VCCI góp ý Dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng sửa đổi

Thứ Tư 09:00 28-12-2016

Kính gửi: Tổng cục Lâm nghiệp

                                                   Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Trả lời
Công văn số 9077/BNN-TCDL của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc đề
nghị góp ý Dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng sửa đổi (sau đây gọi tắt là Dự
thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có một số ý kiến như sau:

1.
Quan
điểm tiếp cận

VCCI ủng
hộ quan điểm được thể hiện trong Dự thảo Tờ trình về việc thu hút đầu tư tư
nhân vào rừng và lâm nghiệp. Theo kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực khác, VCCI
cho rằng muốn thu hút đầu tư tư nhân vào lâm nghiệp thì điều quan trọng nhất
là bảo hộ quyền của các nhà đầu tư khi bỏ vốn vào các hoạt động lâm nghiệp
.
Chỉ khi nào người dân và doanh nghiệp tin tưởng vững chắc rằng mình có đủ các
quyền của chủ tài sản đối với rừng thì họ mới yên tâm bỏ vốn và công sức đầu
tư. Mấu chốt của việc bảo hộ quyền của chủ sở hữu tập trung vào 3 vấn đề: (1)
điều kiện và thời hạn để bỏ vốn đầu tư vào lâm nghiệp; (2) các quyền năng của
chủ sở hữu đối với tài sản là rừng; và (3) các trường hợp thu hồi rừng. Muốn
làm được điều này đòi hỏi các quy định cụ thể của đạo luât này phải được xây dựng
theo hướng ghi nhận vững chắc quyền của chủ rừng và hạn chế sự can thiệp của
Nhà nước vào các quyết định của chủ rừng.

Dựa
trên quan điểm tiếp cận đó, VCCI có một số ý kiến góp ý cụ thể đối với Dự thảo
Luật như sau:

2.
Vấn đề
hình thức sở hữu rừng

Điều 5
của Dự thảo quy định về sở hữu rừng với 3 hình thức là (1) sở hữu nhà nước; (2)
sở hữu riêng; và (3) sở hữu chung. Việc quy định rừng tự nhiên (kể cả nguyên
sinh và thứ sinh đều thuộc sở hữu Nhà nước là hợp lý, phù hợp với Hiến pháp.
Tuy nhiên, cần thống nhất cách hiểu quy định này, theo đó, đây chỉ là quy định
nhằm xác lập quyền sở hữu ban đầu đối với rừng chưa có chủ
. Giả sử rừng tự
nhiên đã được Nhà nước xác lập quyền sở hữu, sau đó Nhà nước chuyển giao quyền
sở hữu đó cho cá nhân, tổ chức khác thì rừng đó chuyển thành sở hữu tư nhân. Cá
nhân, tổ chức này có toàn quyền của chủ sở hữu tương tự như rừng trồng, chứ
không có bất kỳ hạn chế nào vì lý do đó là rừng có nguồn gốc tự nhiên.

Cách tiếp
cận này cũng tương tự như các tài nguyên khác như khoáng sản, tài nguyên nước.
Đối với khoáng sản, khi còn ở trong lòng đất thì thuộc sở hữu Nhà nước, nhưng
khi Nhà nước đã cấp phép và doanh nghiệp khai thác thì chuyển thành sở hữu của doanh
nghiệp. Nước thiên nhiên thuộc sở hữu của Nhà nước, nhưng khi Nhà nước đã cấp
phép và doanh nghiệp đã đóng chai, bán nước đó thì thuộc sở hữu của doanh nghiệp.
Do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo minh định vấn đề này trong toàn bộ nội dung
của đạo luật.

            Điều 5.1.b có quy định hệ thống rừng giống quốc gia thuộc
sở hữu Nhà nước. Quy định như vậy tức là dựa vào phân loại rừng để xác định sở
hữu. VCCI cho rằng quy định như vậy là không cần thiết mà chỉ cần quán
triệt nguyên tắc nguồn gốc và vốn đầu tư để xác định sở hữu. Nói cách khác, rừng
giống mà do tư nhân đầu tư hoặc nhận chuyển nhượng từ Nhà nước, thì cần được
coi là thuộc sở hữu tư nhân, còn rừng giống tự nhiên hoặc do Nhà nước đầu tư
thì thuộc sở hữu nhà nước. Do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo bỏ quy định tại
Điều 5.1.b của Dự thảo.

