VCCI góp ý Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định quy định về quản lý đường thủy nội địa và cảng, bến thủy nội địa

Thứ Ba 09:01 03-01-2017

Kính gửi: Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông, Bộ Giao thông vận tải

Trả lời Công văn số 14909/BGTVT-KCHT của Bộ Giao thông vận tải ngày 14/12/2016 về việc đề nghị cho ý kiến đối với Dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định quy định về quản lý đường thủy nội địa và cảng, bến thủy nội địa (sau đây gọi tắt là Dự thảo Hồ sơ), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có một số ý kiến như sau:

Về cơ bản các tài liệu cần có trong Dự thảo Hồ sơ là đầy đủ. Một số mục tiêu chính sách trong tài liệu của Dự thảo Hồ sơ theo hướng xác định cụ thể phạm vi trách nhiệm quản lý của các chủ thể có thẩm quyền trong quản lý đường thủy nội địa, giảm thủ tục hành chính, lược bớt thành phần hồ sơ … đã được thể hiện trong Dự thảo Hồ sơ theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, để Dự thảo Hồ sơ được hoàn thiện hơn, đề nghị Quý Cơ quan cân nhắc, xem xét một số vấn đề sau:

1.      Về vấn đề: Chồng chéo trong quản lý Nhà nước trong hoạt động đường thủy nội địa

Một trong những bất cập lớn nhất trong hoạt động đường thủy nội địa chính là khâu quản lý của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền: cơ quan cấp phép lại không có thẩm quyền xử phạt; cơ quan quản lý toàn diện hoạt động đường thủy nội địa lại không phải là cơ quan cấp phép; có nhiều cơ quan nhà nước có liên quan đến hoạt động đường thủy nội địa (cơ quan quản lý xây dựng, tài nguyên môi trường, giao thông vận tải …) dẫn đến nhiều hoạt động chồng chéo, gây khó khăn trong quá trình thực hiện, khiến cho việc quản lý hoạt động bến thủy nội địa chưa hiệu quả …

Dự thảo Hồ sơ đã xác định được vấn đề bất cập này tuy nhiên nội dung nêu về bất cập trong tất cả các tài liệu trong Hồ sơ chưa cụ thể, chi tiết. Đó là chưa chỉ ra cụ thể những bất cập liên quan đến quản lý mà mới chỉ nêu một cách chung chung. Mục tiêu giải quyết vấn đề và giải pháp đề xuất thể hiện trong Báo cáo đánh giá tác động chưa đủ rõ ràng để hình dung được các vướng mắc trên sẽ được giải quyết như thế nào, ít nhất ở điểm: sẽ phân lại thẩm quyền quản lý như thế nào và giải quyết sự chồng chéo, phức tạp trong hoạt động quản lý đường thủy nội địa ra sao?

Đề nghị Quý Cơ quan bổ sung các nội dung phân tích chi tiết, cụ thể hơn về những vướng mắc, bất cập trong khâu quản lý của hoạt động đường thủy nội địa và phương thức dự định giải quyết như thế nào?

2.      Về vấn đề: Thẩm quyền cho ý kiến đầu tư xây dựng, cấp phép hoạt động công trình thuộc kết cấu hạ tầng

Báo cáo đánh giá tác động xác định vấn đề bất cập là: “việc cho ý kiến, cấp giấy phép hoạt động của một số công trình còn thiếu thống nhất, điển hình là hoạt động có ý kiến, cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia”.

“Có những ý kiến cho rằng, Sở Giao thông vận tải xây dựng quy hoạch bến thủy nội địa thì Sở cấp giấy phép hoạt động. Tuy nhiên, việc xây dựng quy hoạch trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt và công bố và công tác cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa là hai việc không có tính ràng buộc. Bởi xây dựng, phê duyệt và công bố quy hoạch bến thủy nội địa không chỉ để cho một cơ quan sử dụng mà còn để cho người dân, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân có liên quan áp dụng và sử dụng”.

