Ông Ngô Việt Hòa - Công ty Luật Russin&Vecchi góp ý Dự thảo Luật ban hành VBQPPL tại Hội thảo VCCI ngày 13/8/2014
VCCI góp ý Dự thảo Luật ban hành VBQPPL
Kính gửi: Bộ Tư pháp
Trong tháng 8, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp với Quý Bộ tổ chức hội thảo Vai trò của Doanh nghiệp trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (nhằm lấy ý kiến doanh nghiệp đối với Dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật - sau đây gọi tắt là Dự thảo) tại Hà Nội (13/8), Đà Nẵng (19/8) và Tp. Hồ Chí Minh (20/8). VCCI trân trọng cảm ơn Quý Bộ đã cử cán bộ đồng chủ trì hội thảo và trình bày những nội dung cơ bản của Dự thảo. Hội thảo đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp tích cực và có chất lượng từ các doanh nghiệp, hiệp hội, các chuyên gia. Bên cạnh đó, VCCI cũng tiến hành lấy ý kiến rộng rãi doanh nghiệp, hiệp hội trên toàn quốc đối với Dự thảo này bằng hình thức văn bản, đăng tải trên trang web www.vibonline.com.vn.
Trên cơ sở các ý kiến góp ý thu nhận được và công văn số 1549/PTM-PC của VCCI ngày 14/07/2014 gửi tới Quý Cơ quan (những ý kiến góp ý chưa được tiếp thu và chưa nhận được giải trình về việc không tiếp thu), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tiếp tục tổng hợp các ý kiến góp ý cho Dự thảo như sau:
1. Quy trình soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật
So với Luật hiện hành, quy trình soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) đã có sửa đổi căn bản, theo đó: tách bạch quy trình xây dựng chính sách với quy trình soạn thảo luật, pháp lệnh, nghị định và nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, trong đó tập trung quy định về quy trình xây dựng chính sách, theo hướng chính sách được thông qua, phê duyệt trước sau đó mới tiến hành soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật trên cơ sở các chính sách được thông qua.
Tuy nhiên, các quy định tại Dự thảo lại không thể hiện rõ về quy trình trên, ví dụ:
- Các quy định tại Mục 1 Chương III không làm rõ được đây là quy trình xây dựng chính sách. Các quy định tại Mục này không khác so với các quy định lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh theo quy định tại Luật hiện hành (có chủ thể có quyền đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh; thời gian trình; cơ quan thẩm tra…);
- Dự thảo chưa xác định thế nào là “chính sách”, kéo theo một loạt các nội dung liên quan sẽ không rõ ràng, ví dụ như nội dung chính của văn bản đề nghị chính sách thể hiện những nội dung gì, chi tiết đến đâu (có đến các điều khoản không)? Kiến nghị, đề nghị về luật, pháp lệnh và quy trình để xem xét thông qua kiến nghị này có phải là quy trình xây dựng, thông qua chính sách hay không (vì không rõ thuật ngữ “kiến nghị về luật, pháp lệnh” được cho là kiến nghị chính sách)…
Để quy trình xây dựng VBQPPL rõ ràng
và thể hiện được sự tách bạch của hai quy trình thông qua chính sách và soạn thảo
văn bản, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về quy trình xây dựng và thông qua
chính sách, ít nhất ở những điểm: giải thích khái niệm “chính sách”; đưa ra các
nguyên tắc khi đề nghị xây dựng chính sách…
2. Vai trò của tổ chức đại diện doanh nghiệp trong xây dựng và thi hành văn
bản quy phạm pháp luật So với quy định hiện hành, Dự thảo đã
quy định trực tiếp về vai trò và sự tham gia của tổ chức đại diện cộng đồng doanh
nghiệp - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trong quá trình xây dựng và
thi hành VBQPPL, theo đó, VCCI “chủ trì tổ chức lấy ý kiến đối với dự thảo văn
bản quy phạm pháp luật có liên quan đến doanh nghiệp” (Điều 5). Quy định cho thấy
Ban soạn thảo đã đánh giá cao vai trò của tổ chức đại diện cho lợi ích chung cộng
đồng doanh nghiệp, đồng thời buộc các cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nghiệm
hơn trong soạn thảo và ban hành chính sách, tránh tình trạng một số cơ quan soạn
thảo chỉ tham vấn “sơ sài” một vài doanh nghiệp thân quen, được hưởng lợi từ
chính sách. Theo điều lệ được Thủ tướng Chính phủ
phê duyệt, VCCI là “tổ chức quốc gia tập hợp và đại diện cho cộng đồng doanh
nghiệp, người sử dụng lao động và các hiệp hội doanh nghiệp ở Việt Nam”. “Kiến nghị
và tham mưu cho Nhà nước các vấn đề pháp luật” là nhiệm vụ quan trọng đầu tiên
được quy định trong điều lệ. Quy định này thực ra là luật hoá quy định đã có tại
Nghị định 24/2009/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Ban hành VBQPPL năm 2008 mà đã
được chứng minh là thành công. Bản thân từ quy định này, VCCI đã xây dựng bộ
máy chuyên trách xây dựng pháp luật và các hoạt động góp ý xây dựng pháp luật
đã được quy trình hoá một cách khoa học và hiệu quả. Tháng 6/2008, VCCI đã được
cấp chứng nhận ISO về quy trình góp ý xây dựng pháp luật. Trong quá trình tham vấn cộng đồng
doanh nghiệp đối với Dự thảo cũng như khảo sát doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ về
quy trình tham gia xây dựng văn bản pháp luật cho thấy, phần lớn doanh nghiệp,
hiệp hội đánh giá cao cũng như tin tưởng vai trò của VCCI là đầu mối, đại diện
cho cộng đồng doanh nghiệp trong việc lấy ý kiến doanh nghiệp đối với các
VBQPPL liên quan đến doanh nghiệp. Do vậy, việc ghi nhận vai trò của
VCCI trong xây dựng và thi hành VBQPPL là hợp lý. Tuy nhiên, sự tham gia của
VCCI trong các các hoạt động trên lại chưa được quy định cụ thể trong Dự thảo,
vì vậy sẽ gây khó khăn trong quá trình triển khai. Chẳng hạn: -
Vai trò của tổ chức đại diện cho cộng
đồng doanh nghiệp trong giai đoạn xây dựng chính sách của luật, pháp lệnh: Dự thảo quy định “Phòng Thương mại và
Công nghiệp Việt Nam chủ trì tổ chức lấy ý kiến đối với dự thảo VBQPPL có liên
quan đến doanh nghiệp” (khoản 3 Điều 5). Quy định này được hiểu VCCI sẽ tham
gia tại thời điểm VBQPL đã được soạn thảo,
còn thời điểm trước đó, khi luật, pháp lệnh mới chỉ là chính sách được đề nghị
thì vai trò đại diện này lại không thấy quy định. Điều này dường như là chưa hợp
lý, bởi giai đoạn lấy ý kiến cho các chính sách của luật, pháp lệnh rất quan trọng
và có tính quyết định đến VBQPPL, còn dự thảo VBQPPL chỉ là hình thức cụ thể của
các chính sách đã được thông qua. Nếu doanh nghiệp không có tiếng nói
