Trích ý kiến của ĐBQH Lê Quốc Trung – Tỉnh Bình Thuận

Thứ Năm 15:19 26-10-2006
Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin phép phát biểu vào một số điều cụ thể, tôi cũng rất đồng tình với một số ý kiến của các vị đại biểu đã phát biểu trước tôi, trong đó có những điều tôi cũng sẽ đề cập tới đây.
Trước hết, liên quan đến vấn đề hộ khẩu, tôi xin không bàn lại chuyện có dùng hộ khẩu hay không hộ khẩu nữa, theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vì điều kiện nhất định hiện nay chúng ta vẫn phải tiếp tục dùng hộ khẩu, thôi thì cứ tạm thời cũng phải thừa nhận như vậy. Nhưng để đảm bảo cho chuyện sử dụng hộ khẩu cho thật hợp lý thì tôi cho rằng trong những quy định cụ thể của Dự thảo luật mà sau khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội thảo luận lần trước và đã có chỉnh sửa, tôi cho rằng cũng vẫn chưa đủ sức để hạn chế việc lạm dụng sổ hộ khẩu.

Trong Điều 9, Khoản 2 có quy định: Cấm lạm dụng quy định về hộ khẩu để làm hạn chế quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Tôi cho rằng quy định như thế này không chặt chẽ và không đủ. Thế nào là lạm dụng, không rõ, vì từ này không có một định lượng nào rõ ràng cả và người ta có thể hiểu như thế nào cũng được và vận dụng như thế nào cũng được. Ví dụ, bây giờ dùng hộ khẩu để tính luỹ tiến cho tiền điện, tính luỹ tiến cho tiền nước, thì có phải là lạm dụng hay không? Không biết có ai có thể trả lời được điều đó hay không? Cho nên tôi cho rằng những cái này phải có quy định rõ ràng, nếu thật chặt chẽ hơn nữa là cấm việc sử dụng hộ khẩu ngoài mục đích để quản lý cư trú nếu trong trường hợp chúng ta dám mạnh dạn chúng ta làm như thế, như thế việc sử dụng hộ khẩu là rất rõ ràng, đấy là điều thứ nhất.

Ý thứ hai, liên quan đến các Điều 20, 21, Điều 31 của dự thảo Luật. Trong các Điều 20, 21 và Điều 31, trong Bản giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có nói liên quan đến vấn đề trong trường hợp đăng ký hộ khẩu thường trú, kể cả tạm trú nữa, xin báo cáo với anh Khiển cả tạm trú chứ không chỉ có thường trú. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn hoặc ở nhờ của cá nhân phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản. Riêng cách diễn đạt này cũng có thể còn phải bàn thêm. Về quy định của điểm này, tôi cho rằng vẫn không hợp lý, mặc dù có giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Vì chúng ta quy định như thế này thì rất rõ là chúng ta giao cho người chủ nhà này quyền định đoạt việc cư trú của công dân khác, muốn nói gì thì nói, rõ ràng là như thế, không được phép của người ta thì anh không được cư trú. Trong khi đó tôi suy nghĩ rằng việc cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ hoàn toàn không liên quan gì việc kê khai để đăng ký thường trú. Trong Điều 22, Khoản 2, Điểm c đã có ghi: để xác định chỗ ở hợp pháp thì có tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp, tôi cho rằng ghi như thế là rất đầy đủ rồi. Vì theo quy định của Luật Nhà ở chúng ta vừa thông qua cách đây ít lâu, trong đó kể cả cho ở nhờ, cho mượn đều có hợp đồng, trong hợp đồng đó nó sẽ là văn bản để xác định xem người được ở nhờ, được cho thuê và được mượn có quyền được sử dụng cái đó đến đâu, như thế nào. Vì thế không cần quy định ở trên những điều như thế này, chúng ta quy định ở trên những điều rõ ràng như thế này không khác gì chúng ta giao quyền, định đoạt quyền cư trú của một công dân này cho một công dân khác. Ngay trong khoản đăng ký tạm trú cũng có yêu cầu như thế, chứ không phải chỉ có đăng ký thường trú. Tại Điều 31, Khoản 3 có ghi "phải được người cho thuê, cho mượn hoặc cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản" chỉ có tạm trú cũng phải được đồng ý bằng văn bản thì còn làm gì được nữa. Việc đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú không có nghĩa rằng đăng ký như thế là người được đăng ký cư trú ấy có quyền sở hữu hay có quyền định đoạt gì đến tài sản liên quan đến nhà ở của người ta cả. Cho nên, tôi thấy việc này hoàn toàn tách biệt nhau.

Tại Điều 21 có quy định một điều như sau, tôi muốn hỏi Ban soạn thảo một chút là điều kiện để đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương thì Khoản 1 ghi là "có chỗ ở hợp pháp và đã tạm trú liên tục tại thành phố đó từ 1 năm trở lên" thì các sinh viên của chúng ta đến các thành phố lớn mà tạm trú 4, 5 năm liền để học tập thì sau đó có nghiễm nhiên được thường trú hay không. Chúng ta quy định điều này vừa có vẻ chặt, vừa có vẻ sơ hở. Trong khi đó các khoản sau thì lại quy định rất chặt, phân biệt đối xử cả với người làm cho Nhà nước, hưởng lương của Nhà nước với người không hưởng lương của Nhà nước ở Khoản 3. Tôi nghĩ quy định như thế là không hợp lý. Cho nên, tôi đề nghị nên xem xét lại.

Ở Điều 23, tôi xin có một ý kiến liên quan đến Khoản 2 có ghi "cơ quan có thẩm quyền đăng ký thường trú có quyền xóa đăng ký thường trú". Đây là ý kiến của một đại biểu ngồi cạnh tôi cho rằng viết như thế này không chặt chẽ và không đúng, cần phải sửa lại câu văn, tức là "thẩm quyền để xóa đăng ký thường trú là cơ quan có thẩm quyền đăng ký thường trú, như thế nó hợp lý hơn.

Tại một ý kiến nữa ở Điều 32, tôi đồng ý với ý kiến lúc nãy một đại biểu đã phát biểu trước tôi: "Quy định lưu trú là công dân ở lại trong một thời gian nhất định". Tôi cho rằng việc đó nó không rõ, quy định như thế không rõ ràng. Trong khi chúng ta quy định như thế này: "Và không thuộc trường hợp phải đăng ký tạm trú", trong khi đó tại Điều 31, Khoản 2, chúng ta cũng lại ghi: "Đăng ký tạm trú là những đối tượng mà không thuộc trường hợp đăng ký thường trú". Tức là cứ cái nọ đẩy lên cái kia như thế và không có một xác định nào thật cụ thể cả. Cho nên tôi đề nghị cần phải sửa sang, hiệu chỉnh lại điều đó. Cuối cùng, Điều 38, cũng là ý kiến của một đồng chí đại biểu ngồi cạnh tôi gửi gắm, quy định tại điều này chưa thật đầy đủ, sau khi đã đăng ký sai cho người ta rồi thì xóa, sau khi đã xóa xong thì quyền của người ta được đăng ký cư trú trở lại như thế nào cũng cần phải ghi rõ vào đây. Chúng tôi đề nghị là có thể thêm một ý vào cuối của Điều 38 này. Thêm một đoạn đại khái như thế này: cơ quan có thẩm quyền tại nơi đăng ký thường trú trước đó có trách nhiệm đăng ký thường trú lại cho đối tượng đó, chứ không cuối cùng người ta sẽ bị bơ vơ và không có ai giải quyết tiếp cả. Tôi xin có một số ý kiến như vậy.

Các văn bản liên quan