Trích ý kiến của ĐBQH Trần Việt Hùng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN và MT

Thứ Ba 09:07 05-09-2006

Kính thưa Hội nghị,

Tôi xin đóng góp một số ý kiến về Dự thảo Luật về Hội:

Trước hết, tôi thấy dự thảo luật lần này đã tiến bộ hơn và tốt hơn rất nhiều so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp lần thứ 9, vì vậy ở đây tôi chỉ xin đóng góp một số ý kiến cụ thể:

Trước hết, về Điều 3 là phạm vi điều chỉnh của đối tượng áp dụng, nếu theo 3 phương án thì tôi nhất trí với phương án 1, nhưng ngay tại phương án 1 tôi cũng đề nghị tách phạm vi điều chỉnh thành 1 điều và đối tượng áp dụng thành 1 điều như các luật khác. Chúng ta để như thế này thì cuối cùng phạm vi điều chỉnh cũng không đầy đủ, mà đối tượng áp dụng cũng không đầy đủ. Ví dụ trong phạm vi điều chỉnh chỉ có phần 1, mà phần 1 nói: "Luật này quy định về tổ chức hoạt động của hội và quản lý Nhà nước hội có tư cách pháp nhân" Nhưng còn vấn đề là quyền và nghĩa vụ của hội và của các tổ chức, cá nhân tham gia hội như thế nào, quyền và trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước đối với hoạt động của hội không được quy định vào trong phạm vi điều chỉnh của luật này.

Thứ hai, về đối tượng áp dụng chưa rõ, ở đây ta Khoản 2: "Hội không có tư cách pháp nhân hoạt động theo quy định của Chính phủ" Theo tôi nghĩ khi chúng ta quy định hội không có tư cách pháp nhân hoạt động theo quy định của Chính phủ thì không có nghĩa rằng luật này không quy định, bởi vì quy định của Chính phủ cũng là văn bản dưới luật, hướng dẫn cho nên nó vẫn thuộc phạm trù là trong quy định của luật này.

Khoản 3 Hiệp hội doanh nghiệp của nước ngoài thành lập hoạt động tại Việt Nam theo quy định của Chính phủ. Tôi đề nghị xem lại về câu chữ xem là Hiệp hội doanh nghiệp của nước ngoài thành lập hoạt động tại Việt Nam hay là Hiệp hội của doanh nghiệp nước ngoài thành lập hoạt động tại Việt Nam hay Hiệp hội của doanh nghiệp có tính chất nước ngoài thành lập hoạt động tại Việt Nam, vì 2 cái này khác nhau. Ví dụ hiện nay Hiệp hội doanh nghiệp ô tô, trong đó có các liên doanh ô tô, các liên doanh ô tô thì có yếu tố nước ngoài. Vì vậy nhiệm kỳ I ông Chủ tịch là người Việt Nam, nhưng đến nhiệm kỳ II ông Chủ tịch là người nước ngoài. Khi đó tính chất của nó và bảo vệ cho quyền lợi của các thành viên là khác. Tôi sang Malayxia cũng có Hiệp hội ô tô nhưng chỉ là của người Malayxia, đấy là một cái để chúng ta suy nghĩ.

Từ đây đưa lại Điều 2 là điều quy định về bảo đảm quyền lập hội. Chỉ nói là công dân có quyền gia nhập hội và Nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền lập hội của công dân. Công dân ở đây tôi nghĩ là công dân Việt Nam. Vì vậy Khoản 3 này trái với Khoản 2 vậy thì một là chúng ta sửa Điều 2 mở rộng ra , nếu không chúng ta phải xem xét lại Khoản 3 này.

