Từ một Dự thảo

Thứ Hai 17:22 22-05-2006
Từ một dự thảo

TS.Nguyễn Sỹ Phương
Leipzig, CHLB Đức

Đăng tại Thời báo Kinh tế Sài gòn số 34-2005 (766) ngày 18/8/2005


Trong dự thảo nghị định thi hành Luật Thương mại của Bộ Thương mại có đưa ra những con số cụ thể, như tổng thời gian khuyến mãi không được quá 90 ngày/năm, hay một chương trình khuyến mãi không được quá 45 ngày.

Đưa ra những con số tuyệt đối cũng là cách soạn luật hiện nay ở nhiều nước. Như ở Đức hiện đang bàn cãi đòi thay đổi luật, nâng tiền thất nghiệp bậc hai phía Đông nước Đức, theo luật hiện hành là 331 euro/tháng lên ngang bằng phía Tây là 345 euro; hay đòi thay đổi luật thuế giá trị gia tăng, nâng từ 16% theo luật hiện hành lên 18%.

Nếu biết rằng chỉ cần tăng 1% thuế giá trị gia tăng thì Chính phủ Đức có thêm chừng 16 tỉ euro cho ngân sách thì mới thấy hết vai trò quyết định tính chất và sự phát triển xã hội của các con số buộc phải dùng trong soạn luật hiện đại, thay vì nặng dùng các câu chữ như trước kia.

Xuất phát từ vai trò to lớn đó, các con số trong luật các nước được tính toán trên cơ sở các số liệu thực tế thu được từ các cơ quan thi hành, các cơ sở nghiên cứu, các cơ quan chuyên môn, các hội đồng, ủy ban của các ngành hành pháp, lập pháp, tư pháp, nói cách khác trên cơ sở khoa học và tính toán thực tế. Vấn đề cần đặt ra ở ta là liệu các con số đưa ra trong dự thảo nghị định nói trên có thỏa mãn yêu cầu khoa học và thực tế như cách làm ở các nước khác hay không, để ít nhất cũng có thể trả lời được những câu hỏi, đại loại như tại sao phải lấy con số 90 và 45 mà không phải là con số 91 và 44 chẳng hạn?

Vấn đề tiếp theo cần đặt ra là ở nhiều nước, hầu hết mọi vấn đề lớn nhỏ của xã hội đều được điều chỉnh bằng các văn bản lập pháp với những con số cụ thể như đã phân tích. Bởi, nếu làm khác đi, nghĩa là thiếu văn bản lập pháp, hoặc có nhưng chỉ đưa ra những câu chữ chung chung, thiếu những chuẩn mực cụ thể thì khó lòng ràng buộc quyền và trách nhiệm của cả người dân lẫn các cơ quan nhà nước có liên quan. Lúc đó, tình hình sẽ phải phụ thuộc vào các văn bản lập quy là những văn bản do từng cơ quan chức năng nhà nước ban hành, chủ yếu phục vụ cho việc hành xử của cơ quan đó, bản thân nó không có hiệu lực ràng buộc cơ quan chức năng khác đồng cấp, cũng không thể dùng làm căn cứ để giải quyết tranh chấp giữa người dân với chính cơ quan ban hành trước tòa án. Xã hội rốt cuộc sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định chủ quan của các cấp chính quyền và người hành xử.

Đó chính là cội nguồn tạo ra khoảng cách giữa chủ trương của nhà nước với thực tế, xảy ra không hiếm ở nước ta, dẫn đến không ít bức xúc xã hội chậm được giải quyết, như tình trạng giấy phép con đang tái xuất hiện, như các thủ tục hành chính phức tạp khó khắc phục... kèm theo tệ quan liêu, lãng phí, nạn hối lộ, tham nhũng... khó ngăn chặn.

Nếu biết rằng, chỉ một ngày trước lúc Thủ tướng Đức Schrôeder đệ đơn yêu cầu quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm trong tháng 7 vừa qua, Quốc hội Đức đã thông qua tới bảy luật, điều chỉnh những mối quan hệ rất thường ngày, như Luật công khai thu nhập của giám đốc, Luật người bán, cho thuê nhà phải trình cho người mua hoặc thuê, thẻ chứng minh hiệu quả sử dụng năng lượng của ngôi nhà, Luật quy định thời điểm tính quá hạn khi xét xử tội phạm, Luật áp thuế giá trị gia tăng đối với ngành kinh doanh đỏ đen... thì mới hình dung được tầm quan trọng của các văn bản lập pháp ở nước họ và khối lượng công việc đồ sộ mà Quốc hội Đức phải hoàn thành.

