VCCI góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt
Ông Ngô Việt Hòa – Công ty Luật Russin&Vecchi góp ý Dự thảo Luật ban hành VBQPPL tại Hội thảo VCCI ngày 13/8/2014
Ý KIẾN THAM LUẬN
Hội thảo “Vai trò của Doanh nghiệp trong Luật Ban hành VBQPPL mới”
Ngô Việt Hòa
Công ty Luật Russin&Vecchi
_________________
I. CÁC Ý KIẾN VỀ CHÍNH SÁCH
1. Hạn chế việc phải xây dựng quá nhiều luật
30 dự án luật sẽ được thảo luận, trong đó sẽ thông qua 17 luật là chương trình làm việc dự kiến của kỳ họp thứ 8, Quốc Hội khóa 13 sẽ diễn ra vào cuối năm nay. Quả thật, đây là một chương trình lập pháp đồ sộ cho một kỳ họp chỉ kéo dài hơn 1 tháng của Quốc Hội. Số lượng quá lớn các dự án luật cần thảo luận, cho ý kiến hoặc thông qua tại một kỳ họp rõ ràng ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng của chính các đạo luật đó. Để khắc phục tình trạng này, Dự Thảo cần tính đến để khuyến khích hoặc bắt buộc thực hiện trong một số trường hợp nhất định các quy trình/kỹ thuật lập pháp sau đây:
(a) Một luật sửa nhiều luật
Thực ra cơ chế “một luật sửa nhiều luật” đã có tiền lệ khi Quốc Hội ban hành Luật số 38/2009/QH12 ngày 19/6/2009 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư, xây dựng cơ bản (“Luật số 38”). Cụ thể, Luật số 38 đã sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Đấu Thầu, Luật Doanh nghiệp và Luật Đất Đai. Có lẽ, ưu điểm lớn nhất của giải pháp một luật sửa nhiều luật là nó giúp xử lý nhanh chóng các bất cập trong các văn bản pháp luật khác nhau, từ đó mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân. Ngoài ra, một luật sửa nhiều luật cũng đảm bảo được tính thống nhất giữa các đạo luật, và vì thế, rất thuận tiện cho hoạt động thực thi pháp luật. Mặc dù có nhiều ưu điểm vượt trội, nhưng hiện cách tiếp cận “một luật sửa nhiều luật” vẫn chưa trở thành thông lệ lập pháp, được áp dụng rộng rãi. Dự thảo Luật BHVBQPPL (“Dự Thảo”), do đó, cần quy định các cơ chế để khuyến khích hoặc trong một số trường hợp bắt buộc áp dụng kỹ thuật lập pháp “một luật sửa nhiều luật”.
Các bình luận này cũng được áp dụng cho các văn bản khác như pháp lệnh, nghị định, thông tư. Về mặt kỹ thuật lập pháp, hoàn toàn có thể ban hành một nghị định để sửa một số các nghị định, một thông tư để sửa một số các thông tư.
(b) Khuyến khích sửa đổi, bổ sung một số điều, hạn chế việc sửa đổi toàn diện văn bản luật
Nhiều dự án luật được xây dựng theo hướng thay thế hoàn toàn văn bản luật hiện hành trong khi chỉ sửa một số điều và giữ lại phần lớn nội dung, tinh thần của văn bản luật đó. Rõ ràng, cách làm này không cần thiết, gây lãng phí nguồn lực, cũng như có thể dẫn đến nhiều sai sót do khối lượng soạn thảo thường khá lớn. Ngoài ra, việc sửa đổi toàn diện một văn bản luật cũng sẽ kéo theo việc phải ban hành hàng mới chục các văn bản hướng dẫn thi hành dưới luật và điều này đương nhiên tăng độ phức tạp, giảm sự ổn định của hệ thống pháp luật, đồng thời gây ra lãng phí nguồn lực lớn cho bộ máy nhà nước.
Do đó, Dự thảo cần có quy định để hạn chế tình trạng đề xuất các dự án luật sửa đổi tràn lan, thay vào đó, nếu cần thiết phải sửa đổi, thì nên khuyến khích sửa đổi luật dưới hình thức sửa đổi, bổ sung một số điều. Cụ thể, có thể bổ sung một trong những nội dung thẩm định tại Điều 30 của Dự Thảo bao gồm thẩm định hình thức ban hành văn bản luật: luật sửa đổi toàn diện hay luật sửa đổi bổ sung một số điều. Cũng cần quy định tăng cường trách nhiệm của Chính Phủ và các cơ quan đề xuất, trình dự án luật về vấn đề này trong Dự Thảo (ví dụ tại Điều 31, 32, 33 và 34).
