Trích ý kiến của ĐBQH Nguyễn Thị Anh Nhân – Thành phố Hà Nội

Thứ Sáu 09:09 26-05-2006

Trong Dự thảo luật có một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau đưa ra cân nhắc, chọn lựa và một số vấn đề về nội dung Dự thảo luật, tôi xin có ý kiến như sau.
 
Thứ nhất, về tên gọi của Luật sau khi nghiên cứu hoạt động tiêu chuẩn hoá ở nước ta, tham khảo ý kiến đóng góp trong quá trình xây dựng luật các văn bản nước ngoài về vấn đề này, Báo cáo thẩm tra và Dự thảo luật tôi đề nghị lấy tên luật là "Luật về tiêu chuẩn kỹ thuật" hay "Luật về tiêu chuẩn khoa học kỹ thuật", vì những lý do sau:
Nếu gọi luật là "Luật tiêu chuẩn hoá" thì khái niệm tiêu chuẩn rất rộng rãi, bản phụ lục đã nêu đây là một từ được sử dụng rộng rãi trong đời sống xã hội. Ví dụ, tiêu chuẩn gia đình văn hoá, tiêu chuẩn đạo đức cách mạng, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và cũng có thể dùng trong Bộ luật, tiêu chuẩn của công chứng viên trong Luật Công chứng, tiêu chuẩn luật sư trong Luật Luật sư, tiêu chuẩn Tổng Giám đốc trong Luật Doanh nghiệp v.v... không thể lấy từ này cho một Bộ luật chỉ nói về tiêu chuẩn kỹ thuật.
Nếu tên gọi của Luật là "Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật" cũng không nên đưa khái niệm quy chuẩn kỹ thuật vào luật này mang ý nghĩa bắt buộc áp dụng, giải thích từ ngữ Điều 3, Điểm 2 của dự thảo nói: "Quy chuẩn kỹ thuật là quy định về đặc tính yêu cầu kỹ thuật và quản lý mà sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, quá trình môi trường phải tuân thủ, để đảm bảo an toàn vệ sinh dưới dạng bắt buộc áp dụng". Khái niệm quy chuẩn kỹ thuật còn nhiều từ khác mang ý nghĩa tương tự và trong nhiều trường hợp, chỉ mang tính tham khảo, khuyến khích áp dụng chứ không bắt buộc như quy trình kỹ thuật, quy phạm kỹ thuật, quy ước kỹ thuật, quy định kỹ thuật, nên tên gọi có ghi quy chuẩn kỹ thuật là mang ý nghĩa bắt buộc e rằng chưa chính xác.
 
Về thẩm quyền công bố tiêu chuẩn quốc gia. Tôi đồng ý với ý kiến thứ hai, nhưng để Bộ Khoa học và công nghệ ban hành trên cơ sở Tờ trình của Bộ, ngành, tổ chức hoặc cá nhân xây dựng tiêu chuẩn đó. Để đảm bảo tính khoa học, khách quan thống nhất, công bằng thì có Hội đồng thẩm định quốc gia do Bộ Khoa học và công nghệ tổ chức gồm các chuyên gia đầu ngành của lĩnh vực đó tham gia và các chuyên gia khác nếu cần, khác với Tờ trình là chỉ thẩm định, ban hành những tiêu chuẩn bắt buộc của luật.
 
