Trích ý kiến ĐBQH Đặng Thuần Phong – Tỉnh Bến Tre

Thứ Ba 14:12 15-08-2006

Kính thưa các vị đại biểu
Theo quan điểm của tôi, nếu sửa dự án luật này phải đáp ứng được 5 yêu cầu:
Yêu cầu thứ nhất là phải giải quyết cho được thực tế về đình công của nước ta trong thời gian qua.
Yêu cầu thứ hai, phải giải quyết cho được hài hòa lợi ích của người sử dụng lao động và người lao động.
Yêu cầu thứ ba, dù chúng ta đứng ở quan điểm nào thì dự án luật này nếu sửa cũng phải có thái độ bảo vệ người lao động. Tôi nghĩ cái này không thể thoát ra được.
Yêu cầu thứ tư là phải đảm bảo cho được hiệu quả quản lý Nhà nước về lao động và giải quyết đình công.
Yêu cầu thứ năm, phải có được chính sách pháp luật minh bạch về lao động và đình công.
Xuất phát từ quan điểm này, đi vào phạm vi điều chỉnh, tôi thấy hơi tiếc vì đã tới thời điểm này Chính phủ chỉ chỉnh sửa Chương XIV, mặc dù ý kiến nêu rất nhiều, toàn diện, nhưng bây giờ sửa toàn diện là phải tổng kết, phải đánh giá hàng loạt và phải thống nhất trong chỉ đạo gì đó v.v... Chính chỗ này, tới giờ phút này chúng ta bàn chỉ có chương này thôi thì đành phải thống nhất với Chính phủ chuyện đó, nhưng thâm tâm thì tiếc, giá mà chúng ta sửa toàn diện hơn, thì nó đảm bảo được tất cả các yêu cầu kia, nó giúp cho hệ thống pháp luật của chúng ta tốt hơn và giúp cho trên cơ sở luật pháp mà chúng ta điều chỉnh chính sách của Nhà nước nó hiệu quả hơn.
Vấn đề thứ hai, phân biệt giữa khái niệm tranh chấp lao động tập thể về quyền và lợi ích ở Điều 157, đối với vấn đề này thì theo tôi cách viết như Điều 157 mà phương án 1 thì nó rõ hơn, nó đầy đủ, nhưng về quan điểm giải quyết tôi thấy tôi không tán thành với cả hai phương án. Nghĩa là khi người ta có tranh chấp về quyền mà người ta đình công thì cho rằng việc đó là không hợp pháp, nếu có tranh chấp về lợi ích thì còn xem xét, những yêu cầu để xem xét nó có hợp pháp hay không hợp pháp. Từ vấn đề này, từ quan điểm chị Hậu nêu, tôi nghĩ nếu là tranh chấp về quyền, nghĩa là cái mà pháp luật quy định mà người sử dụng lao động không chịu làm là đương nhiên họ đã vi phạm pháp luật rồi. Đúng nghĩa ra việc đình công với nghĩa bảo vệ quyền, đương nhiên nó là hợp pháp rồi, nhưng tại sao ta lại quy định là đình công về quyền thì không phải là đình công, mà là ngưng lao động, hoặc không hợp pháp, tôi cho vấn đề này về quan điểm nên bàn, bởi người lao động người ta đấu tranh để chủ lao động thực hiện đúng pháp luật, đúng lý ra là pháp luật phải bảo vệ người lao động trong tình huống này, hàng loạt bảo hiểm xã hội không mua, hàng loạt lương bổng, về các chế độ khác theo quy định không làm, tôi cho cái đó nếu có tranh chấp về quyền, nếu gọi là đình công thì đình công đương nhiên phải được thừa nhận là hợp pháp.
Về lợi ích, có thể xem xét các tiêu chí.
Vấn đề thứ ba, xung quanh về thẩm quyền lãnh đạo đình công. Ở đây tôi băn khoăn, nhiều ý kiến các anh nêu, tôi băn khoăn nhất vai trò của Công đoàn cơ sở. Bây giờ chúng ta đưa vai trò Công đoàn vào nó như một tiêu chí để đánh giá đình công này hợp pháp hay không hợp pháp, thì nó hơi khó trong thực tiễn Việt Nam. Tại Công đoàn của ta bây giờ nếu tính ra loại hình và phương thức hoạt động phải đa dạng, trong doanh nghiệp Nhà nước, trong cơ quan Nhà nước hồi nào đến giờ ta quen, thì nó khác rồi. Còn trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân thì bao giờ giới chủ cũng không muốn có tổ chức Công đoàn trong này. Vì nếu có tổ chức này thì thường nó mâu thuẫn quyền lợi của anh với giới chủ. Nếu anh bảo vệ cho người lao động thì ít nhiều gì cũng đụng chạm đến quyền lợi của người sử dụng lao động, chính chỗ đó người ta không muốn thành lập Công đoàn.
