Trích ý kiến của ĐBQH Nguyễn Văn Phát – Tỉnh Thanh Hoá

Thứ Sáu 09:40 26-05-2006

Tôi xin tham gia một số ý kiến trực tiếp vào những vấn đề mà Uỷ ban thường vụ Quốc hội cũng như Uỷ ban Khoa học công nghệ môi trường gợi ý:
 
Thứ nhất, về tên Luật và cấp tiêu chuẩn trong hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam. Qua phân tích trong Báo cáo thẩm tra cũng như trong Tờ trình của Chính phủ và ý kiến của các đại biểu Quốc hội phát biểu trước, chúng tôi thấy rằng về tên gọi, mặc dù tên gọi lần này so với Tờ trình cũng như so với chương trình xây dựng pháp luật năm 2006 có thay đổi, nhưng rõ ràng chúng tôi thấy với tên gọi như hiện nay trong Luật nó phù hợp với những nội dung ở trong Luật hơn và tôi kiến nghị lấy tên Luật như Tờ trình của Chính phủ.
 
Thứ hai, về cấp tiêu chuẩn thống nhất, làm thế nào để cho tiêu chuẩn của chúng ta phù hợp với quốc tế và chúng ta khắc phục được những tồn tại lâu nay chúng ta đang gặp phải. Chúng tôi thống nhất với 2 cấp tiêu chuẩn là, cấp tiêu chuẩn quốc gia và cấp tiêu chuẩn cơ sở như Tờ trình của Chính phủ.

Vấn đề thứ hai, về thẩm quyền xây dựng phê duyệt thẩm định và công bố tiêu chuẩn đối với tiêu chuẩn quốc gia. Tôi thiên về quan điểm cần phải xác định và giao cho một cơ quan Nhà nước tổ chức thẩm định và công bố tiêu chuẩn quốc gia nhằm đảm bảo chức năng việc kiểm tra để dảm bảo tính thống nhất, khách quan, chống được xung đột về mặt pháp luật trong các lĩnh vực về tiêu chuẩn và quy chuẩn. Đồng thời khắc phục được những nội dung có phần giao nhau trong pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đối chiếu với những quy định trong dự thảo, tôi thống nhất với những quy định trong Khoản 1 và Khoản 2. Việc giao cho Bộ Khoa học và công nghệ tổ chức thẩm định dự thảo tiêu chuẩn và công bố tiêu chuẩn quốc gia là phù hợp với những kinh nghiệm quản lý của Bộ Khoa học và công nghệ lâu nay và phù hợp với Luật Khoa học và công nghệ. Đối với tiêu chuẩn cơ sở, tôi thấy việc giao cho các tổ chức kinh tế, cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang, các đơn vị sự nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp như trong quy định tại các mục a, b, c của Khoản 3 cũng là phù hợp. Riêng đối với Mục d trong khoản này, tôi đề nghị cần xem xét để nêu rõ thêm đó là cơ quan nào, vì tôi nghĩ rằng không còn cơ quan nào để ghi vào đây tổ chức khác được theo quy định của pháp luật.
 
Về Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia, Điều 15 quy định có 3 khoản nói về việc thành lập, thành phần và nhiệm vụ của Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia. Với quy định ở 2 khoản Ban kỹ thuật quốc gia có cơ cấu tương tự như Hội đồng chính sách hoặc Hội đồng khoa học công nghệ. Với các công chức nhà nước làm việc trong các cơ quan quản lý, các nhà khoa học, các chuyên gia về tiêu chuẩn hóa và đồng thời có những doanh nhân là những người công tác trong các doanh nghiệp. Như vậy là không rõ ràng về mặt tổ chức của cơ quan này như thế nào? Nó là cơ quan chuyên nghiệp hay là một cơ quan với tư cách là một Hội đồng. Nếu là Hội đồng thì sau khi kết thúc sẽ giải tán.

Theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 cho thấy rằng Ban kỹ thuật tiêu chuẩn Quốc gia làm việc với tư cách như một cơ quan quản lý, khi làm việc với tư cách của một đơn vị sự nghiệp. Vì vậy tôi thấy cần phải làm rõ quyền hạn và nhiệm vụ của Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia, tôi đề nghị xem xét lại nhiệm vụ tư vấn của cơ quan này, theo tôi không nên quy định nhiệm vụ này cho Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia. Đồng thời làm rõ nhiệm vụ phổ biến tiêu chuẩn quốc gia, nhiệm vụ này chỉ được thực hiện khi Ban chuẩn kỹ tiêu thuật quốc gia thực sự là một tổ chức chuyên nghiệp.
 