Nội dung trên đã chỉ ra phần nào bất cập của thẩm quyền cho ý kiến đầu tư xây dựng, cấp phép hoạt động công trình thuộc kết cấu hạ tầng, tuy nhiên phần lý giải có tính phản bác lại ý kiến trao quyền cho Sở cấp giấy phép dường như chưa hợp lý. Để được cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa, cần phải đáp ứng điều kiện là “phù hợp với quy hoạch hệ thống cảng, bến thủy nội địa đã được phê duyệt[1]”. Do đó, vấn đề quy hoạch và cấp phép hoạt động bến thủy nội địa là liên quan tới nhau. Do đó, cần xem xét lại nhận định trên trong Báo cáo đánh giá tác động.

Có hai phương án được đưa ra để giải quyết bất cập trên, theo đó:

  • Phương án 1: Hoạt động cấp giấy phép bến thủy nội địa sẽ giao cho Sở Giao thông vận tải thực hiện
  • Phương án 2: Hoạt động cấp giấy phép bến thủy nội địa giao Cảng vụ đường thủy nội địa trực thuộc địa phương thực hiện

Báo cáo đánh giá tác động có phân tích ưu nhược điểm của hai phương án này, tuy nhiên các lập luận tại các phương án này cần xem xét ở các điểm sau:

Phân tích nhược điểm của phương án 1, Báo cáo có nhận định, cá nhân, tổ chức đề nghị cấp giấy phép thông qua Sở sẽ “gặp khó khăn khi phải đi lại”. Điều này dường như là chưa chính xác vì Sở là cơ quan nhà nước ở địa phương, các cá nhân, tổ chức xin giấy phép hoạt động tại địa phương thì không rõ đi lại khó khăn ở điểm nào?

Một trong những nhược điểm được đưa ra ở phương án 1 đó là trình độ chuyên môn của các cán bộ thụ lý hồ sơ ở Sở không đủ để thẩm định hồ sơ và cấp phép. Liệu giải pháp nâng cao chất lượng cán bộ có khả thi và hiệu quả hơn là việc thành lập cơ quan Cảng vụ đường thủy nội địa ở mỗi địa phương không (bởi hiện nay không phải địa phương nào cũng có tổ chức cảng vụ)? Hay là liệu cán bộ của Phòng hạ tầng – kinh tế cấp huyện có đủ trình độ chuyên môn để thẩm định hồ sơ và cấp phép không (trong trường hợp địa phương chưa có cảng vụ)? Đây là những vấn đề rất quan trọng cần được xem xét, đề nghị Quý Cơ quan bổ sung phần đánh giá các nội dung này.

Phân tích phương án 2: Báo cáo đánh giá tác động chưa đánh giá một cách toàn diện đối với phương án này, ít nhất ở điểm:

Giao cho Cảng vụ đường thủy nội địa ở địa phương cấp phép nhưng thực tế không phải địa phương nào cũng đã có cơ quan này. Trong trường hợp chưa có thì sẽ giao cho Phòng hạ tầng – kinh tế cấp huyện thực hiện. Như vậy, cơ quan cấp phép trong phương án này là chưa đồng nhất, hoạt động quản lý về đường thủy nội địa sẽ gặp khó khăn khi cơ quan cấp phép lại không cùng một hệ thống cơ quan.

Phương án này cho rằng, ưu điểm khi giao cho Cảng vụ đường thủy cấp phép là sẽ giảm được thủ tục phải xin ý kiến Chi cục Đường thủy nội địa trong quá trình Sở cấp phép. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là, trong thủ tục xin cấp phép thì khâu lấy ý kiến này có cần thiết và cắt giảm được không?

Đề nghị Quý Cơ quan xem xét các điểm trên để bổ sung phần đánh giá phương án 2 để đảm bảo tính toàn diện khi phân tích phương án này.

