Trích ý kiến ĐBQH Nguyễn Kim Khanh – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh

Thứ Tư 09:04 16-08-2006

Kính thưa các đồng chí.

Tôi xin tham gia một số ý kiến về Luật dạy nghề như sau. Không riêng gì tôi mà dư luận chung của các đại biểu thấy việc sửa và chỉnh Luật dạy nghề của Ban soạn thảo rất tốt, các đồng chí Thường vụ thông qua có thể nói là rất chu đáo, cơ bản là yên tâm, tôi cho như thế rất tốt, có thể trình Quốc hội được. Trong này điều ấn tượng nhất là những chính sách, tôi thấy những chính sách rất cụ thể đối với con em đồng bào dân tộc vùng thiểu số, vùng sâu, vùng xa, chiến sỹ hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an được tham gia, được đào tạo nghề với chính sách rất cụ thể, tôi thấy như thế rất tốt. Chúng tôi rất hoan nghênh việc tiếp thu này. Để luật tốt hơn một chút, tức là nó kỹ hơn một chút nữa để đưa ra kỳ họp sắp tới tôi xin phát biểu thêm mấy vấn đề.

Thứ nhất, bàn về tên là cái gì, tôi thấy tên là Luật Dạy nghề đúng rồi, chính xác nó khác hẳn với đào tạo nghề nói chung. Đào tạo ở bậc đại học, bậc cao đẳng do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý nó mang tính chất hàn lâm thì với cái này tôi thấy tên nó hợp lý. Tuy nhiên khi giải thích việc này đề nghị Ban soạn thảo cũng như các đồng chí cân nhắc thêm việc giải thích. Ý tôi muốn nói để làm thế nào đưa giải thích này ra trình trước phiên họp thì các đại biểu người ta không có ý kiến gì nhiều, nếu không dễ gây tranh cãi. Ví dụ: Ngay trong trang 1 đầu tiên, Luật Dạy nghề đúng rồi, nhưng cách giải thích tôi nghe có gì đó không được bình thường lắm, ví dụ: "Mặt khác thuật ngữ dạy nghề là cụm từ viết gọn của cụm từ giáo dục kỹ thuật và dạy nghề", có phải thế không ạ? không biết tìm cái này đâu ra, quả thực tôi không tìm thấy mà từ xưa đến giờ thì có hán nôm cái này cũng không phải, các đồng chí xem lại xem có phải thế không? Chỗ này nếu không cần thiết thì bỏ đi, nếu không lại tranh cãi ở Hội trường. Có phải hai từ dạy nghề bao gồm từ mệnh đề này ra không? Đề nghị các đồng chí xem lại.

Thứ hai, cũng ở trang này các đồng chí lý giải trong quá trình chuẩn bị xây dựng chương trình luật 2006 thì Chính phủ đề nghị đưa luật này vào Chương trình pháp luật lấy tên là Luật Dạy nghề, cũng không nên ghi như thế. Bởi vì có thể lúc trình là trình thế này nhưng qúa trình làm có thể nó nảy sinh, người ta có thể thay đổi tên chứ không nhất thiết phải như thế này, thế thì tại sao ghi Chính phủ đã trình thế, Quốc hội bảo thế, bây giờ cứ để như thế thì cũng không phải, đề nghị các đồng chí xem lại chỗ này cho nó hợp lý hơn một chút. Ý tôi muốn nói để làm sao cho nó khỏi tranh cãi thôi, chứ không đưa ra dễ tranh cãi lắm.

Thứ ba, trong trang 5, khi mà lý giải về loại ý kiến thứ hai đề nghị thống nhất quản lý Nhà nước về dạy nghề thuộc ai? Từ xưa đến giờ dạy nghề này lúc thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, lúc thì Bộ Lao động thương binh và xã hội quản lý. Nhưng Bộ Lao động Thương binh và xã hội quản lý lâu nhất là 23 năm, còn các Bộ khác người ta cũng quản lý nhưng nó ngắn hơn thì phải đúng rồi, chính xác ở đây. Nhưng lại lý giải rằng Điều 16 của Luật Tổ chức Chính phủ quy định những và quyền hạn trong việc này, tức là thế này, tôi nghĩ cũng không nên đưa cái này ra, vì thế muốn nói với đại biểu rằng cái này của Chính phủ chứ không phải của các ông, các bà, người ta sẽ hiểu như thế, như thế này rất là bất lợi. Cho nên tôi đề nghị không nên lý giải theo cách như thế trước kỳ họp, tôi cho như thế sẽ không lợi lắm nhiều tranh cãi nó không cần thiết, đấy là vấn đề thứ ba.

Vấn đề đó nó có liên quan đến trang sau, ở trang 6, phần đó có khổ ghi là căn cứ công tác quản lý Chính phủ đã dự thảo và trình Quốc hội Luật Dạy nghề, đề nghị các anh, các chị xem lại hai chỗ này, viết làm sao cho thuyết phục hơn để đỡ gây tranh cãi.

