VCCI góp ý Dự thảo Nghị định quy định về bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng

Thứ Tư 17:58 07-10-2015

Kính
gửi: Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm – Bộ Tài chính

Trả
lời công văn số 11064/BCT-QLBH ngày 12/8/2015 của Bộ Tài chính về việc đề nghị
góp ý đối với Dự thảo Nghị định quy định về bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu
tư xây dựng. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã triển khai lấy
ý kiến doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp bằng hình thức gửi văn bản, đăng tải
trên website của VCCI về xây dựng văn bản pháp luật: www.vibonline.com.vn.
Trên cơ sở các góp ý của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh
nghiệp, VCCI có một số ý kiến ban đầu như sau:

1.
Quy
định về điều kiện triển khai bảo hiểm

Mục
2 Chương II (bao gồm Điều 7, Điều 8 và Điều 9) của Dự thảo quy định về Điều kiện
triển khai bảo hiểm. Trong Báo cáo đánh giá tác động văn bản, cơ quan soạn thảo
dựa vào Điều 9.4 của Luật xây dựng và cho rằng Quốc hội đã ủy quyền cho Chính
phủ quy định chi tiết về nội dung này. Tuy nhiên, Điều 9.4 của Luật xây dựng
quy định: “Chính phủ quy định chi tiết về
trách nhiệm mua bảo hiểm bắt buộc, điều
kiện
, mức phí, số tiền bảo hiểm tối thiểu
mà tổ chức, cá nhân tham gia
bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ thực hiện”
. Theo ngôn ngữ của
Điều 9.4 thì Quốc hội giao cho Chính phủ quy định cụ thể về điều kiện bảo hiểm,
chứ không giao quy định cụ thể về “điều kiện triển khai bảo hiểm xây dựng” hay
“điều kiện kinh doanh bảo hiểm xây dựng”. Tương tự như Điều 8.1 của Luật Kinh
doanh bảo hiểm có quy định: “Bảo hiểm bắt
buộc là loại bảo hiểm do pháp luật quy định về điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu
mà tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ thực
hiện.”
Như vậy, nhiều doanh nghiệp cho rằng cách hiểu Điều 9.4 như trong
Báo cáo đánh giá tác động văn bản là chưa
phù hợp.

Trong
trường hợp, cơ quan soạn thảo nhận thấy việc kinh doanh bảo hiểm xây dựng có rủi
ro cao hơn đối với các doanh nghiệp bảo hiểm, do đó cần có điều kiện kinh doanh
cao hơn so với kinh doanh bảo hiểm thông thường khác thì cần sửa các quy định về
điều kiện kinh doanh bảo hiểm trong Luật kinh doanh bảo hiểm, chứ không nên sử
dụng một văn bản hướng dẫn Luật xây dựng để thực hiện điều này.

Do
đó, chúng tôi đề nghị ban soạn thảo cần cân nhắc quy định các nội dung về điều
kiện triển khai bảo hiểm quy định tại Mục 2, Chương II (các điều 7, 8 và 9) dự
thảo.

2.
Trách
nhiệm mua bảo hiểm công trình của chủ đầu tư

Điều
4.1 của Dự thảo quy định về trách nhiệm mua bảo hiểm công trình bắt buộc đối với
chủ đầu tư nhằm cụ thể hóa Điều 9.2.a của Luật xây dựng: “Chủ đầu tư mua bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng đối với
công trình có ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng, môi trường, công
trình có yêu cầu kỹ thuật đặc thù, điều kiện thi công xây dựng phức tạp
”.
Dự thảo đã dẫn chiếu đến Phụ lục II của Nghị định 46/2015/NĐ-CP về Danh mục
công trình, hạng mục công trình có ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng, và Phụ lục
II của Nghị định 18/2015/NĐ-CP về Danh mục dự án phải thực hiện đánh giá tác động
môi trường. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp cho rằng việc dẫn chiếu này là chưa phù hợp.

Phụ
lục II của Nghị định 46/2015/NĐ-CP quy định về các công trình, hạng mục có ảnh
hưởng đến an toàn cộng đồng nhằm phục vụ mục tiêu kiểm tra công tác nghiệm
thu công trình xây dựng trước khi đi vào hoạt động
. Ví dụ, trong Phụ lục II
Nghị định 46 liệt kê các công trình như nhà chung cư, nhà ở tập thể, ký túc xá,
công trình giáo dục, y tế, thể thao, văn hóa, khách sạn, trung tâm thương mại,
siêu thị… Đây đều là những công trình có nguy cơ “ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng”
sau khi đã đi vào hoạt động, còn trong quá trình xây dựng thì nguy cơ
này không cao hơn so với các công trình thông thường khác. Trong khi đó, bảo hiểm
xây dựng lại chỉ áp dụng trong giai đoạn xây dựng, trước khi công trình đi vào
vận hành (Điều 4.2 của Dự thảo). Như vậy, mặc dù dùng chung cụm từ “ảnh hưởng đến
an toàn cộng đồng”, nhưng thời điểm mất an toàn lại khác nhau.

Tương
tự như vậy, rất nhiều các dự án trong Phụ lục II của Nghị định 18/2015 cũng chỉ
phát sinh nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường sau khi đi vào hoạt động, còn trong
quá trình xây dựng thì mức độ rủi ro và thiệt hại xảy ra cũng không lớn hơn các
công trình khác.

Do
đó, chúng tôi đề nghị cơ quan soạn thảo
soát lại
trong Phụ lục II của Nghị định 46 và Phụ lục II của Nghị định 18
và chỉ lựa chọn những công trình nào mà có nguy cơ “ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng,
môi trường” cao hơn các công trình bình thường khác trong khoảng thời gian xây
dựng
thì mới bắt buộc phải mua bảo hiểm.

3.
Vấn
đề ủy quyền ban hành Thông tư hướng dẫn

Dự
thảo có quy định ủy quyền cho Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính quy định cụ thể một số
nội dung sau:


Bộ Xây dựng hướng dẫn cụ thể về “công
trình có yêu cầu kỹ thuật đặc thù, điều kiện thi công xây dựng phức tạp” (Điều
4.1.c)


Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể về “rủi ro
được loại trừ”, tức là rủi ro không được bảo hiểm (Điều 4.3, Điều 5.3 và Điều
6.3)


Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể về mức phí
bảo hiểm (Điều 11.2, Điều 11.3 và Điều 11.4)

Cả
ba vấn đề trên đều là những nội dung quan trọng, cốt yếu của văn bản này đã được
Quốc hội giao cho Chính phủ quy định chi tiết Điều 9 của Luật xây dựng. Trong
khi đó, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Điều 8.1 của Luật năm 2008,
và Điều 11.2 của Luật năm 2015) có quy định: “Cơ quan được giao ban hành văn bản quy định chi tiết không được ủy quyền
tiếp.”

Do
đó, việc Dự thảo Nghị định tiếp tục ủy quyền cho văn bản cấp Thông tư quy định
về những nội dung quan trọng nhất của chính sách này là chưa phù hợp. Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định luôn các
nội dung này vào Nghị định trước khi trình cơ quan ban hành.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và
Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định quy định về bảo hiểm bắt buộc
trong hoạt động đầu tư xây dựng. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa,
hoàn thiện.

Ngoài ra VCCI gửi kèm theo một số góp ý cụ thể về Dự thảo
mà một số doanh nghiệp gửi cho Phòng Thương mại và Công nghiệp để Quý Cơ quan
tham khảo.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan./.