trong giai đoạn hoạch định chính sách ban đầu, thì sẽ gặp hạn chế khá lớn trong
việc tham gia góp ý cho dự thảo VBQPPL đã được soạn thảo. Khi các chính sách lớn
đã được quyết định trước đó nên không thể thay đổi ở giai đoạn soạn thảo, và
trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp không đồng tình với các chính sách trong
luật, pháp lệnh nhưng lại không có cơ hội để “lên tiếng”, ở giai đoạn văn bản
đã được soạn thảo rồi, việc tham gia có ý kiến cũng ít ý nghĩa. Mặc dù, trong các quy định về việc lấy
ý kiến đối với đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh có quy định về nghĩa vụ lấy ý
kiến của cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội phải lấy ý kiến cơ quan, tổ chức
có liên quan và đối tượng chịu tác động trực tiếp về các chính sách, tuy nhiên,
thực tế trong thời gian qua, trong một số dự thảo, việc lấy ý kiến doanh nghiệp
hay tổ chức đại diện cho doanh nghiệp vẫn còn là hình thức, thậm chí một số cơ
quan chủ trì soạn thảo đã không hỏi ý kiến của VCCI đối với văn bản liên quan
trực tiếp đến doanh nghiệp. Vì vậy, nếu không có quy định cụ thể, có tính ràng
buộc, thì không có gì đảm bảo chắc chắn là các cơ quan, tổ chức sẽ lấy ý kiến
các đề nghị chính sách của luật, pháp lệnh. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo quy
định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội lập đề nghị xây dựng
luật, pháp lệnh có trách nhiệm lấy ý kiến VCCI đối với các chính sách liên quan
đến doanh nghiệp. -
Sự phối hợp của cơ quan soạn thảo và
VCCI trong quy trình xây dựng và thi hành VBQPPL: Điều 5 Dự thảo quy định VCCI chủ trì
tổ chức lấy ý kiến đối với dự thảo VBQPPL có liên quan đến doanh nghiệp, tuy
nhiên lại không quy định cụ thể thời điểm VCCI tiến hành hoạt động này là thời
điểm nào (thời điểm dự thảo được đăng tải trên website để lấy ý kiến, thời điểm
dự thảo được gửi tới VCCI để lấy ý kiến…, sự phối hợp giữa cơ quan chủ trì soạn
thảo với VCCI như thế nào trong việc lấy ý kiến doanh nghiệp (cơ quan chủ trì
soạn thảo có lấy ý kiến doanh nghiệp nữa không hay là chỉ cần lấy ý kiến VCCI).
Trong nhiều trường hợp, VCCI nhận được
đề nghị đóng góp ý kiến với thời hạn rất ngắn và ở thời điểm dự thảo đang ở
giai đoạn cuối lấy ý kiến sát ngay thời điểm trình lên Bộ Tư pháp để thẩm định
hoặc Văn phòng Chính phủ thẩm tra, do vậy gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động
triển khai lấy ý kiến. Bởi vì, thực tế khi nhận dự thảo VBQPPL, VCCI phải trải
qua quá trình xử lý như: xác định các doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp,
gián tiếp; xác định nội dung trọng tâm cần lấy ý kiến, xúc tiến việc lấy ý kiến
với nhiều hình thức, “chờ” doanh nghiệp phản hồi và tổng hợp phản hồi trên cơ sở
cân bằng lợi ích của các nhóm chịu tác động cũng như đảm bảo lợi ích công cộng.
Các công việc này đôi khi tương ứng với quy trình lấy ý kiến của cơ quan chủ
trì soạn thảo. Do vậy, cần một thời gian dài, đủ để hoàn thành được quy trình
trên một cách có chất lượng nhất. Vì vậy, để đảm bảo tính hiệu quả và phát
huy chất lượng của quá trình lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp thông qua VCCI, đề
nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định theo hướng, đối với các VBQPPL liên
quan đến doanh nghiệp thời điểm lấy ý kiến VCCI sẽ là thời điểm dự thảo bắt
đầu được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi. Điều 91 Dự thảo quy định trách nhiệm lấy
ý kiến VCCI đối với thông tư có ảnh hưởng trực tiếp tới quyền, nghĩa vụ, lợi
ích của doanh nghiệp nhưng lại không quy định tương tự với dự thảo nghị định (
Điều 83), điều này có thể tạo ra cách hiểu là việc lấy ý kiến VCCI đối với dự
thảo nghị định là không bắt buộc, mặc dù khoản 3 Điều 5 đã quy định rõ tất cả
các VBQPPL liên quan đến doanh nghiệp đều phải hỏi VCCI. Do vậy, để đảm bảo
tính thống nhất, minh bạch về trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo trong
việc tham vấn cộng đồng doanh nghiệp, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định
đối với các nghị định ảnh hưởng trực tiếp tới quyền, nghĩa vụ, lợi ích của
doanh nghiệp, cơ quan chủ trì soạn thảo phải có trách nhiệm lấy ý kiến của
VCCI. -
Vai trò của tổ chức đại diện cộng đồng
doanh nghiệp trong tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật (Chương IX) Vai trò của tổ chức đại diện cộng đồng
doanh nghiệp trong tổ chức thi hành VBQPPL là khá mờ nhạt, điều này là chưa hợp
lý, chưa đánh giá đúng vai trò cũng như tầm quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp
trong hoạt động thi hành VBQPPL. Việc đại diện cộng đồng doanh nghiệp tham gia
vào hoạt động tổ chức thi hành VBQPPL sẽ hỗ trợ rất nhiều cho cơ quan nhà nước
trong việc truyền tải thông tin đến các đối tượng áp dụng và cũng là kênh thông
tin hữu hiệu phát hiện những vướng mắc, bất cập trong các quy định hiện hành để
kiến nghị sửa đổi. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo bổ
sung quy định về vai trò của VCCI trong công tác thi hành VBQPPL tại Điều
138 Dự thảo. 3. Vai trò của tổ chức đại diện doanh nghiệp trong xây dựng, ban hành Nghị
quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Quyết định của ủy ban nhân dân cấp tỉnh
(Chương IX, X) Dự thảo đã gộp chung quy trình ban
hành VBQPPL của trung ương và địa phương vào chung một Luật, đây là một định hướng
tiến bộ lần này. Theo quy định tại Dự thảo thì quy
trình xây dựng VBQPPL của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
được xây dựng tương tự như quy trình của trung ương. Tuy nhiên, có thể nhận thấy,
trong quy trình xây dựng VBQPPL ở địa phương, tiếng nói của doanh nghiệp lại
không được thể hiện rõ ràng, cụ thể như ở quy trình cấp trung ương, trong khi
các VBQPPL ở địa phương có tính chất quan trọng, tác động lớn đến hoạt động của
doanh nghiệp và vai trò của doanh nghiệp không hề nhỏ trong phát triển kinh tế
- xã hội của địa phương. Do vậy, tương tự như quy trình xây dựng
VBQPPL ở trung ương, quy trình này ở địa phương, đề nghị Ban soạn thảo quy định
cơ quan chủ trì soạn thảo phải có trách nhiệm lấy ý kiến của các hiệp hội đại
diện cho doanh nghiệp địa phương đối với các VBQPPL liên quan đến doanh nghiệp.
