Trích ý kiến của ĐBQH Trần Đình Long – Tỉnh Đăk Nông

Thứ Tư 09:08 16-08-2006

Kính thưa các đồng chí, trước hết tôi thấy dự thảo Luật dạy nghề đã có sự chuẩn bị và tiếp thu khá tốt, về cơ bản tôi thấy là phù hợp. Tôi xin tham gia mấy ý sau:
Trước hết xuất phát từ yêu cầu dạy nghề, tình hình dạy nghề và học nghề đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước hiện nay phải nói hết sức là cần thiết, làm thế nào để thông qua luật này. Vấn đề dạy nghề và học nghề nó trở thành phổ cập, phổ biến khắp các địa phương, các vùng miền, tạo ra cho được lực lượng mới, có trình độ kỹ thuật cao. Xuất phát từ suy nghĩ đó, tôi đề nghị mấy điểm. Trước hết nói về chính sách dạy nghề, học nghề. Như chúng ta đã xác định cần thiết, ở đây chúng tôi thấy một số điều như Điều 7, Điều 53 và một số các điều khác. Tôi cho rằng chính sách này cũng quá chung chung. Điều 7 rất chung, Điều 53 có cụ thể cũng chưa được, tôi đề nghị cần phải có quy định cụ thể. Ví dụ, Nhà nước hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở vật chất và dạy nghề, việc đó chúng ta có dám quy định không? Theo tôi nghĩ rất cần.
Thứ hai, Nhà nước hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề, kể cả các trường đại học tổ chức dạy nghề, được hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở vật chất hay vốn cho vay ưu đãi, hoặc được trừ vào các khoản chi phí cho dạy nghề để đào tạo nghề, tuyển dụng vào làm công nhân. Các khoản chi phí này được trừ vào khoản thu nhập chịu thuế. Tôi nghĩ có như vậy thì nó cụ thể hơn một chút, hay các sản phẩm doanh thu được từ quá trình đào tạo nghề này được miễn một số thuế nào đấy, cũng như sản phẩm do thực hành tạo ra liên doanh, liên kết với các cơ sở sản xuất. Các cơ sở sản xuất và các cơ sở dạy nghề thì các sản phẩm đó được tính, tôi nghĩ cần phải có những chính sách cụ thể và có chính sách đối với các địa phương, vùng miền, đối với các thành phần như dân tộc, đối với các trường hợp tàn tật v.v.... thì chúng ta đã có quy định ở đây, nhưng theo tôi nghĩ đối với học viên là người tàn tật, hay đối với học viên là dân tộc ít người, có trình độ văn hoá thấp, cái đó chúng ta cũng phải cần cụ thể hơn một chút. Chẳng hạn đối với dân tộc thiểu số thì văn hoá lớp năm, có thể đưa đi đào tạo nghề được rồi, chế độ chính sách như thế nào, tôi cho rằng đối với đồng bào dân tộc, thanh niên có trình độ văn hoá lớp 4, lớp 5 có thể đi đào tạo nghề, trong quá trình học được nghề và học được thêm chữ, tôi cho đấy là vấn đề xoá đói, giảm nghèo một cách căn bản, nhất là vùng miền núi. Tôi đề nghị chính sách đặc thù quy định cụ thể hơn một chút.
Xuất phát từ chính sách chung về việc dạy nghề, riêng về vấn đề tuyển sinh, tôi đề nghị ở đây dứt khoát chỉ cần hai hình thức thôi.
Một là đăng ký.
Hai là xét tuyển.
Tôi nghĩ rằng có hai hình thức cho dứt khoát, chúng ta phải mở rộng đầu vào, nhưng phải chặt chẽ và phải nâng cao chất lượng đầu ra, dứt khoát ra trường là phải đạt được yêu cầu biết tự làm, tự lập, tự tìm kiếm được việc làm và tự tạo ra việc làm. Đầu ra chúng ta phải kiên quyết, đầu ra có thể quy định kỹ hơn đối với những học viên không đạt được những chứng chỉ cần thiết thì phải học lại, thời gian học lại có thể kéo dài thêm 1/3, thậm chí 1/2 thời gian nữa để tôn trọng đầu ra. Do đó tôi nghĩ đầu vào mở rộng cửa cho tất cả các trình độ học sinh phổ thông cơ sở hoặc tốt nghiệp trung học được vào nhưng ra thì phải chặt chẽ và các chứng chỉ nghề dứt khoát phải được bảo đảm, ra là phải làm được việc. Về tuyển sinh tôi đề nghị quy định như vậy.
Thứ ba, về vấn đề đào tạo liên thông. Điều 8 quy định đào tạo liên thông nhưng chưa cụ thể, chúng ta phải phân loại ra. Đào tạo liên thông đối với những trường mà có đăng ký dạy nghề nhiều cấp, ví dụ như cao đẳng thì có dạy trung cấp, trung cấp cùng ngành nghề trong cùng một trường liên thông; rồi đại học có đăng ký dạy cao đẳng và trong cùng một trường đối với một ngành liên thông như thế nào và khác trường, từ trường cao đẳng đến trường đại học cùng ngành liên thông như thế nào? Chúng tôi đề nghị ở đây quy định những nguyên tắc cơ bản, nếu quy định cụ thể ở Điều 8, tôi cho rằng việc liên thông này đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của việc nâng cao về trình độ của người lao động. Thứ tư, về vấn đề quản lý Nhà nước, đã làm thế nào đó để đào tạo được lực lượng lao động có trình độ tay nghề kỹ thuật có tính chất là phổ thông, trước hết là phải trung cấp nghề, đa dạng ngành nghề ở từng cấp, tôi đề nghị quản lý Nhà nước này cũng phải giao, đã gọi là phổ thông thì cũng giống như giáo dục phổ thông, đào tạo nghề phổ thông thì nên giao cho cấp tỉnh như thế nào để có quyền lựa chọn tổ chức và đào tạo cho được nghề phổ thông. Đối với cao đẳng và đại học thì Bộ Lao động thương binh và xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp như thế nào, nhưng mà chủ quản đối với vấn đề đào tạo nghề này thì nên xác định rõ đó là Bộ Lao động thương binh và xã hội. Tôi đề nghị nên có phân cấp về quản lý Nhà nước về việc tổ chức quản lý các trường dạy nghề, từ đó để xác định được nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho đến các hoạt động quản lý khác và hỗ trợ khác của Nhà nước đối với dạy nghề. Cho nên vấn đề quản lý Nhà nước, tôi đề nghị phân cấp xác định theo từng cấp học về trình độ đào tạo, giai đoạn của từng địa phương. Có như vậy thì việc dạy nghề này mới sớm thành hiện thực.

Các văn bản liên quan