VCCI góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phá sản về quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản

Thứ Năm 17:48 02-10-2014

Kính gửi: Cục Bổ trợ tư pháp – Bộ Tư pháp

Trả lời Công văn số 3917/BTP-BTTP của Bộ Tư pháp ngày 16/09/2014 về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phá sản về quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở nghiên cứu của chuyên gia, có một số ý kiến như sau:

I.                   Quan điểm tiếp cận

Việc soạn thảo và ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phá sản về quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản là rất cần thiết và phải được hoàn thiện càng sớm càng tốt, nhằm đảm bảo các quy định của Luật Phá sản năm 2013 có thể thực thi trên thực tế ngay từ thời điểm Luật có hiệu lực.

Do đó, VCCI đồng tình với với định hướng xây dựng Nghị định thể hiện tại Tờ trình, đặc biệt ở các mục tiêu:

-         Những vấn đề liên quan đến trình tự, thủ tục phải đảm bảo nguyên tắc đơn giản hóa thủ tục hành chính, chặt chẽ, công khai, minh bạch

-         Các quy định của Dự thảo phải cụ thể, chi tiết, khả thi để có thể thi hành ngay, thống nhất, tránh tình trạng phải có nhiều văn bản hướng dẫn

Rà soát toàn bộ Dự thảo vẫn còn một số quy định chưa đáp ứng được yêu cầu trên, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét để hoàn thiện.

II.               Góp ý chi tiết

1.      Hình thức quản lý đối với quản tài viên

Theo quy định tại Dự thảo thì quản tài viên muốn được hành nghề phải thực hiện hai thủ tục là:

-         Đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề quản tài viên

-         Đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản

Là chủ thể có thẩm quyền khá đặc biệt và có vai trò đáng kể trong thủ tục phá sản, việc Nhà nước quản lý Quản tài viên để đảm bảo rằng chủ thể này có đủ năng lực thực hiện công việc này là cần thiết. Tuy nhiên, việc quản lý Quản tài viên theo thủ tục đúp như dự kiến tại Dự thảo dường như là chưa hợp lý, vượt quá mức cần thiết và chưa đảm bảo nguyên tắc “đơn giản hóa thủ tục hành chính”. Cụ thể:

-         Thứ nhất, nếu để đảm bảo rằng quản tài viên có đủ kiến thức và năng lực chuyên môn cần thiết để thực hiện công việc của Quản tài viên thì việc quản lý bằng Chứng chỉ hành nghề Quản tài viên là đủ.

Thủ tục đăng ký hành nghề Quản tài viên không phục vụ gì cho mục tiêu đảm bảo năng lực chuyên môn này.

-         Thứ hai, nếu để quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ của Quản tài viên (công việc này thực chất là một dịch vụ, và quản tài viên thực hiện dịch vụ này như một nghề nghiệp kinh doanh) thì hiện đã có đủ các thủ tục quản lý cần thiết đối với chủ thể cung cấp dịch vụ (ví dụ nếu Quản tài viên làm việc trong một doanh nghiệp thì đã có thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp; nếu Quản tài viên hoạt động độc lập thì đã có các thủ tục đăng ký thương nhân tương ứng).

Như vậy, thủ tục đăng ký hành nghề Quản tài viên như dự kiến trong Dự thảo nếu áp dụng sẽ trùng lặp với các thủ tục đăng ký hiện đang có và cũng không nhằm muc tiêu quản lý cụ thể nào khác.

Ngoài ra, cũng cần chú ý rằng trong khi hoạt động của luật sư có thể cần được kiểm soát chặt chẽ hơn (bởi có liên quan trực tiếp và ảnh hưởng có tính quyết định tới các quyền nhân thân và tài sản của công dân và các chủ thể) và vì vậy có thể thủ tục quản lý đúp (vừa theo Chứng chỉ, vừa đăng ký hành nghề) bởi cơ quan chuyên môn (Bộ Tư pháp), thì Quản tài viên là chủ thể có mức độ tác động thấp hơn hẳn (bởi các chủ nợ mới là người quyết định) và vì vậy chỉ cần quản lý chuyên môn theo Chứng chỉ hành nghề là đủ, thủ tục kinh doanh/cung cấp dịch vụ có thể theo các thủ tục chung (tương tự như cách thức quản lý hiện tại đối với kiểm toán viên, kế toán,giám định viên…).

