Trích ý kiến của ĐBQH Lê Văn Thành – Tỉnh Hưng Yên

Thứ Năm 15:35 26-10-2006

Kính thưa Quốc hội!

Suốt buổi chiều nay chúng ta đã thảo luận về Luật Cư trú, một trong những điều mà chúng tôi rất phấn khởi là sự nhất trí rất cao. Tuy nhiên, mỗi đại biểu có tham gia một số ý kiến bổ sung theo ý kiến của mình. Ở đây tôi xin được đóng góp mấy ý như sau.

Ý thứ nhất, tôi nhất trí với giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về sự cần thiết phải ban hành Luật Cư trú với 2 yêu cầu: thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân trong cư trú, thứ hai là tạo cơ sở pháp lý để Nhà nước quản lý việc cư trú, góp phần quản lý xã hội, đảm bảo an ninh trật tự. Đây là 2 yêu cầu cùng toát lên yêu cầu là phải có vấn đề quản lý về cư trú.

Ý thứ hai, tôi nhất trí cao với việc bố trí trong Luật. Luật của chúng ta gồm 6 chương và 42 điều. Nhưng sau khi có ý kiến của đại biểu Nguyễn Đình Lộc đoàn thành phố Hồ Chí Minh thì tôi thấy ý bổ sung thêm một điều nữa là rất quan trọng.

Báo cáo với các đại biểu bản thân hộ khẩu đã được quản lý từ năm 1955 ở Hà Nội và sau năm 1975 ở thành phố Hồ Chí Minh, nó đã đóng góp to lớn vào việc đảm bảo an ninh, trật tự của đất nước. Có những lúc chúng ta nói là xây dựng thiên la, địa võng để đón quân thù vào và sẵn sàng bắt, tiêu diệt. Thế nhưng, sau đó vì hộ khẩu như vậy, nên nhiều ngành, nhiều lực lượng bám theo cái này và đề ra các tiêu chuẩn thì bắt đầu hộ khẩu nó làm cho như vị đại biểu ngồi cạnh tôi nói là "từ lo rồi đến sợ". Sợ hộ khẩu chính là cái đoạn bám theo cái này. Dùng hộ khẩu để điều tiết dân cư, dùng hộ khẩu kể cả để đóng tiền điện, tiền nước, vấn đề y tế, vấn đề các cháu vào mẫu giáo không có hộ khẩu cũng coi trái tuyến phải đóng thêm tiền, tất cả những cái này nó làm cho hộ khẩu bị biến dạng với mục đích đảm bảo an ninh trật tự của đất nước, vấn đề này báo cáo với các vị đại biểu là trong Nghị định 51 của Chính phủ về quản lý đăng ký hộ khẩu đã khẳng định một điều là đăng ký quản lý hộ khẩu để phục vụ cho mục đích đảm bảo an ninh trật tự, không có một điều kiện gì khác. Tuy nhiên, cái này cũng có một cái lợi, tức là căn cứ vào cái này,các ngành hoạch định chính sách của mình, nhưng làm sao không cản trở, không ảnh hưởng đến quyền hợp pháp của công dân.

Vì vậy, tôi tán thành ý kiến của đồng chí Nguyễn Đình Lộc là cần có một điều thêm nữa, tức là Điều 43 nhưng ta đưa vào một phần khác, trong đó nói rõ cấm lạm dụng việc đăng ký hộ khẩu làm ảnh hưởng đến quyền hợp pháp của công dân. Như thế, từ nay cái gì không hợp pháp thì không được dựa vào hộ khẩu nữa, luật của chúng ta nó sẽ tốt hơn.
Ý thứ ba, mô hình quản lý cư trú, báo cáo các đồng chí trong này Thường vụ Quốc hội cũng giải thích về vấn đề này rồi. Nhưng ở đây tôi muốn nói thêm thực chất mô hình quản lý cư trú theo hộ và khẩu này chính là quản lý cư trú theo gia đình và đất nước ta quản lý được an ninh trật tự như thế này có một phần đóng góp rất lớn của cơ chế quản lý, chúng ta quản lý theo hộ gia đình, quản lý theo tổ dân phố, theo phường, theo xã và gần đây còn triển khai theo cả dòng họ nữa. Chính những cái này nó giúp cho mỗi một người gắn bó với nhau, trách nhiệm với nhau và trên cơ sở đó khi có các vấn đề gì xảy ra cùng nhau giải quyết. Hoặc khi có người lạ đến chúng ta phát hiện được ngay, kể cả góp phần vào chống khủng bố cũng là trong vấn đề này.

Ở đây báo cáo các đồng chí, khi nghiên cứu về vấn đề quản lý mô hình này có một vấn đề chúng ta quan tâm đó là Chỉ thị 49 ngày 21 tháng 2 năm 2005 của Ban bí thư. Chỉ thị này nói về vị trí và vai trò của gia đình, ở đây xác định gia đình là tế bào của xã hội, là nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng để hình thành nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát triển truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Như thế tại sao chúng ta lại không quản lý theo mô hình gia đình, với ý nghĩa nó là một tế bào của xã hội, để từ đây mà giữ gìn bản sắc dân tộc Việt Nam, để từ đây mà gìn giữ phẩm chất của người Việt Nam. Tôi cho rằng nếu chúng ta làm như thế cũng đúng với các yêu cầu này. Để thực hiện việc này, ngành công an và Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam sau khi bàn nhau rất nhiều về vấn đề phòng ngừa tội phạm trong giai đoạn mới, đã đi đến với nhau là phải xây dựng một Nghị quyết 01 là phối hợp với nhau để tiến hành phòng ngừa tội phạm trong mỗi gia đình, ngay từ gia đình, phòng từ mầm sinh tội phạm, chúng ta cứ đuổi bắt mãi nhưng phải phòng từ những chỗ này.