Hiện tại, hầu hết các tỉnh, thành phố đã có đầy đủ các hiệp hội doanh nghiệp, đại
diện cho các doanh nghiệp tại địa phương nên việc lấy ý kiến này sẽ rất hiệu quả. 4. Tính minh bạch trong quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật -
Về lấy ý kiến đối với báo cáo đánh
giá tác động của dự án luật, pháp lệnh: Khoản 2 Điều 29 của Dự thảo quy định
phải có báo cáo đánh giá tác động của từng chính sách (báo cáo RIA) trong hồ sơ
đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, tuy nhiên, để đánh giá tác động dự kiến của chính
sách, tức là làm rõ ảnh hưởng của những quy phạm đó đối với các đối tượng khác
nhau trong xã hội và đối với sự phát triển chung của xã hội thì báo cáo đó phải
được thực hiện đúng phương pháp, đầy đủ thông tin và đặc biệt là phải lấy ý
kiến đối tượng chịu sự tác động của chính sách, điều đó sẽ làm cho phương
án chính sách đưa ra có tính thuyết phục về sự cần thiết, hiệu quả và khả thi. Đây
cũng là cách thức buộc các Ban soạn thảo phải nâng cao chất lượng của báo cáo này,
vốn đã và đang thực hiện rất hình thức, khi mang ra lấy ý kiến công chúng, hướng
quá trình thảo luận RIA vào thực tế. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ
sung quy định phải lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động của chính sách đối với
báo cáo đánh giá tác động, có giải trình tiếp thu các ý kiến trong hồ sơ đề nghị
xây dựng luật, pháp lệnh. -
Về phiên bản, số lần lấy ý kiến đối với
dự án luật, pháp lệnh: Điều 45 của Dự thảo quy định trách
nhiệm lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động của dự án luật, pháp lệnh, tuy
nhiên, quy định này vẫn chưa thể hiện rõ được việc lấy ý kiến là chỉ lấy một lần
hay nhiều lần, đối với dự thảo ở giai đoạn nào, dễ dẫn đến tình trạng lấy ý kiến
mang tính hình thức (có trường hợp dự thảo sau có những sửa đổi lớn, quan trọng
so với dự thảo trước, có nhiều tác động đến đối tượng điều chỉnh nhưng không được
tiếp tục lấy ý kiến thì việc lấy ý kiến không thực chất, hiệu quả). Đề nghị
Ban soạn thảo xem xét, quy định trong trường hợp dự thảo sau có thay đổi cơ bản
thì cơ quan soạn thảo phải có trách nhiệm lấy ý kiến của dự thảo đó và đảm bảo
dự thảo trước khi ký ban hành được công khai. -
Về thẩm định, thẩm tra: Dự thảo có bước tiến đáng kể trong việc
minh bạch hóa quy trình xây dựng VBQPPL, theo đó “cơ quan, tổ chức chủ trì soạn
thảo có trách nhiệm tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý và đăng tải
đầy đủ nội dung tiếp thu, giải trình ý kiến trên Trang thông tin về xây dựng
pháp luật của Chính phủ và của cơ quan, tổ chức mình để nhân dân biết” (khoản 3
Điều 45). Việc công khai các thông tin về việc tiếp thu hay không tiếp thu có
giải trình của cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ khiến cho việc quy trình xây dựng
VBQPPL trở nên thực chất, các đối tượng góp ý có “động lực” để tham gia đóng
góp ý kiến và sẽ tạo được sự đồng thuận khi văn bản được ban hành và áp dụng trên
thực tế. Tuy nhiên, việc công khai các thông
tin dường như chỉ “dừng” ở giai đoạn lấy ý kiến đối với các dự thảo VBQPPL, còn
ở giai đoạn thẩm định, thẩm tra thì các thông tin lại không được công khai. Việc
công khai ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp hay ý kiến thẩm tra của Văn phòng
Chính phủ, của các Ủy ban/ Hội đồng của Quốc hội sẽ giúp cho các đối tượng nhận
biết được ý kiến của các cơ quan có vai trò “gác cửa”, điều này sẽ góp phần tạo
niềm tin trong xã hội (về năng lực của các cơ quan nhà nước, tính thực chất của
quy trình xây dựng VBQPPL…), đồng thời tăng cường được vai trò giám sát của
nhân dân, từ đó sẽ tạo ra sự đồng thuận cao khi các chính sách “đi vào cuộc sống”. Do vậy, để quy trình xây dựng VBQPPL
hoàn toàn minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo quy định các ý kiến thẩm định, thẩm
tra VBQPPL được đăng tải công khai trên trang web của các cơ quan nhà nước có
thẩm quyền. Luật ban hành VBQPPL 2008 (khoản 3 Điều
41) có quy định việc các cơ quan thẩm tra có thể lấy ý kiến của đối tượng điều
chỉnh, nhưng do chưa quy định cụ thể nên việc thẩm tra chỉ chủ yếu dựa trên cơ
sở tổng hợp ý kiến của cơ quan soạn thảo và đại biểu Quốc hội nên việc thay đổi
chính sách trong bản dự thảo ở giai đoạn này rất ít được lấy ý kiến đối tượng
điều chỉnh, vì thế chưa đánh giá được đầy đủ tác động trên thực tế của các thay
đổi này. Dự thảo Luật hợp nhất lần này lại hoàn toàn không quy định về vấn đề
này, vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định về việc có thể
mời tham gia các tổ chức đại diện cho các đối tượng chịu sự tác động như Mặt trận,
VCCI tham gia các phiên họp thẩm tra và việc cơ quan thẩm tra, thẩm định có thể