Điều 5
của Dự thảo hiện vẫn đang có quy định giao Chính phủ quy định chi tiết hơn về
các hình thức sở hữu rừng. Tuy nhiên, đây là vấn đề đặc biệt quan trọng của đạo
luật này, liên quan đến quyền sở hữu của người dân và doanh nghiệp, nên cần được
quy định luôn trong Luật. Nhà đầu tư sẽ yên tâm bỏ vốn hơn khi biết rằng quyền
của mình được bảo vệ bởi Luật, văn bản khó bị thay đổi, điều chỉnh hơn so với
Nghị định.

3.
Mâu
thuẫn, chồng chéo giữa Luật Bảo vệ và phát triển rừng và Luật Đa dạng sinh học

Hiện
nay, cả hai đạo luật này đều có quy định quản lý vườn quốc gia, khu bảo tồn,
khu bảo vệ cảnh quan. Sự chồng chéo này khiến cho việc áp dụng trên thực tế gặp
rất nhiều khó khăn, như quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng với quy hoạch đa dạng
sinh học, việc lập khu bảo tồn, quản lý khu bảo tồn và đặc biệt là việc xác định
quyền và nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức có liên quan trong việc bảo vệ hay
khai thác các nguồn lợi từ những khu vực bảo tồn này. Điều này ảnh hưởng rất lớn
đến quyền lợi của doanh nghiệp và người dân vì họ luôn phải tuân thủ hai hệ thống
pháp luật và chịu sự quản lý của hai cơ quan nhà nước cùng một lúc về cùng một
nội dung. Kết quả là chi phí tuân thủ pháp luật của người dân và doanh nghiệp
tăng lên, rủi ro trong chấp hành pháp luật cũng tăng, khiếu đầu tư vào lĩnh vực
này giảm.

            VCCI cho rằng, mục tiêu quan trọng nhất của việc thiết lập
các khu rừng đặc dụng (vườn quốc gia, khu bảo tồn, khu bảo vệ cảnh quan…) là nhằm
mục đích bảo tồn các giá trị của thiên nhiên. Do đó, sẽ phù hợp hơn nếu được điều
chỉnh bởi Luật Đa đạng sinh học. Đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo
hướng: đối với vườn quốc gia, khu bảo tồn, khu bảo vệ cảnh quan thì thực hiện
theo pháp luật về đa dạng sinh học.

4.
Quy
chế quản lý rừng

Hiện nay,
Điều 7 của Dự thảo đang giao Chính phủ quy định chi tiết về quy chế quản lý rừng.
Quy chế quản lý rừng là một trong những nội dung rất quan trọng mà người dân và
doanh nghiệp quan tâm, vì nó quy định những gì chủ rừng được làm và không được
làm đối với tài sản của mình. Chủ rừng sẽ rất lo ngại nếu một văn bản quy định
về nội dung và trình tự thực hiện quyền tài sản của mình lại được thể hiện
trong một văn bản dưới Luật và có nguy cơ bị điều chỉnh thường xuyên.

Hơn nữa,
rất nhiều nội dung quy định về việc bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng đã được thể
hiện ngay trong luật, nhưng thường đi kèm dòng chữ “theo quy chế quản lý rừng”.
Điều này khiến cho các quyền của chủ sở hữu được ghi nhận trong Luật mới chỉ là
“hư quyền” chưa thể thực hiện được ngay. Người dân và doanh nghiệp muốn
thấy rằng các quyền này phải được ghi nhận với tư cách “thực quyền”
ngay trong luật. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo quy định luôn vấn đề này
trong Luật chứ không nên giao Chính phủ quy định chi tiết.

