Trích ý kiến của ĐBQH H’ Luộc NTơr – Tỉnh Đăk Lăk

Thứ Năm 15:14 26-10-2006
Kính thưa Quốc hội!

Qua nhiều ý kiến của các vị đại biểu đã phát biểu trước tôi, tôi cơ bản nhất trí cao với Dự thảo Luật Cư trú mà Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, giải trình. Tôi xin tham gia một số ý kiến.

Thứ nhất, mô hình quản lý cư trú, theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vẫn tiếp tục giữ mô hình quản lý bằng hộ khẩu, để phù hợp với tình hình chung trong cả nước ở thời điểm hiện nay. Khi tổ chức lấy ý kiến đóng góp dự án Luật Cư trú ở tỉnh tôi, tôi thấy không ít ý kiến cử tri đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu bỏ hình thức quản lý bằng sổ hộ khẩu, thay vào đó bằng hình thức quản lý thẻ cư trú.

Hiện nay, ngành công an đã có đề án thực hiện cấp và quản lý chung chứng minh nhân dân điện tử đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Do đó, đề nghị tích hợp các nội dung dữ liệu về vấn đề cư trú của công dân vào quản lý chung cùng với chứng minh nhân dân điện tử, tránh việc đi lại của công dân nhiều lần, tránh tốn kém, lãng phí ngân sách Nhà nước trong việc giải quyết cư trú của công dân. Nếu duy trì quản lý cư trú bằng sổ hộ khẩu gia đình và cá nhân như trong dự thảo của dự án luật đã được trình Quốc hội lần này, Ban soạn thảo cần bổ sung một số điều quy định rõ mục đích của sổ hộ khẩu và phạm vi sử dụng sổ hộ khẩu, quy định rõ mục đích để làm gì? Được sử dụng trong những trường hợp cụ thể nào? Được sử dụng trong những trường hợp cụ thể nào, nhằm mục đích tránh lạm dụng sổ hộ khẩu mà gây phiền hà cho người dân khi có nhu cầu giải quyết các thủ tục hành chính trong rất nhiều lĩnh vực như trong thực tế vẫn diễn ra và đã xảy ra. Đồng thời cần có các quy định thực sự bảo đảm thuận lợi, dễ dàng, nhanh chóng trong việc thực hiện các thủ tục về đăng ký hộ khẩu và chuyển hộ khẩu cho người dân khi có nhu cầu.

Về các nội dung cụ thể trong dự án luật, tôi xin tham gia một số điều khoản sau đây:
Về phạm vi điều chỉnh đối tượng áp dụng quyền tự do cư trú của công dân ở Điều 1, Điều 2, Điều 3. Theo Điều 1 và Điều 2 của Dự thảo thì luật này chỉ áp dụng để điều chỉnh đối với cơ quan, tổ chức, hộ gia đình công dân Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam.

Điều 3, quy định đối với công dân Việt Nam tự do cư trú trên lãnh thổ Việt Nam theo Hiến pháp và pháp luật. Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay và đặc biệt là trong xu thế hội nhập quốc tế thì việc người nước ngoài làm ăn, thực hiện dự án, đi thăm quan, du lịch và cư trú trên lãnh thổ Việt Nam ở nước ta hiện nay chúng ta vẫn thấy rất phổ biến, do đó cần có cơ chế điều chỉnh đối với việc cư trú của người nước ngoài trên lãnh thổ nước ta, cần quy định bổ sung vào đối tượng, phạm vi điều chỉnh ngay trong Luật cư trú này, để việc thực hiện được thống nhất và có pháp lý cao và tránh được tâm lý phân biệt đối xử giữa công dân trong nước với người nước ngoài do phải điều chỉnh ở các văn bản khác.

Hai, về vấn đề sổ hộ khẩu cho hộ gia đình ở Điều 26 và hộ khẩu cấp cho cá nhân ở Điều 27. Tôi nghĩ rằng sổ hộ khẩu cấp cho gia đình hay cấp cho cá nhân cũng chỉ là một loại sổ hộ khẩu, chỉ khác nhau một bên là trong sổ hộ khẩu đó chỉ có 1 người hay nhiều người, đề nghị Ban soạn thảo nên nghiên cứu quy định thành điều kiện chung để cấp sổ hộ khẩu có đủ các điều kiện, để được đăng ký sổ hộ khẩu thường trú thuận lợi nhất cho công dân, để con em họ được học tập và bản thân họ làm tốt nghĩa vụ công dân ở nơi cư trú mới. Ba, về đăng ký tạm trú ở Điều 31, Khoản 4 có ghi: Trưởng công an xã, phường, thị trấn trong thời gian 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ quy định tại Khoản 3 điều này phải cấp sổ tạm trú. Theo mẫu quy định của Bộ Công an tôi xin bổ sung tiếp là "trách nhiệm của nơi đăng ký mới phải thông báo cho nơi đăng ký cũ biết để thực hiện việc xóa tạm trú". Vì trong thực tế nhiều người đăng ký tạm trú sau đó chuyển đi nơi khác không báo cho cơ quan đang đăng ký tạm trú, tạm vắng.

Các văn bản liên quan