trưng cầu ý kiến trong những trường hợp cần thiết. -
Về thông tin cung cấp khi lấy ý kiến:
Có thể khẳng định, vấn đề cung cấp đầy
đủ thông tin là một điều kiện đảm bảo việc góp ý dự thảo VBQPPL là thực chất và
có ý nghĩa. Dự thảo có quy định cơ quan, tổ chức
chủ trì soạn thảo phải đăng tải toàn văn dự thảo trên Trang thông tin điện tử,
nêu những vấn đề cần xin ý kiến phù hợp với từng đối tượng lấy ý kiến (Khoản 1
Điều 45 đối với dự thảo luật, pháp lệnh, Điều 83 đối với dự thảo nghị định, Khoản
2 Điều 91 đối với dự thảo thông tư, Điều 98 đối với dự thảo văn bản của Hội đồng
nhân dân cấp tỉnh và tương tự với dự thảo văn bản của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
– Điều 118). Thực tế khảo sát ý kiến và làm việc
trực tiếp với các Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp cho thấy, rất khó và nhiều
trường hợp là hầu như không thể góp ý khi không có thông tin gì khác ngoài dự
thảo và đôi khi có thêm các vấn đề cần lấy ý kiến, chưa kể nhiều trường hợp thời
điểm và thời hạn lấy ý kiến không hợp lý. Hầu hết các dự thảo luật đều rất phức
tạp, nhiều nghị định và kể cả thông tư rất dài, nhiều quy định mới và/hoặc thay
đổi, rất khó để người đọc có thể đối chiếu, rà soát và hiểu hết để góp ý. Đó
cũng chính là nguyên nhân vì sao nhiều cơ quan soạn thảo đăng tải toàn văn dự
thảo và hầu như không nhận được ý kiến nào của người dân. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo quy
định cụ thể những thông tin phải được đăng tải/ công khai và cung cấp khi lấy ý
kiến: dự thảo mới nhất, tóm tắt hoặc thuyết minh chi tiết, danh mục các vấn
đề cần xin ý kiến và các thông tin tham khảo (nếu có) như báo cáo đánh giá tác
động, tình hình thi hành, kinh nghiệm quốc tế, dự thảo trước đó… Cũng có những trường hợp cơ quan soạn
thảo chỉ đưa ra dự thảo tại hội thảo lấy ý kiến, khi đó thời gian đọc dự thảo tại
hội thảo là quá ngắn để người tham dự có thể đưa ra ý kiến, do đó đề nghị Ban
soạn thảo cũng dự liệu trường hợp này và quy định đối với trường hợp lấy ý
kiến trực tiếp thì cơ quan soạn thảo phải cung cấp thông tin cần thiết cho người
tham dự trước khi lấy ý kiến tối thiểu năm
ngày làm việc. Thêm nữa, cần quy định rõ những yêu cầu
cơ bản của chuyên mục lấy ý kiến góp ý dự thảo VBQPPL trên trang thông tin điện
tử của các cơ quan chủ trì soạn thảo, ví dụ như: có chuyên mục riêng trên trang
chủ, thể hiện rõ ngày đăng thông tin, ngày bắt đầu và kết thúc lấy ý kiến, các
thông tin tối thiểu phải đăng tải… -
Về trình tự, thủ tục xây dựng, ban
hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn (Chương IX): Theo quy định tại Dự thảo thì trong một
số trường hợp VBQPPL sẽ được xây dựng theo trình tự thủ tục rút gọn, có nghĩa
là không tuân theo trình tự, thủ tục thông thường và một số yếu tố về tính minh
bạch sẽ được “bỏ qua” (như: lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động trực tiếp;
việc công khai các thông tin về dự thảo…). Điều này sẽ ảnh hưởng đáng kể đối với
các đối tượng chịu tác động trực tiếp của các chính sách, do vậy Ban soạn thảo
cần cân nhắc một cách thận trọng khi xác định các trường hợp xây dựng, ban hành
VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn và các trường hợp này cần phải xác định một
cách cụ thể, tránh hiện tượng cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể diễn giải
theo nhiều cách để xây dựng, ban hành VBQPPL theo trình tự này gây tác động
tiêu cực đến các đối tượng chịu tác động, trong đó có doanh nghiệp. Một số quy
định về quy trình rút gọn dường như chưa đảm bảo được yêu cầu trên, ví dụ: + “Để ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần của văn bản quy phạm pháp luật
trong một thời hạn nhất định” (khoản 2 Điều 122) là một trong những trường
hợp theo trình tự, thủ tục rút gọn. Quy định này là chưa rõ ràng ở điểm, VBQPPL
bị ngừng hiệu lực là văn bản có tính chất như thế nào? Việc ngưng hiệu lực
trong điều kiện nào? Trong trường hợp các chính sách trong VBQPPL có tác động lớn
đến doanh nghiệp và/hoặc người dân, việc ngừng hiệu lực của văn bản này sẽ tác
động tiêu cực cho hoạt động của doanh nghiệp và/hoặc người dân, nếu chính sách
này không được đưa ra lấy ý kiến, không được xây dựng một cách công khai có
tính dự báo trước, sẽ gây khó khăn cho các đối tượng chịu sự tác động. Do vậy, Ban
soạn thảo cần quy định cụ thể các vấn đề trên. + Các thông tin về VBQPPL
được xây dựng theo trình tự rút gọn có được công khai không? Đề nghị Ban soạn
thảo quy định rõ. -
Về thời điểm có hiệu lực của văn bản
quy phạm pháp luật: + Theo quy định tại khoản
1 Điều 127 Dự thảo thì: “Thời điểm có hiệu
lực… không sớm hơn bốn mươi lăm ngày, kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành…”.