5.
Minh
bạch thông tin

Dự thảo
Luật hiện nay mới chỉ có quy định minh bạch thông tin về quy hoạch rừng mà chưa
quy định yêu cầu minh bạch đối với 2 nhóm thông tin quan trọng khác là
(1) kết quả phân chia, xác định ranh giới rừng và (2) kết quả kiểm kê rừng. Đây
là những nội dung quan trọng, giúp tăng cường sự giám sát của người dân và xã hội
đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo
bổ sung các quy định tương ứng vào Điều 8 và Điều 36 của Dự thảo về việc công
khai thông tin liên quan đến kết quả phân chia, xác định ranh giới rừng và kết
quả kiểm kê rừng (chi tiết đến từng lô).

Thực tiễn
kinh nghiệm quản trị nhiều lĩnh vực tài nguyên khác cho thấy, các quy định về
công khai minh bạch có ý nghĩa rất quan trọng. Về lý luận, xuất phát từ nguyên
tắc tài nguyên thiên nhiên thuộc sở hữu
toàn dân
, vì vậy luôn cần phải có quy định về việc công khai thông tin liên
quan đến hiện trạng tài sản là tài nguyên thiên nhiên để toàn dân được biết. Về
thực tiễn, việc công bố rộng rãi thông tin liên quan đến tài nguyên sẽ giúp thu
hút người dân địa phương vào việc giám sát các tài nguyên này trên địa bàn. Thực
tế cho thấy, người dân địa phương luôn có nhu cầu giám sát việc sử dụng tài
nguyên thiên nhiên trên địa bàn, nhưng cản trợ lớn nhất đối với họ là không có
đủ thông tin để làm việc này. Do đó, công bố thông tin về rừng sẽ giúp tăng cường
kênh giám sát để bảo vệ rừng tốt hơn.

Ngoài
ra, việc công bố quy hoạch rừng cũng cần được thực hiện thông qua website của
cơ quan nhà nước
, chứ không chỉ dừng lại ở quy định “qua các phương tiện
thông tin đại chúng” như tại Điều 12 của Dự thảo. Điều này sẽ thuận tiện
hơn cho người dân và doanh nghiệp trong việc tra cứu thông tin khi có nhu cầu.
Nội dung công bố cũng phải bảo đảm bao gồm cả các phụ lục và bản đồ, chứ không
chỉ dừng lại ở văn bản quy hoạch.

6.
Quy
hoạch rừng

Dự thảo
hiện nay đang yêu cầu phải lập quy hoạch đối với cả rừng phòng hộ, rừng đặc dụng
và rừng sản xuất, kể cả rừng thuộc sở hữu Nhà nước và thuộc sở hữu tư nhân.
Cách làm này hiện đang là sự can thiệp quá mức của Nhà nước vào quyền của chủ sở
hữu rừng tư nhân là rừng sản xuất. Đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh quy
định về quy hoạch rừng quốc gia theo hướng chỉ điều chỉnh đối với rừng phòng hộ,
rừng đặc dụng và rừng thuộc sở hữu Nhà nước
. Riêng đối với rừng sản xuất
thuộc sở hữu tư nhân thì không lập quy hoạch, bởi các lý do sau:


Thứ nhất, rừng sản xuất thuộc sở hữu tư nhân
(không có chức năng phòng hộ hay đặc dụng) thì được hiểu rằng không có ảnh hưởng
đến lợi ích công cộng, vì vậy mà tư nhân có toàn quyền trong việc trồng, phát
triển, bảo vệ, khai thác mà không cần cũng như không nên phụ thuộc và quy hoạch
của Nhà nước. Quy hoạch chỉ nên dừng lại ở những nội dung có liên quan đến (1)
tài sản nhà nước và (2) lợi ích công cộng. Lợi ích công cộng được thể hiện
thông qua việc phân loại rừng theo chức năng phòng hộ và đặc dụng. Nằm ngoài
hai yếu tố này thì nên để xã hội tự do, Nhà nước không nên can thiệp.