Bây giờ ta đặt phương án nơi nào không có tổ chức Công đoàn thì nơi đó có người đại diện lao động đứng ra là được, tôi thấy cũng chưa thoả đáng. Tôi cho rằng nếu nơi đó có tổ chức Công đoàn, mà Công đoàn chưa thực sự đại diện cho người lao động thì người ta có thể nhờ người đại diện khác mà không phải là tổ chức Công đoàn. Chúng ta biết Công đoàn ăn lương của ai, vẫn là chủ trả chứ đâu phải là hệ thống dọc gì đâu. Mà Công đoàn, công nhân quý tộc, công nhân cổ cồn người ta học người ta biết hết rồi, không khéo Công đoàn ở đó anh không đại diện cho người lao động, mà anh lại là tai mắt cho giới chủ thì sao? Thì bảo làm sao người ta lại tin tưởng, lại giao toàn bộ quyền của mình, hàng loạt vấn đề của mình cho một đối tượng mà người ta cảm thấy không tin tưởng. Chính chỗ này luật quy định thì tôi nghĩ nên quy định đối với đại diện cho người lao động, người ta chọn ai, người ta chọn Công đoàn hay người ta chọn người khác là quyền của người ta. Còn nếu Công đoàn ta chưa đủ tầm thì ta phải tự xem lại mình để điều chỉnh phương thức hoạt động, không nên lấy Công đoàn làm tiêu chuẩn để đánh giá đình công này là hợp pháp hay không hợp pháp. Quan điểm của tôi là như thế, mong các đồng chí tham khảo.
Còn thủ tục lấy ý kiến tập thể về lao động đối với vấn đề đình công ở Điều 174a, cái này tôi cũng băn khoăn, nếu chúng ta lấy ý kiến bằng cách bỏ phiếu hoặc lấy chữ ký đối với 500 người mà lấy hết như đồng chí nêu thì không khả thi. Tại vì mới chỉ rục rịch lấy ý kiến thôi là anh cũng đã vi phạm giờ giấc trong ca, trong xưởng rồi, mà giới chủ chỉ cần biết cái đó nó không đánh giá anh vì chuyện gì khác, nhưng nó lợi dụng chuyện anh không tuân thủ theo những quy định về lao động là nó có thể đuổi việc. Dù chúng ta có cơ chế bảo vệ cỡ nào chăng nữa nó cũng có đủ trăm phương nghìn kế để nó tính việc này như vậy thì đình công sẽ khó thành. Tôi thấy phương án 2 thu hẹp phạm vi lấy ý kiến và bỏ phiếu hơn nghĩa là đối với Ban chấp hành Công đoàn, tổ trưởng Công đoàn hoặc tổ trưởng sản xuất, nếu chúng ta lấy ý kiến số đó mà trên 50% số được lấy ý kiến đồng ý thì ta tổ chức đình công được, tôi thấy phương án này còn khả thi hơn.
Riêng về cách lấy ý kiến bằng phiếu hoặc bằng chữ ký cũng rất khó, chúng ta thấy thực tế mà nói bắt người ta ký hàng loạt chuyện người ta cũng sợ trách nhiệm, quyền hạn sau này như thế nào. Hoặc thời gian qua nếu Công đoàn thật sự hoạt động hoặc đại diện người lao động có những vấn đề gì mâu thuẫn về mặt lợi ích với giới chủ thì thường người ta làm âm thầm, bí mật, nặc dù có thể thông báo trước 1 ngày thì chuyện đó người ta làm được, nhưng lấy chữ ký và bỏ phiếu tôi nghĩ phương thức đó cũng hơi cứng, nên nghiên cứu cách nào cho phù hợp để bảo vệ cho được lợi ích của người lao động.
