Trích ý kiến ĐBQH Nguyễn Văn Yểu – Phó Chủ tịch Quốc hội

Thứ Ba 14:26 15-08-2006

Thưa các vị đại biểu.
Cuối buổi sáng tôi cũng nêu một số suy nghĩ của tôi về hai vấn đề. Qua ý kiến của anh Được và các đồng chí vừa rồi, tôi xin phát biểu mấy ý kiến thế này:
Thứ nhất, riêng tôi đề nghị ta nên giữ chương trình, ý đồng chí Thuận có tính thận trọng của nó, nhưng thực tiễn chúng ta cứ để cho diễn biến như hiện nay mà không có luật thì hết sức không có lợi. Tôi xin đề nghị các vị đại biểu Quốc hội càng khó chúng ta càng phải cùng nhau bàn để tìm ra một phương án khả dĩ nhất để tháng 10 này trình ra Quốc hội thông qua chương này. Còn đương nhiên tổng kết thật đầy đủ để sửa cơ bản Bộ luật Lao động là cần thiết, nhưng chắc không phải lúc này, cũng phải có thời gian để chuẩn bị việc này, chắc là thuộc nhiệm kỳ Quốc hội khóa tới, vì Quốc hội Khóa XI chỉ còn kỳ họp thứ 10 này là áp chót. Tôi nghĩ chắc là phải có một kỳ họp nữa là kỳ hợp ngắn thôi để tổng kết nhiệm kỳ, chắc là nhiệm vụ của Quốc hội Khóa XII sẽ ra Bộ Luật lao động mới. Chứ bây giờ chúng ta để lại như ý kiến đồng chí Thuận thì theo tôi không nên. Tôi nghĩ khả năng của Quốc hội ta có thể tìm ra được phương án khả thi.
Ý kiến thứ hai, qua ý kiến các đồng chí tôi có suy nghĩ bây giờ chúng ta lại phải trở về với khái niệm "thế nào là đình công?". Tôi đọc toàn bộ chuẩn bị của chúng ta ở đây thì tôi thấy dù là phương án 1 hay phương án 2 của các nội dung cũng vẫn quy tụ lại là khi mà tranh chấp giữa tập thể lao động, tranh chấp cá nhân không có chuyện đình công, đối với người sử dụng lao động mà qua hoà giải, cuối cùng Hội đồng hòa giải có thẩm quyền người ta phải ra quyết định là hoà giải không thành thì lúc bấy giờ mới tiến tới đình công. Vậy bản chất của đình công theo tôi nghĩ nó gắn liền với lợi ích của người lao động mà giới chủ không thoả mãn theo quy định của pháp luật đã được ký thoả ước tập thể nó đề cập. Tôi rất đồng tình với quan điểm của anh Lợi, có lẽ phải xuất phát từ thoả ước tập thể, còn tất cả những việc người sử dụng lao động vi phạm pháp luật, nếu chúng ta đưa vào một điều kiện để đình công thì tôi sợ nó rộng quá. Như vậy tức là nếu mà người sử dụng lao động vi phạm luật thì tại sao Nhà nước không can thiệp, lại bảo Nhà nước không xuể, tôi lạ quá, tôi không nói đến người lao động, một công dân bình thường mà khi quyền và lợi ích hợp pháp của người ta bị vi phạm, người ta có quyền khiếu nại thì chính quyền Nhà nước phải giải quyết. Đây là 80 triệu dân, còn bây giờ những người lao động trong doanh nghiệp, tôi xin nói ta đừng loại trừ doanh nghiệp Nhà nước thì giữa người sử dụng lao động và người lao động, mà người sử dụng lao động vi phạm pháp luật hoặc 4, 5, 6 tháng không trả lương thì Nhà nước có vào không? Nhà nước phải vào chứ, Nhà nước không vào là Nhà nước vô trách nhiệm với dân. Theo tôi, Quốc hội giám sát mà thấy cơ quan Nhà nước không có thì cơ quan cấp trên Nhà nước phải kỷ luật ngay thẩm quyền đó đi. Tại sao lại bảo tôi vì quá tải tôi không vào được, tôi không biết và nếu không biết thì người lao động phải kêu. Bây giờ hướng dẫn cho người ta kêu, nếu chậm trả lương khiếu nại đến ai, tôi cho những chuyện đó là những chuyện theo tôi ta có nên đưa vào là các vi phạm pháp luật của người sử dụng lao động, cũng cứ để cho người lao động sử dụng vũ khí của mình là đình công, còn Nhà nước chúng ta là vì công việc nó quá tải ta cứ đứng ra ngoài, không phải như vậy. Ví dụ, vừa rồi thực hiện một số đình công mà có những nguyên nhân do lương tối thiểu đó chính Nhà nước ta ban hành chậm, đấy là với điều kiện đình công thì nguy hiểm quá, chính đình công để đòi Nhà nước thì không phải.
