Triích ý kiến ĐBQH Hoàng Văn Xim – Tỉnh Hà Tây

Thứ Ba 13:45 15-08-2006

Tôi xin phép phát biểu một số ý kiến trong dự thảo luật lần này:
Trước tiên, qua nghiên cứu về tổng hợp tình hình đình công trong thời gian vừa qua, chúng tôi cũng rất băn khoăn thấy rằng tại sao trong thời gian vừa qua, hệ thống tổ chức Nhà nước của ta từ Trung ương đến địa phương rất chặt chẽ, nhưng tình hình để vi phạm Luật Lao động, vi phạm về quyền lợi của người lao động nhiều như vậy, không được can thiệp một cách kịp thời. Tôi nghĩ cái này là một cái rất băn khoăn.
Qua kết quả điều tra của Bộ lao động Thương binh và xã hội có thông tin, tôi thấy rằng quyền lợi của người công nhân bị vi phạm một cách cụ thể hơn. Ví dụ, qua cuộc điều tra này cho thấy đối với các doanh nghiệp Nhà nước trong thời gian vừa qua lợi nhuận là tăng 8,2% nhưng lương công nhân tăng 16,8%, đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lợi nhuận tăng 36%, quyền lợi người lao động tăng 13%, đối với các doanh nghiệp tư nhân lợi nhuận tăng 54%, nhưng lương của người công nhân chỉ tăng 3%. Qua đó mới thấy rằng người lao động rất khó khăn, cũng bị thiệt thòi nhiều do hệ thống quản lý của chúng ta chưa tốt. Có lẽ nguyên nhân của các cuộc đình công này trong các cuộc trao đổi trước các đại biểu đã có ý kiến. Tôi nghĩ trước tiên phải tăng cường phần quản lý Nhà nước về vấn đề thực hiện luật.
Thứ hai, tăng cường vai trò của các tổ chức công đoàn, đặc biệt là công đoàn ở cơ sở để giữ đúng vai trò và trách nhiệm của tổ chức này là bảo vệ người lao động. Đi vào nội dung của luật, tôi đề nghị thế này.
Thứ nhất, khái niệm tranh chấp, có nên phân biệt tranh chấp lao động về quyền và tranh chấp lao động về lợi ích hay không. Cái này cũng còn nhiều ý kiến khác nhau, song tôi nghĩ cần phải phân biệt giữa hai loại tranh chấp là tranh chấp những vấn đề đã được các văn bản quy định, những văn bản này có thể là luật khác, có thể là thoả ước lao động giữa tập thể người lao động và người sử dụng lao động, những tranh chấp này đã được quy định trong văn bản, chúng tôi cũng chia nó ra thành các loại đó.
Loại thứ hai là tranh chấp lợi ích, tức là tranh chấp những vấn đề ngoài văn bản đã quy định, nó có tính chất tăng cường lợi ích cho người lao động hơn, loại tranh chấp đó chúng ta cũng phải có biện pháp giải quyết theo đường hướng khác.
Theo tôi, nên phân biệt rõ hai vấn đề đó với mấy nguyên nhân là làm sao để cho luật pháp của chúng ta tạo thành hành lang rõ ràng trong việc xử lý và giải quyết rõ ràng hơn. Đồng thời phù hợp với yêu cầu hội nhập trong thời gian tới.
Ý thứ hai, về hội đồng hòa giải ở cơ sở quy định tại Điều 162 ở đây khẳng định doanh nghiệp có công đoàn cơ sở hoặc có Ban chấp hành công đoàn cơ sở thì phải lập Hội đồng hòa giải này. Nhưng trong thực tế, ví dụ ở địa phương tôi, tôi tìm hiểu mới có khoảng 30% số cơ sở sản xuất theo quy định phải có tỷ lệ công đoàn, còn lại 70% chưa có công đoàn. Vậy ở các cơ sở này, nếu không có Hội đồng hòa giải ở cơ sở thì những tranh chấp lao động đó là ai đứng ra để hòa giải, cho nên tôi đề nghị Điều 162 nên chăng phải ghi, tức là Hội đồng hòa giải ở cơ sở phải được thành lập ở tất cả các cơ sở sản xuất có sử dụng từ bao nhiêu lao động, ví dụ từ 10 lao động trở lên thì đây là một tổ chức để đứng ra hòa giải những tranh chấp đầu tiên giúp cho vấn đề giải quyết này tốt hơn. Tôi đề nghị như vậy.
Thứ hai, ở những nơi có Ban chấp hành công đoàn hoặc Ban chấp hành công đoàn lâm thời thì trong Hội đồng hòa giải ở cơ sở này theo tôi nhất thiết phải có đại diện của Ban chấp hành công đoàn. Bởi vì Ban chấp hành công đoàn tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo nếu việc hòa giải không thành, cho nên tôi nghĩ rằng nên quy định cứng ở đấy là nên có đại diện của Ban chấp hành công đoàn thì nó phù hợp hơn.