-         Thứ ba, ngay cả khi có đủ lập luận về lý thuyết để ủng hộ thủ tục đúp này thì trên thực tế thủ tục đúp hoàn toàn không có ý nghĩa thực tiễn nào về hiệu quả quản lý bởi những thông tin mà qua đó Nhà nước quản lý Quản tài viên (trong hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ và hồ sơ đăng ký hành nghề).ở cả hai thủ tục này không khác gì nhau, và vì vậy hiệu quả quản lý qua một thủ tục (Chứng chỉ) không kém gì so với quản lý qua hai thủ tục (Chứng chỉ và đăng ký).

-         Thứ tư, Luật Phá sản năm 2013 sẽ phát sinh hiệu lực vào ngày 01/01/2014, quản tài viên là một chế định hoàn toàn mới, nên sẽ có hiện tượng tại thời điểm Luật phát sinh hiệu lực, không có đội ngũ quản tài viên để tham gia vào quy trình giải quyết phá sản. Do đó, mục tiêu của Nghị định này phải đảm bảo “cung cấp” nhanh chóng đội ngũ quản tài viên để thực thi các quy định tại Luật Phá sản, do đó, quy định về thủ tục phải nhanh chóng, hiệu quả. Việc trải qua 2 thủ tục mới được phép hành nghề trong khi không rõ về mục tiêu cũng như ý nghĩa của các thủ tục, sẽ gây khó khăn cũng như phiền phức để các đối tượng đủ điều kiện được hành nghề quản tài viên và tất nhiên là kéo dài thời gian để hoàn thiện. Điều này đi ngược lại mục tiêu của Dự thảo này.

Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo:

-         Bỏ thủ tục đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản với tư cách cá nhân;

-         Bỏ quy định cấm quản tài viên “làm việc cho từ hai doanh nghiệp hành nghề quản lý, thanh lý tài sản trở lên trong cùng một thời gian hoặc vừa hành nghề với tư cách cá nhân vừa hành nghề trong doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản” (điểm d khoản 1 Điều 3) (bởi quy định này cũng không có ý nghĩa gì về mặt quản lý chuyên môn hay tính độc lập của Quản tài viên).

2.      Quy định về thủ tục trong Dự thảo chưa đảm bảo về tính đơn giản, thuận tiện, nhanh chóng, chặt chẽ, minh bạch

-         Thủ tục cấp Chứng chỉ hành nghề quản tài viên (Điều 5): Theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Dự thảo thì thời hạn để cơ quan có thẩm quyền xem xét để quyết định cấp hay không cấp Chứng chỉ hành nghề quản tài viên là 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Đây là khoảng thời gian quá dài để cấp Chứng chỉ hành nghề quản tài viên vì hồ sơ cần xem xét không quá phức tạp, đều là các tài liệu đã được một cơ quan thứ ba xác nhận rồi. Để đảm bảo thủ tục cấp Chứng chỉ quản tài viên nhanh chóng, đơn giản, đề nghị Ban soạn thảo xem xét rút ngắn thời gian thời gian cấp Chứng chỉ lại.

-         Thủ tục cấp lại Chứng chỉ hành nghề quản tài viên (Điều 6): Góp ý tương tự với thời gian xem xét cấp lại Chứng chỉ hành nghề quản tài viên quy định tại khoản 2 Điều 6 Dự thảo. 30 ngày là quá dài nếu chỉ xem xét các tài liệu “Đơn đề nghị cấp lại” (theo mẫu); chứng chỉ hành nghề quản tài viên bị hư hỏng/xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong trường hợp mất. Đề nghị Ban soạn thảo rút ngắn thời gian cấp lại.

