VCCI góp ý Dự thảo Thông tư quy định về chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy giống cây trồng
VCCI góp ý Dự thảo Nghị định của Chính phủ về Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản
Kính gửi: Vụ Chính sách thuế – Bộ Tài
chính
Trả
lời Công văn số 12231/BTC-CST của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo
Nghị định của Chính phủ về Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản
(sau đây gọi tắt là Dự thảo), thay thế cho Nghị định 74/2011/NĐ-CP, Phòng
Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở góp ý của doanh nghiệp,
có một số ý kiến như sau:
1.
Về
phương pháp tính phí
Dự thảo
đưa ra hai phương án tính phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản.
Theo đó, phương án 1 sẽ có tính thêm lượng
đất, đá bốc xúc trong kỳ nộp phí so với phương án 2. Nhiều ý kiến góp ý
của doanh nghiệp gửi về cho VCCI lựa chọn phương án 2 thay vì phương án 1, với
các lý do chính sau:
–
Phương án 2 đơn giản, dễ kiểm soát hơn, do việc
xác định lượng đất, đá bốc xúc có thể sẽ khó khăn trên thực tế, dễ dẫn đến xung
đột giữa người thu và người nộp phí.
–
Việc áp dụng phương án 1 sẽ làm tăng mức phí mà
doanh nghiệp phải nộp. Theo tính toán của một số doanh nghiệp ngành than, nếu
áp dụng phương án 1 thì số tiền phí bảo vệ môi trường mà doanh nghiệp phải nộp
sẽ tăng khoảng 30%-50%. Đây là mức tăng phí rất lớn.
–
Mức phí bảo vệ môi trường đối với từng loại
khoáng sản trong biểu phí đã tính đến các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường của
việc khai thác loại khoáng sản đó, trong đó có lượng đất đá bốc xúc.
Tuy
nhiên, VCCI nhận thấy phương án 1 có ưu điểm là phản ánh chính xác hơn yếu tố “cấp độ gây ô nhiễm môi trường” của
hoạt động khai thác khoáng sản, bởi ngoài lượng
khoáng sản khai thác được, lượng đất đá bóc cũng ảnh hưởng đến cảnh quan, sinh
thái và gây tác động đến môi trường. Do đó, để bảo đảm tính hợp lý và khả thi của
Nghị định, VCCI đề nghị Ban soạn thảo lựa chọn phương án tính phí như sau:
–
Áp dụng phương án 1 về
phương pháp tính phí, đồng thời điều
chỉnh giảm mức phí trong biểu phí và hướng dẫn cụ thể hơn về việc xác định lượng đất đá bốc xúc.
–
Nếu không thể thực hiện được
hai điều kiện đi kèm trên thì áp dụng phương án 2.
Vấn đề
thứ nhất, về việc điều chỉnh giảm mức phí trong biểu phí: Mức phí cần được điều
chỉnh sao cho tổng số tiền phí mà doanh nghiệp phải nộp đối với một loại khoáng
sản không biến động quá lớn. Cụ thể, Ban soạn thảo nên tập hợp và tính trung
bình hệ số đất bóc của các mỏ khoáng sản cùng loại, sau đó nhân với đơn giá của
đất đá bóc (300 đồng/m3) tương ứng
với mức điều chỉnh giảm phí. Ví dụ, với quặng sắt, mức thu phí hiện nay là từ
40.000 – 60.000 đồng/tấn. Giả sử hệ số đất bóc trung bình của tất cả các mỏ sẳt
tại Việt Nam là 20m3/tấn (cứ bóc 20m3 đất đá thu được 1 tấn
quặng). Như vậy, biểu phí tương ứng đối với quặng sắt cần điều chỉnh giảm 20×300=6.000
đồng/tấn, và mức phí mới đối với quặng sắt là 34.000 – 54.000 đồng/tấn. Tóm lại,
mức phí đối với phương án 1 cần được giảm tương ứng với hệ số đất bóc trung
bình nhân với đơn giá của đất đá thải (300 đồng/m3).
Vấn đề
thứ hai, về việc xác định lượng đất đá bốc xúc trong kỳ tính phí. Lượng đất đá
bốc xúc rất khó xác định vì nó thường biến đổi theo từng giai đoạn của quá
trình khai thác. Trong hồ sơ thiết kế mỗi mỏ khi xin cấp phép khai thác cũng
thường có ghi hệ số đất bóc trung bình của mỏ. Với phương pháp nộp phí tự khai
tự nộp sẽ có thể dẫn đến sự không thống nhất giữa doanh nghiệp và cơ quan thu
phí về cách tính lượng đất đá bốc xúc. Ví dụ, cơ quan nhà nước nếu căn cứ vào hệ
số đất bóc trung bình trong hồ sơ thiết kế mỏ để tính phí sẽ cho ra kết quả
khác với doanh nghiệp tự báo cáo lượng đất bóc. Hơn nữa, khác với lượng khoáng
sản khai thác được và bán ra (thường có hóa đơn bán hàng), đất đá bóc không được
bán ra nên cơ quan nhà nước không có cơ sở để theo dõi lượng đất đá bóc. Do đó,
đề
nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ về phương pháp xác định lượng đất
đá bốc xúc ngay trong dự thảo.