Liên quan đến quy hoạch đối với rừng sản xuất,
Điều 73.1 của Dự thảo quy định: “Việc
phát triển rừng sản xuất phải theo đúng quy hoạch rừng
“. Như vậy, nếu
một cá nhân, tổ chức muốn trồng rừng sản xuất ngoài quy hoạch sẽ được coi là vi
phạm pháp luật. Muốn được trồng rừng đúng luật, tổ chức, cá nhân đó lại phải
xin chính quyền điều chỉnh quy hoạch, mà việc này hoàn toàn mang tính xin-cho.
Quy định này thể hiện sự bất hợp lý khi quy hoạch rừng bao gồm cả rừng sản xuất
thuộc sở hữu tư nhân.

Một vấn
đề nữa là Điều 11.10 của Dự thảo giao Chính phủ quy định chi tiết về quy hoạch
rừng. Đây cũng là một trong những nội dung rất quan trọng, mà doanh nghiệp và
người dân quan tâm, vì nó ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của họ đối với tài sản
là rừng. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo thể hiện luôn trong Luật mà không
giao Chính phủ quy định chi tiết.

Ngoài
quy hoạch rừng, Dự thảo hiện nay đang quy định nhiều loại quy hoạch khác như
quy hoạch lâm nghiệp (Điều 31), quy hoạch rừng giống (Điều 70), quy hoạch phát
triển bền vững hoạt động chế biến lâm sản (Điều 91), quy hoạch vùng nguyên liệu
(Điều 91). VCCI cho rằng các quy hoạch này là không cần thiết vì đó là sự
can thiệp quá mức của Nhà nước vào thị trường, cụ thể như sau:


Đối với rừng giống, việc nhà nước đầu tư
rừng giống nên được thể hiện trong kế hoạch đầu tư công của ngành nông nghiệp,
theo pháp luật về đầu tư công, không nên lập quy hoạch vì sẽ ảnh hưởng cả đến đầu
tư tư nhân


Đối với hoạt động chế biến lâm sản thì chủ
yếu do tư nhân thực hiện và nên được quản lý bằng các quy chuẩn kỹ thuật, cùng
với việc giám sát nguồn gốc lâm sản đưa vào chế biến để chống việc khai thác
lâm sản trái phép, chứ không nên được quản lý bằng quy hoạch.


Đối với các vùng nguyên liệu thì nên được
vận hành theo nhu cầu của thị trường. Thực tiễn xây dựng các quy hoạch vùng
nguyên liệu của ngành nông nghiệp từ trước đến nay cho thấy các chính sách này
không phát huy tác dụng, gây tốn kém kinh phí rất lớn.

7.
Điều
tra, thống kê, kiểm kê, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng và cơ sở dữ liệu tài
nguyên rừng

Việc điều
tra, thống kế, kiểm kê, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng là vô cùng cần thiết.
Tuy nhiên, theo quy định của Dự thảo hiện nay thì chức năng này đang được giao
cho chính chủ rừng hoặc cơ quan quản lý và bảo vệ rừng. Đây là điều rất bất cập
về quy trình quản lý tài sản công bởi chức năng kiểm kê tài sản và chức năng bảo
vệ tài sản không thể để cùng một cá nhân hoặc tổ chức đảm nhận. Có thể ví cách
quản lý này tương tự như việc kế toán và thủ quỹ trong một công ty và tổ chức
là một người. Do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định, tách chức
năng bảo vệ rừng và chức năng kiểm kê rừng phải do hai đầu mối khác nhau thực
hiện
, cụ thể như sau:


Đối với việc thống kê, theo dõi diễn biến
của rừng thì được thực hiện thường xuyên và do chủ rừng đảm nhận.


Đối với việc kiểm kê rừng thuộc sở hữu tư
nhân
thì có thể giao cho cơ quan quản lý và bảo vệ rừng.