Ngoài ra, thủ tục cấp lại Chứng chỉ chưa rõ ràng, minh bạch ở các điểm:

+ Cơ quan, tổ chức nào có thẩm quyền xác nhận trường hợp Chứng chỉ hành nghề quản tài viên bị mất? Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ.

+ Những trường hợp nào thì Chứng chỉ hành nghề không được cấp lại? Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ.

-         Thủ tục đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản đối với doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản (Điều 13): Khoản 3 Điều 13 Dự thảo quy định, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản có thể bị từ chối dăng ký hành nghề nhưng Dự thảo lại không quy định các trường hợp nào thì doanh nghiệp bị từ chối. Sự thiếu rõ rang này có thể gây ra sự tùy tiện của cán bộ thực hiện hành chính và gây khó khăn cho doanh nghiệp, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ các trường hợp có thể bị từ chối hành nghề theo Điều 13.3.

3.      Một số quy định tại Dự thảo chưa đủ cụ thể, rõ ràng, chưa đảm bảo có thể thi hành ngay

-         Tạm đình chỉ hành nghề đối với quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản (Điều 20): Dự thảo quy định về các trường hợp quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản bị tạm đình chỉ hành nghề, tuy nhiên lại không quy định về thời hạn tạm đình chỉ, trường hợp nào thì bãi bỏ biện pháp tạm đình chỉ hành nghề? Để đảm bảo sự rõ ràng và thuận lợi trong thực hiện, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ các vấn đề này.

-         Dự thảo có một số quy định chưa rõ ràng, còn mang tính định tính, trao quá nhiều quyền mang tính chất suy đoán cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có thể là dư địa cho tình trạng nhũng nhiễu, ví dụ:

+ “Vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ” quy định tại điểm c, khoản 1; điểm c khoản 2 Điều 21

+ “Ảnh hưởng xấu” quy dịnh tại điểm d khoản 1 Điều 21

Đề nghị Ban soạn thảo quy định theo hướng có thể định lượng được các khái niệm trên.

-         Dự thảo có một số quy định trao quyền cho Bộ, cơ quan ngang Bộ quy định chi tiết, ví dụ như: Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về việc thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cấp Chứng chỉ hành nghề quản tài viên (khoản 4 Điều 5) (việc trao quyền cho Bộ Tài chính trong trường hợp này vẫn thường được áp dụng trong xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phí. Tuy nhiên, với mục tiêu các quy định tại Nghị định phải được áp dụng ngay khi phát sinh hiệu lực thì các quy định này nên được quy định ngay tại Dự thảo); Bộ Tư pháp phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Việt Kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn quy định chuyển tiếp đối với các nội dung quy định tại 131 của Luật Phá sản và Tổ quản lý, thanh lý tài sản được thành lập theo quy định của Luật Phá sản năm 2004 (Điều 30). Như vậy, ngay cả khi Nghị định này ban  hành thì Luật Phá sản năm 2013 cũng phải chờ các văn bản hướng dẫn khác mới có thể thực hiện được.

Mặt khác, theo quy định tại khoản 4 Điều 131 Luật Phá sản năm 2013 thì Luật giao cho Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn về điều khoản chuyển tiếp, việc Chính phủ thông qua Dự thảo này lại trao quyền tiếp cho Bộ Tư pháp, cùng Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tài chính hướng dẫn tiếp là chưa phù hợp với tinh thần của Luật Phá sản.

Do đó, đề nghị Ban soạn thảo quy định điều khoản chuyển tiếp, về thu nộp phí cấp Chứng chỉ ngay tại Dự thảo này.

4.      Một số góp ý khác

-         Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định nghiêm cấm đối với quản tài viên có hành vi “Thông đồng, móc nối với doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán để làm sai lệch các nội dung liên quan đến hoạt động hành nghề quản lý, thanh lý tài sản” để tương ứng với hành vi bị nghiêm cấm của doanh nghiệp hành nghề quản lý, thanh lý tài sản như hiện đang quy định tại điểm a khoản 2 Điều 3 Dự thảo.

