Trích ý kiến của ĐBQH Trần Việt Hùng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT

Thứ Năm 14:19 31-08-2006

Kính thưa đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội.
Tôi xin phát biểu một số điểm về Dự án Luật Cư trú,
Thứ nhất tôi muốn phát biểu về Điều 4, quyền tự do cư trú của công dân. Tôi cũng nhất trí với đại biểu Đoàn Minh Vượng, lớn nhất của Dự án luật này là cái được chính là vấn đề quyền tự do cư trú. Tuy nhiên quyền tự do cư trú ở Điều 4 của công dân mà quy định như thế này tôi thấy khoản đầu tiên là công dân có quyền tự do cư trú theo quy định của pháp luật, như thế là đủ, còn đoạn sau là thừa và thêm vào đó Điều 12, các trường hợp bị hạn chế quyền tự do cư trú. Vì vậy nên chăng ta gộp Điều 4 và Điều 12 cho thành hai khoản, Khoản 1 là mọi công dân đều có quyền tự do cư trú, nhưng Khoản 2 là quyền tự do cư trú bị hạn chế trong những trường hợp sau. Như vậy sẽ phù hợp hơn.
Thứ hai, tôi cũng nhất trí với nhiều đại biểu phát biểu trước tôi về đăng ký thường trú và đăng ký tạm trú, vấn đề không phải là sổ hộ khẩu, vấn đề là chúng ta giải quyết giữa thường trú và tạm trú nó tạo nên một cái không bình đẳng, quyền bình đẳng chính là một trong những quyền đầu tiên của các quyền cơ bản của công dân đã được thể hiện trong Hiến pháp, cũng như trong Tuyên ngôn độc lập.
Nhưng khi đi vào đăng ký, nếu đăng ký thường trú, có sổ hộ khẩu thì nó khác với đăng ký tạm trú, giữa thường trú và tạm trú thì hai khái niệm trong này lại không rõ ràng. Ở trong Điều 3 giải thích thường trú là nơi công dân sinh sống thường xuyên, ổn định, không có thời hạn tại một chỗ ở nhất định, đã đăng ký thường trú, thực ra việc đã đăng ký thường trú là ý muốn chủ quan của chúng ta đặt ra. Chính nơi thường trú là nơi công dân sinh sống ổn định, không có thời hạn tại một chỗ ở nhất định, nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống ngoài đăng ký thường trú, đây là những cái chúng ta quy định nó là như thế, nhưng thực tế ra như vậy, đăng ký thường trú này nó lại gắn với điều kiện mà tôi cho điều kiện này không phải là điều kiện tiên quyết cần phải làm như vậy, tức là chỗ ở hợp pháp, chỗ ở hợp pháp lại không có điều nào nói quy định chỗ ở hợp pháp là như thế nào, nhưng ở trong Điều 21, ngay Khoản 1 là đều phải có chỗ ở hợp pháp. Điều 22 cũng phải chứng minh chỗ ở hợp pháp, vậy thế nào là chỗ ở hợp pháp, đây là vấn đề rất là khó.
Ở đây, Điều 20 và Điều 21 cũng không khác nhau gì cả, Điều 20 cũng là chỗ ở hợp pháp và chỗ cho thuê, cho mượn thì phải được người cho thuê, cho mượn cho ở nhờ, đồng ý bằng văn bản, Điều 21 cũng như vậy. Cho nên giữa tỉnh thành và thành phố không có gì khác nhau còn Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 tôi nghĩ ở tỉnh cũng vậy và ở thành phố cũng phải có điều kiện này. Khoản 2 là những người có sổ hộ khẩu đồng ý nhập vào sổ hộ khẩu của mình thuộc các trường hợp sau đây. Tôi nghĩ ở tỉnh trường hợp này cũng phải cho đăng ký, nhưng cuối cùng vẫn phải có chỗ ở hợp pháp nếu thuê, mượn ở nhờ thì phải cho người thuê, cho mượn, ở nhờ đồng ý bằng văn bản. Cho nên, tôi nghĩ Điều 20, Điều 21 cũng không cần phân biệt ra làm 2.
Điều 24, tôi nhất trí ở phương án 1 trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày người đã đăng ký thường trú đã thay đổi và chuyển chỗ ở. Tôi đề nghị chỗ ở mới hợp pháp, nếu chỗ ở hợp pháp mới có trách nhiệm làm thủ tục, thì có thể hiểu lầm thành 2 nghĩa. Một là chỗ ở hợp pháp mới, nhưng cũng có thể bị hiểu lầm là chỗ ở hợp pháp mới có trách nhiệm, tức là sau 24 tháng ở chỗ ở hợp pháp thì mới trách nhiệm. Cho nên, tôi đề nghị thay đấy là chỗ ở mới hợp pháp, như thế nó rõ vấn đề và đây đăng ký hộ khẩu tôi thấy nếu chúng ta gắn với vấn đề tức là phải có chỗ ở hợp pháp mà chỗ ở hợp pháp lại gắn với sổ đỏ thì nó sẽ có một cái tức là ở một nơi, nhưng sổ hộ khẩu một nơi và chính điều này nó gây ra một điều là quản lý không chặt, có nghĩa có người phải đi bầu hai nơi mà có người chẳng đi bầu đâu cả.
Thứ hai, tôi nghĩ rằng ta quản lý cư trú để làm gì, tôi nghĩ vấn đề chính là chỗ làm việc tức là điều kiện đầu tiên là người ta có chỗ làm việc ổn định lâu dài không, tôi nghĩ hợp đồng đăng ký làm việc lâu dài đấy mới là vấn đề quan trọng chứ không phải đăng ký chỗ ở. Chính vì vậy tại sao có 380 dịch vụ ăn theo, bởi vì rõ ràng những hộ họ được hộ khẩu ít hơn rất nhiều so với những hộ tạm trú dài hạn. Vì vậy những vấn đề gì muốn hạn chế thì người ta bám vào sổ hộ khẩu, ví dụ như để con em tới các trường trong quận ít, thì người ta cũng bám vào phải có sổ hộ khẩu mới cho, nếu trái tuyến thì tiền rất nhiều, hay mua ô tô, xe máy khi cần hạn chế cũng cần, hay bán nhà cũng phải có sổ hộ khẩu, nếu đã có sổ hộ khẩu rồi thì người ta cũng chẳng cần bán nhà.
Khi muốn hạn chế, người ta bám vào sổ hộ khẩu vì sổ hộ khẩu quá ít so với thực tế, nên không đảm bảo được quản lý về cư trú của những người sinh sống trong một địa phương mà cái chính nó lại tạo ra dịch vụ bám vào vấn đề này để giải quyết một số hạn chế về số lượng khi không cần thiết. Đến khi bán nhà thấy nó ấm ớ lại không cần sổ hộ khẩu nữa, tôi nghĩ đấy là vấn đề cần đặt ra. Tôi rất đồng ý với đồng chí Phan Anh Minh tức là ở đây chúng ta dùng sổ hộ khẩu quản lý cũng được, nhưng không nên để có 2 hình thức thường trú và tạm trú, bởi vì 2 hình thức này về cái gọi là thường xuyên sống, không có gì khác nhau cả và khi bỏ cái này tức là chúng ta tạo ra sự bình đẳng của tất cả những người cư dân ở trên địa phương thì tôi thấy quản lý nó sẽ tốt hơn.

Các văn bản liên quan