3.      Về vấn đề: Thủ tục hành chính trong hoạt động quản lý đường thủy nội địa và cảng, bến thủy nội địa

Báo cáo đánh giá tác động đã đưa ra vấn đề bất cập của thủ tục hành chính, tuy nhiên nội dung này lại khá chung chung, không rõ những bất cập cụ thể của thủ tục hành chính trong hoạt động quản lý đường thủy nội địa là gì, ít nhất ở các điểm:

– Trong 23 thủ tục hành chính thì có những thủ tục nào không cần thiết/gây khó khăn cho doanh nghiệp? Việc loại bỏ/tinh giản các thủ tục hành chính dự kiến, sẽ đưa đến những lợi ích gì cho các chủ thể có liên quan, đặc biệt là các doanh nghiệp?

– Các thủ tục hành chính bị loại bỏ/tinh giản là những thủ tục như thế nào? Việc thiếu vắng các nội dung trên khiến cho các chính sách liên quan đến thủ tục hành chính trở nên thiếu rõ ràng và gặp khó khăn trong đánh giá tác động tới các đối tượng ảnh hưởng. Hơn nữa, đối với yêu cầu của hoạt động đánh giá tác động thì nhóm vấn đề này không thấy đưa ra các giải pháp, phân tích giải pháp và kiến nghị phương án lựa chọn như các nhóm vấn đề khác trong báo cáo.

Để đảm bảo sự rõ ràng của chính sách, đề nghị Quý Cơ quan bổ sung các nội dung trên.

4.      Về vấn đề: Bảo vệ công trình, bảo vệ môi trường trên đường thủy nội địa, vùng nước cảng, bến thủy nội địa

Báo cáo đánh giá tác động đã xác định các vấn đề bất cập, mục tiêu giải quyết vấn đề, tuy nhiên lại chưa có các phương án giải quyết. Điều này khiến cho chính sách trở nên thiếu rõ ràng và khó khăn đánh giá về tính tác động cũng như tính hợp lý của các chính sách dự kiến ban hành.

Do vậy, đề nghị Quý Cơ quan bổ sung các phương án giải quyết các vấn đề trên và phân tích tính tác động đối với các phương án được đề xuất.

5.      Về Dự thảo Nghị định

Phần lớn Dự thảo Nghị định là đưa ra các tiêu đề của các quy định dự kiến sẽ có. Mối liên hệ giữa Dự thảo Nghị định và các tài liệu như Tờ trình, Báo cáo đánh giá tác động dường như rất ít. Về mặt nguyên tắc, các quy định tại Dự thảo Nghị định sẽ là sự cụ thể hóa các chính sách được nêu tại hai loại tài liệu này. Tuy nhiên, mặc dù Báo cáo đánh giá tác động có đưa ra một số chính sách dự kiến và phương án được lựa chọn, nhưng điều này lại không được thể hiện trong Dự thảo Nghị định (chỉ có đề mục mà không có nội dung dự kiến nên khá khó khăn để đánh giá).

Có lẽ, để có thể hình dung được những nội dung dự kiến trong Nghị định, cần có một bản thuyết minh về các quy định dự kiến này.

6.      Về điều kiện kinh doanh

Dự thảo Nghị định có đưa có đề mục về điều kiện kinh doanh trong hoạt động cấp giấy phép bến thủy nội địa. Đây là một vấn đề quan trọng, tác động trực tiếp đến quyền lợi của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong Dự thảo Hồ sơ không có tài liệu nào đề cập đến vấn đề này, không đánh giá về tính hợp lý của điều kiện kinh doanh và phương hướng sắp tới các điều kiện này sẽ được giữ nguyên hay được thay đổi theo hướng nào?

Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung nội dung đánh giá về các quy định về điều kiện kinh doanh bến thủy nội địa.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định quy định về quản lý đường thủy nội địa và cảng, bến thủy nội địa. Rất mong Quý Cơ quan cân nhắc trong quá trình sửa đổi nội dung Dự thảo.

Trân trọng cảm ơn.


[1]
Khoản 2 Điều 5 Thông tư 50/2014/TT-BGTVT