-         Về thu hồi Chứng chỉ hành nghề quản tài viên (Điều 7): Dự thảo quy định, khi phát hiện hoặc có căn cứ cho rằng người đã được cấp Chứng chỉ hành nghề quản tài viên thuộc một trong các trường hợp thu hồi chứng chỉ hành nghề quản tài viên, thì cá nhân, cơ quan, tổ chức có văn bản đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp thu hồi Chứng chỉ hành nghề quản tài viên của quản tài viên đó. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ra quyết định thu hồi Chứng chỉ hành nghề quản tài viên. Quy định này đã thể hiện được việc giám sát hoạt động của quản tài viên từ phía xã hội, tuy nhiên hướng thiết kế quy định lại đưa đến cách hiểu, bất kể nhận được đề nghị nào Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng sẽ thu hồi Chứng chỉ hành nghề quản tài viên mà không cần xác minh xem trường hợp đề nghị đó có chính xác hay không. Điều này sẽ dẫn đến hệ lụy là, nhiều trường hợp các quản tài viên sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi nếu có đối tượng muốn “chơi xấu”.

Để tránh tình trạng này, đề nghị Ban soạn thảo thiết kế theo hướng, các đề nghị thu hồi Chứng chỉ hành nghề, Bộ Tư pháp phải có trách nhiệm xác minh và các cơ quan có liên quan có trách nhiệm phối hợp, đồng thời có chế tài đối với những đối tượng đề nghị không chính xác, với mục đích không tốt.

-         Những trường hợp không được đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản với tư cách cá nhân: Khoản 5 Điều 10 Dự thảo quy định, các trường hợp đó là:

+ (1) Không đủ điều kiện quy định tại Điều 12 của Luật Phá sản

+ (2) Thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 14 của Luật Phá sản

+ (3) Người đang bị cấm hành nghề quản lý, thanh lý tài sản theo bản án hay quyết định của Tòa án

Trường hợp (1), (2) là thừa bởi vì thuộc các trường hợp này sẽ không được cấp Chứng chỉ hành nghề quản tài viên theo quy định tại khoản 3 Điều 5 và đương nhiên không đủ điều kiện để đăng ký hành nghề. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo bỏ hai trường hợp này.

Không rõ những trường hợp nào thì bị cấm hành nghề quản lý, thanh lý tài sản?

(Chú ý: Bình luận tại đây chỉ nhìn từ góc độ tính minh bạch, VCCI vẫn giữ bình luận về thủ tục đăng ký hành nghề như nêu ở trên).

-         Chi phí quản tài viên, doanh nghiệp quản lý thanh lý tài sản (Điều 22): Dự thảo đưa ra bảng định mức thù lao quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản tuy nhiên lại không có bất kỳ giải trình nào về các con số này, cách thức tích, do đó không rõ về bảng định mức này.

Hơn nữa, tại sao trường hợp “giá trị tài sản thu được của doanh nghiệp, hợp tác xã” từ trên “2.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng” thì định mức thù lao lại tính trên “giá trị tranh chấp” trong khi các trường hợp khác lại tính trên căn cứ “phần giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã”?

Cần chú ý là, về bản chất đây là một loại dịch vụ tài sản, giá dịch vụ cần được xác định trên cơ sở thỏa thuận, theo thị trường (tương tự như các dịch vụ kiểm toán, kế toán, luật sư…). Việc ấn định cứng giá cho một dịch vụ (mà không phải dịch vụ công) như Dự thảo dù có thể là đã được phép theo Luật Phá sản nhưng có lẽ là không phù hợp với pháp luật về giá.

Vi vậy, trong khi chưa thể sửa đổi ngay quy định này trong Luật Phá sản, đề nghị Ban soạn thảo quy định một phương pháp tính chi phí bám sát thị trường hơn (ví dụ: theo % giá trị tài sản) cho vấn đề chi phí/thù lao Quản tài viên..

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phá sản về quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản. Rất mong cơ quan cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

Các văn bản liên quan