Trích ý kiến của ĐBQH Nguyễn Đức Chính – Thành phố Hồ Chí Minh

Thứ Năm 14:35 26-10-2006
Kính thưa Quốc hội!

Để góp ý cho Dự luật công chứng, tôi xin phát biểu 2 vấn đề.

Vấn đề thứ nhất, tôi rất băn khoăn về nội dung quy định của Điều 5 nói về lời chứng của công chứng viên. Điều 5, như đại biểu Nguyễn Đình Lộc nói chúng ta nghiêng hẳn về việc công chứng nội dung. Hơn nữa ở đây quy định lời chứng ở dòng thứ tư là công chứng viên phải chứng nhận tính xác thực của đối tượng nội dung khác của hợp đồng giao dịch, chữ "xác thực" này hiểu như thế nào? Theo tôi hiểu nó có hai vấn đề xác thực.

Thứ nhất là xác thực theo giấy tờ pháp lý, ví dụ chủ quyền một căn nhà nó ở địa chỉ bao nhiêu? rồi số nhà gì? Đấy là xác thực về giấy tờ và giấy tờ người ta trình lên được cho công chứng viên. Nhưng xác thực này còn được hiểu và tôi hiểu là Ban Soạn thảo theo hướng này, tức là xác thực cả về thực tế, thực tiễn rằng căn nhà đó nó ở địa chỉ đó, như thế công chứng viên muốn chứng ký mua bán căn nhà thì phải xuống địa bàn xác minh, đây là một.

Thứ hai là mảnh đất ấy rộng bao nhiêu? căn nhà ấy rộng bao nhiêu? phải thuê công ty chuyên đo vẽ về địa chính để vẽ thì mới xác thực về thực tế, vì đối chiếu giữa thực tiễn với lại giấy tờ cấp phải phù hợp.

Tôi cho rằng nếu đòi hỏi xác thực về thực tiễn tới mức đó thì sẽ có hai vấn đề cực kỳ lớn xảy ra:

Một, sẽ xuất hiện rất nhiều công ty địa chính chuyên môn đi đo, vẽ cái này.

Tiếp nữa, chi phí cho việc đo, vẽ này để mua bán những bất động sản như vậy là cực kỳ cao.

Về thủ tục sẽ là thủ tục nhiêu khê nhất trong tất cả các thủ tục, hiện nay công chứng chỉ đang làm ở mức có giấy tờ chủ quyền nhà được cấp thì nhìn kiểm tra trên giấy tờ nhà, trừ khi bản hoạ đồ vẽ, bản vẽ nhà mà quá cũ, yêu cầu phải đo, vẽ lại thì người dân đã phản ứng, tại sao nhiêu khê thế.

