VCCI góp ý Chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp phần mềm

Thứ Năm 16:20 31-03-2016

Số:0710    /PTM-PC

Vv: ý kiến
về chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp phần mềm


Nội, ngày 31 tháng 3 năm 2016

Kính gửi: Vụ Chính sách
thuế – Bộ Tài chính

Trả lời Công văn số 1430/BTC-CST của
Bộ Tài chính ngày 26/01/2016 về việc đề nghị cho ý kiến về chính sách ưu đãi
thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp phần mềm, trên cơ sở nghiên cứu
của chuyên gia,Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có một số ý kiến như
sau:

1.      Nội dung vụ việc

Theo nội dung trong Công văn 19256[1]
thì Thông tư 123[2]
quy định về các ưu đãi cho các doanh nghiệp phần mềm được ban hành nhằm hướng dẫn
thực hiện các chính sách ưu đãi đối với các đối tượng này từ năm 2000 đến năm
2003 trong các văn bản như Luật thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2003, các Nghị định
hướng dẫn, Nghị quyết của Chính phủ, ý kiến của Thủ tướng Chính phủ … Vì vậy, không
phát sinh vấn đề gì về tính chất pháp lý đối với Thông tư 123.

Tuy nhiên, các chính sách ưu đãi
trong Thông tư 123 được áp dụng cho kỳ tính thuế 2004 hay là kỳ tính thuế 2005
khi thời điểm có hiệu lực của Thông tư 123 là vào tháng 01/2005 đang là vấn đề
phát sinh vướng mắc. Ban đầu Thông tư 123 quy định áp dụng cho kỳ tính thuế năm
2004 (phù hợp với thời điểm ban hành Thông tư, tháng 12/2004), tuy nhiên sau đó
do yêu cầu của Cơ quan Công báo (dựa trên quy định văn bản quy phạm pháp luật
chỉ có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo, áp dụng trong trường hợp
này là 1/2005), trong Công văn đính chính số 2101/TC-VP, cơ quan soạn thảo
Thông tư 123 (Bộ Tài chính) đã sửa đổi lại quy định về vấn đề này theo hướng
“theo pháp luật hiện hành”[3] (tức
là cho kỳ tính thuế 2005, thời điểm Thông tư có hiệu lực).

Sự khác biệt trong 02 phương án hiệu
lực của Thông tư 123 nói trên ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của các doanh
nghiệp liên quan. Cụ thể, nếu áp dụng cho kỳ tính thuế 2004 thì các doanh nghiệp
phần mềm được hưởng ưu đãi theo Thông tư 31[4]trước
đó sẽ được chuyển sang hưởng ưu đãi theo các chính sách quy định tại Thông tư
123 (vì đến năm 2004 các doanh nghiệp này vẫn đang còn trong thời hạn ưu đãi
thuế – điều kiện để được chuyển tiếp ưu đãi).Nếu áp dụng trong kỳ tính thuế
2005 thì một số doanh nghiệp được hưởng ưu đãi theo Thông tư 31 sẽ không được
hưởng ưu đãi theo các chính sách quy định tại Thông tư 123 vì đến năm 2005 các
doanh nghiệp này không còn trong thời hạn ưu đãi thuế nên không được phép chuyển
tiếp.

Trên thực tế, do không xác định thật
rõ kỳ tính thuế áp dụng Thông tư 123, xảy ra tình trạng nhiều doanh nghiệp phần
mềm được hưởng ưu đãi theo Thông tư 31 đã kê khai và hưởng ưu đãi của Thông tư
123 cho kỳ tính thuế 2004 và các cơ quan thuế liên quan cũng chấp nhận việc
này. Nói cách khác, cả cơ quan thuế lẫn doanh nghiệp trong các trường hợp này đều
hiểu kỷ tính thuế của Thông tư 123 là năm 2004 (tức là lựa chọn cách quy định
ban đầu của Thông tư 123, và có lợi hơn cho doanh nghiệp). Trong khi đó, nếu
theo đúng quy định cuối cùng của Thông tư 123 thì các ưu đãi của Thông tư 123
được tính trong kỳ tính thuế năm 2005.

Như vậy, nếu thực hiện chính xác theo
quy định của Thông tư 123, việc cho hưởng ưu đãi cho các doanh nghiệp phần mềm nói
trên là không phù hợp và số tiền mà các doanh nghiệp này đã được hưởng theo ưu
đãi nói trên trong suốt thời gian từ 2005 tới nay sẽ phải bị truy thu. Điều này,
nếu xảy ra, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp liên quan,
đặc biệt khi việc áp dụng pháp luật theo hướng này đã đươc thực hiện ổn định
trong nhiều năm qua bởi cả các doanh nghiệp và cơ quan thuế liên quan.

