Trích ý kiến ĐBQH Ngô Sỹ Hưởng – Tỉnh Thái Nguyên

Thứ Ba 13:38 15-08-2006

Có thể nói là phạm vi sửa đổi Chương XIV này đã tham gia nhiều lần, lần này tôi thấy Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã tiếp thu và có trách nhiệm để đưa ra Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để tham khảo thêm. Theo tôi, phạm vi sửa đổi, bổ sung tôi nhất trí, bởi vì tôi trong Ủy ban về Các vấn đề xã hội, nếu nói như các đồng chí thì đúng là sửa phải sửa toàn diện, nhưng đây ta làm cái này nó trước mắt, nó phục vụ cho nhiệm vụ chính trị trong tình hình hiện nay, nhất là vấn đề trong cơ chế thị trường. Nhưng tôi cho rằng cực chẳng đã mới có giải pháp đình công này, trước đây thời kỳ bao cấp làm gì có đình công, nhưng sau khi chúng ta vào cơ chế thị trường và đặc biệt đầu tư nước ngoài và thành lập các doanh nghiệp. Tôi theo dõi trước đây rất ít các cuộc đình công, có nhưng ít, nhưng vừa qua thì lớn quá, thậm chí có đến hơn 1.000 cuộc đình công. Nói như thế tức là nếu lý luận như các đồng chí thảo luận vừa rồi thì những cuộc đình công này là bất hợp pháp. Nhưng bản chất là vi phạm quyền và lợi ích của quyền lao động thì người lao động mới đình công.
Về mặt lý luận là bất hợp pháp, nhưng về bản chất mà nói thì đây là người sử dụng lao động vi phạm quyền và lợi ích của người lao động thì người ta phải đình công. Từ chỗ một người cho đến tập thể lao động đình công, chỗ này tôi thấy cũng cần suy nghĩ.
Vấn đề thứ hai là quyền và lợi ích thì luôn gắn liền với nhau, quyền của tập thể người lao động gắn với lợi ích, cho nên sự phân biệt chỗ này cũng tương đối, chứ nếu rạch ròi ra cũng được, nhưng cũng có những cái trừu tượng nhưng theo tôi quyền gắn liền với lợi ích của người lao động. Tôi nhất trí dự án do Chính phủ trình tập trung vào Chương XIV chỉ liên quan đến những vấn đề đình công và giải quyết đình công còn các vấn đề khác sau này chúng ta tổng kết thì sẽ sửa.
Tôi xin đề nghị vấn đề thứ hai quan trọng là thẩm quyền lãnh đạo đình công. Tôi hoàn toàn nhất trí là những nơi chưa có tổ chức Công đoàn thì tập thể người lao động nên cử người đại diện và người đại diện đó phải thông báo với công đoàn cấp huyện, quận, thành thị ở nơi mà doanh nghiệp đó hoạt động.
Nhưng ở đây tôi thấy vấn đề rất băn khoăn thế này, nếu như mà ông Chủ tịch công đoàn ở doanh nghiệp đó là chuyên trách, mà chuyên trách nó điều chỉnh theo Pháp lệnh cán bộ công chức. Hơn nữa ông đó lại Đảng viên, bây giờ bảo lãnh đạo đình công thì vi phạm 19 điều của Đảng viên. Rõ ràng ông Chủ tịch ấy là Đảng viên, hai nội dung nó điều chỉnh, một là 19 điều cấm Đảng viên không được làm. Hai là Pháp lệnh công chức. Chỗ này suy nghĩ như thế nào? Nếu như tôi là Đảng viên, tôi ở doanh nghiệp đó, tôi là chủ tịch công đoàn. Trong luật này chưa đặt vấn đề tới chỗ đó. Bây giờ nếu tôi là Đảng viên, tôi lãnh đạo đình công thì gay rồi, chắc là các bác không cho em làm Đảng viên nữa rồi. Nhưng nếu xử lý về cán bộ công chức, nếu tôi không là Đảng viên thì là cán bộ công chức cũng không được, vì vi phạm pháp luật. Cho nên chỗ đó tôi hơi băn khoăn, còn nhất quán lãnh đạo phải là công đoàn rồi, ngoài công đoàn ở doanh nghiệp đó tôi thấy không thể có tổ chức nào lãnh đạo được, nhưng nó vướng chỗ đó các đồng chí ạ.
Vấn đề thứ hai, về trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước trong quá trình giải quyết đình công. Tôi cho là trách nhiệm của cơ quan Nhà nước phải là Chính phủ, đối với tỉnh là Uỷ ban Nhân dân tỉnh, ví dụ như tỉnh này là cơ quan lao động được, vì cơ quan lao động thực hiện chức năng của Nhà nước thôi. Cho nên, chỗ này đặt vấn đề cho nó rõ, là phải Uỷ ban Nhân dân cấp tỉnh, vấn đề về trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước. Trên này cũng thế, Chính phủ đây, còn Bộ Lao động thương binh và Xã hội hay là Sở Lao động là giúp việc về nhánh quản lý Nhà nước, nhưng Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh vẫn là người chịu trách nhiệm chính. Cho nên, tôi thấy rằng chỗ này cũng cần phải nêu rõ.
Vấn đề thứ tư, một số điều cụ thể, Điều 173, tôi cũng nhất trí là phương án 1, những cuộc đình công bất hợp pháp là có Ban chấp hành cơ sở, công đoàn lâm thời, người đại diện, cái đó nhất trí với phương án 1.
Điều 174a, theo tôi nếu lấy ý kiến 500 thì đông quá, khó. Cho nên, tôi nhất trí phương án là đối với doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp có dưới 500 thì tôi đề nghị là 300. Đối với doanh nghiệp 300 trở lên, lấy ý kiến đại diện thì nó hợp lý hơn, bởi vì các doanh nghiệp làm ca kíp, bây giờ một ông Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch công đoàn mà đi lấy được ý kiến này tôi thấy cũng rất khó khăn, không đơn giản đâu, phải có thời gian, nếu không họp được anh em lại, thì phải có thời gian, các đồng chí Công đoàn phải lấy ý kiến thì rất vất vả.
Cho nên, thống nhất ở phương án 2, Ban chấp hành Công đoàn hoặc đại diện lấy ý kiến nhưng lấy ý kiến theo phương án đại diện thành viên Ban chấp hành công đoàn cơ sở, Công đoàn bộ phận và tôi bổ sung thêm: "Tổ trưởng Công đoàn" bỏ chữ "của tổ chức Công đoàn" đi. Tôi đọc lại: "Ban chấp hành Công đoàn hoặc đại diện lao động lấy ý kiến để đình công bằng hình thức bỏ phiếu hoặc ký chữ ký trực tiếp của thành viên Ban chấp hành Công đoàn cơ sở, Công đoàn bộ phận, Tổ trưởng Công đoàn và Tổ trưởng tổ sản xuất"
Điều 174, tôi thấy cũng nhất trí như anh Việt là chọn phương án 2, nếu người lao động tham gia đình công không được trả lương, tôi đình công đúng tại sao không trả lương? Tôi đề nghị chỗ này người ta đã đình công là có vấn đề rồi, cho nên ít ra ông phải chi cho người này 50%, không thể là không hưởng lương được. Tức là người lao động tham gia đình công được trả lương 50% ngày làm việc và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật, không có trừ trường hợp 2 bên thoả thuận khác, làm gì có thoả thuận khác. Tôi đề nghị chỗ đó cho dứt khoát, tức là Khoản 1: Người lao động tham gia đình công được trả 50% ngày công và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật.

Các văn bản liên quan