“Trong thời hạn chậm nhất là hai ngày làm
việc, kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành, cơ quan ban hành văn bản quy phạm
pháp luật phải gửi văn bản đến Bộ Tư pháp để đăng Công báo. Bộ Tư pháp có trách
nhiệm đăng toàn văn văn bản quy phạm pháp luật trên Công báo chậm nhất là mười
lăm ngày, kể từ ngày nhận được văn bản”. Theo các quy định trên
thì, từ thời điểm VBQPPL phát sinh hiệu lực đến thời điểm các đối tượng chịu
tác động nhận biết được chính sách được ban hành là khoảng 28 ngày đối với
VBQPPL cấp trung ương còn VBQPPL cấp địa phương thì có thể lúc đăng công báo,
đã phát sinh hiệu lực ngay hoặc trước đó (nếu tính theo quy định tại Điều 126
thì thời hạn để VBQPPL đăng công báo là 17 ngày kể từ ngày ký ban hành, như vậy
đối với VBQPPL trung ương, nếu thời điểm phát sinh hiệu lực là 45 ngày kể từ
ngày ký ban hành thì thời điểm công chúng biết đến văn bản cho đến khi phải áp
dụng là khoảng 28 ngày, đối với VBQPPL cấp địa phương thì thời hạn phát sinh hiệu
lực là 10 ngày kể từ ngày ký ban hành thì thời điểm văn bản được công khai thì
đã phát sinh hiệu lực trước đó … 7 ngày). Như vậy, có thể thấy ngay trong bản
thân quy định tại Điều 126 (VBQPPL không đăng Công báo thì không có hiệu lực
thi hành) và thời điểm có hiệu lực của VBQPPL được xác định theo Điều 127 đã có
mâu thuẫn và loại trừ nhau ở VBQPPL cấp địa phương. Hơn nữa, đối với VBQPPL cấp
trung ương, thì khoảng thời gian 28 ngày là ngắn để các đối tượng nhận biết
chính sách để thực hiện. Điều này sẽ là bất lợi các đối tượng chịu sự tác động
nếu chính sách mới áp đặt các điều kiện khắt khe hơn. Do đó, để đảm bảo các đối
tượng nhận biết được các chính sách mới và tính minh bạch của việc xây dựng văn
bản quy phạm pháp luật, đề nghị Ban soạn thảo quy định thời điểm có hiệu lực
của VBQPPL căn cứ từ thời điểm đăng công báo hoặc kéo dài thời hạn tối thiểu
phát sinh hiệu lực nếu căn cứ vào ngày công bố hoặc ký ban hành, để đảm bảo thời
điểm các đối tượng nhận biết ít nhất là 45 ngày kể từ ngày văn bản được công bố
bằng hình thức công khai (đăng công báo). Và đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại
thời điểm đăng công báo và thời điểm phát sinh hiệu lực của VBQPPL cấp địa
phương để giải quyết sự mâu thuẫn ở trên. + Khoản 2 Điều 127 quy định
“Văn bản quy định chi tiết có hiệu lực
cùng thời điểm có hiệu lực của văn bản được quy định chi tiết hoặc hiệu lực của
điều, khoản, điểm được quy định chi tiết.” Quy định này chỉ hợp lý
trong trường hợp văn bản quy định chi tiết được ban hành trước khi văn bản được
quy định chi tiết có hiệu lực. Tuy nhiên trên thực tế, rất nhiều văn bản quy định
chi tiết quy định khác, quy định thêm những nội dung mới so với văn bản gốc, đồng
thời vẫn tồn tại tình trạng chậm trễ trong ban hành văn bản hướng dẫn. Vì vậy, nếu quy định như thế này thì sẽ
có trường hợp quy định có hiệu lực hồi tố, sẽ gây ra rất nhiều khó khăn, phức tạp.
Do đó đề nghị Ban soạn
thảo xem xét lại quy định này để bảo đảm tính bất hồi tố của VBQPPL đã quy định
tại Điều 128 của Dự thảo. 5. Một số quy định tại Dự thảo chưa đủ cụ thể, có thể gây khó khăn trong quá
trình thực hiện -
Văn bản quy định chi tiết (Điều 10): Dự thảo quy định về việc ủy quyền cho
các cơ quan quy định chi tiết các điều, khoản trong VBQPPL. Tuy nhiên, Dự thảo
lại chưa giải quyết được vấn đề, ngoài những điều, khoản được ủy quyền thì cơ
quan có quyền quy định hướng dẫn thêm các điều khoản khác không hoặc trong VBQPPL
có quy định trao quyền cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền “hướng dẫn chi tiết
Luật/ Nghị định này” không? Bởi vì, thực tế trong thời gian qua, mặc dù Luật hiện
hành có quy định về việc ủy quyền quy định chi tiết ngay tại điều, khoản cần hướng
dẫn nhưng trong một số trường hợp, cơ quan chủ trì soạn thảo không chỉ hướng dẫn
trong phạm vi được ủy quyền mà còn hướng dẫn “thêm” các điều khoản khác vì lý
do, các điều, khoản đó chưa rõ và để phục vụ hoạt động quản lý hành chính. Do vậy,
để đảm bảo sự rõ ràng, đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể vấn đề
trên. -
Hội đồng tư vấn chính sách của Chính
phủ (Điều 30): Dự thảo quy định Hội đồng này sẽ có
trách nhiệm thẩm định đề nghị xây dựng luật, pháp luật do Chính phủ trình. Dự
thảo đã quy định về thành phần của Hội đồng, thẩm quyền thành lập Hội đồng,
nhưng lại chưa quy định cơ chế hoạt động của hội đồng này: được thành lập thời
điểm nào (theo nhiệm kỳ của Chính phủ hay là theo hoạt động thẩm định của mỗi đề
nghị xây dựng luật, pháp lệnh)? Cơ chế đưa ra quyết định thẩm định của Hội đồng
như thế nào (để giải quyết trong trường hợp giữa các thành viên Hội đồng không
có sự thống nhất về quan điểm đối với mỗi đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh)…? -
Tổ chức, cá nhân đề nghị xây dựng nghị
định (Điều 76): Theo quy định tại Điều 77 thì tổ chức,
cá nhân có thể kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xây dựng nghị định, tuy nhiên Dự
thảo lại không quy định về cách thức cho các đối tượng này thực hiện quyền đưa
ra kiến nghị của mình. Điều này có thể gây khó khăn trong thực tế triển khai,
do vậy đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể trình tự, thủ tục để cá
nhân, tổ chức kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xây dựng nghị định. -
Hiệu lực trở về trước của VBQPPL (Điều
128): Khoản 1 Điều 133 Dự thảo quy định “chỉ
trong những trường hợp cần thiết, VBQPPL
mới được quy định hiệu lực trở về trước”. “Trường hợp cần thiết” là khái niệm
mang tính định tính, chưa rõ ràng và có thể trao quá nhiều quyền cho cơ quan chủ
trì soạn thảo trong việc quyết định hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật.
