Trích ý kiến ĐBQH Nguyễn Văn Trì – Tỉnh Vĩnh Phúc

Thứ Ba 13:51 15-08-2006

 
Về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật lao động, xoay quanh về vấn đề đình công và giải quyết đình công, tôi xin được có một vài ý kiến như sau:
Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh, qua nghiên cứu Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như ý kiến của các vị đại biểu đã phát biểu trước, quan điểm của tôi cũng đồng tình cao. Qua thực tế, vấn đề đình công và giải quyết đình công là vấn đề bức xúc nhưng cũng hết sức nhạy cảm. Vấn đề này cần tiếp tục nghiên cứu cũng như nhiều vấn đề đặt ra trong Bộ luật lao động cũng cần nghiên cứu tổng kết đánh giá để xem xét, trên cơ sở đó để mà sửa đổi toàn diện Bộ luật lao động cũng như một số những luật có liên quan đến vấn đề lao động.
Tôi thấy nếu như chúng ta tổng kết nghiên cứu để trên cơ sở có sửa đổi cho nó phù hợp, thì chắc chắn rằng việc thực hiện liên quan đến Bộ luật lao động cũng như là vấn đề giải quyết đình công sẽ thuận lợi hơn. Trong nhiệm kỳ vừa rồi cũng có một số dự án luật, mặc dù là chưa hết nhiệm kỳ, nhưng đã sửa đổi đến 2 lần, ví dụ như Luật Khiếu nại, tố cáo, cho đến nay mặc dù đã sửa đổi rồi, nhưng vẫn còn có những vấn đề, qua quá trình thực hiện vẫn còn rất vướng mắc. Chính vì vậy, cho nên về quan điểm, tôi đồng tình cao như ý kiến phát biểu, đó là chúng ta nên có những cân nhắc để mà xem xét sửa đổi cho phù hợp.
Thứ hai, về tranh chấp lao động, tôi đồng tình phương án 2 như nhiều đại biểu Quốc hội đã phát biểu. Quả thực, vấn đề tranh chấp lao động tập thể về quyền và tranh chấp lao động tập thể về lợi ích, trên thực tế có thể nói nhiều khi chúng ta rất khó tách bạch, có mối quan hệ rất gắn bó chặt chẽ với nhau, nhiều khi về mặt lý luận nó là quyền nhưng về mặt thực tế nó là lợi ích của bản thân người lao động. Vì vậy, như phân tích các đồng chí đã nêu tôi đồng tình với phương án 2.
Vấn đề thứ ba, thẩm quyền lãnh đạo đình công, tôi cũng đồng tình như phương án như các vị đã phát biểu. Quả thực hiện nay chúng ta đã có 85% doanh nghiệp dân doanh, 65% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa có Công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn. Cho nên việc lãnh đạo đình công ở những nơi này hết sức khó khăn. Do vậy, chúng ta nên có một cơ chế và nên cử người đến lãnh đạo thì tôi thấy đồng tình như ý kiến các vị đã phân tích.
Vấn đề thứ tư, cơ chế bảo vệ cán bộ công đoàn, cái này chưa có vị đại biểu nào phát biểu, nhưng tôi đồng tình là phải có quy định chặt chẽ hơn. Theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức Công đoàn cũng như cán bộ công đoàn để thực hiện quyền và nghĩa vụ của người làm cán bộ công đoàn, cũng như tổ chức công đoàn. Trên cơ sở đó mới phát huy được vai trò của tổ chức Công đoàn cũng như người cán bộ Công đoàn. Chính hiện nay chúng ta chưa có cơ chế rõ ràng cho nên hoạt động của tổ chức công đoàn ở những tổ chức, doanh nghiệp này rất khó khăn. Thậm chí có những nơi mà chúng tôi nghe thấy là nó cũng hoạt động hình thức, bởi vì nếu anh thực hiện đúng chức năng là bảo vệ lợi ích của người lao động thì thường những nơi đó, có những nơi bị chủ doanh nghiệp trù úm hoặc gây khó khăn. Nếu đứng về phía chủ doanh nghiệp thì không bảo vệ được quyền và lợi ích của người lao động.
Vì vậy, trong quá trình thực hiện vai trò của cán bộ công đoàn cũng như tổ chức Công đoàn ở những nơi đó thường là không đảm bảo.