Đối với việc kiểm kê rừng thuộc sở hữu nhà nước
thì cần giao cho một đơn vị nằm ngoài hệ thống cơ quan quản lý về nông nghiệp,
ví dụ như cơ quan quản lý tài nguyên môi trường, hoặc tài chính, kiểm toán.

8.
Quản
lý rừng sản xuất

Mặc dù
các quyền của chủ rừng đối với rừng sản xuất hiện nay đã được Dự thảo ghi nhận,
song rất nhiều các quyền này vẫn ghi “theo quy chế quản lý rừng”. Mặc
dù tinh thần chung của Dự thảo và Quyết định 49/2016/QĐ-TTg về quy chế quản lý
rừng sản xuất là khuyến khích mạnh mẽ việc đầu tư vào rừng sản xuất, tuy nhiên,
các quy định cụ thể lại không thể hiện được điều này. Đặc biệt, tại Quyết định
49 vẫn có quy định yêu cầu chủ rừng sản xuất phải có hồ sơ thiết kế khai thác rừng
được Sở NNPTNT phê duyệt hàng năm trước khi được khai thác rừng của chính mình.
Quy định này cần được xóa bỏ và việc ghi nhận quyền tự chủ quyết định khai
thác gỗ trên rừng sản xuất thuộc sở hữu tư nhân cần được ghi nhận trong Luật.

Có thể
sẽ có ý kiến cho rằng việc trao quyền quá lớn cho chủ rừng là sự buông lỏng quản
lý của Nhà nước. Ví dụ, trao quyền khai thác gỗ cho chủ rừng sản xuất mà không
có sự kiểm soát của Nhà nước sẽ dẫn đến tình trạng chủ rừng chặt phá rừng quá mức
để khai thác lấy gỗ, làm suy giảm diện tích rừng của Việt Nam. Tuy nhiên, cần
thống nhất quan điểm rõ ràng rằng, chỉ khi nào Nhà nước trao toàn bộ quyền sở hữu,
hưởng dụng mới có thể khiến chủ rừng yên tâm đầu tư.

Một
trong những yếu tố quan trọng để nhà đầu tư quyết định bỏ vốn là họ phải nhìn
ra cơ hội rút lui khỏi thị trường khi cần thiết. Đơn cử như việc gửi tiền vào
ngân hàng, nếu người dân biết rằng rút tiền ra có thể sẽ gặp khó khăn thì họ sẽ
hạn chế gửi tiền. Hay như trước đây Nhà nước có quy định muốn mổ trâu, mổ bò phải
xin phép với lý do bảo vệ sức kéo. Tuy nhiên, chính quy định này làm giảm động
lực đầu tư nuôi trâu bò của người dân và doanh nghiệp, bởi họ không thể chắc chắn
rằng khi cần tiền gấp họ có thể bán con trâu, con bò đó để mổ thịt. Đầu tư vào
rừng cũng vậy, nếu các quyền của chủ rừng như bán lại, sang nhượng, quyền thế
chấp để vay vốn, quyền khai thác lâm sản (cả gỗ và lâm sản ngoài gỗ), quyền cho
thuê lại phục vụ du lịch, nghiên cứu khoa học,… không được pháp luật ghi nhận
và bảo vệ thì chính là sự cản trở nhà đầu tư bỏ tiền vào lâm nghiệp.

Việc
ghi nhận vững chắc quyền tự quyết định việc khai thác gỗ của chủ rừng sản xuất
không chỉ có ý nghĩa thu hút đầu tư mà còn giúp cung cấp thêm gỗ cho các hoạt động
chế biến, thị trường gỗ từ các khu rừng sản xuất. Điều này làm giảm áp lực lên
hoạt động khai thác gỗ trái phép tại các khu rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, nơi
mà cây gỗ có ý nghĩa cho lợi ích công cộng.

