Trích ý kiến của ĐBQH Lương Thị Hoa – Tỉnh Thanh Hoá

Thứ Năm 14:13 26-10-2006
Kính thưa Quốc hội.

Về cơ bản chúng tôi nhất trí với nội dung Báo cáo giải trình tiếp thu chỉnh lý Dự thảo Luật Công chứng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chúng tôi nhận thấy dự thảo luật lần này đã được chỉnh lý rất nhiều so với dự thảo luật lần trước đưa ra. Tuy nhiên chúng tôi xin phát biểu 3 vấn đề cơ bản sau.

Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh của luật, chúng tôi tán thành với loại ý kiến thứ nhất là chỉ điều chỉnh hoạt động công chứng không quy định chứng thực trong dự thảo. Bởi vì chứng thực và công chứng là 2 hoạt động khác nhau về tính chất cũng như nội dung pháp lý, giá trị văn bản. Dự thảo luật chỉ quy định công chứng hợp đồng giao dịch, còn về chứng thực đã được quy định trong Nghị định 75 năm 2000 của Chính phủ về trình tự thủ tục chứng thực. Về thẩm quyền chứng thực được quy định ở nhiều văn bản pháp luật khác mà chủ yếu là do cơ quan công quyền chứng thực, chứ không phải là cơ quan chuyên môn. Thậm chí chứng thực bản sao y bản chính thì cơ quan tổ chức cấp bản chính có quyền chứng thực bản sao.

Về quy định thủ tục pháp lý công chứng phải chặt chẽ và văn bản công chứng có giá trị pháp lý cả về nội dung công chứng, hơn nữa Tờ trình của Chính phủ chỉ trình ra Quốc hội Dự thảo Luật Công chứng. Còn về chứng thực Chính phủ đã có Nghị định số 6 về chứng thực bản sao y bản chính và chữ ký với 5 chương, 27 điều đã được gửi tới các vị đại biểu Quốc hội nghiên cứu quy định tương đối đầy đủ về thẩm quyền, nguyên tắc và trình tự thủ tục chứng thực bản sao và chữ ký. Giá trị pháp lý của bản sao y bản chính như vậy sẽ giải quyết được việc chứng thực khi đưa dự thảo luật này ra Quốc hội thông qua.

Vấn đề thứ hai về văn bản công chứng, quy định công chứng viên có thể công chứng hợp đồng giao dịch được soạn thảo sẵn hoặc do công chứng viên soạn thảo, cùng với quy định công chứng viên phải chịu tính xác thực của hợp đồng, văn bản công chứng có giá trị chứng cứ các tình tiết, sự kiện trong văn bản công chứng không phải chứng minh thì việc yêu cầu công chứng có quyền soạn thảo sẵn hợp đồng giao dịch cần phải được cân nhắc. Tính xác thực của hợp đồng giao dịch phụ thuộc rất nhiều vào việc soạn thảo, công chứng viên trực tiếp soạn thảo hợp đồng giao dịch với tư cách là một người am hiểu pháp luật, tư vấn của một người hành nghề pháp luật và được giao thực hiện quyền lực công, sẽ góp phần bảo đảm tính xác thực của văn bản công chứng.

Chúng tôi cho rằng để đảm bảo văn bản công chứng có giá trị chứng cứ, công chứng viên thực hiện công chứng nội dung hợp đồng giao dịch thì cần có sự phân biệt giữa công chứng hợp đồng giao dịch hai bên soạn thảo sẵn với công chứng hợp đồng giao dịch do công chứng viên soạn thảo. Theo quy định của dự thảo luật, khi có hợp đồng giao dịch do người yêu cầu công chứng soạn thảo sẵn thì công chứng viên kiểm tra hợp đồng giao dịch xem có điều khoản nào vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội thì công chứng viên đề nghị người yêu cầu công chứng sửa chữa, nếu họ không sửa chữa thì có quyền từ chối công chứng.

Trong trường hợp này, chúng tôi cho rằng vai trò của công chứng viên chỉ đơn thuần là chứng nhận văn bản do các bên soạn thảo không vi phạm pháp luật, hoặc trái đạo đức xã hội. Đối với việc công chứng hợp đồng giao dịch do công chứng viên soạn thảo, công chứng viên sẽ dễ dàng xác định được tính xác thực của nội dung hợp đồng giao dịch, và vai trò phòng ngừa vi phạm của công chứng viên được phát huy tốt hơn. Để phát huy vai trò của công chứng viên, chúng tôi cho rằng ngoài quy định công chứng viên có quyền thực hiện công chứng thì cần phải cho phép công chứng viên thực hiện tư vấn pháp luật trong lĩnh vực hợp đồng giao dịch, yêu cầu công chứng.

Dự thảo tuy không quy định công chứng viên được tư vấn pháp luật, nhưng lại cho phép công chứng viên được soạn thảo hợp đồng giao dịch, trong khi đó tại Điều 28 của Luật về Luật sư, việc soạn thảo hợp đồng giao dịch là một hoạt động tư vấn pháp luật. Như vậy, chúng tôi thiết nghĩ nên chăng cũng cần nghiên cứu, quy định trong luật này cho nó phù hợp.
Vấn đề thứ ba mà chúng tôi muốn phát biểu là việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của tổ chức hành nghề công chứng. Tại Khoản 7, Điều 33 Dự thảo Luật quy định Văn phòng công chứng có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên của tổ chức mình theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, nhưng lại không quy định phòng công chứng có nghĩa vụ này. Chúng tôi cho rằng quy định như vậy là không hợp lý, tạo sự bất bình đẳng giữa phòng công chứng do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập và Văn phòng công chứng do công chứng viên thành lập.

Phòng công chứng theo quy định của Dự thảo Luật được xác định là đơn vị sự nghiệp thuộc Sở tư pháp, phòng công chứng đã thực hiện công chứng thì được quyền thu phí công chứng cho dù văn phòng đó đặt ở đâu, ở vùng sâu hay vùng xa. Việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với những trường hợp này có thể theo vụ việc. Đối với các phòng công chứng hoạt động ở vùng sâu, vùng xa thu không đủ bù chi nhưng đã có thu phí công chứng thì phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho các công chứng viên của tổ chức mình. Quy định như vậy sẽ tạo được sự bình đẳng về địa vị pháp lý giữa phòng công chứng và Văn phòng công chứng.

Các văn bản liên quan