Vẫn nặng về thủ tục

Thứ Sáu 14:31 26-05-2006
Luật Đầu tư chung vẫn nặng về thủ tục

(VnExpress 6/9/2005)

Dự án Luật Đầu tư trải qua 14 lần chỉnh sửa song vẫn vấp phải nhiều ý kiến phản đối. Vấn đề nổi cộm trong dự thảo mới nhất là thủ tục cấp phép còn chồng chéo, phức tạp, làm cản trở hoặc mất cơ hội kinh doanh của nhà đầu tư.

Dự thảo đang đi theo hướng Nhà nước sẽ quản lý tất cả các dự án đầu tư ở các mức độ khác nhau, tuỳ thuộc vào tính chất và quy mô mỗi dự án. Theo Ban soạn thảo, việc quản lý này cho phép Nhà nước bảo đảm được khả năng điều tiết vĩ mô đối với nền kinh tế, bảo vệ những lợi ích công cộng quan trọng và giảm thiểu những tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến của doanh nghiệp cũng như của các chuyên gia pháp luật, kinh tế cho rằng, các cơ chế quản lý như trong Dự thảo thể hiện sự can thiệp quá sâu của Nhà nước vào các hoạt động kinh doanh của nhà đầu tư.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM, Điều 58 quy định các dự án quan trọng phải có thẩm tra của cơ quan Nhà nước trước khi cấp giấy chấp thuận. Tuy nhiên, đây là nguyên nhân "ngốn" nhiều thời gian của nhà đầu tư. Điều 60 của dự thảo quy định các nhà đầu tư trong nước, nếu thành lập tổ chức kinh tế gắn với các dự án phổ thông thì nội dung trong giấy chấp thuận đầu tư sẽ được quy định ở giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Còn nhà đầu tư nước ngoài lần đầu tiên vào VN buộc phải có dự án trước khi được cấp giấy chấp thuận đầu tư.

"Đòi hỏi giấy chấp thuận đầu tư sẽ hạn chế quyền tự chủ của doanh nghiệp, trong khi nhà đầu tư không cần đến loại giấy này", đại diện Sở Kế hoạch Đầu tư nhấn mạnh.

Bà Dương Mỹ An - Trường Đại học Kinh Tế TP HCM cho rằng, đối với các hoạt động đầu tư gắn với việc hình thành doanh nghiệp, cần xem xét điều kiện của dự án làm cơ sở cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Dự thảo nên cho phép nhà đầu tư đăng ký dự án, đăng ký kinh doanh cùng một thời điểm và tự chịu trách nhiệm về tính trung thực của dự án, không cần đến sự thẩm tra của Nhà nước. Nếu trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp muốn đầu tư các dự án vượt ngoài phạm vi ngành nghề đã đăng ký thì buộc phải đăng ký bổ sung. Như thế, nhà đầu tư không cần đăng ký dự án, chỉ cần đăng ký kinh doanh, chịu trách nhiệm về dự án đầu tư ở những lĩnh vực ngành nghề đăng ký. "Theo tôi, quản lý Nhà nước về đầu tư không có nghĩa là cơ quan Nhà nước phải thẩm tra tính khả thi hay hiệu quả của dự án, vì không đủ nhân lực để làm thay chủ đầu tư", bà An nói thêm.

Đại diện Viện Kinh tế TP HCM Nguyễn Thiềng Đức cho biết, điều 54 quy định các doanh nghiệp có giá trị cổ phần Nhà nước từ 100 tỷ đồng trở lên được xem là dự án phổ thông có điều kiện. Các dự án có giá trị hơn 200 tỷ đồng cũng được xem tương tự và phải có thẩm định của cơ quan Nhà nước trước khi cấp phép đầu tư. Trong khi đó, luật khuyến khích đầu tư hiện hành lại không quy định vấn đề này. Ngoài ra, những dự án của doanh nghiệp cổ phần hóa đều được xem là dự án của doanh nghiệp Nhà nước. "Nếu dự thảo dùng thuật ngữ trên, sẽ có hàng nghìn doanh nghiệp cổ phần hóa được coi là doanh nghiệp Nhà nước. Trong khi đó, cổ phần hóa là trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp", ông Đức nói.

Trước rất nhiều bất cập nảy sinh trong dự thảo mới, ngày 5/9, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) đã gửi công văn đề nghị các hiệp hội trong cả nước tập hợp ý kiến đóng góp cho dự luật trước khi nó được trình Quốc hội vào tháng 10. VCCI đã đưa ra một bảng câu hỏi liên quan tới rất nhiều quy định mới trong dự thảo như thanh tra đầu tư, danh mục các dự án phải xin phép Thủ tướng (ngân hàng, bất động sản, xuất bản, báo chí, văn hóa, bưu chính viễn thông...) để các hiệp hội tập trung góp ý.

Ông Hoàng Văn Dũng, Phó chủ tịch VCCI cho hay, trong tháng 9, họ sẽ tổng hợp các ý kiến và gửi tới các cơ quan có thẩm quyền.

Việt Phong - Nguyễn Thùy

Các văn bản liên quan