Tôi băn khoăn về tên của dự thảo luật bao gồm nội dung của nó, luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật hay tên là Luật Tiêu chuẩn hóa đều bao gồm hai nội dung cần điều chỉnh là tiêu chuẩn tự nguyện khuyến khích áp dụng và tiêu chuẩn bắt buộc mà dự thảo gọi là quy chuẩn kỹ thuật. Hai lĩnh vực tiêu chuẩn khuyến khích tự nguyện áp dụng và tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng không thể đưa chung và một luật, vì đã là luật chỉ bao gồm những nội dung bắt buộc đối với mọi công dân trong toàn quốc dù có liên quan hay không trong trường hợp trái luật phải được chế tài và là căn cứ xử lý xung đột pháp lý về hoạt động này. Có nên chăng đưa vào luật những nội dung mang tính chất khuyến khích, tự nguyện áp dụng, dùng thì dùng, không dùng thì thôi. Thì căn cứ vào đâu để chiểu theo luật mà cảnh báo phạt vi phạm. Không phải tiêu chuẩn kỹ thuật nào cũng đưa vào luật mà chỉ đưa vào một số loại liệt kê trong Điều 26, Chương III của Dự thảo luật và chỉ có thế thôi là nội dung tiêu chuẩn nằm trong luật này. Và thế cũng đã là một khối lượng lớn phải dày công xây dựng, giám sát, quản lý, cần thiết và cấp thiết cho hiện nay phát triển kinh tế và hội nhập.
Thí dụ, tiêu chuẩn về đo lường của ta thì có nơi dùng bước, sải, dặm nhưng thống nhất trong luật thì dùng hệ kilômét, mét. Về trọng lương, dân gian chúng ta cũng dùng cho thóc gạo, có nơi dùng là đấu gạo, cối gạo, có nơi gọi là nồi gạo, nhưng đưa vào luật thực hiện thống nhất vào giám sát và quản lý ta dùng hệ kilôgam, gam là thống nhất toàn quốc và nhiều nước trên thế giới áp dụng. Nhưng cũng có những nước dùng hệ đo lường khác, thí dụ như nước Anh dùng hệ đo lường là tấc Anh, Intrix, thước Anh hay trọng lượng là Pao hay Ounce dùng cho vàng của Anh, Mỹ. Khi gia nhập quốc tế cần thống nhất với nước có quan hệ khi có vàng trao đổi.
 
Những nội dung tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan nhiều đến môi trường sinh thái, an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, thí dụ như thuốc chữa bệnh, một số kháng sinh nhập vào Việt Nam bị thu hồi và xử phạt, rác thải công nghiệp nhập vào thì Bộ Khoa học và công nghệ có quyết định huỷ, cấm nhập, an toàn thực phẩm, an toàn cháy nổ cần đưa vào luật để có chế tài bắt buộc thực hiện theo luật. Đã là tiêu chuẩn bắt buộc trong Luật tiêu chuẩn, kỹ thuật dù cấp nào, cơ quan tổ chức nào xây dựng đã được Bộ Khoa học và công nghệ chủ trì thẩm định và quyết định công bố, ban hành thì toàn quốc phải thực hiện. Ví dụ, FDA là cơ quan quản lý Cục Dược phẩm, thực phẩm Hoa Kỳ, tiêu chuẩn về dược và thực phẩm của Cục đưa ra được Chính phủ thẩm định, ban hành thì toàn quốc phải thực hiện.
 
Việc xây dựng tiêu chuẩn hay nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn nên xã hội hoá công tác này, kể cả Hội nghề nghiệp, các nhà khoa học, các thành phần xã hội đều có thể tham gia xây dựng tiêu chuẩn, nhưng tiêu chuẩn này có được đưa vào luật hay không còn tuỳ thuộc vào mức độ cần thiết, tính chất khả thi của tiêu chuẩn, mức độ tác động quan hệ rộng rãi cộng đồng mới đưa vào luật để thống nhất hoá, để toàn dân bắt buộc thực hiện. Còn tiêu chuẩn tự nguyện, khuyến khích áp dụng, dùng thì dùng không dùng thì thôi, mặc dù quan trọng cũng không đưa vào luật này vì không căn cứ vào đâu để chế tài, để cảnh báo vi phạm, để luật hoá. Chứng chỉ ISO cũng vậy, không đưa vào luật mà doanh nghiệp nào cần thế mạnh trong cạnh tranh thì cần chứng chỉ này, cũng vậy loại tiêu chuẩn tự nguyện này nên đưa vào tài liệu tham khảo, hướng dẫn hoạt động xây dựng tiêu chuẩn. Kiến thức về tiêu chuẩn, dự án phát triển hoạt động tiêu chuẩn, giáo trình tiêu chuẩn, đề tài nghiên cứu về tiêu chuẩn, v.v... và cũng vì lý do trên, tôi đề nghị lấy tên là Luật tiêu chuẩn kỹ thuật, không kèm hàm ý bắt buộc, không cần nói quy chuẩn mang ý nghĩa bắt buộc, vì luật là bắt buộc rồi. Ngoài vấn đề trên, tôi nhất trí các nội dung khác của dự thảo Luật.

Các văn bản liên quan