Trích ý kiến của ĐBQH Nguyễn Thị Sáu – Tỉnh Tuyên Quang

Thứ Tư 10:04 25-10-2006

Kính thưa Chủ toạ kỳ họp, kính thưa Quốc hội cùng toàn thể các quí vị khách quý.

Tôi chỉ xin tham gia về hai điều luật cụ thể trong dự thảo luật này, đó là Điều 7 và Điều 92.

Về Điều 7, chính sách Nhà nước về phát triển dạy nghề. Ở Khoản 1, tôi xin đề nghị được bổ sung cụm từ "cũng như lao động trong nước, bởi vì có như vậy mới phù hợp với thực tế và đặc biệt mới phù hợp với Điều 4 là mục tiêu dạy nghề mà dự thảo luật đã xác định. Tại Khoản 3, Điều 7 xin đề nghị Quốc hội được bổ sung đối tượng tham gia dạy nghề mà cũng rất cần được Nhà nước khuyến khích đó là các nhà khoa học. Bởi vì thực tế hiện nay có nhiều trung tâm, nhiều cơ sở dạy nghề nhất là những cơ sở dạy nghề cho nông dân ở nhiều tỉnh đều đã do các nhà khoa học trực tiếp xây dựng, tổ chức và dạy. Qua lớp học này nông dân thực sự đã có hiệu quả và đã nâng cao được chất lượng cuộc sống. Vì để tiết kiệm thời gian tôi xin phép không kể tên những trung tâm này. Hơn nữa chúng tôi cũng cần thấy rằng cần bổ sung đối tượng các nhà khoa học vào Khoản 3, Điều 7 mới phù hợp với Khoản 3, Điều 33 và Khoản 2, Điều 53 của dự thảo luật này, để dự thảo luật này có hiệu lực thì tránh được sự vướng mắc.

Về Điều 92, hướng dẫn thi hành luật, đúng là khi đọc kỹ tôi nhận thấy dự thảo luật này rất chi tiết, cụ thể, chỉ còn có 6 điều trên 92 điều cần phải có sự hướng dẫn của Chính phủ. Đây là một điều theo tôi rất quý, có thể nói vô cùng quý, bởi vì trong 11 dự thảo luật sẽ trình Quốc hội lần này cũng chỉ có vài ba luật ghi rõ được tên, điều luật cụ thể cần Chính phủ hướng dẫn thôi. Tuy nhiên tôi thấy đây là điều chúng ta cần phải duy trì, chứ còn lại đa số các luật khác vẫn ghi một câu công thức rất chung chung, tôi nghĩ rất cũ, rất vô định và dễ dãi quá đó là: "Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật này" nhưng ở luật này đã ghi rất cụ thể. Mặc dù gần đây Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 31 ngày 25/8/2006 đó là "Chỉ thị đẩy mạnh công tác soạn thảo và ban hành văn bản, quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh". Chỉ thị này có 6 nội dung rất cụ thể, đã yêu cầu rất cụ thể về thời gian, ngày, tháng, thời điểm ban hành, hướng dẫn những văn bản thi hành luật, pháp lệnh. Như chúng ta đã biết, tính đến ngày 8-9-2006 thì số văn bản còn nợ để hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh vẫn còn tới 112 văn bản.

Vì vậy, tôi nhận thấy để tạo sự đồng bộ trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này của Thủ tướng Chính phủ, tôi xin đề nghị Quốc hội cùng Ban soạn thảo xem xét được ghi rõ thời gian ban hành văn bản hướng dẫn thi hành những điều luật cụ thể đã ghi trong Dự thảo Luật, có nghĩa là thời gian ban hành văn bản hướng dẫn thi hành những điều luật đó phải có trước ngày mà Luật có hiệu lực thi hành.

Ví dụ, như Luật Dạy nghề có hiệu lực kể từ ngày 01-6-2007 thì các văn bản hướng dẫn thi hành các Điều 62, 72, 84, 86, 88 và 89 của Dự thảo Luật này sẽ được ban hành trước ngày đó, chẳng hạn như trước ngày 30-5-2007. Một điều nữa tôi thực sự băn khoăn và cũng trăn trở từ lâu và tôi xin mạnh dạn phát biểu ở đây. Tôi đề nghị Quốc hội và Ban soạn thảo suy xét, cân nhắc xem có thể đảo, thay đổi vị trí của hai điều cuối cùng trong Luật, vì tôi nhận thấy rằng sắp xếp như vậy có lẽ là nó sẽ logic hơn, chặt chẽ hơn, phù hợp hơn và sẽ có hiệu lực hơn của luật. Ví dụ như dự thảo của Luật Dạy nghề thì Điều 91 hướng dẫn thi hành luật và Điều 92 là hiệu lực thi hành luật. Một lần nữa tôi xin trân trọng cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan