Vẫn nhiều rào cản từ dự Luật Đầu tư

Thứ Sáu 14:28 26-05-2006

Vẫn nhiều rào cản từ dự Luật đầu tư

Việt Phong Theo Vnexpress 19/8/2005

Tại hội thảo lấy ý kiến về xây dựng Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội, tất cả các doanh nghiệp đều không ủng hộ dự thảo 13 Luật Đầu tư. Nguyên nhân là ban soạn thảo vẫn bảo lưu quá nhiều vấn đề bất cập.

Bản dự thảo này mới hoàn thành ngày 8/8, có tiếp nhận một số kiến nghị của doanh nghiệp như bỏ giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư, thay vào đó doanh nghiệp xác định mức ưu đãi của mình và làm thủ tục với cơ quan thuế. Các dự án dưới 5 tỷ đồng không phải xin giấy chấp thuận đầu tư; Thay đổi nội dung những dự án phổ thông sẽ không phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Tuy nhiên, dự thảo lại thêm nhiều quy định mới. Chẳng hạn, dự án phổ thông từ 5 tỷ đồng đến 300 tỷ phải chịu thêm thanh tra đầu tư, điều này trái với Luật khuyến khích đầu tư. Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính cho rằng, hiện có rất nhiều cơ quan thanh tra doanh nghiệp như tài chính, thuế, môi trường, xây dựng, sử dụng đất đai, lao động, hình sự, cứu hoả, thống kê.

Ngoài ra còn có các cơ quan thanh tra chuyên ngành như thanh tra về chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng, hàng hải, bưu chính viễn thông, vệ sinh an toàn thực phẩm... Theo dự thảo, bất kỳ dự án đầu tư nào cũng đều phải chịu sự thanh tra của các tổ chức nói trên, vậy không hiểu thanh tra đầu tư sẽ thực hiện những công việc gì? Hơn nữa hiệu quả của dự án đầu tư, chi tiêu sử dụng vốn, đấu thầu đều thuộc nội bộ doanh nghiệp và đã có hội đồng quản trị, ban kiểm soát doanh nghiệp giám sát rồi.

Dự thảo cũng quy định dự án thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện được coi là dự án phổ thông có điều kiện. Điều này có nghĩa là ngoài việc đáp ứng những đòi hỏi về vốn pháp định, chứng chỉ hành nghề, giấy phép kinh doanh theo quy định hiện hành, nhà đầu tư còn phải lập dự án để xin thêm giấy chấp thuận đầu tư nữa. Chẳng hạn, thành lập doanh nghiệp kiểm toán, quy định hiện hành chỉ đòi hỏi 3 kiểm toán viên có chứng chỉ hành nghề, nếu theo như dự thảo thì nhà đầu tư còn phải lập dự án đầu tư để xin chấp thuận từ UBND tỉnh hoặc Bộ Kế hoạch Đầu tư nữa.

Quy định bất kỳ dự án đầu tư nào của doanh nghiệp có cổ phần chi phối của nhà nước thì đều được coi như là dự án của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước cũng vấp phải phản đối mạnh mẽ. Theo đại diện các công ty tham gia đóng góp ý kiến, thủ tục ra quyết định sẽ rất phức tạp. Mục đích của cổ phần hoá là trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp, giảm bớt sự can thiệp của các cơ quan nhà nước, nay dự thảo luật áp đặt trở lại cơ chế quản lý doanh nghiệp nhà nước cho các doanh nghiệp cổ phần hoá.

Trước ý kiến gay gắt của các doanh nghiệp, ban soạn thảo cho rằng cần xây dựng dự thảo Luật như vậy để tăng cường quản lý nhà nước về đầu tư. Tuy nhiên, đông đảo doanh nghiệp khẳng định việc phát sinh hàng trăm giấy phép con từ dự thảo cũng như việc xuất hiện thêm nhiều cơ quan thẩm định, cấp phép (không phải các cơ quan chuyên ngành) cho cùng một dự án không phải là cách thức tăng cường quản lý, mà ngược lại tạo thêm nhiều rào cản với nhà đầu tư.


Các văn bản liên quan