VCCI góp ý Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định quy định về quản lý đường thủy nội địa và cảng, bến thủy nội địa
VCCI góp ý Dự thảo Nghị định quy định các biện pháp thi hành Bộ luật Dân sự về giao dịch bảo đảm
Kính gửi: Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm – Bộ Tư pháp
Trả lời Công văn số 4199/BTP-ĐKGDBĐ của Bộ Tư pháp về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định các biện pháp thi hành Bộ luật dân sự về giao dịch bảo đảm (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở góp ý của các doanh nghiệp, hiệp hội, có một số ý kiến như sau:
1. Tài sản bảo đảm (Điều 3)
Khoản 2 Điều 3 Dự thảo quy định về các tài sản hình thành trong tương lai bao gồm:
(1) Tài sản được hình thành từ vốn vay
(2) Tài sản chưa hình thành, đang trong giai đoạn hình thành hoặc đang được tạo lập hợp pháp tại thời điểm giao kết giao dịch bảo đảm
(3) Tài sản đã hình thành và pháp luật có quy định về đăng ký quyền sở hữu hoặc đăng ký lưu hành phương tiện nhưng sau thời điểm giao kết giao dịch bảo đảm thì tài sản đó mới được đăng ký theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác
Theo quy định trên thì tài sản (1) có thể chồng lấn với hai loại tài sản còn lại, vì các tài sản chưa/đã hình thành có thể xuất phát từ nguồn vốn vay. Điều này khiến cho việc xác định tài sản hình thành trong tương lai thiếu rõ ràng. Do đó, để đảm bảo tính hợp lý, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định “tài sản được hình thành từ vốn vay”, tức là bỏ điểm a khoản 2 Điều 3 Dự thảo.
2. Thời điểm biện pháp bảo đảm có hiệu lực đối kháng với người thứ ba (Điều 9)
Khoản 1 Điều 9 Dự thảo quy định “Biện pháp bảo đảm có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký biện pháp bảo đảm hoặc kể từ thời điểm bên nhận bảo đảm nắm giữ thực tế tài sản bảo đảm hoặc kể từ thời điểm bên cầm giữ chiếm giữ tài sản trong trường hợp cầm giữ tài sản”.
Quy định này là chưa rõ ở điểm:
– Những trường hợp nào thì biện pháp bảo đảm có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký biện pháp bảo đảm?
– Những trường hợp nào thì biện pháp bảo đảm có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm bên nhận bảo đảm nắm giữ thực tế tài sản bảo đảm?
Việc thiếu rõ ràng trong xác định các trường hợp trên có thể dẫn tới xung đột trên thực tế, bởi sẽ có trường hợp không thể phân biệt được thời điểm có hiệu lực đối kháng đối với người thứ ba (ví dụ: đối với những tài sản phải đăng ký biện pháp bảo đảm thì thời điểm có hiệu lực đối kháng với bên thứ ba là thời điểm đăng ký hay thời điểm bên nhận bảo đảm nắm giữ thực tế tài sản bảo đảm?).
Để hạn chế tình trạng này, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ các trường hợp trên.
3. Quyền của bên nhận cầm cố trong trường hợp nhận cầm cố thẻ tiết kiệm (Điều 17)
Khoản 2 Điều 17 Dự thảo quy định hướng xử lý cho trường hợp nhận cầm cố thẻ tiết kiệm không phải do chính tổ chức tín dụng phát hành theo đó, “bên nhận cầm cố có quyền yêu cầu tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm phong tỏa tài khoản tiền gửi tiết kiệm của bên cầm cố” để phòng trường hợp bên tổ chức tín dụng (phát hành thẻ tiết kiệm) sử dụng số tiền tiết kiệm để thanh toán cho nghĩa vụ của chủ thẻ ảnh hưởng đến quyền lợi của bên nhận cầm cố.
Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc đến quy định này ở điểm: theo quy định tại khoản 3 Điều 10 Luật các tổ chức tín dụng (2010) thì các tổ chức tín dụng có trách nhiệm “Từ chối việc điều tra, phong tỏa, cầm giữ, trích chuyển tiền gửi của khách hàng, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng”, Điều 17 Thông tư 24/2014/TT-NHNN có quy định chi tiết các trường hợp phong tỏa tài khoản ngân hàng của khách hàng. Như vậy có thể thấy, tài khoản của khách hàng tại tổ chức tín dụng chỉ bị phong tỏa trong một số trường hợp nhất định và trong đó, không có trường hợp xuất phát từ yêu cầu của tổ chức, cá nhân khác (không phải là cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định hay là của chính khách hàng có tài khoản).