Thứ tư, về trình tự, thủ tục xây dựng và phê duyệt thẩm định, công bố tiêu chuẩn quốc gia. Luật giao cho Bộ khoa học và công nghệ thẩm định về tiêu chuẩn quốc gia và công bố tiêu chuẩn quốc gia. Các Bộ, ngành căn cứ vào kế hoạch triển khai xây dựng dự thảo tiêu chuẩn quốc gia. Việc xây dựng dự thảo tiêu chuẩn quốc gia và thẩm định, công bố tiêu chuẩn quốc gia theo quy định tại Khoản 1, Điều 16. Tuy nhiên, thực tế sẽ xuất hiện những vấn đề thường hay xảy ra, đó là sự thống nhất và gặp khó khăn trong việc triển khai các bước tiếp theo, đó là khi kết quả thẩm định không được chấp nhận phù hợp với nội dung của dự thảo đã được phê duyệt và sẽ xảy ra hai trường hợp:
Nếu cơ quan dự thảo tiêu chuẩn quốc gia chấp nhận sửa đổi phù hợp với kết quả thẩm định thì tiêu chuẩn quốc gia sẽ được công bố. Trong trường hợp có nhiều ý kiến khác nhau thì sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào? Vì vậy tôi đề nghị cần phải thêm một khoản về thẩm quyền quy định giải quyết trong trường hợp này. Trong trường hợp đó cần phải giao cho Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia hoàn chỉnh và trình Bộ Khoa học và công nghệ tổ chức thẩm định và công bố. Mặt khác cũng cần phải quy định giao cho Bộ Khoa học và công nghệ ban hành quy chế về mặt tổ chức hoạt động của Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia, nếu Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia được xem là một cơ quan chuyên môn hoạt động có tính chuyên nghiệp của Bộ Khoa học và công nghệ.
 
Thứ 5 là về việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, thay thế và huỷ bỏ tiêu chuẩn quốc gia ở Điều 17. Tôi thống nhất với các Khoản, 1, 2, 3 trong quy định về quy trình thủ tục về huỷ bỏ tiêu chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, việc quy định Bộ Khoa học và công nghệ thẩm định hồ sơ huỷ bỏ tiêu chuẩn và công nhận huỷ bỏ tiêu chuẩn quốc gia sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của các bộ và các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ về xây dựng và phê duyệt dự thảo về tiêu chuẩn quốc gia tương ứng. Theo tôi điều này chỉ thực hiện suôn sẻ khi tiêu chuẩn đó được đề nghị huỷ bỏ từ phía bộ, ngành có liên quan đề xuất. Trong trường hợp căn cứ vào kết quả ra soát tiêu chuẩn quốc gia, phát hiện những yếu tố lạc hậu, không còn phù hợp và trái với pháp luật hiện hành mà bộ xây dựng và phê duyệt dự thảo tiêu chuẩn quốc gia không có văn bản thống nhất thì sẽ xử lý như thế nào? Vì vậy cần phải quy định bổ sung thêm một khoản quy định về chế tài xử lý trong trường hợp này. Theo tôi cần phải giao trách nhiệm cho Bộ Khoa học và công nghệ ra quyết định huỷ bỏ và chịu trách nhiệm. Vì Bộ Khoa học và công nghệ là cơ quan công bố tiêu chuẩn quốc gia khi xét thấy không phù hợp thì cần có quyền đề nghị các cơ quan phê duyệt dự thảo tiêu chuẩn quốc gia đề xuất huỷ bỏ hoặc tự mình quyết định huỷ bỏ. Có làm được như vậy thì mới đảm bảo có thể loại bỏ được những tiêu chuẩn quốc gia không phù hợp ra khỏi Danh mục tiêu chuẩn Việt Nam.
 
Thứ sáu, về thẩm quyền xây dựng và thẩm định ban hành quy chuẩn kỹ thuật Điều 25. Tôi nhất trí với quy định về thẩm định, thẩm quyền xây dựng thẩm định và ban hành quy chuẩn quốc gia của Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ theo quy định về Khoản 1, Điều này. Đối với thẩm quyền xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật của địa phương, của Uỷ ban Nhân dân cấp tỉnh Khoản 2, Điều 25, tôi xin có một số ý kiến như sau:

Thứ nhất là quy chuẩn kỹ thuật theo quy định trong dự thảo gồm 5 nhóm, trong đó mỗi nhóm gồm rất nhiều lĩnh vực, trong nhiều lĩnh vực ngoài những đặc tính kỹ thuật chung đối với mọi đối tượng thì cũng có những đặc điểm riêng đối với đặc điểm của từng vùng, miền, cũng như sản phẩm, tôi thấy nếu việc xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia mà trong văn bản quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thể hiện đầy đủ tất cả những vấn đề thực tiễn có thể xảy ra, thì khả năng thực hiện hầu như tất cả các địa phương, lĩnh vực thì không nhất thiết phải giao thẩm quyền này cho Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh. Tuy nhiên, thực tế ta thấy rằng không thể ban hành được tất cả các quy chuẩn quốc gia kỹ thuật quốc gia đầy đủ như đã nêu.

Mặc dù, những điểm này là do yêu cầu của kinh tế, xã hội và những vấn đề bảo vệ môi trường và tính chất dịch vụ cùng những đặc điểm về sản xuất hàng hoá ở các địa phương không thể là đồng nhất như quy chuẩn kỹ thuật quốc gia quy định. Vì vậy, phải giao cho Uỷ ban Nhân dân cấp tỉnh thẩm quyền này là phù hợp với yêu cầu của thực tế của nền kinh tế trong giai đoạn chuyển đổi. Mặc dù theo quy định của Khoản 1, Điều 25 và Khoản 2, Điều 3 của quy chuẩn kỹ thuật địa phương chỉ ban hành sau khi có thẩm quyền thẩm định và thống nhất bằng văn bản của Bộ, ngành Trung ương quản lý lĩnh vực, quy chuẩn kỹ thuật. Địa phương ban hành như vậy sẽ khắc phục được hàng rào ngăn cản hoạt động sản xuất kinh doanh và lưu thông hàng hóa, vì lợi ích cục bộ địa phương và làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia. Tuy nhiên, cũng cần quy định cụ thể lĩnh vực mà Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương và giao cho Bộ Khoa học và công nghệ quy định danh mục, tôi xin hết, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan