VCCI góp ý về Phối hợp rà soát, hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự.
VCCI góp ý DTTT sửa đổi, bổ sung một số điều của TT56/2014/TT-BTC
Kính gửi: Cục Quản lý
giá – Bộ Tài chính
Trả lời Công văn số 12236/BTC-QLG của
Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều
của Thông tư 56/2014/TT-BTC ngày 28/4/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện
Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và
hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng
Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội,
có một số ý kiến như sau:
1. Quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan tham mưu thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy
ban nhân dân cấp tỉnh trong việc định giá của Nhà nước (khoản 6 Điều 1 Dự thảo
sửa đổi khoản 1 Điều 8 Thông tư 56)
Theo điểm k khoản 1 Điều 8 Thông tư
56 (được sửa đổi) thì, cơ quan tham mưu cho Bộ Tài chính có trách nhiệm “tham
mưu cho Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định giá tối thiểu sản phẩm thuốc lá điếu tiêu thụ trong
nước sau khi có ý kiến thẩm định bằng văn bản của Bộ Công Thương”. Quy định
này quy định chi tiết khoản 7 Điều 1 Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định
177 (được gửi kèm với Dự thảo này).
Theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều
19 Luật Giá 2012 thì Nhà nước sẽ định giá tối đa hoặc tối thiểu đối với “sản phẩm
thuốc lá sản xuất trong nước”.
Như vậy, quy định tại Dự thảo Nghị định
sửa đổi, bổ sung Nghị định 177 và Dự thảo là chưa thống nhất với Luật Giá
(trong bản góp ý của VCCI đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 177 cũng
đã phản ánh nội dung này nhưng vẫn chưa được tiếp thu), dẫn tới tình trạng Nghị
định vi phạm Luật như hiện nay.
Để bảo đảm tuân thủ đúng quy định của
Luật Giá, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định tại điểm k khoản 1 Điều
8 Thông tư 56 (được sửa đổi) theo hướng là “tham mưu … quy định giá tối thiểu sản
phẩm thuốc lá điếu sản xuất trong nước”
đồng thời đề nghị sửa đổi quy định tương ứng tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ
sung Nghị định 177.
2. Về thủ tục kê khai giá
Dự thảo đã sửa đổi, bổ sung các điều
khoản liên quan đến thủ tục kê khai giá
tại Điều 14, 15 Thông tư 56. Tuy nhiên, quy
trình rà soát văn bản kê khai giá tại Điều 16 Thông tư 56 lại không được sửa
đổi.
Trong văn bản góp ý Dự thảo Nghị định
sửa đổi, bổ sung Nghị định 177[1],
VCCI đã có ý kiến nêu rõ quy trình tiếp nhận, rà soát văn bản kê khai giá quy định
tại Thông tư 56 là chưa phù hợp với tinh thần của Luật Giá 2012, cụ thể:
Quy trình kê khai giá đang được thiết
kế theo hướng:
–
Doanh
nghiệp phải nộp Biểu mẫu kê khai giá (có giải trình lý do tăng/giảm giá),
–
Cơ
quan nhà nước có thẩm quyền sẽ xem xét các lý do điều chỉnh giá và nếu cho rằng
các lý do không phù hợp, không liên quan đến việc tăng hoặc giảm giá hàng hóa,
dịch vụ thì doanh nghiệp không được điều chỉnh giá.
–
Trong
trường hợp cơ quan nhà nước yêu cầu giải trình để làm rõ hơn lý do tăng/giảm
giá, doanh nghiệp phải giải trình lại và sau 3 lần giải trình nhưng chưa đáp ứng
yêu cầu thì doanh nghiệp phải mua, bán hàng hóa, dịch vụ theo mức giá trước khi
thực hiện đăng ký giá.
Với quy trình như quy định tại Thông
tư 56 nói trên, thủ tục kê khai giá này không bảo đảm đúng bản chất của thủ tục
kê khai giá theo quy định Luật Giá, theo đó “Kê khai giá là việc tổ chức, cá
nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ gửi
thông báo mức giá hàng hóa, dịch vụ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi định giá, điều chỉnh giá đối với
hàng hóa, dịch vụ thuộc diện phải kê khai giá” (khoản 9 Điều 4 Luật Giá). Nói
cách khác, theo Luật Giá, thủ tục kê khai giá, về bản chất, là thủ tục thông báo, cung cấp thông tin cho cơ
quan nhà nước có thẩm quyền về các mức giá mà doanh nghiệp dự định sẽ điều chỉnh,
và cơ quan nhà nước chỉ tiếp nhận để nhận
biết thông tin mà không được quyền xem xét các lý do tăng/giảm giá. Trong
khi đó quy trình về kê khai giá được
thiết kế tại Thông tư 56 lại đòi hỏi “sự chấp thuận” của cơ quan Nhà nước có thẩm
quyền, tức là đã biến tướng thành thủ tục “xin-cho” (thay vì thủ tục “thông
báo”) và gần như tương đương quy trình về đăng
ký giá, một quy trình hoàn toàn khác với kê khai giá.
Để đảm bảo phù hợp với quy định tại
Luật Giá, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định sửa đổi quy định Điều
16 Thông tư 56 theo hướng là thủ tục thông báo, đồng thời trong Biểu mẫu kê
khai giá bỏ nội dung yêu cầu giải trình lý do điều chỉnh giá, đồng thời bỏ cụm
từ “phần giải trình lý do điều chỉnh giá” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 17
Thông tư 56 được sửa đổi tại khoản 10 Điều 1 Dự thảo.
Trên đây
là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một
số điều của Thông tư 56/2014/TT-BTC ngày 28/4/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn
thực hiện Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định
chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá. Rất mong quý Cơ quan
soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Ngoài ra
gửi kèm theo một số góp ý cụ thể về Dự thảo mà một số doanh nghiệp gửi cho
Phòng Thương mại và Công nghiệp để Quý Cơ quan tham khảo.
Trân trọng
cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.
[1]
Công văn số 1095/PTM-PC của VCCI ngày 12/5/2016 gửi Cục Quản lý giá, Bộ Tài
chính