Về Điều 7, Điều 8. Điều 7 nói về nội dung quản lý nh à nước về hội, Điều 8 là trách nhiệm quản l ý nhà n ước về hội. Hai điều này theo tôi phải quan hệ rất chặt chẽ với nhau, tức là từ nội dung quản lý Nhà nước về hội sau đó phân công trách nhiệm Chính phủ làm gì, Bộ Nội vụ làm gì, các Bộ và các ban ngành làm gì? Khi xem xét cụ thể vào đây thấy nội dung quản lý Nhà nước thì như vậy, nhưng đi vào cụ thể thì hầu như ở dưới không gắn với ở trên. Ví dụ nói là Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về hội trong phạm vi cả nước, nhưng thống nhất quản lý những cái gì trong nội dung quản lý Nhà nước ở trên, thì không nhắc lại, hay Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện một số nội dung quản lý là những nội dung gì? Tôi thấy trong 7 nội dung ở trên thì Bộ Nội vụ có thể quản lý Khoản 2, Điều7 tức là đăng ký việc thành lập, hợp nhất, sát nhập, chia tách ra quyết định. Khoản 6: Thanh tra, kiểm tra; Khoản 7: Tổng hợp, thống kê, tổ chức hoạt động hội. Tôi nghĩ ghi thẳng nó vào rõ hơn.

Còn khoản về quản lý Nhà nước về hoạt động hợp tác quốc tế, như hôm trước bàn về tham gia các lĩnh vực tổ chức quốc tế, nhiều ý kiến đã nói nên để cho Bộ Ngoại giao làm, nếu không thì một lúc sẽ phải báo cáo rất nhiều Bộ và mỗi Bộ 15 ngày, có khi chúng ta lại bỏ thời cơ này. Tôi đề nghị cũng nên xem xét nên quy định cụ thể lại.

Khoản 3, Điều 8: Bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm để hội tham gia thực hiện chương trình dự án v.v... Ở trên nội dung quản lý Nhà nước không có nội dung này, tôi đề nghị nên có một nội dung nữa đưa vào Điều 7:" Tạo ra cơ chế và chính sách ban hành cơ chế chính sách để tạo điều kiện cho các hội tham gia xây dựng và thực hiện các chương trình kinh tế xã hội". Như thế ở dưới nghĩa là nhiệm vụ của các Bộ trong việc đó.

Điều 9, các hành vi bị nghiêm cấm, có 4 khoản: Khoản 1, Khoản 2 là đủ; Còn Khoản 3, Khoản 4 thực tế chẳng qua là Khoản 2 tách nhỏ nó ra. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại xem có cần Khoản 3, Khoản 4 nữa không?

Điều 24, nói về quyền hạn của hội, tôi cũng nhất trí như ý kiến của đại biểu Hoàng Thanh Phú như đã nói trước là, mặc dù ở Khoản 4 chúng ta nói được thành lập pháp nhân thuộc hội tổ chức hoạt động của pháp nhân thuộc hội theo quy định của pháp luật. Nhưng nó chưa rõ, nên đề nghị viết nó rõ ra, nhất là hoạt động kinh doanh và họat dộng dịch vụ. Bởi trong các luật khác, ví dụ: Luật Chuyển giao công nghệ có nói các hội được tham gia vào giám định các công nghệ chuyển giao. Nhưng muốn giám định công nghệ chuyển giao phải có doanh nghiệp, bởi vì phải có pháp nhân ấy, nên đề nghị ghi rõ là phải có được hoạt động kinh doanh hợp pháp và dịch vụ theo pháp luật quy định.

Đề nghị bổ sung hợp tác quốc tế, hợp tác quốc tế là một trong những 7 nhiệm vụ nội dung quản lý Nhà nước của hội, ghi trong nội dung của hội. Nhưng trong điều hoạt động của hội lại không có ghi hoạt động của hội hợp tác quốc tế, đây cũng là hoạt động rất cần thiết nhất là trong giai đoạn hội nhập như thế này.

Điều 32 về Liên hiệp, tôi đề nghị như sau:

Thứ nhất, không nên để điều này ở Chương điều khoản thi hành, nên đưa lên Chương V hoặc chương IV cho nó phù hợp với nội dung và cũng nên nêu quy định nhiệm vụ, chức năng của Liên hiệp cụ thể, chứ không có chức năng của Liên hiệp cụ thể, thì liên hiệp có cần hay không cần cũng nên bàn ở đây. Vậy có cần hình thức liên hiệp này không nếu nó không có một chức năng gì cả, không có một quyền hạn gì cả thì có nên tồn tại hay không tồn tại, nếu đã tồn tại thì cũng phải quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của nó như thế nào.

Các văn bản liên quan