VCCI góp ý DTTT sửa đổi TT 19/2012/TT-BYT của Bộ Y tế về công bố hợp quy

Thứ Sáu 15:22 04-11-2016

Kính gửi: Văn phòng Chính
phủ

Trả lời Công văn số 9283/VPCP-KGVX của
Văn phòng Chính phủ ngày 28/10/2016 về việc đề nghị cho ý kiến đối với kiến nghị
của Bộ Y tế về việc chưa sửa đổi quy định về thủ tục công bố hợp quy, công bố
phù hợp quy định về an toàn thực phẩm trong trường hợp thay đổi quy cách bao
gói thực phẩm quy định tại Thông tư số 19/2012/TT-BYT ngày 09/11/2012 của Bộ Y
tế như Chính phủ đã giao tại Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP ngày 28/4/2016, Phòng
Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có một số ý kiến như sau:

Theo Nghị
quyết 19/2016/NQ-CP thì Bộ Y tế được giao “sửa đổi, bổ sung Thông tư số 19/2012/TT-BYT về thủ tục công bố hợp quy và
công bố phù hợp quy định an toàn
thực phẩm trong trường hợp sản phẩm chỉ thay đổi về kích cỡ vật
liệu bao gói trước tháng 9 năm 2016”.

Khoản 7
Điều 11 Thông tư 19 quy định “Trường hợp chỉ thay đổi các nội dung trong Bản
thông tin chi tiết về sản phẩm đối với hình thức nhãn, quy cách bao gói, chỉ
tiêu chỉ điểm chất lượng, nội dung ghi nhãn không bắt buộc, địa chỉ trụ sở của
tổ chức, cá nhân hay nơi sản xuất, tên tổ chức, cá nhân (trong trường hợp thay
đổi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh) thì tổ chức, cá nhân được phép nộp công văn đề nghị bổ sung kèm theo xác nhận về các nội dung đã thay đổi,
bổ sung
của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về sản phẩm để được tiếp tục
sử dụng số Giấy tiếp nhận hoặc Giấy xác nhận đã được cấp hay cấp lại”.

Theo quy
định trên thì trường hợp chỉ thay đổi về kích cỡ vật liệu bao gói, doanh nghiệp
không phải thực hiện lại công bố hợp quy. Quy định này là hợp lý, tạo thuận lợi
cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, quy định lại không rõ về thủ tục mà doanh nghiệp
phải thực hiện trong các trường hợp thay đổi trên, ở các điểm:


Không
rõ “xác nhận về các nội dung đã thay đổi, bổ sung của tổ chức, cá nhân chịu
trách nhiệm về sản phẩm” là do chủ thể nào thực hiện (cơ quan nhà nước hay
chính các chủ thể này xác nhận)?


Sau
khi nộp công văn đề nghị bổ sung kèm theo xác nhận thì doanh nghiệp có phải “chờ”
sự phản hồi từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền hay đây là thủ tục tự động,
sau khi gửi công văn đi, doanh nghiệp sẽ được tiếp tục sử dụng số Giấy tiếp nhận
hoặc Giấy xác nhận đã được cấp hay cấp lại? Nếu cần sự phẩn hồi từ phía cơ quan
nhà nước thì thời gian, hình thức phản hồi như thế nào?

Việc thiếu rõ ràng trên khiến cho
tinh thần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong thủ tục hành chính chưa được thể
hiện rõ nét và có thể tạo ra dư địa của tình trạng “giấy phép con”, gây khó
khăn cho doanh nghiệp.

Xét về bản chất, thì thủ tục trên có
tính chất như hình thức thông báo của doanh nghiệp về trường hợp một số thay đổi
trong nội dung Bản thông tin chi tiết về sản phẩm (không tác động đến chất lượng
của sản phẩm) tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Quy định tại khoản 7 Điều 11
Thông tư 19 chưa thể hiện rõ ràng tính chất này, do đó có thể gây khó khăn
trong thực tế áp dụng.

Để thực hiện đúng tinh thần của Nghị
quyết 19/2016/NQ-CP và đảm bảo thuận lợi cho doanh nghiệp, đề nghị sửa đổi
Thông tư 19/2012/TT-BYT
trong đó có điều chỉnh lại quy định tại khoản 7 Điều
11 theo đúng bản chất của thủ tục thông
báo
: doanh nghiệp gửi văn bản thông báo về các nội dung thay đổi và chịu
trách nhiệm với những thông tin cung cấp (và bởi những thông tin thay đổi này
là của chính tổ chức, cá nhân liên quan nên không cần thiết phải có xác nhận của
tổ chức, cá nhân này, càng không cần xác nhận của bất kỳ cơ quan có thẩm quyền
nào khác).

Trên đây là một số ý kiến của VCCI đối
với đề nghị cho ý kiến đối với kiến nghị của Bộ Y tế về việc chưa sửa đổi quy định
về thủ tục công bố hợp quy, công bố phù hợp quy định về an toàn thực phẩm trong
trường hợp thay đổi quy cách bao gói thực phẩm quy định tại Thông tư số
19/2012/TT-BYT ngày 09/11/2012 của Bộ Y tế như Chính phủ đã giao tại Nghị quyết
số 19/2016/NQ-CP ngày 28/4/2016, rất mong Quý Cơ quan cân nhắc, xem xét.

Trân trọng cảm ơn.

Các văn bản liên quan