Do đó, quy định tại khoản 2 Điều 17 Dự thảo cho phép bên nhận cầm cố có quyền yêu cầu tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm phong tỏa tài khoản tiền gửi của bên cầm cố là chưa phù hợp với quy định tại Luật các tổ chức tín dụng (2010). Để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng, bên cầm cố thẻ tiết kiệm phải có trách nhiệm yêu cầu tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm phong tỏa tài khoản tiền gửi tiết kiệm.
Liên quan đến xử lý thẻ tiết kiệm: Dự thảo không có quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán trong trường hợp, người có thẻ tiết kiệm vừa có nghĩa vụ thanh toán với tổ chức tín dụng phát hành thẻ tiết kiệm vừa có nghĩa vụ đối với bên nhận cầm cố, thì thứ tự ưu tiên thanh toán trong trường hợp này là như thế nào? Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ để tránh xảy ra tranh chấp trên thực tế.
4. Thông báo về việc thế chấp phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện thủy nội địa, phương tiện giao thông cơ giới đường sắt (Điều 21)
Điều 21 Dự thảo thiết kế thủ tục thông báo về việc thế chấp phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện thủy nội địa, phương tiện giao thông cơ giới đường sắt theo hướng: “bên nhận thế chấp tự mình hoặc yêu cầu cơ quan đăng ký biện pháp bảo đảm thông báo bằng văn bản về việc đăng ký thế chấp, đăng ký thay đổi hoặc xóa đăng ký thế chấp phương tiện giao thông đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký lưu hành phương tiện giao thông”.
Liên quan đến thủ tục cung cấp thông tin về đăng ký thế chấp, đăng ký thay đổi hoặc xóa đăng ký thế chấp phương tiện giao thông, các cơ quan nhà nước có liên quan có thể chủ động thực hiện với nhau mà không cần phải có yêu cầu từ bên nhận thế chấp. Hơn nữa, thủ tục này góp phần làm minh bạch thông tin về tài sản, giảm thiểu các tranh chấp có thể phát sinh nên có ý nghĩa về phương diện quản lý nhà nước.
Do đó, để tạo thuận lợi cho các chủ thể trong giao dịch, đơn giản thủ tục hành chính, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định này theo hướng thủ tục thông báo về các vấn đề trên nên diễn ra giữa các cơ quan nhà nước có liên quan mà không cần phải yêu cầu bên nhận thế chấp phải thực hiện thủ tục thông báo.
5. Một số góp ý khác
– Mô tả tài sản bảo đảm
Khoản 2 Điều 4 Dự thảo quy định chi tiết về mô tả tài sản bảo đảm là nhà ở hình thành trong tương lai trong dự án xây dựng nhà ở, tuy nhiên cách thức mô tả lại chưa bao quát hết các trường hợp trên thực tế, cụ thể là: “mô tả số của căn hộ, diện tích căn hộ, số thứ tự của tầng, tên tòa nhà, tên dự án, địa chỉ dự án” chưa phù hợp với các dạng căn hộ liền kề, các biệt thự. Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung cách thức mô tả đối với loại tài sản hình thành trong tương lai này.
– Thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trong trường hợp bên bảo lãnh là cá nhân bị chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết
Điều 44 Dự thảo phân tách phương thức xử lý đối với trường hợp bên bảo lãnh là cá nhân chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết theo hai hướng đó là nghĩa vụ bảo lãnh do chính bên bảo lãnh thực hiện hay là không.
Tuy nhiên, bảo lãnh là một biện pháp bảo đảm đối nhân, vì vậy chưa có tiêu chí nào xác định trường hợp nào thì việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh do chính bên bảo lãnh thực hiện, trường hợp nào là không?
Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ tiêu chí xác định các trường hợp trên để đảm bảo thuận lợi trong quá trình thực hiện.
– Xử lý tài sản bảo đảm là nhà ở, công trình xây dựng khác hình thành trong tương lai:
Điều 67 Dự thảo quy định xử lý tài sản bảo đảm là nhà ở, công trình xây dựng khác hình thành trong tương lai tuy nhiên lại thiếu quy định để xử lý cho trường hợp: nếu chủ đầu tư đã bàn giao nhà ở cho bên thế chấp và đang trong quá trình xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ giải quyết như thế nào? Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ để đảm bảo thuận lợi thực hiện trên thực tế.
Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định quy định các biện pháp thi hành Bộ luật dân sự về giao dịch bảo đảm. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.