Nếu chúng ta quy định như trong Điều 5 này, tôi cho rằng trên thực tiễn lệ phí là một chuyện nhưng thù lao để đi đo vẽ tất cả những chuyện này sẽ cực kỳ lớn và người dân không thể chấp nhận được đâu, không thể kham nổi thù lao này. Vì chỉ vẽ một bản vẽ lại thôi mất khoảng 2 triệu, người dân ở Thành phố Hồ Chí Minh đã không chịu rồi, một căn nhà nói trung bình. Cho nên ở đây câu chuyện về tính xác thực tới mức nào là phải rõ, để bảo đảm an toàn pháp lý cho công chứng viên cũng như để cho người dân phải thể hiện được trách nhiệm của mình. Tôi chưa kể là công chứng viên chứng di chúc, đồng chí Phan Anh Minh có nhờ tôi nêu, nếu như công chứng viên công chứng cái di chúc một khối tài sản, người ta nói là có 5, 7 căn nhà ở 5, 7 tỉnh khác nhau thì công chứng viên phải đi xác minh tất cả, từ pháp lý đến thực tiễn của các khối di sản này, thì là một điều tôi cho rằng cực kỳ khó. Cho nên, tôi đề nghị làm rõ sự xác thực này. Theo tôi hiểu, xác thực ở đây ở bình diện pháp lý là chủ yếu, nếu các đồng chí yêu cầu xác thực ở cả góc độ thực tiễn mà căn nhà đấy bắt đầu không phải chỉ là địa điểm có công trình xây dựng, nó có mấy lầu, mỗi lầu có bao nhiêu phòng, phải đi đo từng phòng, xem có đúng với giấy tờ được cấp không?
Xin thưa với các đồng chí đại đa số các giấy tờ của chúng ta hiện nay nó không chính xác. Vì thực tiễn các đồng chí thấy đã có đại biểu nói rằng giấy phép xây dựng, cho phép xây nhà nhưng cán bộ địa chính đo sai có 2cm yêu cầu bỏ. Cho nên, tôi thấy chữ "xác thực" ở đây là điều phải làm rõ, nếu như xác thực hiểu tới mức thực tiễn thì không thể có tính khả thi, sẽ phiền hà nhất. Rõ ràng, trong vòng 2 ngày thì không làm được, thời hạn công chứng 2 ngày là không nổi. Cho nên, tôi thấy rằng việc đòi hỏi mà chúng ta muốn nó phải phù hợp với thực trạng nền kinh tế, quản lý Nhà nước của chúng ta ở trình độ hiện nay. Chúng ta đòi hỏi nó xác thực một cách nó quá mức xác thực như chúng ta muốn thì rất quý, nhưng nếu như chúng ta muốn như thế, nhưng giấy tờ thực tiễn nhà cửa của chúng ta, người dân chi phí kinh tế, tiềm lực kinh tế của ta có bằng đó là chúng ta đòi hỏi thủ tục nó quá mức kỹ lưỡng, quá mức sát thực thì tôi cho rằng không khả thi, cần phải cân nhắc thực tiễn này.

Tới một lúc nào đó chúng ta có thể tiến tới mức đó, nhưng giờ này chưa phải là lúc. Đấy là ý thứ nhất. Ý thứ hai, tôi muốn nói câu chuyện về đồng chí ở Bắc Kạn phát biểu về công chứng với chứng thực nên như thế nào? Tôi cho rằng chuyên môn hóa về công chứng như dự thảo luật này là phù hợp với đô thị, nhưng không phù hợp với nông thôn, bởi lẽ rằng ngay tại Thành phố Hồ Chí Minh những huyện như Củ Chi, Bình Chánh, Cần Thơ xa trung tâm thành phố, chúng tôi không thể mở được Phòng công chứng ở đó, thì việc công chứng mua bán nhà, bất động sản vẫn phải giao cho Ủy ban nhân dân huyện, thì người dân muốn mua bán căn nhà chỉ cần lên Ủy ban nhân dân huyện, người ta làm được và chỗ đó chắc chắn chẳng có Văn phòng công chứng tư nào mở cả, ngay chúng ta đưa về cho Phòng công chứng thì người dân ở những vùng sâu, vùng xa đó buộc phải lên huyện gần trung tâm thành phố, đi xa hơn rất nhiều lần và rất bất tiện. Còn ở các tỉnh như tôi biết nhiều tỉnh như: Sơn La, Lai Châu tôi thấy địa bàn rộng mênh mông, bây giờ nếu chỉ mở một Phòng công chứng như ở Bắc Kạn thì tất cả vùng sâu vùng xa như thế nào, bò về một Phòng công chứng trung tâm để mua, bán căn nhà hay sao? Cho nên tôi cho rằng chuyện chuyên môn hoá hoàn toàn công chứng này chỉ phù hợp với đô thị, còn địa bàn nông thôn nếu chúng ta đặt theo mô hình này là phiền hà dân nhiều hơn là giúp cho dân. Cho nên tôi kiến nghị 2 vấn đề như vậy đề nghị Quốc hội xem xét kỹ

Các văn bản liên quan