Trích ý kiến ĐBQH Lê Minh Hồng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGD- TN- TN và NĐ

Thứ Ba 15:01 15-08-2006

Kính thưa các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội.
Kính thưa các vị đại biểu.
Tôi xin tham gia một số ý kiến xung quanh Dự án Luật Quản lý thuế.
Trước hết, về tên gọi tôi tán thành tên gọi Luật Quản lý thuế. Thuế ở đây tức là các loại thuế và các khoản thu có tính chất thuế. Và quản lý ở đây tức là quản lý cả người nộp lẫn quản lý cả người thu. Quy định quyền và nghĩa vụ của người nộp và đồng thời xác định quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế. Tôi thấy cách gọi như thế này nó bao quát được phạm vi điều chỉnh của Dự án Luật. Đó là ý kiến thứ nhất.
Ý kiến thứ hai, chúng tôi thấy hiện nay tình trạng gian lận và trốn thuế đang diễn ra khá phổ biến và rất phức tạp trên khắp các vùng miền, các địa phương, kể cả thuế môn bài, thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp v.v... làm cho ngân sách Nhà nước của chúng ta bị thủng rất lớn, bị thất thu rất lớn.
Về nguyên nhân có cả nguyên nhân thuộc đối tượng nộp thuế, nhưng tôi thấy có cả nguyên nhân của những người thu thuế, tức là cán bộ thuế và cơ quan thuế. Người nộp thuế thì gian lận trốn tránh, nộp thiếu và chây ì. Cán bộ thuế thì kiểm tra, đôn đốc kém, thậm chí còn làm ngơ và tiếp tay cho tiêu cực. Như một số đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 có nêu tình trạng cưa đôi, cưa ba còn diễn ra phổ biến ở nhiều nơi. Vì vậy yêu cầu đặt ra khi luật này ra đời chúng tôi thấy phải quản lý được, hạn chế được gian lận trốn thuế, cũng như các tiêu cực trong vấn đề thu thuế thực hiện đúng tinh thần thu đúng, thu đủ, thu kịp thời mà chúng ta vẫn thường nêu trong khẩu hiệu.
Qua nghiên cứu chúng tôi thấy một số quy định trong dự thảo luật chưa chặt, nhất là đối với cơ quan quản lý thuế. Làm sao lần này chúng ta phải quy định chặt để đưa vào khuôn, để tất cả cán bộ thuế, cơ quan quản lý thuế phải hoạt động rất nghiêm thì chúng ta mới hạn chế đến mức thấp nhất về thất thu cho ngân sách Nhà nước. Ví dụ, Điều 8 trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế, chúng ta nêu 10 khoản, nhưng không có khoản nào nêu về trách nhiệm đảm bảo tính công khai, minh bạch và công bằng mức thuế phải nộp của các đối tượng chịu thuế. Tôi thấy có cần phải bí mật không? Nếu bí mật thì bí mật tới mức nào? Có cần phải bí mật giữa hộ A và hộ B cùng kinh doanh một mặt hàng, cùng doanh số nhưng giữa hộ A và hộ B phải bí mật với nhau không, hay là chúng ta cứ công khai hẳn ra tại kho bạc hoặc tại trụ sở Uỷ ban Nhân dân xã, phường, thị trấn để người ta so sánh, đối chiếu với nhau. Nếu như tôi cùng kinh doanh với anh, cùng mặt hàng, cùng doanh số, nhưng tôi phải nộp nhiều thuế hơn anh, tức là có vấn đề, anh nộp ít thuế hơn tôi tức là có vấn đề.
Tôi thấy việc công khai, minh bạch là rất quan trọng, chúng ta có nên đề ra nguyên tắc hay không, trong luật này tôi thấy chưa có.
Đối với người nộp thuế, chúng ta quy định về chứng từ, hoá đơn hàng hoá dịch vụ như thế nào, nếu như hiện nay chúng tôi thấy rất lộn xộn chứng từ, hoá đơn, Nhà nước vừa bị thất thu, vừa bị rút ruột, tức là bị rút ruột hai lần, hoá đơn viết cho khách hàng mua hàng để về thanh toán với cơ quan thì viết lớn hơn giá trị, còn hoá đơn viết cho khách hàng không cần thanh toán thì lại viết thấp hơn giá trị. Cơ quan thuế và bên tài chính cũng không quản lý được, không kiểm soát được. Ví dụ một chiếc xe máy các đồng chí biết rồi, xe máy Dream giá là 17 triệu nhưng người ta viết cho khách hàng chỉ có 13 triệu thôi, khi cơ quan thuế đến là anh chỉ thu thuế trên doanh số là 13 triệu thôi, chứ không thể là 17 triệu. Chỗ này tới đây luật này ta giải quyết như thế nào?
