TS. Nguyễn Đình Chiến – Học viện tài chính góp ý

Thứ Ba 14:05 01-09-2009

GÓP Ý XÂY DỰNG LUẬT THUẾ TÀI NGUYÊN

TS. Nguyễn Đình Chiến

1. Về sự cần thiết xây dựng Luật thuế tài nguyên

Pháp lệnh Thuế tài nguyên được ban hành và thực hiện từ năm 1998, trong quá trình thực hiện đã được sửa đổi, bổ sung (Điều 6) vào năm 2008. Đánh giá của Bộ Tài chính trong Tờ trình Chính phủ về Dự án Luật thuế tài nguyên đã nêu rõ được những kết quả đã đạt được và những điểm còn tồn tại của Pháp lệnh thuế tài nguyên. Trong quá trình hoàn thiện chính sách nói chung, chính sách thuế nói riêng, việc ban hành Luật thuế tài nguyên với các mục tiêu, yêu cầu đã đặt ra trong Tờ trình là hoàn toàn xác đáng. Một mục tiêu nữa cần được đặt ra là thuế tài nguyên cần phải điều tiết công bằng giữa các chủ thể khai thác tài nguyên với nhau, giữa các chủ thể khai thác tài nguyên và các chủ thể khác, đảm bảo sự công bằng trong phân phối các nguồn lực xã hội.

2. Về các nội dung của Dự thảo Luật thuế tài nguyên

2.1. Đối tượng chịu thuế (Điều 2, Dự thảo Luật)

Việc quy định các đối tượng chịu thuế “dầu mỏ” thay bằng “dầu thô”, “khí đốt” thay bằng “khí thiên nhiên” và bổ sung “khí than” để đảm bảo sự đồng bộ với các Luật chuyên ngành và bao quát hết các tài nguyên có thể điều tiết bằng thuế là cần thiết.

Các tài nguyên chưa có đầy đủ các quy định và khả năng để xác định các yếu tố tính thuế cũng như công tác quản lý như không khí, vùng biển, vùng trời, kho số, tần số, các nguồn năng lượng, lịch sử, văn hoá phi vật thể... trước mắt chưa đưa vào diện đối tượng chịu thuế như trong dự thảo là đúng để đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện quản lý. Hơn nữa, tại khoản 8, Điều 2, Dự thảo Luật có quy định đối tượng chịu thuế là “Các loại tài nguyên thiên nhiên khác” cũng có thể được coi là đã bao quát được tất cả các loại tài nguyên, khi điều kiện và khả năng quản lý đầy đủ, cho phép thì quy định cụ thể hơn các loại tài nguyên kể trên trong đối tượng chịu thuế cũng như các căn cứ tính thuế.

Cách diễn đạt tại khoản 2 và khoản 7, Điều 2 Dự thảo Luật chưa thực sự logic, cần xem xét lại. Cụ thể, theo Luật Khoáng sản, “khoáng sản không kim loại” đã bao gồm “nước khoáng, nước nóng thiên nhiên” thì không cần thiết phải thêm “nước khoáng, nước nóng thiên nhiên” ở khoản 2. Do đó, có thể gộp hai khoản này thành “khoáng sản không kim loại và các loại nước thiên nhiên khác”.

2.2. Người nộp thuế (Điều 3, Dự thảo Luật)

Quy định tại Dự thảo Luật đã rõ ràng và bao quát hơn so với quy định trong Pháp lệnh. Tuy nhiên, quy định “Trường hợp doanh nghiệp khai thác tài nguyên được thành lập trên cơ sở liên doanh thì doanh nghiệp liên doanh là người nộp thuế tài nguyên” là không cần thiết vì vấn đề này đã được thể hiện rõ ở quy định ngay ở phần đầu điều 3, Dự thảo Luật.