Thực tế
nhiều doanh nghiệp phản ánh là việc xin Sở NNPTNT phê duyệt kế hoạch khai thác
gỗ rừng sản xuất hàng năm rất khó khăn. Do chỉ tiêu độ che phủ rừng là một
trong những chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương,
nên các Sở NNPTNT thường tìm cách gây khó khăn khi doanh nghiệp có nhu cầu khai
thác tài sản của chính mình. Chính sách này những tưởng theo hướng “khuyến
khích trồng, hạn chế chặt” rừng sản xuất sẽ có tác dụng tăng độ che phủ rừng.
Nhưng trên thực tế, nhiều doanh nghiệp và người dân đã chuyển hướng đầu tư sang
lĩnh vực khác, thay vì đầu tư vào rừng vì quyền rút lui khỏi thị trường của họ
bị gây khó dễ.

9.
Quản
lý rừng phòng hộ

Như đã
đề cập trong phần quan điểm tiếp cận, chỉ khi nào các quyền tài sản của chủ rừng
được bảo đảm thì cá nhân, tổ chức mới có thể yên tâm đầu tư vào rừng. Dự thảo
đã cho phép giao rừng cho tổ chức kinh tế, hộ gia đình cá nhân (Điều 21.2) và
cho thuê môi trường rừng cho tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân trong nước;
người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài trả tiền một lần
hoặc trả tiền hàng năm để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí
(Điều 24.1). Tuy nhiên, kể cả khi đã được giao hoặc cho thuê thì quyền của chủ
sở hữu rừng vẫn bị hạn chế rất nhiều, chưa thực sự thông thoáng để thu hút đầu
tư.

Cần thống
nhất cách tiếp cận rằng rừng phòng hộ là rừng có mục đích chính là để phòng hộ
chống lũ lụt, chắn gió, chắn cát, chắn sóng, bảo vệ môi trường… Xuất phát từ mục
đích đó, cách thức tốt nhất để quản lý loại rừng này là dựa vào quy chuẩn kỹ
thuật áp dụng cho từng khu rừng phòng hộ
. Cụ thể như sau:


Mỗi khu rừng phòng hộ để đáp ứng chức năng của
mình (chắn gió, chắn cát…) thì cần trồng loại cây nào, chiều cao tối thiểu bao
nhiêu, mật độ cây tối thiểu là bao nhiêu… Các quy chuẩn mang tính tối thiểu này
sẽ do Nhà nước ban hành áp dụng cho từng khu rừng, phù hợp với nhu cầu phòng hộ
của khu vực xung quanh.


Mỗi khu rừng phòng hộ sẽ được tổ chức đấu giá/đấu
thầu để giao cho tổ chức, cá nhân làm chủ sở hữu, hoặc giao cho cộng đồng dân
cư địa phương. Đối với cánh rừng nào không có tổ chức, cá nhân nhận đấu giá/đấu
thầu hoặc rừng phòng hộ đặc biệt quan trọng không thể giao cho tư nhân (được cụ
thể hóa bằng các tiêu chí rõ ràng) thì chính quyền địa phương tổ chức việc bảo
vệ.


Tổ chức, cá nhân làm chủ rừng lúc này có toàn
quyền (không phải xin phép cơ quan nhà nước) thực hiện các hoạt động bảo vệ,
phát triển, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê môi trường, thế chấp, góp vốn,
khai thác lâm sản (kể cả gỗ), hưởng dụng, thụ hưởng tiền chi trả dịch vụ môi
trường rừng từ khu rừng đó,… miễn là luôn duy trì điều kiện của khu rừng cao
hơn so với quy chuẩn tối thiểu được ban hành bởi cơ quan nhà nước.


Quy định này được bảo đảm thực thi bằng các biện
pháp thanh tra, kiểm tra thường xuyên của chính quyền địa phương và các chế tài
hành chính, hình sự. Có thể gia cố thêm các biện pháp bảo đảm thực thi thông
qua điều kiện của người được giao hoặc các quy định về ký quỹ, mua bảo hiểm bắt
buộc…

Một cơ
chế như vậy sẽ cho phép tối đa hóa quyền của chủ rừng đối với tài sản mình được
giao quản lý, đồng thời vẫn gắn chặt trách nhiệm của chủ rừng trong việc duy
trì chức năng phòng hộ của rừng. Như vậy, người dân và doanh nghiệp có thể yên
tâm nhận giao hoặc thuê rừng phòng hộ của Nhà nước để khai thác mà chỉ cần bảo
đảm các mục tiêu phòng hộ đã được đề ra trong quy chuẩn kỹ thuật.