Tiếp cận theo hướng sửa đổi, bổ sung một số điều cũng tạo thuận tiện rất nhiều cho việc tham gia góp ý kiến của công chúng, đặc biệt là từ người dân và các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ do họ chỉ phải nghiên cứu dự thảo trong phạm vi hẹp, tập trung vào các vấn đề bất cập, quan trong hơn thay vì phải nghiên cứu toàn văn dự thảo (thường khá dài và phức tạp).
(c) Thiết kế việc sửa đổi, bổ sung dưới dạng các phục lục đính kèm theo văn bản luật
Cần nghiên cứu phương án sửa đổi, bổ sung một luật bằng cách xây dựng “phụ lục” của chính văn bản luật đó nhằm đơn giản hóa về mặt hình thức của đạo luật. Kỹ thuật lập pháp này, một mặt, tạo ấn tượng về sự ổn định của hệ thống pháp luật, mặt khác, rất thuận tiên cho công việc tra cứu, tìm hiểu luật pháp của doanh nghiệp và dân chúng.
Bình luận này cũng được áp dụng đối với các văn bản QPPL khác như pháp lệnh, nghị định và thông tư.
2. Cần có quy định về giới hạn quyền lập pháp của các bộ, ngành
Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư hiện hành có quy định mang tính nguyên tắc, các bộ và ủy ban nhân dân các cấp không được quy định về ngành, nghề kinh doanh (đầu tư) có điều kiện và điều kiện kinh doanh (đầu tư). Quy định này là nhằm hạn chế các bộ, ủy ban nhân dân các cấp quy định các “giấy phép con” và thực tế đã hạn chế được phần nào tình trạng tùy tiện trong việc quy định các điều kiện kinh doanh và đầu tư của các cơ quan này. Dự Thảo, một mặt, cần có các quy định để ghi nhận lại nguyên tắc tốt đẹp này, đồng thời có thể mở rộng phạm vi áp dụng. Đại loại, các bộ, cơ quan ngang bộ và ủy ban nhân dân các cấp không được áp đặt các điều kiện, đưa ra các tiêu chuẩn hành xử, hay có các quy định hạn chế hoạt động của tổ chức, cá nhân trong xã hội. Có như thế, mới mong giảm được phần nào sự can thiệp tùy tiện mang tính “cấm, cản” của các bộ vào cuôc sống của người dân như thời gian qua.
3. Sự tham gia xây dựng pháp luật của doanh nghiệp
Cần nghiên cứu quy định cơ chế để các đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, trong một số trường hợp cụ thể, có thể được mời tham gia phát biểu ý kiến, giải trình tại các cuộc họp thẩm tra, thẩm định các dự án luật của Hội đồng tư vấn chính sách và pháp luật của Chính Phủ, Ủy ban pháp luật, các Ủy ban của Quốc Hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và các cơ quan có liên quan khác.
II. CÁC Ý KIẾN CỤ THỂ
1. Áp dụng án lệ
Điều 18 Dự Thảo quy định Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua công tác xét xử giám đốc thẩm ban hành án lệ để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử. Chúng tôi hiểu rằng, về nguyên tắc, án lệ là phán quyết của tòa án cấp trên có tính ràng buộc pháp lý với các tòa án cấp thấp hơn. Do đó, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không thể ban hành án lệ. Nói cách khác, việc sử dụng thuật ngữ “án lệ “tại Điều 18 có thể chưa hoàn toàn chính xác. Các hướng dẫn xét xử có thể phù hợp hơn trong ngữ cảnh này.
2. Chấm dứt hiệu lực văn bản quy định chi tiết
Khoản 4 Điều 130 Dự Thảo quy định “Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực, trừ trường hợp được giữ lại toàn bộ hoặc một phần vì còn phù hợp với các quy định của văn bản quy phạm pháp luật mới.”. Chúng tôi nhận thấy quy định này có mục đích để hạn chế tình trạng chậm trễ ban hành văn bản hướng dẫn thi hành, khắc phục việc “luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư”, tuy nhiên cần cân nhắc thêm mấy vấn đề sau:
(i) ai là người có thẩm quyền tuyên bố giữ lại hiệu lực toàn bộ hoặc một phần các văn bản hướng dẫn thi hành vì còn phù hợp;
(ii) trong trường hợp một văn bản hướng dẫn một số các văn bản QPPL và một trong số các văn bản được hướng dẫn hết hiệu lực thì cách thức xử lý như thế nào;
(iii) lưu ý trong trường hợp Hiến Pháp hết hiệu lực thì các luật ban hành căn cứ vào Hiến Pháp có tự động hết hiệu lực không; và
(iv) nếu một văn bản hết hiệu lực, văn bản hướng dẫn thi hành nó không được duy trì hiệu lực mà chưa kịp ban hành văn bản hướng dẫn thi hành mới thì quyền và nghĩa vụ của công dân, doanh nghiệp sẽ được thực hiện như thế nào?
***