2.3. Căn cứ tính thuế (Các điều 6, 7, 8 Dự thảo Luật)

Về nguyên tắc, thuế tài nguyên phải đánh vào giá trị tài nguyên thực tế khai thác (nguyên khai). Bởi vì, bản chất của loại thuế này là đánh vào các sản phẩm của tự nhiên có được qua quá trình khai thác, tức là phần giá trị tài nguyên mà các đối tượng có được ngay sau khi khai thác, không tính đến việc tài nguyên đó được sử dụng như thế nào, đã được lưu thông trên thị trường hay chưa. Phần giá trị này phản ánh đúng nhất khả năng nộp thuế của người khai thác tài nguyên được hình thành khi khai thác tài nguyên. Việc đánh thuế tài nguyên vào giá trị tài nguyên thực tế khai thác (sản lượng thực tế khai thác, giá bán tại nơi khai thác) còn đảm bảo công bằng cho các cơ sở khai thác có điều kiện và chi phí khai thác khác nhau, quy mô, hình thức, mục đích sử dụng tài nguyên khác nhau.

Khi đó, việc đánh thuế tài nguyên cần đảm bảo dựa trên sản lượng tài nguyên thực tế đã khai thác với giá tính thuế là trị giá của tài nguyên tại nơi khai thác, không bao gồm các chi phí thay đổi, chế biến tài nguyên như phân loại, sàng tuyển, vận chuyển đến nơi tiêu thụ…

Do đó, Dự thảo Luật quy định căn cứ tính thuế tài nguyên là sản lượng tài nguyên thực tế khai thác, giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên tại nơi khai thác và thuế suất là hợp lý.

Về thực tế áp dụng, có thể nhìn nhận theo từng căn cứ như sau:

2.3.1. Sản lượng tài nguyên thực tế khai thác:

Đúng như trong Tờ trình có đề cập, Pháp lệnh hiện hành quy định căn cứ tính thuế là sản lượng tài nguyên thương phẩm thực tế khai thác. Nhưng trong nhiều trường hợp, sản lượng thực tế lại là sản lượng tài nguyên thực tế khai thác. Ngoài trường hợp như đã nêu trong Tờ trình, còn có trường hợp tài nguyên khai thác còn lẫn tạp chất (nguyên khai), phải qua quá trình tuyển chọn, sàng lọc để có được tài nguyên nguyên chất (sạch), khi tính thuế, giá tính thuế được xác định bằng giá bán tài nguyên sạch chưa thuế GTGT trừ đi các chi phí sàng tuyển, phân loại rồi quy đổi theo hàm lượng hay tỷ trọng tài nguyên sạch trong tài nguyên nguyên khai, khi đó, sản lượng và giá tính thuế đều là của tài nguyên thực tế khai thác (nguyên khai) chứ không phải là tài nguyên sạch (thương phẩm). Chính vì vậy, việc quy định sản lượng tính thuế là sản lượng tài nguyên thực tế khai thác như trong dự thảo là hợp lý.

Cần lưu ý và có quy định cụ thể hơn đối với trường hợp tại khoản 3, Điều 6 của Dự thảo Luật: “Đối với loại tài nguyên khai thác, chưa bán ra ngay mà đưa vào tiếp tục sản xuất sản phẩm, kinh doanh dịch vụ khác nếu không trực tiếp xác định được sản lượng thì sản lượng tài nguyên tính thuế được căn cứ vào sản lượng sản phẩm sản xuất trong kỳ và định mức sử dụng tài nguyên tính trên một đơn vị sản phẩm”. Bởi vì trong trường hợp này, sản lượng tính thuế sẽ là sản lượng tài nguyên đã sử dụng để sản xuất ra sản phẩm trong kỳ tính thuế chứ không phải là sản lượng tài nguyên thực tế khai thác.

2.3.2. Giá tính thuế tài nguyên:

Sản lượng tính thuế là sản lượng tài nguyên thực tế khai thác, do đó, giá tính thuế phải là giá bán của đơn vị tài nguyên thực tế khai thác (nguyên khai) tại nơi khai thác chưa bao gồm thuế GTGT. Các quy định xác định giá tính thuế như trong Dự thảo Luật so với quy định của Pháp lệnh hiện hành đơn giản hơn nhưng rõ ràng hơn và có sự thống nhất hơn trong cách xác định giá tính thuế tài nguyên ở các địa phương khác nhau.