10. Giao, cho thuê và thu hồi rừng

Quy định
về thu hồi rừng trong Dự thảo hiện nay được thiết kế tương tự như quy định về
thu hồi đất trong Luật Đất đai. Mặc dù rừng luôn gắn liền với đất, song cách tiếp
cận này không hợp lý xuất phát từ sự khác biệt căn bản giữa hai loại tài
nguyên là đất đai và rừng.


Thứ nhất, về bản chất, đất đai là tài nguyên bề
mặt, nên toàn bộ đất đai là tài nguyên thiên nhiên, kể cả đất do con người chủ
động lấn biển thì cũng là tài nguyên thiên nhiên, nên toàn bộ đều thuộc sở hữu
toàn dân, không có sở hữu tư nhân. Còn rừng có thể là rừng tự nhiên, hoặc rừng
trồng, do đó, tồn tại rừng thuần túy thuộc sở hữu tư nhân.


Thứ hai, đất đai có đặc tính không tiêu hao, việc
khai thác sử dụng đất không làm suy chuyển diện tích bề mặt của tài nguyên đất
đai. Ngược lại, rừng là tài sản tiêu hao, một số hình thức khai thác rừng như
tham quan du lịch, nghiên cứu khoa học, khai thác lâm sản ngoài gỗ không làm
tiêu hao rừng, nhưng việc khai thác gỗ hoặc sự cố cháy rừng sẽ làm tiêu hao tài
sản. Nếu rừng đã bị khai thác lấy gỗ thì không thể thu hồi.

Do đó,
việc giao, cho thuê và thu hồi rừng có nhiều nét giống với việc quản lý công sản
là công trình xây dựng hơn là so với đất đai. Các quy định về giao rừng, cho
thuê rừng và thu hồi rừng cần được chỉnh sửa
, cụ thể như sau:


Nếu việc chuyển sở hữu từ nhà nước sang tư nhân
không xác định thời hạn mà không cho phép khai thác gỗ rừng (rừng phòng hộ, rừng
đặc dụng) thì cần được gọi là giao rừng.


Nếu việc chuyển sở hữu từ nhà nước sang tư nhân
mà có xác định thời hạn mà không cho phép khai thác gỗ thì gọi là cho thuê rừng.


Nếu việc chuyển sở hữu từ nhà nước sang tư nhân mà
cho phép khai thác toàn bộ gỗ rừng (rừng sản xuất), kể cả có thời hạn hay không
có thời hạn thì phải được gọi là bán rừng. Thời hạn ở đây chỉ có ý nghĩa
là thời hạn giao đất, cho thuê đất với mục đích sử dụng đất là trồng rừng chứ
không thể hiểu là thời hạn cho thuê rừng.

Các hợp
đồng/quyết định giao, cho thuê, bán rừng này cần được thể hiện đúng bản chất của
các giao dịch giao, cho thuê, bán tương ứng.

Tương tự, đối với việc
thu hồi rừng, cũng cần xác định chính xác bản chất của việc này.


Nếu việc chuyển sở hữu từ tư nhân sang nhà nước
đối với rừng đã được giao, cho thuê như trên thì được gọi là thu hồi rừng.


Nếu việc chuyển sở hữu từ tư nhân sang nhà nước
đối với rừng không thuộc trường hợp trên thì phải được gọi là trưng mua rừng,
và thực hiện theo pháp luật về trưng mua tài sản.


ràng, đối với trường hợp rừng thuộc sở hữu của tư nhân thuộc hai trường hợp (1)
do tư nhân đầu tư phát triển hoặc (2) tư nhân đã nhận chuyển nhượng từ Nhà nước
mà được phép khai thác gỗ thì đây thuần túy là tài sản của tư nhân và chủ sở hữu
có toàn quyền đối với tài sản của mình. Việc Nhà nước muốn lấy lại vì bất kỳ lý
do gì thì đều phải được coi là trưng mua tài sản.