Về trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước trong việc giải quyết đình công, vấn đề này tôi tán thành phương án 2. Nói gì thì nói chứ chính quyền địa phương, cơ quan quản lý Nhà nước và Liên đoàn lao động không thể đứng ngoài cuộc đối với vấn đề đình công và giải quyết đình công này. Mặc dù chúng ta cho là can thiệp sâu hay hàng loạt chuyện, trong thời gian qua hệ thống quản lý của ta như thế cũng là can thiệp sâu mà có giải quyết được gì đâu. Tôi nghĩ đây là do cơ chế của chúng ta chưa thỏa đáng phải tính chứ không phải can thiệp sâu hay không sâu. Tại vì quản lý ở địa phương là anh phải nắm cái đó, mà quan điểm là nếu chúng ta bảo vệ người lao động, đây là đông đảo con em của chúng ta và lại đứng trên quan điểm gia cấp nữa thì không lý do gì chính quyền địa phương đứng ngoài cuộc vấn đề này, cho nên tôi tán thành phương án 2.
Đối với bồi thường thiệt hại trong đình công, tôi cũng tán thành phương án 2. Nghĩa là phương án 2 này thực sự bảo vệ người lao động ở Điều 174đ. Còn bồi thường thiệt hại hay nếu tính ra gọi là đình công bất hợp pháp và bồi thường thiệt hại thì con em lao động của chúng ta gom hết tiền lương thời gian qua, lãnh bồi thường cũng không đủ cho các cuộc đình công vừa rồi. Chính chỗ này tôi thiết nghĩ và đồng ý phương án 2 trên cơ sở thấy rõ quan điểm là bảo vệ người lao động ở phương án này.
Về thủ tục và về giải quyết tại Tòa án, theo quan điểm của tôi khi có khởi kiện thì Tòa án mới thụ lý và đã thụ lý rồi thì giải quyết luôn cả hình thức và nội dung. Cũng phải tuân theo quy trình tố tụng. Ở đây đi vào một số điều cụ thể tôi xin phép tôi nêu và dẫn tới vấn đề đó.
Ở Điều 164 Hội đồng trọng tài lao động cấp tỉnh do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập, nhưng ở Khoản 6 lại là cơ quan quản lý Nhà nước về lao động cấp tỉnh mà chúng ta lại dấu đi anh Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh làm gì, tôi thiết nghĩ ở trên ở Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh thành lập thì dưới này Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh đảm bảo điều kiện cần thiết cho việc thành lập ở Điều 164. Riêng Điều 165 và Điều 168, xung quanh về cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tranh chấp cá nhân, trong đây gồm có Hội đồng hòa giải lao động cơ sở hoặc hòa giải viên lao động cấp huyện. Ở đây tôi thấy hòa giải viên lao động cấp huyện nó là cá nhân chứ không phải là cơ quan, tổ chức. Cho nên, vấn đề này quy định cho hợp lý. Điều 163 trên nêu hòa giải viên do cơ quan lao động cấp huyện cử để tiến hành hòa giải theo các quy định của Điều 157, nếu chúng ta quy định cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chỉ quy định cơ quan nào, tổ chức nào, còn lại vừa cơ quan, vừa tổ chức, vừa cá nhân trong này luôn thì nó không thống nhất, nó không nhất quán.
Điều 165, Điều 168 như thế mong rằng các đồng chí tham khảo.
Đối với Điều 179 xung quanh về Tòa án, ở đây chúng ta thấy thông thường Tòa án nếu không đồng ý thì phải có kháng cáo hoặc kháng nghị, nhưng Khoản 1, Điều 179 trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án công bố quyết định về việc giải quyết cuộc đình công, hai bên có quyền gửi đơn khiếu nại lên Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao để giải quyết.
Từ lý do này, tôi thấy là không minh bạch giữa quy trình giải quyết vấn đề này. Nếu đã ra Tòa án phải là khởi kiện, phải là kháng cáo và cũng không có lý do gì tới Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao quyết định, còn phải có cả thủ tục giám đốc thẩm tái thẩm thì mới đúng quy trình. Còn chúng ta nhầm lẫn trong này đưa cả khiếu nại mà Tòa án giải quyết thì nó không đúng, giải quyết khiếu nại là của Tòa án hành chính theo Luật Khiếu nại, tố cáo, còn chúng ta theo tố tụng này thì nó phải rõ ràng, minh bạch. Tôi đề nghị hàng loạt các vấn đề tôi đọc, tôi thấy đều dùng chữ "khiếu nại" mà Tòa án thụ lý hết, vấn đề đó tôi cho về mặt tố tụng là chưa rõ và chưa thỏa đáng. Theo tôi, nếu nó đã ra tới Tòa án thì cả hình thức và nội dung Tòa án phải xử lý hết và phải đi theo quy trình tố tụng của lĩnh vực tư pháp, chứ không riêng gì đến Tòa án phúc thẩm

Các văn bản liên quan