Theo tôi, phải trở lại quan hệ là tranh chấp lao động tập thể giữa tập thể lao động với những người sử dụng lao động và đến mức cao mà Hội đồng hòa giải người ta không hòa giải được người ta phải ra quyết định như Điều 172 là hòa giải không thành thì tôi sử dụng đình công, từ ngữ tôi nghĩ phải tính thêm, tôi cũng đồng tình như ý anh Được bây giờ phân là quyền và lợi ích thì nó không hẳn lắm, nhưng theo tôi hiểu bản chất của vấn đề là những vi phạm pháp luật của người sử dụng lao động thì Nhà nước phải giải quyết theo đề nghị của người lao động với tư cách là công dân một bên. Trường hợp tôi cần phải thanh tra, còn nếu có trường hợp tôi phải hình sự, trường hợp là dân sự. Tôi đề nghị như thế này để nó đỡ ngập ngụa vụ việc đình công. Ở đây tôi đề nghị là chúng ta không nên lấy thực tế vừa qua, thực tế vừa qua gọi là đình công nó cũng chưa hẳn đâu. Cho nên nó không đúng với thủ tục là nhiều, bản chất vấn đề là vì người ta không có lối thoát nào cả, người ta không được ai bảo vệ cả, người ta kêu mãi rồi Nhà nước không vào. Thậm chí xin lỗi chị Hậu chứ công đoàn cũng không vào kịp, buộc người ta là không có cách nào khác người ta phải tự phát như thế này thôi. Ý thứ nhất là tôi muốn nêu ý đó để nó xuyên suốt chỗ xác định thế nào là đình công, trường hợp nào là đình công để cho nó rõ. Tôi tin rằng chúng ta bình tĩnh ngồi với nhau chắc xác định được.
Ý thứ hai, tôi đồng tình với ý kiến của các đồng chí là thế này, nói là pháp luật của chúng ta phải bảo vệ quyền lợi của cả hai bên, bên sử dụng lao động và bên lao động là đương nhiên rồi, nhưng bao giờ người lao động cũng là thế yếu. Bao giờ cũng vậy, tất nhiên cũng có trường hợp những người rất giỏi, những anh kỹ sư giỏi, những anh công nhân kỹ thuật bậc cao rất giỏi, có khi là chủ phải chiều, anh không chiều tôi tôi đi chỗ khác, nhưng cái đó ít thôi.
Vì thế mình cũng cân nhắc một cái thực tế, nhất là điều kiện thực tế của chúng ta, nhưng không phải vì thế mà chúng ta bất chấp lợi ích của người sử dụng lao động thì người sử dụng lao động người ta lại có một quyền là người ta không đầu tư nữa, nước ngoài thì nó không đầu tư vào mình nữa, trong nước người ta không bỏ tiền ra đầu tư nữa thì lấy đâu ra doanh nghiệp, lấy đâu việc làm, cho nên mình phải cân nhắc cả hai mặt đó.
Thứ hai, tôi rất đồng tình với ý kiến của anh Được. Suy cho cùng cả 3 phía đều gắn bó với sự tồn tại phát triển một cách bình thường của doanh nghiệp, người chủ bỏ tiền ra để đầu tư. Người ta khi bỏ ra bao giờ cũng muốn doanh nghiệp nó tồn tại và phát triển tốt, bao giờ cũng muốn công nhân gắn bó với doanh nghiệp.