11. Kiểm tra, kiểm soát lâm sản

Việc kiểm
tra, kiểm soát lâm sản là một trong những nội dung rất quan trọng của Luật,
liên quan đến việc vận chuyển, lưu trữ, sử dụng, mua bán hàng hóa là tài sản của
người dân và doanh nghiệp. Đây là nội dung mà người dân và doanh nghiệp rất
quan tâm nhưng Điều 68.4 của Dự thảo hiện đang giao Chính phủ quy định chi tiết.
Đề nghị cơ quan soạn thảo đưa luôn nội dung này vào Luật mà không chuyển xuống
cấp Nghị định.

12. Sử dụng rừng

Chương
V của Luật quy định vấn đề Sử dụng rừng, đây là nội dung mà doanh nghiệp và người
dân rất quan tâm. Hiện nay, các quy định cụ thể trong chương này đã liệt kê rất
nhiều hoạt động sử dụng rừng mà chủ rừng hoặc tổ chức cá nhân khác được phép thực
hiện. Tuy nhiên, hầu hết các quyền được quy định trong Chương này đều đi kèm với
dòng chữ “theo dự án/đề án được cơ
quan nhà nước/cấp có thẩm quyền phê duyệt”
. Đây đều là các thủ tục
hành chính nhưng Dự thảo lại không có quy định cụ thể về cơ quan có thẩm quyền
là cơ quan nào, tiêu chí phê duyệt là gì, trình tự thủ tục xin phép ra sao, hồ
sơ gồm những gì, giải quyết trong bao lâu… như đúng chuẩn mực của các thủ tục
hành chính khác. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo quy định chi tiết các
nội dung này. Trong trường hợp không cần thiết thì đề nghị chuyển từ thủ tục
xin phép sang thủ tục thông báo, hoặc bỏ việc phải thực hiện thủ tục hành chính
.
Ví dụ, đối với đoàn thăm quan có dưới 5 người thì có thể miễn thủ tục xin phép
khi vào rừng.

13. Dịch vụ môi trường rừng

Điều
88.3 của Dự thảo quy định chính việc chi trả dịch vụ môi trường rừng gián tiếp
“Tiền chi trả dịch vụ môi trường
rừng thông qua Quỹ bảo vệ và phát triển rừng là tiền của bên sử dụng dịch vụ
môi trường rừng ủy thác cho Quỹ
để trả cho các chủ rừng cung ứng dịch vụ
môi trường rừng.”
Quy định này dẫn đến tình trạng thời gian vừa qua,
Quỹ BV&PTR đã nhận ủy thác của bên chi trả, nhận tiền về, nhưng không xác định
được hoặc không tiến hành chi trả cho chủ rừng, gây tình trạng thừa Quỹ, lãng
phí rất lớn nguồn lực xã hội. Việc bắt người thụ hưởng dịch vụ trả tiền trước,
mà chưa xác định được chủ rừng hoặc không chi trả thực tế cho chủ rừng sẽ khiến
chính sách này trở nên vô nghĩa.

Về bản
chất, việc chi trả dịch vụ môi trường rừng chỉ phát sinh khi có người thụ hưởng
từ rừng và việc chi trả sẽ khiến chủ rừng có thêm động lực để trồng rừng, bảo vệ
rừng. Do đó, cần sửa đổi theo hướng bên chủ rừng sẽ ủy thác cho Quỹ để tiến
hành việc thu hộ tiền dịch vụ môi trường rừng, sau đó Quỹ mới tiến hành thu của
người thụ hưởng dịch vụ
. Cơ chế này mới đúng bản chất về chi trả dịch vụ
môi trường rừng và có tác dụng thực chất trong việc kích thích chủ rừng đầu tư
bảo vệ và phát triển rừng.

Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương
mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng sửa
đổi
. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ
quan./.