2.
Phương
pháp khai thác
Về hệ số
tính phí K1 với hình thức khai thác hầm lò và khai thác lộ thiên: Dự thảo đưa
ra hệ số K1 để phân biệt mức phí nộp giữa các phương pháp khai thác khoáng sản
khác nhau. Theo đó, với khai thác hầm lò: K1 = 1, với khai thác lộ thiên: K1 = 1,1.
Theo nhiều chuyên gia, khai thác khoáng sản bằng phương pháp lộ thiên gây ra
nhiều tác động môi trường hơn so với khai thác hầm lò, do làm ảnh hưởng đến bề
mặt đất và có lượng đất bóc cao hơn. Trong phương án 1, việc khai thác khoáng sản
theo phương pháp lộ thiên đã phải nộp phí cao hơn rất nhiều do lượng đất bóc lớn
hơn. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo bỏ hệ số K1 trong phương án 1,
tránh việc lượng đất bóc bị đánh phí hai lần.
Về hệ số
tính phí K1 với hình thức khai thác sa khoáng lòng sông[1]: Ngoài hai hình thức
khai thác hầm lò và lộ thiên, một số loại khoáng sản hiện nay được khai thác
theo hình thức sa khoáng lòng sông như vàng sa khoáng, cát, sỏi lòng sông… Hình
thức này dễ gây ra nhiều tác động môi trường lớn như làm thay đổi dòng chảy, đục
nước, hủy diệt hệ sinh thái lòng sông, gây sạt lở bờ sông. Do đó, cần có phương
án tính phí bảo vệ môi trường cao hơn đối với loại hình khai thác này. Hiện
nay, theo quy định của Dự thảo, phương pháp khai thác sa khoáng lòng sông có thể
được xếp vào khai thác lộ thiên và không có đất bóc. Bởi vậy, đề
nghị Ban soạn thảo áp mức hệ số K1 cao hơn đối với khai thác khoáng
sản bằng phương pháp sa khoáng lòng sông.
3.
Công nghệ
khai thác
Trong cả
hai phương án tính phí, cơ quan soạn thảo đều đưa ra hệ số công nghệ khai thác
K2, với các mức: công nghệ, kỹ thuật hiện đại; công nghệ thông thường; khai
thác thủ công, thô sơ. Việc bổ sung hệ số này sẽ có tác dụng khuyến khích doanh
nghiệp sử dụng công nghệ khai thác hiện đại. Dự thảo cũng quy định theo hướng Bộ
Tài nguyên Môi trường và Bộ Khoa học Công nghệ hướng dẫn cụ thể xác định hệ số
này. Tuy nhiên, đây đều là các tiêu chí định tính, việc hướng dẫn cụ thể là
không khả thi thì các công nghệ khai thác rất đa dạng, phụ thuộc vào mỗi loại
khoáng sản, điều kiện mỏ, chất lượng quặng… Kể cả trong trường hợp có hướng dẫn
cụ thể tiêu chí xác định hệ số K2 thì đối với từng mỏ vẫn cần có thủ tục thẩm định,
chứng nhận công nghệ thì mới được áp hệ số thấp hơn. Điều này sẽ làm phát sinh
thủ tục hành chính tương đối phức tạp và chi phí tuân thủ cao. Do đó, đề
nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định về hệ số K2 trong phương pháp
tính phí của dự thảo.
4.
Địa điểm
khai thác
Một
trong những yếu tố ảnh hưởng đến tác động môi trường của việc khai thác khoáng
sản là địa điểm khai thác. Tại một số địa điểm như đầu nguồn sông suối, gần các
khu rừng tự nhiên, khu bảo tồn, rừng ngập mặn, rừng chắn sóng, chắn cát, hoặc gần
các khu dân cư, tác động môi trường của việc khai thác khoáng sản sẽ tăng lên. Do
đó, cần thiết bổ sung hệ số về địa điểm khai thác nhằm hạn chế việc khai
thác khoáng sản tại những địa điểm nhạy cảm về mặt môi trường, sức khỏe người
dân.
Tương tự
như quy định về các hệ số trên, việc bổ sung yếu tố địa điểm khai thác có thể
gây khó khăn trong giai đoạn thực hiện, giảm tính khả thi của quy định. Tuy
nhiên, việc hướng dẫn tiêu chí về địa điểm khai thác dễ dàng hơn rất nhiều so với
hướng dẫn về công nghệ khai thác. Cơ quan nhà nước có thể quy định về khoảng
cách gần nhất từ biên giới mỏ đến các địa điểm như nguồn sông, suối, khu bảo tồn,
rừng ngập mặn, rừng chắn sóng, khu dân cư.
5.