Tôi thấy đây là những vấn đề chúng ta cần giải quyết, vừa qua chúng tôi thấy cơ quan thuế không kiểm soát được hoá đơn, chứng từ, để mua bán lòng vòng, viết không đúng giá trị, chúng ta có nên đưa vào một số điều trong dự án luật này không, riêng về hoá đơn, chứng từ để kiểm soát được, tại sao nước ngoài người ta kiểm soát được, tất nhiên nước ngoài hầu hết là siêu thị thì hóa đơn chứng từ tức là qua máy. Đây chúng ta rất đa dạng, nhưng bây giờ kiểm soát cái này như thế nào tôi cho là một vấn đề, đây chính là cái chống thất thu thuế. Chúng ta chỉ nêu ở Khoản 4, Điều 14 tức là người mua hàng phải yêu cầu người bán cung cấp hóa đơn chứng từ với giá trị thực. Tôi nghĩ cái này không khả thi, đây thuộc trách nhiệm của người bán hàng chứ không phải thuộc trách nhiệm của người mua hàng. Người mua hàng người ta không cần hóa đơn, tất nhiên có những trường hợp cần hóa đơn để về thanh toán, nhưng hầu hết người ta không cần. Đây phải quy trách nhiệm cho người bán hàng, chứ không thể quy trách nhiệm cho người mua hàng. Đấy là ý kiến thứ hai.
Ý kiến thứ ba về đại lý thuế, Điều 18 tôi tán thành tức là chúng ta nên cho phép thành lập các đại lý thuế là loại hình dịch vụ để hỗ trợ cho người thu thuế là cần thiết. Chỉ có điều chúng ta phải quy định rất chặt điều kiện hành nghề của đại lý này. Đây là loại hình kinh doanh có điều kiện, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp làm sao để tránh lừa đảo, tránh ôm cục tiền rất lớn rồi bỏ chạy, bởi vì người ta sẽ làm dịch vụ xong thu tất cả các đối tượng nộp thuế về đấy làm một cục, rồi bỏ chạy . Thế là Nhà nước mất và các đối tượng nộp thuế thì cuối cùng không biết kêu ai. Tôi cho rằng Điều 18 về đại lý thuế như thế.
Ý kiến thứ tư, về cơ quan điều tra thuế ở mục 4, Chương X tôi thấy chỗ này còn băn khoăn. Băn khoăn tức là có nên giao chức năng điều tra cho cơ quan thuế hay không với hai lý do. Một là nó dễ nhầm lẫn, chồng chéo với nhiệm vụ của cơ quan điều tra trong tố tụng hình sự và cũng dễ bị lợi dụng vấn đề này.
Hiện nay ngoài các cơ quan điều tra chính thống mà Quốc hội chúng ta giao như bên Công an, bên Kiểm sát thì chúng ta có giao thêm cho Hải quan và Kiểm lâm, Bộ đội biên phòng, điều tra ban đầu. Còn ngoài ra tức là không có cơ quan nào có nhiệm vụ điều tra nữa. Đấy là lý do thứ nhất tôi thấy còn băn khoăn.
Thứ hai, cơ quan thuế tập trung vào thanh tra, kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm pháp luật mà có dấu hiệu phạm tội thì chúng ta chuyển cho cơ quan điều tra, có được không? Hiện nay cơ quan thuế, tôi nghĩ nếu chúng ta chia ra làm 3 bộ phận và làm thật tốt :
Một là bộ phận xây dựng các biểu thuế.
Hai là bộ phận thu thuế.
Ba là bộ phận thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.
Nếu làm thật tốt 3 bộ phận này tôi nghĩ cũng là khá tốt rồi, hạn chế thất thoát, tiêu cực. Có cần bộ phận thứ tư không? tức là bộ phận điều tra không? Đây là một vấn đề mà tôi thấy thực sự còn đang băn khoăn. Mặc dù các đồng chí có thiết kế lại và có bổ sung thêm một số chức năng nhiệm vụ cho cơ quan điều tra thuế này để nó nhẹ hơn trước, nhưng tôi thấy vẫn còn băn khoăn về vấn đề cơ quan điều tra của thuế.

Các văn bản liên quan