Trích ý kiến của ĐBQH Nguyễn Văn Châu – Tỉnh An Giang

Thứ Sáu 09:11 26-05-2006

Tôi xin đóng góp một số ý kiến ở các nội dung khác như sau:
 
Thứ nhất, tên luật thì tôi đề nghị giữ tên luật như dự thảo cũ là Luật Tiêu chuẩn hoá với ba lý do như sau:
Lý do thứ nhất, theo tôi nghĩ quy chuẩn kỹ thuật thực chất nó cũng là một loại tiêu chuẩn, do đó không cần thiết phải trình bày chi tiết là Luật Tiêu chuẩn hoá và quy chuẩn kỹ thuật , vừa dài dòng và vừa trùng lặp với nội dung.
Lý do thứ hai, trong phần giải thích từ ngữ trong luật đã nêu rất rõ, tiêu chuẩn hoá là hoạt động xây dựng, công bố, áp dụng và đánh giá sự phù hợp của tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Do đó, chỉ cần sử dụng từ "tiêu chuẩn hoá" là rất đầy đủ nghĩa.
Lý do thứ ba, trong Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật và Pháp lệnh năm 2006, Quốc hội xây dựng Luật Tiêu chuẩn hoá chứ không xây dựng Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Thứ hai, về nguyên tắc cơ bản trong hoạt động tiêu chuẩn hoá, Điều 5, tôi đề nghị bổ sung nguyên tắc áp dụng ở Điều 21 và áp dụng quy chuẩn kỹ thuật ở Điều 34 vào Điều 5 nguyên tắc cơ bản của hoạt động tiêu chuẩn hoá.
Đồng thời sửa Khoản 1, Điều 34 đưa vào Điều 5 như sau "quy chuẩn kỹ thuật bắt buộc áp dụng đối với mọi tổ chức, cá nhân có liên quan", bởi vì theo tôi nghĩ, việc áp dụng tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật là một điều cốt lõi trong hoạt động tiêu chuẩn hoá. Do đó chúng ta cần phải đưa vào nguyên tắc cơ bản chứ không để ở các điều riêng khác. Như vậy ta chỉnh sửa Điều 21 và Điều 34 cho phù hợp.
 
Ý kiến thứ 3, về công bố hợp chuẩn ở Điều 43, trong điều này dự thảo cho phép tổ chức, cá nhân tự đánh giá sự phù hợp và công bố hợp chuẩn, theo tôi chưa hợp lý. Chúng ta biết rằng là tự nguyện áp dụng, nhưng để đề cao vị trí của tiêu chuẩn quốc gia cần có tổ chức thứ 3 đánh giá sự phù hợp của tổ chức cá nhân mới được công bố. Do đó tôi đề nghị bỏ đoạn từ "hoặc" cho đến hết câu ở Điều 43.
 
Ý kiến thứ 4, về trách nhiệm của Bộ Khoa học và công nghệ ở Điều 57, tôi đề nghị bổ sung thêm điều này nhiệm vụ là "quản lý và tổ chức hoạt động của tổ chức chứng nhận". Tôi cho rằng đây là nhiệm vụ rất quan trọng của Bộ Khoa học và công nghệ, nhưng chưa thấy ghi trong nhiệm vụ của Bộ Khoa học và công nghệ.
 
Ý kiến thứ 5 về trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ ở Điều 58, tôi đề nghị bỏ Khoản 4 về quản lý hoạt động công bố hợp quy, chứng nhận hợp quy. Vì theo tôi nghĩ các tổ chức đánh giá sự phù hợp và các tổ chức chứng nhận tại Điều 57 là phải có đầy đủ chức năng đánh giá sự hợp quy và quy chuẩn. Nếu như vậy chúng ta sẽ có được sự khách quan, minh bạch trong việc chứng nhận quy chuẩn. Nếu chúng ta để điểm này ở nhiệm vụ của các Bộ và các cơ quan ngang Bộ như Dự thảo thì chúng ta sẽ hình thành một hệ thống khép kín từ xây dựng ban hành cho đến chứng nhận quy chuẩn kỹ thuật là một điều không nên làm trong giai đoạn hiện nay.

Ý kiến cuối cùng, việc đánh giá sự phù hợp và chứng nhận hợp quy đối với quy chuẩn kỹ thuật ở địa phương. Tôi thấy chưa giao nhiệm vụ này trong luật, tôi đề nghị trong luật chúng ta cần ghi rõ nhiệm vụ này giao cho ở cấp Trung ương hay cấp tỉnh thì chúng ta tổ chức thực hiện sẽ thuận lợi hơn.

Các văn bản liên quan