH là năm tài chính liền trước phải có lãi mà chỉ cần công bố
báo cáo tài chính có kiểm toán. Như vậy sẽ theo đúng nguyên tắc tự vay, tự trả
và tự chịu trách nhiệm nhưng vẫn bảo đảm quyền được thông tin đầy đủ của nhà đầu
tư.

c.      Về công bố thông tin

Mục đích quan trọng nhất của việc công bố thông tin
là để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Hiện nay, theo quy định của Nghị định 90
và Thông tư 211, DNPH phải công bố thông tin cho nhà đầu tư về hai nội dung: kế
hoạch phát hành
kết quả phát hành. Trong khi đó, chế độ báo cáo với
Bộ Tài chính thì gồm 3 nội dung: kế hoạch phát hành, kết quả phát
hành
tình hình thanh toán gốc lãi. Như vậy, hiện nay có sự chưa
thống nhất giữa chế độ công bố thông tin đối với nhà đầu tư và chế độ báo cáo Bộ
Tài chính.

VCCI cho rằng việc bảo vệ quyền được thông tin của
nhà đầu tư là một yếu tố then chốt giúp thị trường trái phiếu phát triển một
cách lành mạnh và minh bạch, từ đó thu hút thêm nguồn tiền dành cho các doanh
nghiệp phát hành. Do đó, đề nghị sửa đổi quy định theo hướng tăng cường bảo vệ quyền được thông tin đầy
đủ của nhà đầu tư
, bao gồm các thông tin về kế hoạch phát hành, kết quả
phát hành và tình hình thanh toán gốc lãi của DNPH trong thời gian lưu hành
trái phiếu.

d.      Về trung tâm thông tin trái phiếu doanh nghiệp

Việc giao cho một tổ chức nghề nghiệp tự nguyện thực
hiện một dịch vụ công là điều cần thiết và phù hợp với chủ trương xã hội hóa của
nhà nước. Do đó, VCCI ủng hộ việc Bộ Tài chính ủy quyền cho VBMA tiếp nhận các
báo cáo của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhằm bảo đảm quyền lợi của cả DNPH và nhà
đầu tư, trung tâm thông tin cần được
hoạt động theo nguyên tắc nhanh chóng, trung thực, khách quan
, tránh việc
một số cá nhân có thể biết trước các thông tin về trái phiếu để thực hiện các
giao dịch có lợi cho mình.

e.      Lưu ký tập trung

Trong bản đề xuất, cơ quan soạn thảo cho rằng mục
đích của việc đăng ký, lưu ký tập trung là nhằm giúp Bộ Tài chính theo dõi, cập
nhật được dữ liệu về trái phiếu doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cho rằng nếu chỉ
vì mục tiêu này thì việc lưu ký tập trung, mà đi kèm với đó là phát sinh chi
phí của DNPH, là không cần thiết. Bởi tại bất kỳ thời điểm nào, Bộ Tài chính
cũng có thể yêu cầu các tổ chức lưu ký báo cáo về tình trạng trái phiếu doanh
nghiệp. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo
giải trình rõ hơn về lợi ích của việc
lưu ký tập trung đối với các nhà đầu tư và DNPH để làm căn cứ cho việc tiếp tục
đề xuất này
.

f.       Về phương án phát hành trái phiếu chia thành nhiều đợt

Việc cho phép doanh nghiệp xây dựng phương án phát
hành và đăng ký chương trình phát hành trái phiếu trung hạn sẽ giúp doanh nghiệp
chủ động hơn trong việc huy động vốn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là trong khoảng
thời gian dài như vậy, một số thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh của
doanh nghiệp có thể sẽ thay đổi. Nếu nhà đầu tư ở những đợt phát hành sau vẫn
chỉ có thông tin ở Bản cáo bạch mà DNPH đã công bố từ nhiều năm trước thì có thể
sẽ là rủi ro. Do đó, VCCI đề nghị trong
trường hợp DN có kế hoạch phát hành trung hạn thì cần có quy định về việc cập
nhật tình hình tài chính của doanh nghiệp
, ví dụ, cập nhật báo cáo tài
chính kiểm toán (không cần yêu cầu vẫn tiếp tục lãi, nhưng cần có báo cáo tài
chính có kiểm toán gần nhất).