Biểu phí
bảo vệ môi trường đối với các loại khoáng sản
Biểu phí
bảo vệ môi trường đối với mỗi loại khoáng sản trước đây được xây dựng theo hướng
phản ánh giá trị của loại khoáng sản (khoáng sản có giá trị cao thì phí bảo vệ
môi trường cao và ngược lại) mà không phản ánh được mức độ ô nhiễm môi trường
do khai thác loại khoáng sản đó gây ra. Ví dụ, mức phí đối với đá ốp lát, đá
block cao hơn rất nhiều so với đá làm vật liệu xây dựng thông thường (do giá trị
kinh tế của loại đá này cao hơn). Tuy nhiên, tác động môi trường, đặc biệt là bụi,
của việc khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường không kém, thậm chí
cao hơn so với việc khai thác đá ốp lát. Nếu áp dụng phương án 1, tức là tính cả
phí đối với đất đá bốc xúc thì không còn lý do gì để quy định mức phí chênh lệch
cao như vậy đối với các loại đá này. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo rà
soát và điều chỉnh biểu phí sao cho mức phí chỉ phản ánh tác động môi trường của
việc khai thác chứ không còn phản ánh giá trị tài nguyên.
6.
Quản lý,
sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản
Theo ghi
nhận của VCCI, việc quản lý và sử dụng phí bảo vệ môi trường hiện nay còn nhiều
bất cập. Mặc dù Nghị định 74 đã quy định việc sử dụng khoản phí này được sử dụng
“để hỗ trợ cho công tác bảo vệ và đầu tư
cho môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản, theo các nội
dung cụ thể sau đây: (a) Phòng ngừa và hạn chế các tác động xấu đối với môi trường
tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản; (b) Khắc phục suy thoái,
ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra; và (c) Giữ gìn vệ
sinh, bảo vệ và tái tạo cảnh quan môi trường tại địa phương nơi có hoạt động
khai thác khoáng sản.” Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều địa phương sử dụng
khoản thu này vào nhiều mục đích khác và cũng không công khai thông tin để
doanh nghiệp và người dân được biết. Do các vấn đề môi trường quanh khu vực
khai thác khoáng sản không được bố trí kinh phí khắc phục nên một số doanh nghiệp
lại tiếp tục phải bỏ tiền thêm một lần nữa để làm việc này.
Điều 6 của
dự thảo quy định việc sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản
theo quy định của Điều 3.3 và Điều 148.4
của Luật Bảo vệ môi trường. Như vậy, toàn bộ khoản phí này có thể được chi
tiêu cho hoạt động bảo vệ môi trường ở bất kỳ nơi nào trong tỉnh mà không cần gắn
với khu vực có hoạt động khoáng sản. Điều này dẫn đến việc doanh nghiệp khai
thác khoáng sản sẽ phải bỏ tiền nhiều hơn để khắc phục các vấn đề môi trường
ngoài biên giới mỏ mà đáng lẽ ra, việc này phải được chính quyền địa phương thực
hiện dựa trên khoản phí đã thu của doanh nghiệp. Quyền lợi của người dân địa
phương khu vực có khoáng sản cũng sẽ bị ảnh hưởng và không được bảo đảm như mục
tiêu của chính sách của nhà nước về phát triển công nghiệp khai khoáng. Do đó, đề
nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định tại Điều 6 của Dự thảo theo hướng khoản
thu từ phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản chỉ sử dụng vào mục
đích phòng ngừa, khắc phục tác động môi trường phát sinh từ việc khai thác
khoáng sản.
Một vấn
đề nữa là công khai minh bạch đối với khoản thu này. Do khoản phí bảo vệ môi
trường không được công khai nên nhiều trường hợp, người dân địa phương phản đối
các doanh nghiệp khai khoáng vì cho rằng các doanh nghiệp không có đóng góp gì
cho địa phương mà chỉ gây ô nhiễm môi trường. Đây là vấn đề bất hợp lý và tiềm ẩn
nguy cơ nảy sinh các xung đột xã hội không đáng có, xuất phát từ sự hiểu nhầm
giữa người dân và doanh nghiệp. Việc công khai các khoản thu chi này rất quan
trọng, không chỉ giúp tránh xung đột xã hội mà còn giúp giảm áp lực ngân sách
do có tác dụng tăng thu, giảm thất thoát, lãng phí mà vẫn bảo đảm thực hiện tốt
mục tiêu bảo vệ môi trường. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định
về nghĩa vụ của doanh nghiệp và chính quyền địa phương trong việc công khai
khoản thu, nộp phí bảo vệ môi trường đối với cộng đồng dân cư nơi có hoạt động
khai khoáng.
Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công
nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định của
Chính phủ về Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn
thiện.
Ngoài ra gửi kèm theo một số góp ý cụ thể về Dự thảo mà một
số doanh nghiệp gửi cho Phòng Thương mại và Công nghiệp để Quý Cơ quan tham khảo.
Trân trọng cảm ơn cảm
ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan.
[1] Lưu ý, ngoài việc khai
thác khoáng sản sa khoáng lòng sông còn có khai thác khoáng sản sa khoáng bãi bồi
(thực chất là những khu vực sông suối bồi lắng. Tác động môi trường của khai
thác khoáng sản sa khoáng bãi bồi có thẻ được coi như phương pháp lộ thiên.