Trong quá trình tham vấn doanh nghiệp, hiệp hội, rất nhiều ý kiến cho rằng Dự
thảo cần quy định rõ là không được phép quy định hiệu lực trở về trước của VBQPPL
bởi, xuất phát từ tính chất của các VBQPPL là điều chỉnh các hành vi từ thời điểm
phát sinh hiệu lực, chứ không phải là những hành vi đã xảy ra trước đó. Hơn nữa,
việc cho phép quy định hiệu lực trở về trước đối với VBQPPL sẽ có thể gây bất lợi
cho đối tượng áp dụng ở khía cạnh không nhận biết/lường trước được các chính
sách và tạo ra tâm lý tiêu cực cho các nhà đầu tư về một hệ thống pháp luật
không nhất quán. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo quy định
rõ các VBQPPL không được phép quy định về hiệu lực trở vệ trước, hoặc nếu có
trường hợp ngoại lệ thì cần quy định cụ thể các ngoại lệ và theo hướng có lợi
cho đối tượng áp dụng. 6. Một số quy định chưa giải quyết được những bất cập trong thực tế xây dựng
văn bản quy phạm pháp luật -
Giới hạn quyền lập pháp của các Bộ,
ngành: Luật doanh nghiệp hiện hành có quy định
mang tính nguyên tắc: các Bộ và UBND các cấp không được quy định về ngành, nghề
kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh. Quy định này nhằm hạn chế các
Bộ, UBND áp đặt các điều kiện kinh doanh cũng như các “giấy phép con” gây cản
trở một cách bất hợp lý cho quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp và các điều
kiện kinh doanh này không được rà soát, xem xét kỹ càng do quy trình ban hành
Thông tư không chặt chẽ như xây dựng văn bản cấp Nghị định trở lên. Tuy nhiên,
trong thực tế vẫn có một số Thông tư ban hành các điều kiện kinh doanh, điều
này cho thấy khâu kiểm soát VBQPPL cấp Bộ vẫn chưa đảm bảo và Bộ vẫn có rất nhiều
quyền trong việc áp đặt điều kiện kinh doanh. Do đó, để hạn chế được tình trạng
này, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ VBQPPL cấp Bộ, UBND không được phép
quy định về điều kiện kinh doanh. -
Trường hợp VBQPPL hết hiệu lực: Khoản 4 Điều 130 Dự thảo quy định
“VBQPPL hết hiệu lực thì VBQPPL quy định chi tiết thi hành văn bản đó cũng đồng
thời hết hiệu lực, trừ trường hợp được giữ lại toàn bộ hoặc một phần vì còn phù
hợp với các quy định của VBQPPL mới”. Quy định này có mục đích để hạn chế tình
trạng chậm trễ ban hành văn bản hướng dẫn thi hành, khắc phục việc “luật chờ
nghị định, nghị định chờ thông tư”, tuy nhiên quy định này vẫn chưa rõ ràng và
giải quyết được các vấn đề có thể phát sinh như: + Cơ quan nào có quyền tuyên bố giữ lại
hiệu lực toàn bộ hoặc một phần các văn bản hướng dẫn thi hành vì còn phù hợp? + Trong trường hợp một văn bản hướng
dẫn một số VBQPPL và một số các văn bản được hướng dẫn hết hiệu lực thì cách thức
xử lý như thế nào? + Trong trường hợp Hiến pháp hết hiệu
lực thì các luật ban hành căn cứ vào Hiến pháp có tự động hết hiệu lực không và
nếu một văn bản hết hiệu lưc, văn bản hướng dẫn thi hành nó không được duy trì
hiệu lực mà chưa kịp ban hành văn bản hướng dẫn thi hành mới thì quyền và nghĩa
vụ của công dân, doanh nghiệp sẽ được thực hiện như thế nào. Những vấn đề trên là vướng mắc tồn tại
trên thực tế, tuy nhiên Dự thảo vẫn chưa giải quyết được. Do vậy, để đảm bảo
thuận lợi khi triển khai, đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể về các vấn
đề trên. -
Giải thích VBQPPL (Chương XII): Theo quy định tại Điều 144 Dự thảo
thì, cơ quan, người có thẩm quyền ban hành VBQPPL giải thích VBQPPL do mình ban
hành trừ các trường hợp thuộc thẩm quyền của UBTVQH. Rất nhiều ý kiến của các
doanh nghiệp, hiệp hội mà VCCI tham vấn cho rằng, quy định này là chưa hợp lý,
có thể tạo ra hiện tượng “vừa đá bóng vừa thổi còi” và sẽ bất lợi cho các đối
tượng áp dụng nếu cơ quan nhà nước ban hành văn bản giải thích theo hướng có lợi
cho cơ quan nhà nước, trong khi đó không có ai phân xử đúng hay sai. Do đó, giải
thích VBQPPL cần phải có cơ quan độc lập thực hiện để đảm bảo tính khách quan,
chính xác và bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các bên. Trong bộ máy cơ quan nhà
nước thì Tòa án là cơ quan thích hợp để thực hiện hoạt động này, bởi vì Tòa án
là cơ quan xét xử có nhiệm vụ bảo vệ và bảo đảm quyền, nghĩa vụ của các bên.
Tòa án hoạt động trên nguyên tắc là khách quan, khi xét xử, thẩm phán và hội thẩm
nhân dân sẽ hành động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, không dễ bị chi phối
bởi các yếu tố khác. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân
nhắc, xem xét bổ sung vai trò của Tòa án trong hoạt động giải thích VBQPPL. Liên quan đến trình tự giải thích
VBQPPL, Dự thảo không quy định rõ về các vấn đề như: chủ thể có quyền đề nghị
giải thích VBQPPL; trình tự thủ tục để chủ thể đó thực hiện quyền của mình (gửi
văn bản đề nghị đến cơ quan nào; trong thời gian bao lâu thì cơ quan có thẩm
quyền phải có nghĩa vụ trả lời, …). Để tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện,
đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về trình tự thủ tục này. Về giá trị pháp lý của văn bản giải
thích pháp luật: Điều 145 Dự thảo quy định “văn bản giải thích có giá trị chính thức trong việc áp dụng và
thi hành pháp luật”. Có “giá trị chính thức”
được hiểu như thế nào? Văn bản này có được áp dụng chung cho tất cả các trường
hợp tương tự không hay là chỉ áp dụng cho vụ việc mà có chủ thể đề nghị cần giải
thích? Xét về bản chất thì, văn bản giải thích pháp luật cần được áp dụng cho
các trường hợp tương tự để thống nhất về cách hiểu, điều này đồng nghĩa với việc
văn bản này chứa đựng quy phạm pháp luật như quy định tại khoản 1 Điều 2 và là
văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, để đảm bảo sự rõ ràng, đề nghị Ban soạn
thảo quy định rõ “Văn bản giải thích có là VBQPPL”. -
Về áp dụng VBQPPL (Điều 132): + Khoản 2 Điều 132 Dự thảo quy định
“trong trường hợp các VBQPPL có quy định khác nhau về một vấn đề thì áp dụng
văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn”. Quy định này đưa ra nguyên tắc áp dụng
pháp luật theo hiệu lực pháp lý, tuy nhiên toàn bộ Dự thảo không có quy định
nào xác định văn bản nào có hiệu lực pháp lý cao hơn văn bản nào (Luật và Bộ luật?