3.
Một số vấn đề khác

a.      Mục đích phát hành

Điều 3 của Nghị định 90 quy định về các mục đích
phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, các quy định này chưa rõ ràng và
gây vướng mắc cho một số doanh nghiệp trong quá trình thực hiện. Cụ thể:

Thứ nhất, mục đích phát hành trái phiếu có phải là một trong
những điều kiện phát hành trái phiếu không? Nói cách khác, nếu doanh nghiệp phát
hành trái phiếu mà không phải để đáp ứng 1 trong 3 mục đích đã quy định ở Điều
3 thì có được phép phát hành hay không?

Thứ hai, như thế nào là “thực hiện các chương trình, dự án
đầu tư của doanh nghiệp”. Trong pháp luật về đầu tư và doanh nghiệp không có
khái niệm “chương trình đầu tư”. Khái niệm “dự án đầu tư” theo Luật Đầu tư cũng
rất rộng, “là tập hợp đề xuất bỏ vốn trung hạn hoặc dài hạn để tiến hành các hoạt
động đầu tư kinh doanh trên địa bàn cụ thể, trong khoảng thời gian xác định.”
Câu hỏi đặt ra là các dự án đầu tư này nếu không thuộc diện phải cấp giấy chứng
nhận đầu tư thì có được chấp nhận không? Trong trường hợp dự án đầu tư là của
công ty con, nhưng công ty mẹ phát hành trái phiếu thì có được không?

Với tất cả vướng mắc trên, VCCI đề nghị cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu
nằm ngoài 3 mục đích đã nêu trong Điều 3
. Đồng thời, bổ sung thêm trong Điều 16.2 về hồ sơ
phát hành trái phiếu phải có thêm các tài liệu giải trình rõ mục đích của việc
sử dụng nguồn vốn trái phiếu
. Thực tế, trong nhiều Bản cáo bạch, các
DNPH đã miêu tả rất rõ mục đích sử dụng vốn và điều này làm tăng tính thuyết phục
về khả năng trả nợ của DNPH, thu hút các nhà đầu tư tốt hơn. Quy định như vậy vừa
tạo sự linh hoạt cho DNPH nhưng cũng bảo đảm quyền được thông tin của chủ đầu
tư.

b.      Thay đổi về quyền và nghĩa vụ giữa DNPH và nhà đầu

Hiện nay, Nghị định 90 chưa có quy định về việc thay
đổi các nội dung của trái phiếu doanh nghiệp trong và sau giai đoạn phát hành. Một
số ví dụ thực tiễn nảy sinh như:


Ngay trong giai
đoạn phát hành, DNPH có thể đạt được thỏa thuận với một hoặc tất cả các nhà đầu
tư về việc thay đổi nội dung của trái phiếu so với Bản cáo bạch, như thời gian
đáo hạn, lãi suất. Một số câu hỏi pháp lý đặt ra là: DNPH có phải thay đổi nội
dung bản cáo bạch không? Nếu phải thay đổi thì hiệu lực của thay đổi nội dung
trái phiếu phát sinh từ thời điểm đạt được thỏa thuận hay thời điểm thay đổi Bản
cáo bạch?


Sau giai đoạn
phát hành, theo nhu cầu sử dụng vốn, đôi khi DNPH muốn thay đổi nội dung của
trái phiếu (như kéo dài thời gian đáo hạn) thì thực hiện như thế nào? Theo quan
sát một số vụ việc đã phát sinh, DNPH sẽ phải phát thông báo rộng rãi về nhu cầu
thay đổi này. Nếu nhà đầu tư chấp nhận thì coi như đạt được thỏa thuận. Nhưng nếu
nhà đầu tư không chấp nhận thì sao? Trái phiếu sẽ tiếp tục duy trì nội dung ban
đầu hay cho phép nhà đầu tư quyền yeu cầu DNPH mua lại số trái phiếu đó (tương
tự như việc nhà đầu tư yêu cầu công ty cổ phần mua lại cổ phần của mình khi
không đồng ý với thay đổi trong điều lệ công ty)? Nếu nhà đầu tư im lặng thí
sao?


Nếu nhà đầu tư
muốn thay đổi nội dung của trái phiếu thì thực hiện thế nào?

Tất cả những câu hỏi trên đều chưa được giải quyết
trong Nghị định 90. Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thêm vào Nghị định 90 những điều luật để giải quyết trường hợp
DNPH và nhà đầu tư muốn thay đổi nội dung của trái phiếu
.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại
và Công nghiệp Việt Nam vê đề xuất sửa đổi bổ sung Nghị định 90/2011/NĐ-CP của
Bộ Tài chính về phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Kính mong Quý Cơ quan xem
xét, cân nhắc.

Trân
trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.