Trích ý kiến của ĐBQH Nguyễn Ngọc Trân – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại

Thứ Ba 09:10 05-09-2006

Kính thưa các đồng chí, tôi xin phát biểu trước tiên về 3 vấn đề chung, sau đó vào một số vấn đề cụ thể.

Trước hết tôi cho rằng cần phải làm rõ khái niệm hội hoạt động vì mục đích không lợi nhuận.

Thứ hai, ý kiến riêng của tôi thì tôi nghĩ không cần phải phân biệt hội có tư cách pháp nhân và hội không có tư cách pháp nhân trong luật này.

Thứ ba là cần làm rõ phạm vi điều chỉnh của luật này, chúng ta quản lý Nhà nước và tôn trọng vấn đề tổ chức hoạt động của các hội như thế nào.

Về vấn đề thứ nhất, tôi nghĩ cụm từ "không vì mục đích lợi nhuận" chấp nhận được và nó cũng khá phổ biến. Như đồng chí Thuận có nói khi nãy, ranh giới giữa hội hoạt động không vì mục đích lợi nhuận phải là doanh nghiệp rất rõ ràng. Khi anh đăng ký là hội hoạt động, vì mục đích không lợi nhuận mà anh làm vì mục đích kinh tế có lợi nhuận thì người ta sẽ phạt anh rất nặng và người ta giải tán hội của anh nữa. Nói như vậy không có nghĩa là hội không có đồng thu, đồng chi, có khoản ra, khoản vào và hội có tài sản của nó. Nhưng tài sản của nó là tài sản không chia được và là tài sản của xã hội. Vì vậy ở khúc cuối, Chương VI chỗ tài sản của hội thiếu một điều là khi hội giải tán hay khi hội ngừng hoạt động thì phải quy định vấn đề giải quyết tài sản hội như thế nào. Cho nên ở phía cuối Chương VI tài sản và tài chính, Điều 30 hoặc Điều 31 hoàn toàn không có ghi gì về tài sản khi hội ngừng hoạt động hoặc bị giải tán. Nếu trong hội có những thành viên hay có nhiệm vụ gì, mà hội muốn đứng ra để lãnh chuyện đó thì hội phải thành lập một đơn vị hạch toán đăng ký để làm việc theo Luật doanh nghiệp. Nghĩa là có thể nói hội có những doanh nghiệp nằm trong hội, nhưng bản thân hội không thể hoạt động kinh tế. Chỗ này tôi nghĩ phải cho rõ chuyện này và làm cho rõ khái niệm này.

Thứ hai, tôi cho việc này không cần thiết phải phân biệt là hội có tư cách pháp nhân và hội không có tư cách pháp nhân. Có hai lý do, lý do thứ nhất, nếu chúng ta chỉ điều chỉnh trong luật, những hội mà có tư cách pháp nhân và chúng ta đưa phần kia về cho Chính phủ, tôi cho như vậy giao thêm việc cho Chính phủ, đó là lý do thứ nhất.

Lý do thứ hai, chúng ta khuyến khích người ta không đăng ký, nhưng người ta vẫn hoạt động. Như vậy có nên hay không? Theo tôi, tôi nghĩ luật này cứ điều chỉnh tất cả các hội có tư cách pháp nhân hay không tư cách pháp nhân hiểu theo nghĩa này, chứ không có phải chúng ta chỉ điều chỉnh trong luật, những hội có tư cách pháp nhân. Còn tất nhiên khi người ta thành lập hội mà người ta họat động cầm chừng hoặc hoạt động không thường xuyên, đó là quyền của người ta. Nhưng khi anh thành lập hội, thì anh phải đăng ký mà dần dần chúng ta đi vào Nhà nước pháp quyền, mình công nhận quyền của công dân được quyền thành lập hội thì khi thành lập hội anh phải đăng ký. Bây giờ nếu không thì tôi trở lại luật này mình quy định rất rõ về chuyện đăng ký khi thành lập hội, mặt khác những hội mà họ không có tư cách pháp nhân, thì họ không muốn bị sự ràng buộc này, họ không đăng ký, nhưng rồi họ họat động thực chất là họ hoạt động như hội có tư cách pháp nhân. Tôi cho chỗ này là sơ hở về quản lý của mình.Vì vậy Điều 1, từ hệ quả đó thì Điều 1, theo tôi nên viết lại đơn giản chỉ có một Khoản 1 là khoản thứ nhất, còn Khoản 2 thì theo tôi nên bỏ, vì theo tôi nên có sự phân biệt. Khoản 3 là hội có tư cách pháp nhân được tổ chức dưới hình thức hội, nghĩa là bỏ "hội có tư cách pháp nhân", mà hội được tổ chức dưới hình thức hội đơn nhất hoặc là hội liên hiệp, có thể giữ lại Khoản 3.

Điều 2 tôi nghĩ có thể giữ lại được.

Điều 3 tôi đề nghị sửa lại như sau: chỉ còn một khoản thôi là "Luật này quy định về việc thành lập và quản lý Nhà nước về hội", bỏ Khoản 2 vì không còn sự phân biệt nữa, và Khoản 3 là Hiệp hội doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài thành lập và hoạt động tại Việt Nam theo tôi không nên là đối tượng điều chỉnh của luật này, nó không liên quan gì, mà nó mâu thuẫn với Điều 2 mình nói hội này là quyền của công dân, họ là những người ở ngoài, ví dụ CCFV là hội của các doanh nghiệp Pháp được thành lập ở Việt Nam thì họ cứ xin đặc cách và được quyền hoạt động, nhưng họ không phải là đối tượng điều chỉnh của luật này, nên thêm Điều 3 nó rách việc ra mà nó lại không có nghĩa gì cả. Nếu như vậy theo tôi Điều 3 và Điều 1 có thể viết lại thành một điều hay không? Để nó đơn giản và bớt điều.