Ý thứ tư, giải thích cao đẳng và cao đẳng nghề, ở trang 6, khổ cuối cùng giải thích cao đẳng và cao đẳng nghề, đề nghị cũng xem lại câu cuối cùng của cái đó là cao đẳng nghề đào tạo người lao động trực tiếp sản xuất thiên về khả năng thực hành, chuyên sâu về một nghề cụ thể, có kiến thức, kỹ năng và trình độ cao đẳng, đối với những nghề đòi hỏi áp dụng công nghệ cao, đây là giải thích cao đẳng nghề, còn các cao đẳng khác thì sao. Rõ ràng đây cũng là cao đẳng, còn cao đẳng khác thì sao. Chỗ này cũng phải xem lại cho thuyết phục hơn, giải thích thế này cũng chưa thuyết phục lắm. Đúng là như thế này nhưng giải thích thế này là chưa thuyết phục. Đề nghị các anh, các chị xem lại chỗ đó một chút.

Tiếp theo, giải thích khái niệm môđun, cái này tôi cũng đề nghị xem lại người ta nói đúng, có khi nên bỏ đi, môđun này trong vật lý nói rằng tích hợp tất cả các điều kiện cụ thể trong một công việc cụ thể, môđun điện tử, môđun phục vụ cho nghiên cứu khoa học trên vũ trụ.v.v...Tôi đề nghị nên bỏ, nếu để thế này thì có tranh cãi, các anh, các chị giải thích đầu trang 7 là thuật ngữ môđun là thuật ngữ được sử dụng rộng rãi trên thế giới, thuật ngữ này đã được sử dụng ở Việt Nam từ những năm 60 của thế kỷ 20, đã trở thành quen thuộc đối với tất cả cán bộ, giáo viên, học viên trong lĩnh vực dạy nghề. Tôi e rằng điều này ghi hơi chủ quan, có thể giáo viên thì các anh các chị rành từ môđun, chứ làm sao lại bảo tất cả các học viên mà lại rành khái niệm môđun thì Quốc hội còn nói làm gì, mà lại trong thập kỷ 60. Chỗ này đề nghị các anh cũng xem lại, việc giải thích này nghe có khó khăn.

Và việc giải thích cụ thể trong Điều 5 ghi là "modul là một đơn vị tập hợp và tích hợp giữa kiến thức chuyên môn kỹ thuật thực hành và thái độ nghề nghiệp một cách hoàn chỉnh, nhằm giúp cho người học nghề có năng lực thực hành trọn vẹn một công việc của một nghề". Nếu ghi như thế này có thể hiểu rằng trong một nghề có vài chục môđun có phải thể không? Tôi thấy khi đào tạo ở bậc đại học thì người ta đào tạo học trình, học phần, những kiến thức ấy người ta gọi là một học trình, một học phần, gọi là một môn hay một bộ môn, người ta quy định như vậy mà không cần dùng từ môđun. Đây tôi thấy có từ "modul", nên tôi đề nghị xem lại chỗ này,s nếu không sẽ có khó khăn về cách giải thích, đây thuộc kỹ thuật thôi.

Phần cuối, Chương IX mới là chương đánh giá cấp chứng chỉ, ở đây thấy đánh máy đánh thành Chương X thì phải xem lại để sửa, nếu không khi đưa ra đại biểu sẽ thắc mắc.

Tiếp theo một chút ở trang 23 về đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, đây là một chương mới được thêm vào. Về cơ bản đọc thì thấy cũng còn đơn giản lắm, trong này tôi quan tâm đến một việc là đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia. Khi đại biểu Quốc hội có ý kiến việc này thì ý người ta muốn nói là có những trường hợp người ta chẳng được đào tạo ở đâu cả, nhưng quá trình làm việc thì càng ngày tay nghề càng nâng lên và người ta đảm nhiệm được những công việc rất khó, mà ít người làm được thì không ai công nhận cho người ta. Ý đại biểu muốn nói cấp là cấp chứng chỉ cho đối tượng như thế này, đề nghị các anh các chị nghiên cứu thêm một chút.

Tôi nghĩ trong này nên có một điều gì đó quy định rõ ràng, tôi thấy có nhiều ông nghệ nhân chẳng được đào tạo gì đâu, nhưng làm siêu và có những người trở thành nhất nhì quốc gia này đang đứng đầu ngành của quốc gia này về tay nghề. Ví dụ có những người nấu ăn chẳng hạn, rất giỏi nhưng có được đào tạo gì đâu. Ý muốn nói là cấp chứng chỉ là cấp chứng chỉ cho những người như thế, mà người ta đang làm việc có biện pháp để cấp chứng chỉ nghề cho người ta. Trong này chỉ cần nêu một điều thôi đó là tôn vinh nghệ nhân mà trong Luật thi đua khen thưởng ta cũng nói đến nghệ nhân rồi, vì vậy tôn vinh nghệ nhân là chỗ này đây, đề nghị nghiên cứu có một điều nào đấy quy định về nghệ nhân để cho xứng đáng ở tầm cỡ quốc gia.

Tôi đề nghị trong chương này cũng nên bỏ từ "quốc gia" đi, cấp chứng chỉ thôi, bởi vì đây còn phải quốc tế nữa, chứ không phải quốc gia không. Quốc gia tôi nghe còn thấy hơi bó, tôi xin đề nghị mấy vấn đề như vậy

Các văn bản liên quan