VBF góp ý Dự thảo Luật thuế tài nguyên áp dụng với ngành khai thác khoáng sản

Thứ Sáu 14:34 04-09-2009

GÓP Ý CHO DỰ THẢO LUẬT THUẾ TÀI NGUYÊN ÁP DỤNG VỚI NGÀNH KHAI THÁC KHOÁNG SẢN

Hội thảo ngày 1/09/2009 tại Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam, Hà Nội

Bill Howell

Phó Chủ tịch

Nhóm Công tác Khoáng sản tại Việt Nam

Trước hết, Nhóm Công tác Khoáng sản xin trân trọng cảm ơn Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam và Ủy ban Tài chính và Ngân sách Quốc Hội đã chủ trì và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) đã phối hợp tổ chức hội thảo nói trên. Chúng tôi cũng xin cảm ơn các Ủy viên của Ủy ban Tài chính và Ngân sách, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam và các chuyên viên Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên Môi trường và các bộ ngành khác đã tham dự hội thảo.

Nhóm Công tác Khoáng sản là một trong những nhóm công tác trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam. Nhóm có khoảng 15 thành viên, phần lớn là các công ty nước ngoài và các cá nhân đầu tư vào ngành thăm dò và khai thác khoáng sản tại Việt Nam.

Chúng tôi đã nhận được bản dự thảo của Luật Thuế Tài nguyên, và chúng tôi xin đề đạt 2 vấn đề chính, dựa trên kinh nghiệm về thuế tài nguyên tại các quốc gia khác nhau của các thành viên Nhóm Khoáng sản. Dự thảo Luật bao gồm thuế đánh vào các loại tài nguyên thiên nhiên khác nhau, nhưng chúng tôi sẽ tập trung vào loại thuế tài nguyên được đề xuất đối với khoáng sản kim loại, phi kim, và kim loại quý.

2 vấn đề chủ yếu như sau:

1. Điều 7 (mới), trước đây là Điều 5, dường như đã xóa hết quyền được khấu trừ một số chi phí phát sinh trong quá trình chế biến khoáng sản đạt tới giá trị thành phẩm mà thuế tài nguyên đánh trên giá trị đó. Thông lệ quốc tế đối với một số chi phí như nghiền, sàng lọc, thử nghiệm và phân tích, vận chuyển đến điểm bán hàng, một số chi phí quản lý và khấu hao, v..v, phải được khấu trừ khi xác định giá trị để đánh thuế tài nguyên. Vì vậy, chúng tôi mong muốn được hiểu rõ chí phí nào được khấu trừ theo Luật mới về Thuế Tài nguyên và chi phí nào không được khấu trừ, vì điều này sẽ có ảnh hưởng lớn đến sự sống còn của các dự án khoáng sản.

2. Như chúng tôi đã đề xuất trong một vài cuộc họp trước đây, chúng tôi không chỉ rất quan ngại về tỷ lệ thuế tài nguyên cao, mà còn về khung thuế tài nguyên rất rộng từ 5% đến 30% theo Điều 8, vì dự thảo Luật không giải thích rõ khi nào và trong những trường hợp nào thì áp dụng mức 5%, hoặc 30%, hoặc các mức khác.

Việc này sẽ dẫn đến sự thiếu chắc chắn, và có nghĩa là bất kỳ nhà đầu tư có trách nhiệm nào, ngân hàng hoặc công ty cung cấp vốn cho dự án khai khoáng sẽ phải xây dựng kế hoạch tài chính và kế hoạch kinh doanh dựa trên giả thiết mức thuế cao nhất theo quy định trong Luật được áp dụng để xác định tính khả thi của dự án để đề phòng trường hợp một thời điểm nào đó trong vòng đời của dự án Chính phủ sẽ áp dụng mức thuế cao nhất. Chúng tôi sẽ cảm thấy an tâm hơn nếu mức thuế tài nguyên được ấn định rõ ràng hoặc được thương lượng trước để nhà đầu tư có thể yên tâm lên kế hoạch tài chính trước khi quyết định cam kết đầu tư.

Với mức thuế tài nguyên 30% trên giá trị của thành phẩm khoáng sản thì không nhà đầu tư nào có thể tính đến chuyện cam kết đầu tư vào dự án khoáng sản ở Việt Nam. Kể cả khi áp dụng mức thấp nhất là 5%, nhà đầu tư cũng phải nghĩ kỹ vì phần lớn các quốc gia khác chỉ áp dụng mức 2% đến 4%. Trên thực tế, tại một số quốc gia hiện đang thực hiện giảm thuế tài nguyên, thay vì là tăng, nhằm duy trì tính cạnh tranh đầu tư trong bối cảnh suy giảm kinh tế toàn cầu.

Chúng tôi không phản đối việc trả thuế tài nguyên cho Chính phủ. Nhóm Công tác Khoáng sản nhận thấy rằng thuế tài nguyên là một công cụ hợp lý được áp dụng khắp nơi nhằm trả cho Nhà nước quyền được khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên của Nhà nước. Thuế tài nguyên cần được đặt ở mức công bằng và hợp lý để Nhà nước có thể sử dụng nguồn tài nguyên không thể tái tạo được này, nhưng cũng đồng thời không nên quá cao vì sẽ làm nản lòng việc khai thác và phát triển trong hiện tại cũng như trong tương lai những nguồn tài nguyên này.

Số báo Đầu tư tuần này cho hay chỉ số Đầu tư Trực tiếp Nuớc ngoài (FDI) vào ngành khoáng sản Việt Nam đã rơi xuống mức dưới 1% tổng số vốn FDI đã đăng ký vào Việt Nam.

Chúng tôi thấy tình hình này sẽ không cải thiện nếu Việt Nam vẫn tiến hành áp dụng mức thuế tài nguyên cao nhất thế giới. Với mức thuế cao này, cùng với mức thuế thu nhập doanh nghiệp từ 32% đến 50% áp dụng đối với một số dự án khoáng sản và mức thuế xuất khẩu 20%, Việt Nam sẽ khó có thể thu hút được nhiều đầu tư nước ngoài vào khoáng sản.

Vì thế, Nhóm Công tác Khoáng sản thực sự tin rằng việc giới thiệu Luật Thuế tài nguyên vào ngành khai thác khoáng sản ở Việt Nam với mức thuế cao và sự không chắc chắn về thời điểm áp dụng từng mức thuế sẽ không giúp xây dựng một ngành khoáng sản mạnh cũng như không tạo dựng được một nền kinh tế năng động trong đó khai thác khoáng sản là một yếu tố chủ chốt.

Các văn bản liên quan