Chính vì vậy, liên quan đến sửa đổi này, tôi xin đề nghị nên chăng cũng phải quy định rõ hơn về cơ chế bảo vệ cán bộ công đoàn cũng như tổ chức Công đoàn liên quan đến vấn đề đình công và giải quyết đình công.
Vấn đề thứ năm, việc lấy ý kiến tập thể lao động, qua nhiều ý kiến đã phát biểu, tôi đồng tình theo như dự thảo, tức là theo hướng Ban chấp hành công đoàn, tổ trưởng tổ Công đoàn và tổ trưởng tổ sản xuất, nhưng cũng phù hợp với mô hình sản xuất, đúng như ý kiến của đại biểu Ngô Sỹ Hưởng đã phát biểu, có thể có những doanh nghiệp chỉ có 500 người lao động thôi, nhưng có khi doanh nghiệp này lại rải đều trên cả toàn quốc, khi lấy ý kiến rất khó. Theo tôi việc này cũng nên nghiên cứu cụ thể quy định mô hình cho phù hợp. Có thể có doanh nghiệp có 1000 lao động nhưng chưa hẳn đã là nhiều, chưa phải khó khăn, phức tạp. Nhưng có thể có doanh nghiệp có độ 300 lao động thôi, họ hoạt động ở phạm vi rộng chưa kể theo ca kíp. Do vậy tôi đề nghị việc này nên chăng cần có cân nhắc cụ thể để quy định cho phù hợp. Việc này chúng ta cũng nên tính toán để có phương pháp như đại biểu Sỹ Hưởng cũng nói rồi, cái chính là phương pháp, cách làm như thế nào đó để cho phù hợp nó hiệu quả.
Vấn đề thứ sáu, vấn đề hòa giải, tôi đồng tình với ý kiến của đại biểu Hoàng Văn Xim. Theo Điều 158 có quy định tranh chấp lao động được giải quyết theo những nguyên tắc sau.
Nguyên tắc thứ nhất, thương lượng trực tiếp, tự dàn xếp và quyết định của hai bên tranh chấp tại nơi phát sinh tranh chấp.
Nguyên tắc thứ hai, đó là thông qua hòa giải trọng tài trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích của hai bên, tôn trọng lợi ích chung của xã hội và tuân theo pháp luật.
Tuy nhiên hiện nay chúng ta còn đến 85% doanh nghiệp dân doanh và 65% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Hay nói cách khác nơi này chưa có tổ chức công đoàn cơ sở cũng như là Ban chấp hành công đoàn lâm thời. Việc mà tranh chấp lao động thì giải quyết như thế nào? Có đảm bảo thực hiện theo Điều 158 hay không? Hay có quy định điều khác. Tôi đọc suốt thì không có điều khác. Vì vậy tôi thấy cần thiết phải có hòa giải, vì việc thông qua hòa giải này là một trong việc mà để giải quyết tranh chấp lao động được thuận lợi. Xin đề nghị theo hướng là có thể tất cả các doanh nghiệp đều phải có thành lập Hội đồng hòa giải, không chỉ riêng đối với những nơi có tổ chức công đoàn. Kể cả những nơi chưa có tổ chức công đoàn chúng ta cũng phải thành lập Hội đồng hòa giải, nhưng những nơi chưa có tổ chức công đoàn thì cũng thành lập ở cả hai bên, tức là kể cả những sử dụng lao động và người đại diện cho người lao động, những người làm tổ trưởng các tổ sản xuất có thể tham gia vào Hội đồng hòa giải này. Hoặc có thể cử những hòa giải viên do cơ quan lao động cấp huyện, thị xã để tham gia hòa giải như vậy mới đảm bảo được quyền khi giải quyết tranh chấp theo Điều 158 và 162. Vấn đề thứ bảy, về vấn đề xử lý khi vi phạm pháp luật được quy định tại Điều 179. Theo Điều 179, Điểm 3 có quy định người sử dụng lao động khi có hành vi vi phạm pháp luật lao động thì sẽ bị xử lý vi phạm hành chính. Theo tôi nghĩ nếu chỉ quy định khi vi phạm pháp luật lao động mà chỉ có xử lý hành chính là chưa đủ mà phải tùy theo mức độ người sử dụng lao động có thể phải xem xét kể cả về hành chính và kể cả về hình sự. Nếu quy định theo Điểm 3, Điều 179 thì tôi thấy chưa đủ, có thể có những mức độ anh vi phạm pháp luật mà cần thiết phải truy tố, cần phải xem xét về hình sự thì cũng cần phải xem xét để quy định cho rõ hơn. Do vậy tại Điểm 3, Điều 179 tôi đề nghị nên điều chỉnh theo hướng như vậy

Các văn bản liên quan