Thứ hai là người lao động cũng muốn doanh nghiệp mình làm việc nó phải tồn tại, nó phát đạt để mình còn làm ăn lâu dài với nó, để có lương cao, có thưởng.
Về mặt Nhà nước cũng muốn hàng vạn, hàng chục vạn, hàng mấy trăm nghìn doanh nghiệp này phát triển tốt. Vì thế tôi đồng ý với ý kiến đồng chí Lợi, có lẽ về quan điểm phải cho đình công là giải pháp cuối cùng mà người lao động không còn cách nào khác, cực chẳng đã. Vì vậy không khuyến khích đình công, một đất nước lúc nào cũng đình công, lúc nào cũng biểu tình thì chết à. Chúng ta tôn trọng quyền đình công, tôn trọng người biểu tình, nhưng đương nhiên chúng ta không khuyến khích hai cái đấy. Đây là vũ khí cuối cùng cực chẳng đã người ta làm, tôi nghĩ cách như vậy. Nếu ta ra luật để đình công đúng luật, đình công không đúng luật, nếu cứ tùm lum lên thì thực ra môi trường đầu tư cực kỳ tệ hại, người lao động cũng cực kỳ khổ vì không biết. Bây giờ nói người lao động người ta không hiểu, cho nên người ta cứ làm như vậy, cho nên lỗi là của chúng ta, lỗi của Nhà nước, lỗi của Chính phủ, lỗi của Quốc hội. Mình ra luật là phải tuyên truyền phổ biến, tất nhiên không phải mình tuyên truyền phổ biến một cái là người ta hiểu ngay mà như đồng chí Lợi và nhiều đồng chí nói, chủ cũng phải thuê luật sư mà sau này lãnh đạo các cuộc đình công cũng phải hiểu biết pháp luật. Tôi lãnh đạo cuộc đình công mà tôi chẳng hiểu biết gì cả, do đó Nhà nước không được xử lý tôi thì không được. Ý thứ ba tôi đề nghị phải tính chỗ đó.
Một ý nữa, suy cho cùng ta là một Đảng lãnh đạo, cho nên tất cả mọi sự xảy ra ở đất nước này Đảng phải có trách nhiệm vì thế không ở đâu là không có sự lãnh đạo của Đảng. Vì vậy cho nên đối với việc phát triển bình thường của doanh nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước thì đã rõ rồi, doanh nghiệp không phải của Nhà nước, kể cả của tư nhân trong nước lẫn đầu tư nước ngoài thì đối xử với vấn đề đình công như thế nào? Không có cách nào khác thì ta phải làm đúng luật, chúng ta quy định rõ phải đúng luật và phải tuyên truyền cho mọi người hiểu luật và làm đúng luật.
Tôi đọc kỹ ở đây vẫn quán triệt tư tưởng đây không phải là vụ án, cũng không phải là phiên tòa, mà là hội đồng gồm 3 thẩm phán để giải quyết các cuộc đình công. Và vì vậy cho nên người ta dùng chữ "khiếu nại" và người ta mới đi đến kết thúc ở phúc thẩm, nó có ý chỗ đó.
Tôi xin phát biểu 4 ý chung như vậy. Cuối cùng tôi xin thiết tha đề nghị như thế này, hôm nay chúng ta mới có một ngày thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, cũng trên cơ sở thảo luận này, tôi đề nghị, sau này đồng Thanh sẽ kết luận, nhưng tôi đề nghị như thế này. Là tiếp tục cuộc thảo luận ở 64 đoàn, đồng thời tôi xin đề nghị nên có cuộc thảo luận kỹ của các chuyên gia ở các lĩnh vực, để xử lý một vài vấn đề mà vừa mang tính lý luận vừa mang tính thực tiễn. Tôi đề nghị chỗ này là chỗ chị Hoài Thu nên chủ trì và các đồng chí lãnh đạo Quốc hội cũng nên tham gia vào đấy. Vì đây là vấn đề to lắm, có những vấn đề mà chính các chuyên gia chúng ta phải ngồi với nhau, nhất là phân biệt trường hợp nào thì đình công, trường hợp nào là không đình công.

Các văn bản liên quan