Ở Đức, muốn xin một giấy phép xây dựng, chắc chắn cần giấy phép con hiểu theo nghĩa phải có ý kiến của các cơ quan chức năng liên quan, có thể nhiều hơn ở ta, nhưng chưa từng xảy ra nạn nhũng nhiễu dựa vào giấy phép con. Bởi ở họ chính cơ quan cấp phép xây dựng phải tự lo các giấy phép con liên quan chứ không phải người dân. Trường hợp doanh nghiệp khởi nghiệp cũng vậy, sau khi đăng ký kinh doanh thì mã số thuế, bảo hiểm, mã số xuất nhập khẩu, mã số thuế EU... được các cơ quan chức năng tự động hoặc do đương sự đề nghị qua điện thoại, gửi tới.

Đó chính là kết quả điều chỉnh của văn bản lập pháp, quy định trách nhiệm các cơ quan chức năng ngang dọc phải tự giao dịch với nhau để giải quyết, và được gọi là biện pháp hỗ trợ hành chính, vừa tránh phiền phức mất thời gian của người dân, vừa tăng cường trách nhiệm của các cơ quan nhà nước đối với bất cứ việc gì có liên quan đến chức năng của họ.

Suy cho cùng, Nhà nước do dân sinh ra và dân đóng thuế để trả lương cho quan chức, nhân viên nhà nước là để họ phục vụ lại mình chứ không phải ngược lại. Do đó ở ta hiện nay, cùng với xu hướng áp dụng nguyên tắc một cửa, thì cũng nên buộc cửa đó phải tự xin lấy giấy phép con - con đường duy nhất để giấy phép con không còn là vấn nạn, và đảm bảo đúng ý nghĩa nguyên thủy của nó là một công cụ quản lý hành chính không thể bỏ!

Một vấn đề nữa dễ thấy qua những con số trần trụi trong văn bản luật nhiều nước khác là các con số của họ phản ảnh những nguyên tắc và chủ trương phải đạt được; tuyệt nhiên đó không phải những mục tiêu để phấn đấu. Lấy luật chống cạnh tranh thiếu lành mạnh của Đức làm ví dụ. Theo luật này, các mặt hàng muốn quảng cáo giảm giá phải đủ hàng bán ít nhất trong hai ngày. Tháng 5 vừa qua, hãng Lidl, một tập đoàn bán lẻ hàng giá rẻ hàng đầu nước Đức, bị Hiệp hội Người tiêu dùng liên bang kiện ra tòa vì tội hãng này đã quảng cáo kiểu nhử mồi, bán máy chụp ảnh kỹ thuật số giá rất rẻ, nhưng chỉ sau mấy phút thì hết sạch hàng, vi phạm luật cạnh tranh.

Trong dự thảo nghị định nói trên ở ta, những con số đưa ra rốt cuộc nhằm đạt tới cái đích cụ thể gì ? Và nếu như không đưa ra được một cái đích rõ ràng và khả thi thì con số 90 và 45 ngày trong dự thảo khi thực hiện sẽ phó mặc cho cá nhân người hành xử. Điều đó rất cần được cân nhắc khi làm luật.

Vấn đề cuối cùng, dự thảo nghị định trên được đưa ra lấy ý kiến tham khảo, nghĩa là cần có ý kiến người dân. Các nước khác cũng tuân theo nguyên tắc đó. Nhưng ở họ, văn bản lập pháp không phải là sản phẩm của riêng các nghị sĩ hay quốc hội mà thường bắt đầu từ ý kiến của các tổ chức có liên quan, nhất là các hội nghề nghiệp, công đoàn, các tổ chức xã hội, chính trị, ngôn luận... Các tổ chức và cá nhân này gửi đòi hỏi thay đổi, bổ sung, đề xuất luật đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến làm luật. Người đòi hỏi bao giờ cũng buộc phải đưa ra cơ sở luận chứng để bảo vệ. Còn trong việc lấy ý kiến khi đã có dự thảo, các ý kiến đó thường bị động, không đủ thời gian chín muồi, nên dễ mang nặng tính chủ quan, và vì vậy cho dù đúng cũng khó có sức thuyết phục để thay đổi một dự thảo! Trong trường hợp đó, luật ban hành dễ rơi vào tình trạng ít khả thi và nhanh lạc hậu, mà ở ta không phải chưa từng xảy ra.

Các văn bản liên quan