Trích ý kiến góp ý của đại biểu Nguyễn Đức Kiên – Sóc Trăng về dự thảo Luật quy hoạch đô thị

Thứ Sáu 16:27 05-06-2009

Tôi xin phát biểu một số ý kiến về dự thảo Luật quy hoạch đô thị. Thứ nhất, tôi bày tỏ sự đồng tình đối với Báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, do đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế vừa trình bày. Tôi đánh giá đây là một bản giải trình tương đối kỹ, bởi vì chúng ta đã giải trình 41/77 điều của dự thảo luật, nhưng chính vì như thế, sau khi nghiên cứu thêm 3 nghị định của các đồng chí gửi tiếp, tôi mới thấy 3 nghị định của chúng ta với 117 điều để làm cho luật có 77 điều, đây là một vấn đề lần thứ hai tôi phát biểu. Lần trước tại Kỳ họp thứ 3, khi xây dựng Luật hóa chất tôi đã đề nghị Ban soạn thảo chú ý không để các nghị định nhiều quá, báo cáo Ban soạn thảo ở đây chúng ta lại để 117 điều trong 3 nghị định để thực hiện 77 điều, đây là điều cần phải cân nhắc lại trong quá trình xây dựng luật.

Ý kiến thứ hai, tôi bày tỏ sự đồng tình với ý kiến của nhiều đại biểu phát biểu trước tôi, trong đó có đại biểu Hồng Hà của Thành phố Hà Nội chọn phương án thứ nhất là phương án của Điều 20 về đầu tư. Tôi có 3 băn khoăn về một số điều cụ thể tôi xin trình bày luôn.

Thứ nhất, chúng ta nói nhiều về cách thực hiện quy hoạch, nhưng vấn đề đầu tư trong thực hiện quy hoạch là vốn ngân sách và kinh phí cho thực hiện quy hoạch tổ chức như thế nào. Trong Điều 12, kinh phí quy định có nhiều nguồn trong đó có nguồn từ nguồn vốn ngân sách của Nhà nước. Trong nghị định soạn thảo các đồng chí cũng hướng dẫn trình tự là Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi vốn, Bộ Tài chính cấp vốn. Báo cáo các đồng chí nếu theo phương án 2, Điều 20, là giao cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh làm chủ quy hoạch thì chúng ta lại vướng ngay vào quy trình tiền đâu để làm quy hoạch, mà vấn đề vướng đầu tiên của chúng ta là quy hoạch không đi trước một bước cho nên chúng ta mới bị vướng. Cá nhân tôi tôi đề nghị trong nghị định hoặc được trong luật thì các đồng chí quy định luôn, mỗi tỉnh chúng ta đều có nguồn thu từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Chúng ta ghi luôn các tỉnh được bố trí khoản đó để cân đối ngân sách, tạo cho Uỷ ban nhân dân các tỉnh, địa phương, các thành phố có quyền chủ động làm và đỡ tình trạng phải trình lại. Còn kế hoạch và tài chính thì theo Luật ngân sách chúng ta sẽ kiểm soát lại thì mới hợp lý.

Trong Điều 20, Khoản 7, Ban soạn thảo ghi là chủ đầu tư lập quy hoạch chi tiết, tôi nhận thức đó là đối với quy hoạch chi tiết của quy hoạch mới thôi, còn ví dụ những người đang ở 36 phố cổ quận Hoàn Kiếm - Hà Nội mà bây giờ nếu lập quy hoạch chi tiết thì bây giờ lập quy hoạch như thế nào? Đề nghị các đồng chí ghi rõ vào đấy, giải thích rõ vào đấy là quy hoạch của đô thị mới hay quy hoạch cổ mà chúng ta phải cải tạo, chỉnh trang.

Đối với Điều 16, về Hội đồng kiến trúc quy hoạch, tôi bày tỏ sự đồng tình như ý kiến của nhiều đại biểu, trong đó đại biểu Hồng Hà - đoàn Hà Nội, chúng tôi không phát biểu lại.

Về Điều 22, phải lấy ý kiến của nhân dân, tôi đề nghị nên lấy ý kiến rộng rãi và có trao đổi với người dân khu có quy hoạch chi tiết. Ở đây chúng tôi muốn nói quy hoạch chi tiết nhưng trong nghị định hoặc trong điều luật phải có một điều mà theo chúng tôi xử lý là nếu khi thiểu số người dân người ta không đồng ý với quy hoạch chi tiết chúng ta xây dựng thì chúng ta xử lý như thế nào? Không có lại tránh tình trạng giống như vừa rồi ở Hà Nội một loạt các khu chung cư chúng ta quy hoạch làm mới, nhưng do quá trình thực hiện thì lại thành điểm nóng bức xúc trong xã hội, thì khi làm luật tôi nghĩ chúng ta cần xử lý như thế.

Một điều nữa ở Điều 67, cụ thể tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu và có giải đáp đặc biệt đối với hai đô thị là Hà nội và thành phố Hồ Chí Minh là chúng ta đang dự kiến triển khai là đường tàu điện ngầm. Bây giờ quy định về quản lý không gian ngầm cả trong điều luật và trong nghị định của các đồng chí soạn thảo ở đây tôi không thấy là quy định độ sâu bao nhiêu thì anh được dừng đấy là quyền của anh khi anh sử dụng đất. Còn lại nếu sâu dưới nữa mà nó vi phạm thì anh phải xin phép như thế nào và lúc ấy xử lý vấn đề mâu thuẫn như thế này thế nào thì chúng ta phải nói.

Chứ không bây giờ báo cáo các anh là nếu chúng ta duyệt một cái hầm, ba tầng âm ở bất cứ một đô thị nào đấy, nó lại là bãi để xe chẳng hạn giống như thành phố Hồ Chí Minh duyệt một cái bãi để xe thì đấy thường là những khu vực công cộng sẽ bắt buộc có điểm Metro đặt ở đấy để có điểm nhà ga ở đấy lên, nếu ba tầng âm thì báo cáo các đồng chí là đường Metro phải sâu suống nữa thì chi phí cao lên, lúc ấy chúng ta làm nào? Việc này hơi về chi tiết kỹ thuật, đề nghị Ban soạn thảo, các đồng chí bố trí đưa vào trong dự thảo, nghị định quản lý công trình ngầm mà các đồng chí đã soạn thảo.

 

Các văn bản liên quan