Luật cao hơn Pháp lệnh? Pháp lệnh cao hơn Nghị định? Nghị định cao hơn Quyết định
của Thủ tướng Chính phủ?…). Trong thời gian qua, chúng ta mặc định về hiệu lực
pháp lý của các văn bản (Luật cao hơn Pháp lệnh, Nghị định cao hơn Thông tư…)
tuy nhiên lại không có quy định nào ghi nhận điều này và thực tế, đối với một số
văn bản có suy đoán được một cách rõ ràng dựa trên cơ quan có thẩm quyền ban
hành thì một số văn bản lại khá khó khăn để nhận biết ví dụ như giữa Nghị định
của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; giữa Thông tư và Nghị quyết
của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao… Do vậy, để đảm bảo tính minh bạch,
đề nghị Ban soạn thảo quy định về hiệu lực pháp lý của các văn bản, có
thể bổ sung vào quy định tại Điều 3 Dự thảo. + Khoản 4 Điều 132 Dự thảo quy định
“Trong trường hợp VBQPPL chung và VBQPPL chuyên ngành có quy định về cùng một vấn
đề thì áp dụng VBQPPL chuyên ngành”, quy định này đưa ra nguyên tắc áp dụng
pháp luật theo văn bản chung – riêng (chuyên ngành), tuy nhiên lại không có quy
định nào giải thích rõ về hai loại VBQPPL này. Mặt khác, hiện nay còn có khái
niệm VBQPPL gốc (ví dụ: Bộ luật dân sự), không rõ loại văn bản này có cùng khái
niệm với VBQPPL chung không? Tóm lại, để thống nhất về cách hiểu và thuận lợi
cho áp dụng, Dự thảo cần đưa ra khái niệm về VBQPPL chung, VBQPPL chuyên
ngành. + Điều 132 Dự thảo quy định về nguyên
tắc áp dụng VBQPPL về hiệu lực pháp lý và văn bản chung – chuyên ngành, tuy
nhiên quy định tại Dự thảo lại chưa giải quyết được trường hợp có sự giao thoa
bởi hai nguyên tắc này thì ưu tiên áp dụng nguyên tắc nào (ví dụ: có sự khác
nhau giữa VBQPPL chung – chuyên ngành và VBQPPL chuyên ngành có hiệu lực pháp
lý thấp hơn). + Khoản 3 Điều 132 Dự thảo quy định
“trong trường hợp các VBQPPL do cùng một cơ quan ban hành có quy định về cùng một
vấn đề thì áp dụng quy định của VBQPPL ban hành sau”, tuy nhiên Dự thảo lại
không có quy định giải quyết cho trường hợp VBQPPL do các cơ quan khác nhau quy
định về cùng một vấn đề mà mâu thuẫn nhau thì áp dụng theo nguyên tắc nào
(trong trường hợp các văn bản này không phải là VBQPPL chung – chuyên ngành và
cùng hiệu lực pháp lý)? 7. Một số góp ý khác -
Về VBQPPL của đơn vị hành chính -
kinh tế đặc biệt: Điều 3 của Dự thảo quy định về hệ thống
VBQPPL, trong đó có VBQPPL của đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Tuy nhiên,
trong toàn bộ Dự thảo không có quy định nào về quy trình xây dựng, xem xét
thông qua loại VBQPPL này. Đây là Luật quy định nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự,
thủ tục xây dựng, ban hành toàn bộ các loại VBQPPL (trừ Hiến pháp), do đó Dự thảo
cần quy định rõ các quy định tương ứng với VBQPPL của đơn vị hành chính -
kinh tế đặc biệt, không nên dẫn chiếu đến Luật về đơn vị hành chính - kinh
tế đặc biệt, trong khi Luật này vẫn đang trong quá trình hình thành ý tưởng. -
Về trách nhiệm đăng tải các tài liệu
liên quan đến đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh: Điểm a khoản 1 Điều 28 quy định các
cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội phải có trách nhiệm đăng tải trên Trang
thông tin về xây dựng pháp luật của Chính phủ, đề nghị Ban soạn thảo sửa
lại cách diễn đạt cho hợp lý, vì bản thân các tổ chức, cá nhân nói trên không thể
tự đăng tải thông tin lên một trang thông tin điện tử không phải do mình vận
hành, có thể sửa lại là “gửi Văn phòng
Chính phủ để đăng tải…”. 8. Đề xuất mới -
Thiết lập một đầu mối thông tin về
các chính sách/ VBQPPL đang được soạn thảo, lấy ý kiến: Vào một thời điểm có rất
nhiều VBQPPL được lấy ý kiến bởi nhiều cơ quan khác nhau, việc thường xuyên
theo dõi ở nhiều cổng thông tin điện tử của các cơ quan chủ trì soạn thảo cả ở
trung ương và địa phương để biết văn bản nào đang được lấy ý kiến, có tác động
đến những đối tượng nào là không khả thi. Hiện nay Chính phủ đã có chuyên mục Lấy
ý kiến nhân dân về dự thảo VBQPPL nhưng chỉ có các văn bản ở cấp Chính phủ trở
lên, ở dạng liệt kê chứ không phân theo lĩnh vực hay phạm vi điều chỉnh. Vì vậy,
VCCI đề xuất thiết lập một đầu mối thông tin trên trang thông tin điện tử
(có thể do Văn phòng Chính phủ vận hành) để doanh nghiệp/ người dân theo dõi được
chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, các văn thuộc các lĩnh vực cụ thể đang
được lấy ý kiến, thời hạn góp ý (nội dung cụ thể thì dẫn sang trang thông tin của
cơ quan chủ trì soạn thảo), nơi tiếp nhận ý kiến. -
Thiết lập một đầu mối tiếp nhận sáng
kiến pháp luật của người dân: VCCI đề nghị thiết lập một
đầu mối tiếp nhận thông tin từ người dân về sáng kiến pháp luật, ví dụ như những
vấn đề phát sinh cần có pháp luật điều chỉnh, những quy định bất cập tác động
tiêu cực tới người dân, doanh nghiệp hoặc sự phát triển kinh tế xã hội. Từ đó
có thể nắm bắt kịp thời thông tin từ thực tiễn và có biện pháp xử lý thích hợp. -
Trách nhiệm bồi thường trong việc ban
hành văn bản quy phạm pháp luật: Trong quá trình tham vấn
doanh nghiệp, hiệp hội, rất nhiều ý kiến cho rằng cần phải quy định trách nhiệm
của các chủ thể ban hành VBQPPL theo hướng các chủ thể này phải chịu trách nhiệm
