Luật Đầu tư chung vẫn nặng về thủ tục

Thứ Sáu 14:30 26-05-2006
Luật Đầu tư chung vẫn nặng về thủ tục

Theo Người Lao động – Ngày 05/09/2005
Nguyên Hằng



Một lãnh sự nước ngoài khuyến cáo: DN đang dễ dãi với đầu ta ngắn hạn mà thiếu chính sách thu hút đầu tư dài hạn

Dù đang trong thời gian nước rút để trình Quốc hội vào kỳ họp tới nhưng tại cuộc hội thảo lấy ý kiến cho dự án Luật Đầu tư chung do Thường trực Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức ngày 5- 9 vẫn còn nhiều vấn đề không thống nhất.

Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, tư duy của dự án luật vẫn nặng về thủ tục mà nhà đầu tư khi thực hiện luật này sẽ phải qua rất nhiều khâu với những phiền toái, nhũng nhiễu của nền hành chính giấy tờ.

Chung nhưng vẫn không thể... bình đẳng?

Theo Viện trưởng Viện Kinh tế TPHCM, tiến sĩ Trần Du Lịch, khó khăn nhất của Ban Soạn thảo Luật Đầu tư chung hiện nay là thực hiện việc không phân biệt đối xử quốc gia giữa các nguồn vốn đầu tư. Tuy nhiên, “đây là sự nghiệt ngã của tất cả các nước đang phát triển vì việc thu hút đầu tư nước ngoài luôn có sự phân biệt, không thể bình đẳng ngay được”. Ông Lịch phân tích, đầu tư nước ngoài vào một nước chính là “nợ quốc gia” vì mục đích cuối cùng của nhà đầu tư là tối đa lợi nhuận. Do vậy, mỗi nước đều có chính sách khác nhau trong thu hút đầu tư nước ngoài. Ngay cả trong đàm phán gia nhập WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới) cũng còn có lộ trình cho một số ngành, lĩnh vực như viễn thông, ngân hàng, nông nghiệp, dịch vụ...vì vậy phải xác định là “không phân biệt nhưng phải có lộ trình chứ không thể bình đẳng ngay được”.

Ông Trần Vinh Nhung, Phó Giám đốc Sở Thương mại, cũng cho rằng không thể cào bằng trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài mà phải có chọn lọc. Một lãnh sự nước ngoài tại VN khuyến cáo: “VN đang dễ dãi với đầu tư ngắn hạn mà thiếu chính sách thu hút đầu tư dài hạn. Lựa chọn đầu tư là vấn đề cần thiết trong điều kiện kinh tế của VN thời điểm này”.

Một vấn đề được tranh cãi rất nhiều trong dự án Luật Đầu tư chung là bỏ qua khối DN Nhà nước mà trên thực tế, sự phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế bị “kêu” nhiều nhất là giữa DN Nhà nước và DN thuộc các thành phấn khác. Lý giải vấn đề này, Ban Soạn thảo Luật Đầu tư chung cho rằng, DN Nhà nước sẽ tự điều chỉnh (cổ phần hóa) để phù hợp và chịu sự điều chỉnh của luật. Ông Nguyễn Việt Thịnh, Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài, cho rằng không nên có luật riêng cho DN Nhà nước mà nên đưa vào điều chỉnh trong Luật Đầu tư chung. Theo tiến sĩ Trần Du Lịch, nên xây dựng và ban hành Luật Kinh doanh vốn của Nhà nước vì nguồn vốn này hiện nay rất lớn nhưng không có luật nào quản lý.

Làm rõ khái niệm về công nghệ cao

Ông Trần Thiện Tứ, Chủ tịch Hiệp hội DN Khu chế xuất, Khu công nghiệp (KCX- KCN) TPHCM, cho rằng quy định về khuyến khích đầu tư vào 9 lĩnh vực trong dự án luật là còn quá chung chung. Cần phải đưa vào luật tiêu chuẩn cụ thể rõ ràng về vật liệu mới, năng lượng mới, công nghệ cao...Trên thực tế, tại KCX Tân Thuận có nhiều DN ứng dụng công nghệ cao, kỹ thuật hiện đại nhưng cũng không được hưởng ưu đãi tiêu chuẩn công nghiệp kỹ thuật cao. Cụ thể như những DN sản xuất chíp điện tử, sản xuất theo công nghệ đúc tinh vi, sản xuất cơ khí chính xác chạy tốc độ cao nhưng không sử dụng dầu...vẫn không đủ chuẩn. Bên cạnh đó, một quy định nặng nề, phiền toái là sản xuất công nghệ cao phải nằm trong khu công nghệ cao mới được hưởng ưu đãi. Còn các công trình nghiên cứu, các dự án kỹ thuật cao...dù “cao” đến đâu nhưng nếu nằm ngoài khu công nghệ cao cũng không được hưởng ưu đãi là vô lý. “Chúng ta đang khuyến khích DN hướng đến công nghệ cao, chuyển dịch cả nền kinh tế theo hướng này nhưng chính sách trên sẽ hạn chế điều đó” - ông Tứ nói.

Còn theo ông Phạm Minh Trí, Phó Giám đốc Sở Tài chính TPHCM, nếu không xây dựng được tiêu chí thế nào là công nghệ cao thì sẽ có sự so bì trong vấn đề ưu đãi, gây bất bình đẳng trong đối xử đầu tư. “Luật nên quy định rõ khái niệm về công nghệ cao. Hiện nay chúng ta có cả khu y tế kỹ thuật cao và nông nghiệp kỹ thuật cao... Đó có phải là công nghệ cao hay không? Luật phải cụ thể hóa những vấn đề chứ không thể ghi chung chung rồi lại điều chỉnh, thay đổi, bổ sung”.

Các văn bản liên quan