Tôi cho rằng mô hình quản lý từ gia đình không phải chỉ để cho vấn đề hộ khẩu, mà cho nhiều vấn đề khác, nhất là trong điều kiện mở cửa hội nhập này càng phải quan tâm đến vấn đề này. Trong tài liệu đó cũng xác định nhiệm vụ xây dựng gia đình trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước là 1 trong những nhân tố quan trọng quyết định sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hôm nay chúng ta chưa bàn về Luật Bình đẳng giới, nhưng trong này cũng nói đến vấn đề gia đình có trách nhiệm với các thành viên của mình và xã hội, xây dựng gia đình bền vững. Đây chính là điều kiện để đi đến bình đẳng giới, như thế thì trong các quy định này cũng phù hợp và việc chúng ta xây dựng quản lý nhân, hộ khẩu theo gia đình. Đây là một trong những việc làm tôi cho rằng đúng, càng đúng hơn với giai đoạn hiện nay.

Ý thứ tư, trong này có Điều 39 quy định về cơ sở dự liệu giao cho Bộ Công an quản lý vấn đề này. Chúng tôi thấy rất nhất trí, bởi vì hiện nay Đảng, Nhà nước giao vấn đề quản lý về an ninh, trật tự bảo vệ tổ quốc cho ngành công an. Để đảm bảo được an ninh, trật tự thì điều đầu tiên phải quản lý được cư trú của công dân. Từ quản lý cư trú công dân này thì xây dựng cơ sở dữ liệu về công dân, như vậy ngành công an phải giúp Chính phủ và xây dựng một cơ sở dữ liệu về công dân Việt Nam, có xây dựng được cái này thì mai kia có ai chui vào mình thì mình mới phát hiện ra chứ, nếu không xây dựng cái này thì biết làm sao phân biệt được sự khác nhau giữa người này người khác. Ngoài những vấn đề này tôi được biết ngành công an còn đang phải xây dựng cơ sở dữ liệu về tội phạm, trung tâm thông tin về công dân. Trên cơ sở làm tốt việc này sẽ giúp cho việc bảo vệ an ninh của Tổ quốc, do đó việc này tôi thấy giao cho ngành công an là đúng rồi.

Còn ở đây có một số điều các đồng chí nêu thêm tôi thấy như thế này. ví dụ nhà ở hợp pháp, ở đây là "chỗ ở hợp pháp" chứ không phải là "nhà ở hợp pháp". Khi đồng chí Nguyễn Văn An còn điều hành, đã yêu cầu Bộ Công an phải giải trình việc này thì chúng tôi nói trong văn bản nói là "chỗ ở hợp pháp", nhưng đã bị một số nơi các đồng chí nói lái đi là "nhà ở hợp pháp", từ nhà ở mới thành ra là nhà ở hợp pháp, tức là nhà hợp pháp, nhà hợp pháp phải có sổ đỏ mới là hợp pháp, rất phức tạp. Người ta nói chỗ ở hợp pháp tức là nhà của mình đúng rồi, thứ hai là người ta cho mình thuê, thứ ba là người ta cho mình ở, chủ nhà cho ở là ở hợp pháp, còn người ta không cho ở cứ vào ở là ở không hợp pháp. Để muốn đăng ký thì phải đăng ký vào đâu? không lẽ lại đăng ký hộ khẩu địa chỉ là gầm cầu hay là chỗ nào? không được, phải có nhà mới được, đấy là điều tiên quyết để phải đăng ký. Khi đăng ký vào nhà người ta thì cũng phải được người ta đồng ý, thậm chí chủ hộ rồi, mà chủ hộ có khi bàn với những người trong nhà thống nhất mới ở. Có một đồng chí nói là "cứ đăng ký vào", nhưng báo cáo đồng chí là trong giải quyết thực tế, nhiều trường hợp anh sơ suất đăng ký vào rồi gây mâu thuẫn, rất phức tạp, khó xử lý. Trong thực tế có những trường hợp đến ở nhờ nhà người ta, lấy trộm hộ khẩu của người ta, giả danh một tờ gia đình đồng ý đến đăng ký hộ khẩu, như thế là không được. Chúng ta phải xác định đến việc đến ở là phải được chủ hộ đó đồng ý. Như ý kiến của đồng chí Bá Thanh có nêu, chúng tôi thấy Điều 21 này quy định khá rõ ràng, trong những trường hợp được đăng ký hộ khẩu có phân biệt ra như thế này trong Điều 21, có Điểm 3 nêu rất rõ "khi mà được điều động, tuyển dụng đến làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước" ta gọi tóm tắt lại là cán bộ viên chức Nhà nước thì đương nhiên đã được đăng ký hộ khẩu rồi, còn "hoặc theo chế độ hợp đồng, không xác định thời hạn và có chỗ ở hợp pháp" tức là ở đây nó chỉ khác một điều là ở những cơ quan Trung ương, những người đến đây thì vừa phải có nhà ở hợp pháp, chỗ ở hợp pháp nhưng đồng thời phải được cơ quan, tức là công ty họ xác nhận anh là hợp đồng dài hạn, để cho nó ổn định về công việc làm, nếu không vừa mới tuyển vào, chưa được xác định thì đã làm, như vậy thì nó mở rộng quá, nó gây ra ảnh hưởng chung cho các thành phố.

Các văn bản liên quan