Trích ý kiến của ĐBQH Lâm Văn Kỷ – Tỉnh Sóc Trăng

Thứ Năm 15:17 26-10-2006
Kính thưa Quốc hội.

Tôi xin phát biểu một số ý kiến đóng góp cho Luật Cư trú.

Luật Cư trú sau khi được nghe trình bày tiếp thu, chỉnh lý của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, để thông qua tại kỳ họp này, tôi xin đóng góp một số ý kiến. Sau khi nghe đóng góp của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 và Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đã có đóng góp. Lần này, thấy rằng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Ban soạn thảo có tiếp thu, nêu rất khá cụ thể và toàn diện sau khi các đại biểu đã đóng góp ý kiến. Ví dụ Điều 1, phạm vi điều chỉnh; Điều 2, đối tượng áp dụng; Điều 3, quyền tự do cư trú của công dân được bổ sung kỹ và tương đối đầy đủ, phù hợp với tình hình thực tế của đất nước chúng ta.
Tôi xin đi sâu một số vấn đề cụ thể mà tôi có suy nghĩ và quan tâm.

Thứ nhất là Chương III điều kiện đăng ký thường trú. Điều 20 nói về điều kiện đăng ký thường trú ở tại tỉnh, ở đây nêu nội dung cũng tương đối, nếu mình không suy nghĩ, không va chạm thực tế thì cho là rất dễ dàng cho công dân. Nhưng ở đây tôi nghĩ rằng vẫn còn chung chung, tôi xin đề xuất ở điểm này, tôi thấy cần nêu phạm vi Điều 20 này cho nó cụ thể thêm một bước nữa, nói rõ hơn công dân từ nông thôn về tạm trú, thường trú ở tại trung tâm huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh. Vì hiện nay dân về mua đất ở thị xã hoặc mua đất ở thành phố trực thuộc tỉnh hoặc nhập hộ khẩu cũng không phải dễ như mình suy nghĩ. Lý do trước đây cũng là do hộ khẩu mà thôi. Tôi đề nghị nêu rõ thêm là dân từ nông thôn về sinh sống, tức là tạm trú, thường trú ở quận lỵ và thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh có điều kiện là chỗ ở hợp pháp và các điều kiện nêu ở trong này, như trường hợp ở nhà cho thuê, mượn, ở nhờ, thì phải được người cho thuê, cho mượn, ở nhờ đồng ý bằng văn bản v.v... nhưng cần nêu cụ thể thêm, tôi cho là mới có điều kiện cho người dân ở nông thôn về sinh sống ở thành thị.

Ý thứ hai, Điều 21 nêu về mặt điều kiện thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương. Ở Khoản 1: có chỗ ở hợp pháp và đã tạm trú liên tục từ 1 năm trở lên hoặc trường hợp ở hợp pháp là do thuê, mượn, ở nhờ thì phải được người thuê, mượn, ở nhờ đồng ý bằng văn bản. Ở đây, tôi có suy nghĩ, nó gắn với giải trình của Ban Thường vụ Quốc hội ở một điểm về điều kiện cơ sở hạ tầng có còn nhiều khó khăn, người dân đổ xô về sinh sống ở thành phố quá đông, cái đó không có điều kiện, cái đó mới nêu ở Điều 21 này thì có phần hạn chế cho người đến để sinh sống, sản xuất, kinh doanh ở tại thành phố trực thuộc Trung ương.
Ở đây tôi xin có một ý là cần nêu rõ Điều 21, điều kiện của nó tương đối chặt chẽ rồi, nhưng tôi thấy có một ý là về mặt quyền cư trú của người công dân, để sinh sống, cư trú, lao động, sản xuất, kinh doanh làm giàu cho đất nước, làm giàu cho thành phố, tôi nghĩ Khoản 1, Điều 21 cần phải nêu rõ thêm "tạo điều kiện thuận lợi cho người công dân được đến đây cư trú". Bởi vì tôi thấy người công dân đến đây cư trú đều là người có điều kiện, người đó phải khá giả, biết làm ăn, biết sản xuất kinh doanh thì người ta mới trở về thành phố để xin đăng ký mua đất, mua nhà để nhập hộ khẩu tạm trú, thường trú đi đến sản xuất, kinh doanh tại đây. Hoặc một tầng lớp nữa là tầng lớp trí thức, có tay nghề, có việc làm họ mới tới đây sinh sống, họ tạm trú, có điều kiện họ sẽ thường trú. Do đó tôi thấy rằng điểm này cần nêu rõ thêm để tránh suy nghĩ, hiểu không đúng trong quá trình thực hiện luật của chúng ta.