Tại Điều 7, giá tính thuế phải là giá bán tại nơi khai thác. Trên thực tế, các đối tượng khai thác tài nguyên thường không bán ngay tại nơi khai thác mà phải qua quá trình vận chuyển, chuyên chở, bốc xếp mới đến được địa điểm giao hàng, do đó, cần có quy định cụ thể hơn khi xác định giá tính thuế tài nguyên trong trường hợp trên (trừ chi phí vận chuyển, chuyên chở, bốc xếp đến địa điểm giao hàng để quy về giá bán tại nơi khai thác). Tương tự, khi quy định giá tính thuế đối với gỗ (giá bán tại bãi giao), cần quy định trừ các chi phí chuyên chở, bốc xếp từ nơi khai thác đến bãi giao để phản ánh đúng giá bán tài nguyên tại nơi khai thác.

Cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn đối với trường hợp: loại tài nguyên chưa xác định được giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên.

2.3.3. Thuế suất:

Một số vấn đề có tính nguyên tắc khi xây dựng thuế suất thuế tài nguyên là phải tính đến tính chất, đặc điểm, điều kiện khai thác của từng loại tài nguyên; phải dựa trên lợi thế so sánh giữa tài nguyên khai thác và các nguồn vật liệu khác. Theo đó, những tài nguyên có khả năng tái tạo nhanh nên đánh với thuế suất thấp hơn so với những tài nguyên tái tạo lâu hoặc chỉ khai thác được một lần; điều kiện khai thác càng khó khăn thì mức thuế tài nguyên càng thấp... Ngoài ra, cần tính đến các yếu tố khác như giá trị, khả năng ảnh hưởng đến môi trường, khả năng quản lý...

Thuế tài nguyên nên quy định khung thuế suất như trong Pháp lệnh hiện hành và trong Dự thảo. Điều này tạo nên sự linh hoạt và chủ động hơn cho Nhà nước trong việc quản lý và điều tiết hoạt động khai thác tài nguyên.

Việc Dự thảo Luật thuế tài nguyên có tăng mức thuế suất thuế tài nguyên đối với một số loại tài nguyên cần có giải trình đầy đủ hơn và tham khảo thêm các ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội có liên quan đến hoạt động khai thác tài nguyên.

2.4. Miễn thuế, giảm thuế (Điều 10, Dự thảo Luật)

Về cơ bản, nhất trí với các quy định tại Dự thảo Luật. Ngoài ra, có thể thấy, hoạt động khai thác tài nguyên có ảnh hưởng nhiều đến môi trường sinh thái. Do đó, ngoài việc áp dụng các khoản phí, lệ phí, giấy phép, ký quỹ... hiện hành đối với các hoạt động này theo mục tiêu chống ô nhiễm, bảo vệ môi trường, có thể quy định những ưu đãi, miễn, giảm thuế tài nguyên cho các đối tượng sử dụng các công nghệ hiện đại, tiên tiến trong khai thác tài nguyên để khuyến khích họ đầu tư công nghệ này, hạn chế ô nhiễm, bảo vệ môi trường trong khai thác tài nguyên.

3. Hiệu lực thi hành (Điều 11, Dự thảo Luật)

Về cơ bản, nội dung của Dự thảo Luật thuế tài nguyên không có sự thay đổi lớn so với Pháp lệnh hiện hành. Những thay đổi về căn cứ tính thuế và các quy định bổ sung về đối tượng chịu thuế, người nộp thuế, miễn giảm thuế giúp cho các nội dung của pháp luật thuế tài nguyên trở nên cụ thể, đầy đủ, rõ ràng hơn. Do vậy, nếu Dự thảo Luật qua quá trình thảo luận, xin ý kiến và thông qua thì có thể áp dụng được ngay từ ngày 01/01/2010 như theo ý kiến của Bộ Tài chính.

Các văn bản liên quan