trong trường hợp các VBQPPL ban hành chậm, ban hành trái pháp luật gây ảnh hưởng
đến hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, môi trường đầu tư, kinh doanh, quyền,
lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, người dân. Việc gắn trách nhiệm của các chủ
thể ban hành VBQPPL sẽ: + nâng cao trách nhiệm của cơ quan
nhà nước có thẩm quyền trong việc soạn thảo văn bản; + tạo niềm tin cho người dân, doanh
nghiệp vào hoạt động quản lý của Nhà nước. Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét bổ sung quy định về
trách nhiệm bồi thường của các cơ quan nhà nước trong việc ban hành VBQPPL, đồng
thời để triển khai hiệu quả quy định này, cần đánh giá và xem xét một số vấn đề
sau: + Theo quy định tại Luật trách nhiệm
bồi thường của Nhà nước năm 2009 thì Nhà nước sẽ bồi thường cho tổ chức, cá
nhân bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong các hoạt động: quản lý
hành chính, tố tụng, thi hành án. Hoạt động xây dựng VBQPPL không phải là hoạt
động quản lý hành chính, nếu Dự thảo quy định về trách nhiệm bồi thường của Nhà
nước trong trường hợp VBQPPL bị ban hành chậm gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức
thì phải có kế hoạch sửa đổi Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước để đảm bảo
có cơ sở pháp lý thực thi điều khoản này. + Khi yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm
quyền bồi thường trong trường hợp ban hành chậm, ban hành văn bản trái pháp luật
gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức, Ban soạn thảo cần đánh giá một cách thận trọng
để đảm bảo tính khả thi của quy định, bởi vì, đây là vấn đề khá phức tạp (chứng
minh thiệt hại, chứng minh mối liên quan giữa thiệt hại với việc VBQPPL được
ban hành, xác định lỗi của các cơ quan nhà nước, xác định trách nhiệm của người
thi hành công vụ trong việc ban hành văn bản trái pháp luật để xác định nghĩa vụ
bồi hoàn…). 9. Một số ý kiến khác -
Các nguyên tắc xây dựng, ban hành và
thi hành VBQPPL (Điều 4): Điều 4 quy định các nguyên tắc nêu
trên, tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo rà soát và chỉnh sửa để các quy định rõ
ràng, khả thi, ví dụ: + Không quy định một vấn đề ở nhiều
VBQPPL khác nhau: “cùng một vấn đề” được hiểu như thế nào, ở quy mô nào, vì có
thể có nhiều khía cạnh của một vấn đề lớn cần được quy định trong nhiều ngành
khác nhau + Không làm cản trở việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; + Bảo đảm mọi đối tượng đều được thông tin chính xác, đầy đủ, rõ ràng, dễ hiểu
về VBQPPL trước khi ban hành… -
Một luật sửa nhiều luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
các Luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản năm 2009 là một thực tiễn tốt về
việc này. Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc xem xét đưa thêm quy định về một luật
sửa nhiều luật vào Dự thảo. -
Lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh: Điều 27 quy định trách nhiệm rất lớn
của cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trong việc lập đề nghị xây dựng luật,
pháp lệnh. Đây cũng là quy định chặt chẽ nhằm đảm bảo hiệu quả và tính khả thi
của hoạt động này. Tuy nhiên, việc này hầu như không khả thi đối với các cơ
quan, tổ chức (không phải là các Bộ ngành Trung ương) và đại biểu Quốc hội nêu
sáng kiến lập pháp. Đó là, trước khi lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, thì
người đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh phải tiến hành hoặc yêu cầu cơ quan có
thẩm quyền tiến hành các hoạt động: Tổng kết việc thi hành pháp luật có liên
quan; khảo sát, đánh giá thực trạng, tổ chức nghiên cứu khoa học về các vấn đề
liên quan; xây dựng các giải pháp, đánh giá tác động của chính sách, các giải
pháp; rồi lấy ý kiến đối với đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh (Điều 28). Việc này là quá khó khăn, không tạo
điều kiện thực thi quyền kiến nghị lập pháp, đồng thời cũng không thống nhất với
quy định tại đoạn 2, Khoản 1 Điều 156 về “Rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm
pháp luật”, theo đó: Cơ quan, tổ chức và
công dân có quyền đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền… ban hành văn bản mới
hoặc thay thế VBQPPL. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo xem xét
cân nhắc chỉnh sửa quy định khả thi hơn. Trên đây là các
ý kiến của VCCI, trên cơ sở các phản hồi của doanh nghiệp, hiệp hội mà VCCI tiến
hành tham vấn, đối với Dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Rất
mong Quý Cơ quan cân nhắc và xem xét các đề xuất/ góp ý trong quá trình hoàn
thiện nội dung Dự thảo. Ngoài ra VCCI gửi kèm
theo đây kết quả lấy ý kiến đối với một số quy định liên quan đến doanh nghiệp
trong Dự thảo và bản tổng hợp chi tiết các góp ý của doanh nghiệp, hiệp hội gửi
tới VCCI. Rất mong Quý Cơ quan cân nhắc, xem xét các ý kiến góp ý và có phản hồi
về những ý kiến không tiếp thu, đồng thời đưa ra lý do cho việc không tiếp thu
đó, theo đúng tinh thần minh bạch trong quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL mà
Quý Cơ quan xây dựng trong Dự thảo. Trân trọng cảm ơn.