Về Điều 4 tôi đề nghị sửa tên điều là "nguyên tắc thành lập hội" và viết là việc thành lập hội phải tuân thủ các nguyên tắc hoạt động sau đây: Trước hết là tự nguyện, v.v.. và Khoản thứ 5 là tuân thủ pháp luật, tôn chỉ và mục đích Điều lệ của hội. Tôi nghĩ cái quan trọng là tôi tuân thủ cái tôn chỉ, mục đích chứ không phải chỉ có điều lệ, điều lệ nó chỉ là hệ quả của tôn chỉ, nó chỉ là thể hiện của tôn chỉ và mục đích, cho nên Khoản 5 của Điều 4 nên để như vậy.

Điều 7, ý tôi khác ý của một số đồng chí, tôi nghĩ là Điểm 5 về quản lý Nhà nước về hoạt động hợp tác quốc tế của hội, tôi nghĩ nên có. Vấn đề là chúng ta quản lý như thế nào, sự cần thiết quản lý hoạt động hợp tác quốc tế là cần, nhưng quản lý của chúng ta làm sao đừng có ràng buộc, mà phải phát huy tính chủ động của anh em và cái phân cấp các nguyên tắc và tự chịu trách nhiệm của anh em. Quản lý không có nghĩa là ràng buộc mà như hồi sáng có một số anh em nói nhiều khi có một số vấn đề gì về chính trị mà chưa cần ra mặt thì có thể nhờ một hội quần chúng lên tiếng nói, ví dụ cá tra, cá ba sa chúng ta có những hội, chúng ta cũng lên tiếng được, tôi nghĩ không nên giới hạn, không nên bỏ quản lý Nhà nước, nhưng quản lý như thế nào cho gọn nhẹ và phát huy được tính tự chủ của anh em.

Một nội dung quản lý Nhà nước nữa là thanh tra, kiểm tra không phải giải quyết khuyến nại, tố cáo không mà thanh tra, kiểm tra việc hoạt động có đúng với tôn chỉ, mục đích đưa ra hay không? Có đúng với hồ sơ đăng ký hay không? Như tôi nói với Hội nghị là người ta canh chừng cái này rất dữ( tôi là Tổng thư ký Hội liên hiệp trí thức Việt Nam tại Pháp từ 1968 - 1976 trước khi về nước), người ta đăng ký rất dễ dàng, nhưng người ta kiểm tra rất rõ về hoạt động kinh tế, nên cứ làm sai là bị phạt hành chính, thậm chí là bị phạt hình sự, cho nên trong nội dung là thanh tra, kiểm tra đề nghị với anh Yểu và Ban soạn thảo là thanh tra, kiểm tra việc hoạt động có đúng tôn chỉ, mục đích với hồ sơ đăng ký hay không?

Điều 8 tôi đề nghị viết lại cho rõ hơn một chút, thời gian ít nên tôi nói thẳng vào Điều 11. Điều 11 tôi đề nghị hồ sơ đăng ký, thật ra ở các nước người ta chỉ cần tên như thế này, ngoài mục đích yêu cầu, ngoài người Chủ tịch là ai, Tổng thư ký là ai, ba là Thủ quỹ là ai, trụ sở đặt ở đâu, người ta giám sát, thanh tra, kiểm tra tất nhiên là ở ba người này là Chủ tịch hội, Tổng thư ký hội, Thủ quỹ hội, trụ sở hội và tài khoản của hội, cái đó là phải đăng ký, trong này chưa nói đến Chủ tịch hội, Tổng thư ký hội, Thủ quỹ của hội, chúng ta mới chỉ nói đến trụ sở, tài sản của hội .v.v...

Hồi nãy tôi có nói tới vấn đề của Điều 30, Điều 31 nên thêm khoản là khi giải tán hội, hay khi hội ngừng hoạt động thì thanh lý tài sản như thế nào? Trên nguyên tắc đây không phải là tài sản chung của hội mà người ta có thể hiến cái đó cho Nhà nước, hiến cho tổ chức từ thiện, nhưng không thể chia ra vì lợi ích của một số người nào đó trong hội, như vậy với đúng với nghĩa.

Vấn đề cuối cùng về vấn đề hội viên liên kết, tôi thiên về chuyện nên có hội viên liên kết, nhưng phải có tiêu chuẩn cho rõ và phải có tỷ lệ trên tổng số hội viên của hội, chứ không phải muốn kết nạp bao nhiêu hội viên liên kết thì kết nạp, thứ hai nữa là Ban chấp hành kết nạp hoặc Đại hội kết nạp, bởi vì hội viên liên kết này nó đóng góp rất nhiều mặt tích cực của nó, tất nhiên tôi không nói tới mặt tiêu cực. Nhưng nó có mặt tích cực của nó mà mình phải phát huy mà cái này tôi đặc biệt nghĩ tới vấn đề anh em trí thức người Việt Nam hoặc các doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài. Cho nên mình đặt các hội viên đi kết hợp có thể họ tham gia được trong hội, nhưng có điều kiện, có tiêu chí, có tiêu chuẩn và số lượng phải khống chế so với tổng số hội viên để họ không có thể lũng đoạn, những người xấu không thể lũng đoạn được hoạt động của hội mình.

Các văn bản liên quan