Tôi xin nói điểm này, ở đây nếu không nêu rõ điểm này thì tôi nghĩ rằng nó chỉ có một chuyện nhỏ thôi, trước đây chỉ có đất ở rồi phải có nhà ở, nhà ở phải có đất ở, ngoài nhà ở, đất ở phải có hộ khẩu, có qua có lại thì có khi người công dân hàng 5-10 năm chưa nhập được hộ khẩu vào Thành phố Hồ Chí Minh, gọi là tạm trú hoặc tạm vắng mà thôi, ở thành phố lớn tôi cho là như vậy. Do đó để tạo điều kiện cho những người dân tạm trú ở thành phố được, tránh ai đó có thể nói về điều kiện khó khăn về mặt cơ sở hạ tầng, dân về sống đông đúc lại nêu điều kiện. Đây tôi cho là chỗ hở của pháp luật về cư trú để cho ai đó có thể sách nhiễu nhân dân sau này ở trong thực hiện Luật cư trú của chúng ta. Nghĩ rằng đây là một thực tế cho thấy trước đây vấn đề xảy ra, cũng điểm hộ khẩu với đất ở, nhà ở, dẫn tới người dân nghe nói hộ khẩu thì Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách nói rất rõ về điểm này, người ta rất sợ về hộ khẩu. Bây giờ tôi nói về hộ khẩu và chỗ ở hợp pháp nữa, nếu có phần nói về cơ sở hạ tầng không bảo đảm thì người công dân khó mà được thường trú, tạm trú tại đây, khó nhập được hộ khẩu, nó cũng là một vấn đề khó cho dân trong vấn đề cư trú, trong điều chỉnh phần này tôi đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cần xem xét, cân nhắc thêm và nêu rõ thêm phần mà người công dân được đăng ký thường trú, tạm trú ở thành phố trực thuộc Trung ương.

Thứ ba, tôi thấy Điều 32 về lưu trú và thông báo lưu trú, ở điểm này có một ý tôi chưa thấy rõ ở Khoản 2: "Gia đình, nhà ở tập thể, cơ sở chữa bệnh, khách sạn nhà nghỉ, cơ sở khác khi người đủ từ 14 tuổi trở lên đến lưu trú có trách nhiệm thông báo v.v...". Ở điểm này tôi chỉ nói sâu về 4 chữ thôi, chữ "cơ sở chữa bệnh". Cơ sở chữa bệnh này nếu mà nói phải thông báo lưu trú cho cơ quan mà công an xã, phường, thị trấn thì không biết cơ sở chữa bệnh này có nằm ở bệnh viện hay không? Nếu trạm xá, bệnh viện thông báo lưu trú này thì không biết làm sao mà thực hiện được. Thí dụ người ta bệnh, người ta đến bệnh viện nằm bệnh nhưng 3, 4 người cùng đi theo lại thay phiên nhau thường trực để chăm sóc sức khỏe cho người bệnh đó. Không biết y tế có làm nổi chuyện này không? Do đó, tôi đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc thêm ý này, tôi nghĩ không biết cơ sở chữa bệnh này có mang hàm ý bệnh viện hay không? Tôi nghĩ điểm này phải cân nhắc kỹ để làm sao cho nó có điều kiện để thực hiện thật tốt.

Các văn bản liên quan