Thứ ba, thành phần phiên hòa giải được quy định ở Điều 165a ở Khoản 2 tức là sự có mặt của cả hai bên tranh chấp lao động. Tôi nghĩ rằng nếu quy định chung chung như vậy thì cũng chưa rõ, tôi đề nghị ở Khoản 2 này quy định rõ phải có mặt của người có thẩm quyền của hai bên tranh chấp lao động. Vì người có thẩm quyền ở đây đại diện cho người lao động và đại diện cho người sử dụng lao động có thẩm quyền để quyết định vấn đề hòa giải. Chứ nếu như mà chỉ đại diện chung chung mà sau khi thỏa thuận hòa giải xong, lập biên bản xong, nhưng mà về thì chủ sở hữu lao động hoặc người lao động không đồng ý thì hòa giải đó lại không có kết quả. Tôi đề nghị đại diện của hai bên, nhưng đại diện của người có thẩm quyền của hai bên để tham gia hội nghị hòa giải này thì mới phù hợp hơn.
Thứ tư, lãnh đạo đình công, tôi hoàn toàn nhất trí như ý kiến một số đại biểu đã đề nghị, tức là nơi mà có công đoàn thì nhất thiết do Ban chấp hành công đoàn chính thức cũng như công đoàn lâm thời lãnh đạo cuộc đình công này. Bởi vì vai trò và trách nhiệm này đã được quy định rồi. Còn ở những nơi chưa có tổ chức công đoàn thì do đại diện của người lao động được cử ra có thể lãnh đạo cuộc đình công, để cho nó phù hợp với tình hình của ta.
Thứ năm, vấn đề lấy ý kiến để chuẩn bị cho việc đình công được quy định ở trong Điều 174, tôi cũng có băn khoăn như thế này. Việc đình công này đây là quyền lợi của người lao động và họ phải tự quyết định việc tham gia đình công hay không đình công và việc quyết định này còn liên quan đến quyền lợi của người tham gia đình công. Ví dụ, nếu tham gia đình công họ sẽ không được trả lương trong trường hợp a, b, c. Cho nên theo tôi hiểu nếu cuộc đình công xảy ra thì người tổ chức đình công sẽ gửi cho chủ doanh nghiệp danh sách đình công và người ta sẽ căn cứ vào đó để người ta không trả lương cho người tham gia đình công. Cái đó tôi nghĩ nó có cái khó khăn trong khâu giải quyết về sau này.
Thứ hai, nếu chúng ta chỉ lấy ý kiến đại diện thì người đại diện đó có đủ điều kiện để đại diện cho tất cả số lao động đó đình công hay không? Ví dụ trong 1 tổ sản xuất có 10 người, bây giờ đại diện 1 người ký nhưng trong đó có phải cả 10 người đồng ý hay không, để người ta tính lương khi trả người lao động cho nên rất khó khăn.
Thứ ba, người đại diện đó về mặt quyền lợi có thể còn khác với những người lao động trực tiếp. Ví dụ như tổ trưởng sản xuất, phân xưởng trưởng hay quản đốc v.v... những người đó chế độ lương, chế độ đãi ngộ khác thì chưa chắc người ta đã ký vào bản đình công. Vậy lúc đó quyền lợi của người lao động phải quyết như thế nào. Cho nên tôi đề nghị tinh thần lấy ý kiến đình công phải lấy ý kiến trực tiếp từ người lao động. Còn lấy ý kiến bằng cách nào tôi cho rằng bây giờ không khó. Thuận lợi thứ nhất là không phải 1 đồng chí trong ban chấp hành phải chạy hết người này đến người kia để lấy những cái đó đâu mà chỉ cần ta làm danh sách của từng phân xưởng một và từng phân xưởng sẽ lấy ý kiến của người lao động, rất nhanh. Có chăng thì tôi đề nghị đối với những doanh nghiệp có ít lao động, ví dụ 500 lao động trở xuống thì số người đồng ý đình công khoảng 50% trở lên nhưng đối với những doanh nghiệp có nhiều lao động hơn thì có thể tỷ lệ này tôi đề nghị thấp hơn cũng được. Bởi vì nếu như số người lao động mà lớn thì tỷ lệ người dù rằng có nhỏ hơn nhưng số người người ta thấy bức bách cần đình công là rất lớn thì cũng là một điều kiện để tổ chức cuộc đình công. Tôi xin đề nghị tinh thần như vậy, tức là lấy ý kiến trực tiếp nhưng đối với những nơi đông lao động thì tỷ lệ không nhất thiết là trên 50% mà có thể ở một tỷ lệ nào đó cho phù hợp. Ý kiến thứ sáu là quyền của người lao động tham gia đình công. Về việc này tôi đề nghị đối với người lao động tham gia cuộc đình công là những cuộc đình công về lợi ích mà đã quy định trong văn bản thì được trả lương. Tôi xin đề nghị như vậy sẽ phù hợp hơn

Các văn bản liên quan