2.      Đề xuất giải quyết vụ việc

Để giải quyếtvấn đềnêu trên, Bộ Tài
chính đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép doanh nghiệp phần mềm thành lập và phát sinh thu nhập từ năm 2001
trở về trước được chuyển tiếp ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp
theo Thông
tư 123 cho thời gian còn lại.

Từ góc độ doanh nghiệp, đây là đề xuất
theo hướng có lợi cho các doanh nghiệp liên quan và không làm xáo trộn hiện trạng
áp dụng pháp luật đã duy trì ổn định hơn 10 năm qua (tuy nhiên, chú ý rằng các
trường hợp đang được xem xét chỉ bao gồm các doanh nghiệp đang được hưởng ưu
đãi theo Thông tư 31 tại thời điểm năm 2004 chứ không phải tất cả các doanh
nghiệp phần mềm thành lập và phát sinh thu nhập từ năm 2001 trở về trước).

Từ góc độ pháp lý, đề xuất này của Bộ
Tài chính thực chất là cho áp dụng hồi tố
các quy định tại Thông tư 123 cho kỳ tính thuế năm 2004 mặc dù Thông tư này
bắt đầu có hiệu lực từ 1/2005.Theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm
pháp luật năm 2008 thì “Chỉ trong trường hợp thật cần thiết để bảo
đảm lợi ích chung của xã hội, thực hiện các quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân
được quy định trong luật, nghị quyết của Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của
cơ quan trung ương mới được quy định hiệu lực trở về trước
” (khoản 1 Điều 152). Trong trường hợp cụ
thể này, về trách nhiệm,mặc dù các doanh nghiệp chịu trách nhiệm cho việc khai
thuế hưởng ưu đãi nhưng các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng đã chấp nhận
cho việc được hưởng ưu đãi này mà không có hướng dẫn hay yêu cầu gì khác với
doanh nghiệp.Nói cách khác, việc áp dụng pháp luật không chuẩn xác trong trường
hợp nàycó lỗi của cả cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp liên quan (chứ không phải
riêng doanh nghiệp).Về hệ quả, nếu bị truy thu lại khoản thuế thu nhập đã hưởng
ưu đãi, các doanh nghiệp liên quan sẽ bị đẩy vào hoàn cảnh hết sức khó khăn. Do
đó, trường hợp này có thể được xét vào trường hợp thật cần thiết quy định tại
khoản 1 Điều 152 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008.

Vì vậy, về mặt nội dung, đề xuất của Bộ Tài chính trong trường hợp này
là hợp lý và hợp pháp.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính chưa đề xuất rõhình thức văn bản để quy định hồi
tố các quy định: là một Thông tư sửa đổi Thông tư 123 hay là một Quyết định của
Thủ tướng Chính phủ?

Để đảm bảo tính thống nhất về mặt loại hình văn bản cũng như thuận tiện
cho việc theo dõi và thực hiện, VCCI cho rằng giải pháp về hình thức hợp lý nhất
ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư 123,
cụ thể là sửa đổiquy định “Việc quyết toán thuế GTGT, thuế TNDN, thuế thu nhập
đối với người có thu nhập cao từ năm 2004” tại Thông tư 123 thành “Doanh nghiệp phần mềm đang được hưởng ưu đãi
thuế theo Thông tư 31 trong kỳ tính thuế 2004
được chuyển tiếp ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo Thông tư 123 cho thời gian còn
lại.

Trên đây
là các ý kiến của VCCI đối với đề xuất của Bộ Tài chính về việc giải quyết vướng
mắc trong vụ việc liên quan.

Trân trọng
cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

 


[1]Công văn 19256/BTC-CST của Bộ Tài chính gửi Thủ tướng Chính
phủ ngày 24/12/2015

[2] Thông tư 123/2004/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày
22/12/2004 hướng dẫn thực hiện ưu đãi về thuế đối với doanh nghiệp phần mềm

[3]Điểm
2 Phần C Thông tư 123 quy định “Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể
từ ngày đăng Công báo. Việc quyết toán thuế GTGT, thuế TNDN, thuế thu nhập đối
với người có thu nhập cao thực hiện theo các văn bản pháp luật hiện hành”

[4] Thông tư 31/2001/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày
21/5/2001 hướng dẫn ưu đãi về thuế quy định tại Quyết định số 128/2000/QĐ-TTg
ngày 20/11/2000 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách và biện pháp khuyến
khích đầu tư và phát triển công nghiệp phần mềm